zaterdag 4 juni 2016

Lần đầu tiên Quốc Hội Đài Loan kỷ niệm vụ tàn sát Thiên An Môn 1989 tại Bắc Kinh


Lần đầu tiên Quốc Hội Đài Loan kỷ niệm Thiên An Môn


mediaCựu sinh viên Ngô Nhĩ Khai Hy (Wu Er Kai Xi, giữa) dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân Thiên An Môn tại Quốc Hội Đài Loan, ngày 03/04/2016.REUTERS/Tyrone Siu
Quốc Hội Đài Loan ngày 03/06/2016 lần đầu tiên tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 tại Bắc Kinh. Các dân biểu kêu gọi tân chính phủ nêu ra vấn đề nhân quyền với Trung Quốc.
Quan hệ Trung-Đài trở nên lạnh giá từ sau chiến thắng hồi tháng Giêng của tân tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) và đảng Dân Tiến của bà vốn có quan điểm độc lập. Bà Thái Anh Văn kế nhiệm ông Mã Anh Cửu (Ma Ying Jeou) của Quốc Dân Đảng, người mà trong suốt tám năm cầm quyền đã xích lại rất gần với Bắc Kinh.
Chính quyền Đài Loan đã kêu gọi Trung Quốc rút ra các bài học từ vụ Thiên An Môn, nhưng đây là lần đầu tiên Quốc Hội kỷ niệm sự kiện này.
Tổ chức một hôm trước ngày kỷ niệm chính thức 04 tháng Sáu, các dân biểu đảng Dân Tiến cùng với các thành viên Quốc Dân Đảng và một cựu lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn đang sống lưu vong là Ngô Nhĩ Khai Hy (Wu Er Kai Xi), đã dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân.
Họ cũng ký tên vào bản kiến nghị do đại biểu Vưu Mỹ Nữ (Yu Mei Nu) của đảng Dân Tiến soạn thảo, đòi hỏi chính phủ « bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của Đài Loan về việc xem xét lại sự kiện Thiên An Môn vào một thời điểm thích hợp ». Bà Vưu nói : « Đài Loan và Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ, nên việc xâm phạm nhân quyền của các công dân Trung Quốc cũng có thể đe dọa đến vấn đề nhân quyền ở Đài Loan ».
Đối với ông Trần Học Thánh (Chen Shei Saint) thuộc Quốc Dân Đảng, việc dân chủ hóa Trung Quốc sẽ là « bảo đảm lớn nhất cho an ninh của Đài Loan ».
Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, sẵn sàng thu hồi bằng vũ lực, dù Đài Bắc là một chính thể độc lập từ năm 1949, khi Quốc Dân Đảng bị quân cộng sản đánh bại phải chạy sang hòn đảo này.
Trong đêm ngày 03 rạng sáng 04 tháng Sáu năm 1989, sau bảy tuần lễ biểu tình đòi cải cách dân chủ, « Mùa Xuân Bắc Kinh » đã bị dập tắt bởi binh lính và chiến xa được chế độ điều đến, nổ súng vào đám đông hầu hết là sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn. Cho đến nay, không hề có số liệu chính thức, nhưng các nguồn độc lập ước tín hàng trăm, thậm chí trên một ngàn người đã bị giết hại trong đêm đẫm máu ấy, và sự kiện này vẫn còn là cấm kỵ tại Trung Quốc.
Đảng cầm quyền Đài Loan bị tin tặc Trung Quốc tấn công
Các tin tặc Trung Quốc rất có thể là thủ phạm đã tấn công vào trang web của đảng Dân Tiến vừa lên cầm quyền tại Đài Loan, theo thông báo hôm 02/06/2016 của một công ty an ninh mạng Hoa Kỳ.
