woensdag 11 mei 2016

« Panama Papers » : « Choáng, chóng mặt và ghê tởm » + Panama Papers soi rọi vào những góc tối của Hồng Kông

« Panama Papers » : « Choáng, chóng mặt và ghê tởm »

mediaVụ bê bối «Panama Papers» chiếm trang nhất nhiều báo MỹREUTERS/Kacper Pempel/Illustration
Cụm từ « Panama Papers » xuất hiện đặc kín trên các trang nhất báo Pháp số ra ngày 05/04/2016. Le Monde trên trang nhất, với hai mầu chủ đạo đen và đỏ, bên dưới hàng tít đậm « Tiền cất giấu của các lãnh đạo Nhà nước ». « Cơn chấn động thế giới vụ Panama Papers » như nhận xét của Le Figaro. Libération cho rằng « Vụ Panama Papers : Đấy còn là cuộc chiến thuế khóa ». Hay như « Để chấm dứt với các thiên đường thuế », tựa của La Croix.
Đây chắc chắn là vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử, Le Figaro nhận định. Hiện chỉ mới có một phần thông tin được công bố. Le Figaro tin rằng vụ tai tiếng toàn cầu này sẽ gây ra một dư chấn mạnh, và nhiều quốc gia có nguy cơ bị chao đảo.
Trước mắt, tại Iceland, vụ việc đang gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị : Phe đối lập yêu cầu thủ tướng từ chức và thông báo biểu tình. Về phần mình, « Nga tố cáo đó là một âm mưu của tình báo Mỹ », trong khi đó tại Trung Quốc, « Đảng Cộng sản bị vấy bẩn », tựa các bài nhận định của Le Figaro. Trước các tiết lộ tày đình, theo lệnh của chính quyền, truyền thông Nhà nước hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Le Figaro và Les Echos cho biết là trang mạng của ICIJ (Liên minh các phóng viên điều tra) đã bị chặn hoàn toàn tại Trung Quốc.
Đối với Le Monde, nhật báo chính tham gia vào cuộc điều tra với hàng trăm tờ báo khác trên thế giới, vụ « Panama Papers » này đã thật sự gây « choáng, bàng hoàng, và ghê tởm », như tựa đề nhận xét của bài xã luận.
« Choáng » là do các con số đưa ra : Gần 11,5 triệu tài liệu nội bộ của văn phòng luật sư Mossack Fonseca bị rò rỉ ; 107 báo đài tại 76 quốc gia phối hợp điều tra phân tích ; 214.000 công ty bình phong đã được Mossack Fonseca thành lập hay quản lý tại 21 thiên đường thuế và cho các khách hàng đến từ 200 quốc gia khác nhau.
Tiếp đến, « ghê tởm » là do những cái tên được phát hiện. Từ quốc vương Ả Rập Xê Út, tổng thống Achentina, thủ tướng Iceland… và cả những người thân cận các nhà lãnh đạo đã về hưu hay còn đang tại quyền như người thân tổng thống Nga Vladimir Putin, người thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng cộng danh sách đưa ra có đến 128 các nhân vật chính trị cao cấp trên toàn thế giới (thẩm phán cấp cao, thống đốc ngân hàng trung ương, bộ trưởng, nghị sĩ…) nằm bên cạnh các trùm ma túy, các tỷ phú và danh thủ bóng đá.
Và cuối cùng toàn bộ bức tranh giải mã đã khiến cho các nhà điều tra cảm thấy phải « chóng mặt ». Cuộc điều tra lần này là một cuộc điều tra đầy đủ nhất và cập nhật nhất. « Panama Papers » cho thấy rõ « tiền bẩn » được đặt cạnh « tiền sạch ». Các dòng vốn « xám » đến từ việc lậu thuế lẫn chung cùng với « tiền đen » có từ các hoạt động tội ác, buôn lậu, tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Chống trốn thuế : Cuộc chiến dài hơi
Câu hỏi đặt ra làm thế nào chấm dứt tình trạng lạm dụng các công ty bình phong để trốn thuế ? Le Monde trong bài xã luận cho biết rằng « đấy sẽ là một cuộc chiến dài hơi ».
Một quan điểm cũng được La Croix đồng chia sẻ. Tờ nhật báo công giáo này khẳng định kiểu rò rỉ này cũng không phải là cái đầu tiên. Nhưng sự việc cho thấy đòi hỏi cấp bách một cuộc chiến toàn cầu chống lại các tập đoàn bình phong và các thiên đường trốn thuế. Những thành công đó đã được ghi lại nhưng công việc không dừng lại ở đó. Vấn đề là phải đấu tranh chống nạn biển thủ công quỹ và gian lận trên diện rộng gây thiệt hại cho vô số thường dân.
Phải giảm bớt những vùng xám rộng lớn ở đó mọi thứ không hẳn là bất hợp pháp. Nhưng đây là nơi các doanh nghiệp có cửa hiệu riêng và những cá nhân đơn