Hồi tháng Tư, trang web của đảng Dân Tiến cũng đã từng là nạn nhân của tin tặc, khi truy cập vào đều bị hướng sang một trang giả mạo. Theo FireEye, công ty an ninh mạng có trụ sở tại Mỹ, chiến thuật này thường xuyên được tin tặc Trung Quốc sử dụng. Vụ tấn công mới này « có thể nằm trong các nỗ lực liên tục của gián điệp tin học ở Hoa lục để thu thập các thông tin liên quan đến đảng Dân Tiến ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160603-lan-dau-tien-quoc-hoi-dai-loan-ky-niem-thien-an-mon


Thiên An Môn, đêm dài đẫm máu vẫn ám ảnh người cựu sinh viên


mediaCựu lãnh tụ sinh viên Ngô Nhĩ Khai Hy (Wuer Kaixi) tiếp tục đấu tranh đòi dân chủ (DR)
Một phần tư thế kỷ đã trôi đi sau khi quân đội Trung Quốc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, cựu lãnh tụ sinh viên Ngô Nhĩ Khai Hy (Wuer Kaixi) đêm đêm vẫn giật mình thức giấc, bị ám ảnh bởi kỷ niệm về các bạn học bị sát hại.
Vào mùa xuân năm 1989, trên quảng trường rộng mênh mông ở trung tâm Bắc Kinh, địa điểm biểu tượng cho quyền lực Trung Quốc, các sinh viên đòi dân chủ và tự do đã được đại đa số người dân ủng hộ, trong một không khí hồ hởi lan truyền trên toàn quốc.
Nhưng sau bảy tuần lễ chiếm giữ quảng trường, sinh viên biểu tình đã bị quân đội truy sát đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng Sáu, một vụ đàn áp đẫm máu làm cho hàng trăm cho đến hơn một ngàn người chết, theo nhiều nguồn khác nhau.
Ngô Nhĩ Khai Hy, người nổi tiếng nhất trong số các lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn, lúc đó mới 21 tuổi, hiện đang tị nạn ở Đài Loan, sau khi trở thành nhân vật thứ hai trong danh sách những người bị truy nã tại Trung Quốc. Anh kể lại với hãng tin Pháp AFP: « Vào thời đó, dường như hoàn toàn có khả năng chính quyền sẽ lùi bước, đáp ứng lời kêu gọi cải cách chính trị của chúng tôi. Tôi nghĩ là khi mới bị đàn áp, tất cả mọi người đều cảm thấy bị sốc, và tôi là người đầu tiên ».
Được nuôi dưỡng bằng nỗi bất bình chồng chất trong một thập kỷ kinh tế xáo trộn, phong trào phản kháng của sinh viên đã lan rộng khi lễ tang của cựu Tổng bí thư Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) qua đời hôm 15/4, trở thành một cuộc biểu dương lực lượng, vinh danh nhà lãnh đạo chủ trương cải cách chính trị, bị Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) cách chức sau làn sóng biểu tình sinh viên đầu tiên.
Sinh viên chọn quảng trường Thiên An Môn làm nơi tập họp. Hàng ngàn thanh niên bắt đầu tuyệt thực. Đối diện với bức chân dung Mao Trạch Đông, họ dựng lên một bức tượng « Nữ thần Dân chủ », theo mô hình tượng Nữ thần Tự do của Mỹ.
Ngô Nhĩ Khai Hy trở nên nổi tiếng từ một cuộc tranh luận với Thủ tướng Lý Bằng (Li Peng), được trực tiếp truyền hình. Anh sinh viên không ngần ngại cắt lời và chất vấn ngược lại người lãnh đạo có chủ trương cứng rắn.
Anh nhớ lại : « Chúng tôi duy trì áp lực và hy vọng chế độ sẽ có sự chọn lựa tích cực. Họ có thể mở ra đối thoại và như vậy chắc chắn sẽ có thể tiếp tục đóng một vai trò quyết định trong sự tiến triển về chính trị của Trung Quốc. Nhưng thay vì thế, chính quyền đã có chọn lựa khác : đàn áp bằng quân đội ».
Ngày 15/5, chuyến viếng thăm của Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbatchev, được báo chí quốc tế theo dõi chặt chẽ, bị nhòa nhạt đi bởi sự kiện đông đảo người dân Bắc Kinh nô nức xuống đường chào mừng nhà cải cách Nga.
Bị chia rẽ sâu sắc, ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc nghiêng sang phía « cứng rắn » do Đặng Tiểu Bình cầm đầu, chủ trương tuyên bố thiết quân luật để đàn áp những người bị phe này cho là « nổi dậy phản cách mạng ».
Lãnh tụ ôn hòa, Tổng bí thư Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) xuất hiện lần cuối tại quảng trường Thiên An Môn hôm 19/5. Mắt nhòa lệ, ông nài nỉ những người biểu tình trở về nhà. Bị cách chức sau đó, ông bị quản thúc cho đến tận khi qua đời vào năm 2005.
Được tuyên bố vào ngày 20/5, lệnh thiết quân luật vấp phải sự kháng cự đồng loạt nhưng ôn hòa của người dân. Cho đến khi Giải phóng quân Trung Quốc, huy động đến hàng chục ngàn lính với hàng trăm chiến xa, bắn thẳng vào đám đông ở hiện trường đêm 3 rạng 4 tháng Sáu.
Ngô Nhĩ Khai Hy kể : « Những viên đạn rít lên ngay trên đầu bạn, đó là điều mà người ta chưa hề biết được qua những cuốn phim hay trong văn chương. Cho đến ngày mà nó trở thành sự thật ».
Chính quyền truy lùng các lãnh tụ của phong trào, nhiều người bị bắt giam, cho dù có một mạng lưới ở Hồng Kông giúp cho các sinh viên chạy trốn khỏi đất nước. Khai Hy nhớ lại : « Ở khắp nơi, những người Hoa ủng hộ chúng tôi và giúp cho tôi trốn thoát. Tôi đã thành công trong việc vượt qua biên giới phía nam ».
Sau cơn phẫn nộ của cả thế giới, quốc tế đưa ra các biện pháp trừng phạt chế độ Bắc Kinh. Nhưng trước sự cất cánh kinh tế ngạo nghễ – Trung Quốc nay là cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới – nhiều Nhà nước ngày nay ít muốn đề cập đến vấn đề nhân quyền.
Vào thời gian đầu khi mới đi tị nạn, Khai Hy « buồn rầu, trầm cảm », nhưng sau đó « cần phải đối đầu ». Có tài hùng biện và năng động, xuất thân từ một gia đình trí thức Duy Ngô Nhĩ, anh lập nghiệp trong ngành tài chính và trở thành nhà bình luận chính trị. Nhưng Khai Hy cho biết vẫn bị « ám ảnh » với ký ức Thiên An Môn. Anh chưa bao giờ có thể trở lại Trung Quốc đã thăm cha mẹ nay đã già yếu.
« Thật là đáng buồn ! Buồn cho tôi, cho gia đình tôi, nhưng cũng cho cả Trung Quốc. Tôi không thể sống lưu vong một cách yên ổn, tôi không chấp nhận việc bị áp bức bởi một trong những chế độ độc tài mạnh mẽ nhất thế giới ».
Nhưng ban đêm, kỷ niệm về những người bạn học bị giết hại tàn nhẫn vẫn thường ngăn cản anh chìm vào giấc ngủ. Khai Hy giải thích : « Tôi không thể sống an nhàn vì đã sống sót sau vụ thảm sát ấy ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140531-thien-an-mon-dem-dai-dam-mau-van-am-anh-nguoi-cuu-sinh-vien

Thiên An Môn, nỗi ám ảnh khôn nguôi

Thiên An Môn, nỗi ám ảnh khôn nguôi
 
Biểu tình trước tháp Eiffel, Paris kỷ niệm 25 năm Thiên An Môn, 04/06/2014.Capdevielle

    Chiều ngày 4 tháng Sáu năm 2014, đúng hai mươi lăm năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, một cuộc biểu tình đã diễn ra ở quảng trường Trocadéro trước tháp Eiffel để kỷ niệm sự kiện phong trào dân chủ bị chính quyền Trung Quốc dập tắt bằng cách cho quân đội nổ súng vào sinh viên, thậm chí cho chiến xa cán lên xác những người thanh niên vô tội. Sự kiện bị thảm này đã gây chấn động cả thế giới.

    Hai mươi lăm năm đã trôi qua, biết bao vật đổi sao dời, nhưng những người đã từng chứng kiến hoặc đã nghe thấy không bao giờ muốn trang sử đen tối này bị quên lãng.
    Cuộc biểu tình do nhiều hiệp hội tổ chức, trong đó có đảng Dân Chủ Trung Hoa, và các hiệp hội của người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ và Việt Nam nên bên cạnh các biểu ngữ, có cả những lá cờ Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
    Một nhà sư Tây Tạng trong bộ áo cà sa màu nâu đỏ, trong làn mưa lất phất, cố gắng giữ chặt lá cờ trước những ngọn gió đang thổi lồng lộng. Ông cho biết tên là Yeshi Wangchen, vừa từ Tây Ban Nha đến :
    Sáng nay tôi bay từ Barcelona đến Paris, vì hôm nay là một ngày đặc biệt đối với người Trung Quốc, Mông Cổ, người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng. Ngày 4 tháng Sáu năm 1989 trên quảng trường Thiên An Môn, rất nhiều sinh viên đòi dân chủ tự do đã bị quân đội Trung Quốc nghiền nát. Đó là lý do khiến chúng tôi có mặt ở đây hôm nay. Thế giới phải thay đổi, tự do và dân chủ là hết sức quan trọng.
    Chính quyền Trung Quốc không muốn biết đến thực tế này. Họ có rất nhiều quyền lực, họ kiểm soát tất cả thông tin nên những người dân Trung Quốc bình thường không dễ gì hiểu được, không biết được những vấn đề của Tây Tạng. Bản thân người dân Hoa lục cũng không có được tự do và dân chủ trên đất nước mình. Nay chính quyền Bắc Kinh phải thay đổi chính sách, phải mở cửa nhiều hơn với thế giới, để người dân được hưởng một nền dân chủ và có được các quyền tự do.
    Không chỉ có người Tây Tạng, mà đại diện một dân tộc đang bị chế độ Bắc Kinh đàn áp khác là những người Duy Ngô Nhĩ đang sống tại Pháp cũng có mặt để kỷ niệm sự kiện này :
    Tôi là người Duy Ngô Nhĩ. Chúng tôi, hiệp hội những người Duy Ngô Nhĩ tại Pháp tập hợp lại đây để tưởng niệm ngày 4 tháng Sáu năm 1989 tại Thiên An Môn. Tại Trung Quốc hiện nay, tình hình Tân Cương thật khủng khiếp. Chúng tôi có nguy cơ bị đồng hóa : mất đi tôn giáo, mất đi văn hóa, truyền thống.
    Một trong số những người Việt tham dự cho biết:
    Tôi là Định, hôm nay tôi tới đây để ủng hộ cho những người Trung Hoa dân chủ, đòi tự do dân chủ cho xứ của họ nhân dịp kỷ niệm ngày tàn sát Thiên An Môn vào ngày 4 tháng Sáu năm 1989. Chính ra đây là hoạt động của Hội những người Trung Hoa Dân chủ, nhưng hội này thường làm việc chung với các hội người Tây Tạng, Việt Nam, Duy Ngô Nhĩ (ở Tân Cương), trong danh xưng Hiệp hội các quốc gia Á châu tranh đấu cho nhân quyền.
    Vụ thảm sát Thiên An Môn gây xúc động cho những người Pháp yêu hòa bình. Một người phụ nữ không muốn nói tên, có mặt tại quảng trường Trocadéro hôm ấy thổ lộ :
    Tôi đến đây biểu tình để bày tỏ tình hữu nghị với tất cả các dân tộc đang chịu đau khổ vì chế độ cộng sản Trung Quốc ở châu Á. Bởi vì Trung Quốc chủ trương bành trướng, có thể nói như vậy. Có nhiều ví dụ chẳng hạn ở châu Phi, người dân địa phương đã bắt đầu thấy Trung Quốc quá lố. Tôi đến với các bạn người Trung Quốc, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ…tất cả những con người đang cần được ủng hộ, cần có chúng ta ở bên họ.
    Vì sao cần kỷ niệm Thiên An Môn? Điều này là quan trọng vì dân tộc Trung Quốc đã không được lắng nghe, ngược lại nhiều người đã bị thảm sát, và đến nay họ cũng vẫn chưa được lắng nghe. Đó là một trong những sự kiện bi thảm của nhân loại, và những vụ như thế cần phải được chấm dứt, vì như thế đã quá đủ.
    Mưa gió không cản bước được một người phụ nữ lớn tuổi, đã 25 năm qua, năm nào cũng đi biểu tình ủng hộ một dân tộc bị áp bức là Tây Tạng. Bà cho rằng không những chính quyền Bắc Kinh không muốn hiểu khát vọng dân chủ của những người sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn năm ấy, mà từ đó đến nay vẫn tiếp tục trấn áp những người đòi cải cách chính trị:
    Tôi tên là Françoise Giler, là người Pháp gốc nhưng tôi biểu tình ủng hộ tất cả các đất nước bị chiếm đóng, bị thống trị. Tôi đã bắt đầu với Tây Tạng. Phát hiện đất nước này qua một cuốn sách, tôi dần dần tìm hiểu thêm và cảm thấy rất đáng buồn. Tôi tự hỏi tại sao, và ngày mà tôi hiểu ra được vấn đề, tôi bắt đầu đi biểu tình. Mỗi lần có cuộc xuống đường nào cho Tây Tạng, tôi đều có mặt. Đó là điều bình thường.
    Tôi cho rằng cần phải có hành động nào đó. Không thể nào để cho người dân phải chết, bị giết hại hay phải tự thiêu như ở Tây Tạng, quá là bi thảm. Thế nên tôi cố gắng làm được tối đa những gì có thể làm được.
    Phong trào đòi dân chủ ở Thiên An Môn, đã từng là một niềm hy vọng mênh mông. Chính quyền Trung Quốc có lẽ đã hiểu được đôi điều, nhưng rốt cuộc họ đã chẳng chịu hiểu. Không những không muốn hiểu, mà từ đó đến nay đã 25 năm qua họ lại tiếp tục bắt bớ, tống giam, đày ải những người bất đồng chính kiến.
    Có lẽ đến một ngày nào đó họ sẽ hiểu ra khi có một cuộc nổi dậy vĩ đại tại Trung Quốc. Hiện giờ cũng đã có nhiều cuộc biểu tình ở Trung Quốc. Tôi có một người bạn từng là Hồng vệ binh, bà ấy nói với tôi con đường mà chế độ đang đi là không thể chấp nhận được. Bà vô cùng thất vọng trước nạn tham nhũng và nhiều tệ nạn khác, và bắt đầu xuống đường chống chế độ.
    Những lời kinh cầu của nhà sư Tây Tạng được dành cho những nạn nhân vụ thảm sát. Người điều hành chương trình tưởng niệm là anh Vương Long Mông (Wang Longmon). Người đàn ông trung niên có khuôn mặt hiền lành đầy biểu cảm, lúc nói những lời giới thiệu, anh đã bật khóc. Đó là một cựu lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn. Mãi sau khi chương trình kỷ niệm đã kết thúc, anh mới có thì giờ tâm sự :
    Lúc đó tôi 23 tuổi, là sinh viên kịch nghệ. Tôi phải đi đến Thiên An Môn cùng các bạn, đó là ước muốn và trách nhiệm của tôi. Quê tôi ở xa lắm. Tôi muốn rằng Trung Quốc phải thay đổi. Nhưng làm thế nào thay đổi ? Tất nhiên là phải thành lập nên các phong trào, phải tham gia để có được sự đổi thay. Đó là lý do vì sao tôi có mặt ở quảng trường.
    Trong lịch sử Trung Quốc, đây là lần đầu tiên người dân bị chính nhà cầm quyền của mình thảm sát. Ngay cả người Nhật lúc chiếm đóng Bắc Kinh trước đây, họ cũng không sát hại chúng tôi như thế ! Chỉ có quân đội đỏ mới giết dân mình.
    Tôi có mặt ở quảng trường Thiên An Môn cũng như rất nhiều sinh viên khác, và nhiều người dân Bắc Kinh cũng ủng hộ, trong suốt một thời gian khá dài - khoảng năm chục ngày trời. Chúng tôi mang đến nhiệt tình của mình, mang đến khát vọng thay đổi Trung Quốc.
    Nhưng cuộc thảm sát đã diễn ra trong đêm. Thật là khủng khiếp. Tôi nhớ lại, cứ y như là chiến tranh. Lệnh thiết quân luật được ban hành, giọng của người xướng ngôn viên truyền hình nghiêm khắc, đầy đe dọa. Chúng tôi sợ hãi, nhưng cố gắng cầm cự đến ngày 3 tháng Sáu.
    Vào thời điểm đó quảng trường Thiên An Môn đã thưa người hơn. Ai nấy đều mệt mỏi. Có những người đã cảm thấy nguy hiểm, nhưng sinh viên chúng tôi thì không, vì chúng tôi còn trẻ quá. Sinh viên chẳng lo ngại nhiều về tương lai. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến những tràng đạn, những chiếc xe tăng, những khẩu súng AK 47 đang chờ đợi mình. Chưa bao giờ nghĩ đến !
    Tối hôm đó, tình hình đã hết sức căng thẳng. Có những sinh viên không muốn rời quảng trường. Chúng tôi quyết định ở lại, vì không tin rằng họ có thể giết chúng tôi. Không thể nào có chuyện đó được ! Chúng tôi có sáu ngàn người, rồi bốn ngàn... và vẫn còn nhiều sinh viên trụ lại Thiên An Môn.
    Nhưng đến khuya, bỗng dưng ánh sáng tắt lịm. Quảng trường chìm vào bóng tối. Các loa phóng thanh oang oang : « Các vị phải rời quảng trường, nếu không chúng tôi sẽ quét sạch ». Họ nhấn mạnh là sẽ san bằng thành bình địa, nếu chống lại sẽ mất mạng.
    Ông Lưu Hiểu Ba và những người bạn đã đến nơi để bảo vệ sinh viên. Các nhà trí thức đã thương lượng với người chỉ huy quân sự ở quảng trường Thiên An Môn. Họ nói, bốn đến sáu ngàn sinh viên trên quảng trường là những tinh hoa của dân tộc Trung Hoa, là tương lai của Trung Quốc, không được sát hại những người trẻ này.
    Viên chỉ huy quân đội nói, các vị chỉ có mỗi một chọn lựa, đó là rời khỏi quảng trường. Lưu Hiểu Ba thương thuyết với họ, sau đó bàn bạc với sinh viên. Cuối cùng chúng tôi chấp nhận. Ông Lưu Hiểu Ba nói, hãy giữ lại mạng sống của các bạn cho một ngày mai. Nếu hôm nay các bạn chết trên quảng trường này thì sẽ vô ích, không còn tương lai nữa.
    Anh Vương kể tiếp câu chuyện trên quảng trường Thiên An Môn, cũng như quá trình đào thoát sau đó :
    Thế nên chúng tôi đã quyết định rời quảng trường. Họ đã chừa một lối ra ở hướng nam. Chúng tôi nắm chặt tay nhau, cùng hát bài Quốc tế ca. Chúng tôi đi như vậy suốt bốn tiếng đồng hồ. Hãy tưởng tượng, sáu ngàn con người, đông lắm chứ, đi vào lúc tờ mờ sáng.
    Khi băng qua các con đường, chúng tôi nghe tiếng súng bùng nổ khắp nơi, y như pháo giao thừa. Đó là vì quân đội đang tiến đến, cùng với các chiến xa. Vụ thảm sát bắt đầu.
    Cái chết ập đến từ mọi nơi, trên tất cả các con đường quanh Thiên An Môn. Họ cán lên các thân người, họ bắn chết người dân trên các con đường nhỏ của Bắc Kinh. Quá trình bắn giết kéo dài suốt hai ngày trời. Từ sáng sớm ngày 4 tháng Sáu cho đến ngày 5. Thậm chí ngay trong ngày, khi có ai đó nói lời gì chống đối chế độ, thế là « bùm, chíu », họ bắn chết ngay. Tôi trông thấy những xác chết. Tôi thấy những xe tăng, xe vận tải bị đốt cháy, ngọn lửa kéo dài rất lâu.
    Tôi có hai bạn học cùng lớp bị bắn chết. Và một người phụ nữ đã tự tử bên cạnh xác con. Bà mẹ đã về hưu, lên Bắc Kinh thăm con gái, nhưng cuối cùng chỉ trông thấy thi thể của con. Một người bạn học khác cũng tự tử trong nhà tắm, anh ấy không còn chịu đựng được nổi nữa.
    Khi tôi ra khỏi được quảng trường, hai ngày sau đó tôi lên xe lửa đi về miền nam, nơi ấy an toàn hơn đôi chút. Có những chính khách từ Đài Loan đã đến tận Bắc Kinh, tìm cách giúp đỡ chúng tôi. Có người dành đến ba tháng lương cho các chi phí.
    Nhờ được móc nối với mafia Phúc Kiến, chúng tôi chờ tàu đến đón, nhưng lần thứ nhất thất bại. Lần thứ hai, chúng tôi mới lên tàu được, và chịu mọi rủi ro vì mafia có thể ra tay giết chúng tôi mà không ai biết được. Vì họ không biết chúng tôi là ai, tiền thì đã nhận rồi, chúng tôi có chết đuối thì cảnh sát Đài Loan cũng chẳng bắt họ. Đó là mafia chứ không phải một tổ chức nhân đạo. Lênh đênh suốt một tháng trời, mãi cho đến ngày 26 tháng Mười, tôi mới thực sự được cứu thoát.
    Anh Vương nằm trong số những sinh viên hiếm hoi may mắn đào thoát được khỏi Trung Quốc, nhờ có những tấm lòng vàng từ khắp nơi. Anh cho biết, một khi đã đến được Đài Loan thì mọi việc trở nên dễ dàng. Có bảy nước sẵn sàng nhận các sinh viên Thiên An Môn đến định cư. Là một người say mê nghệ thuật, anh đã chọn lựa nước Pháp. Đất nước không chỉ nổi tiếng về văn hóa, mà tổng thống thời đó là ông François Mitterand ngay sau sự kiện Thiên An Môn đã thẳng thừng tuyên bố : « Một chế độ bắn vào tuổi trẻ của mình là một chế độ không có tương lai ».
    Người cựu lãnh tụ sinh viên Thiên An Môn thổ lộ, anh không « nhớ lại » vụ thảm sát trên quảng trường đã nổi tiếng trên toàn thế giới sau cái đêm kinh hoàng ấy, mà anh luôn « sống » với sự kiện này. Không một ngày nào, trong suốt hai mươi lăm năm qua, anh không sống với những cảnh tượng đã ám ảnh suốt một đời người.
    Nhưng còn cái chế độ đã bắn vào tuổi trẻ của mình, tuy 25 năm sau trở thành một nền kinh tế thứ nhì thế giới, nhưng sự tàn bạo chừng như không thay đổi. Sự kiện Thiên An Môn bị kiểm duyệt bóp nghẹt trên mạng, kể cả Google cũng bị chặn.
    Người ta tự hỏi, nếu thế hệ yêu tự do, yêu hòa bình ở Thiên An Môn thành công, phải chăng một định mệnh tươi sáng hơn đã chờ đợi dân tộc Trung Hoa và những dân tộc khác chẳng may ở cạnh Trung Quốc, cạnh Biển Đông và Biển Hoa Đông mà Trung Nam Hải vẫn đang thèm khát ?

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten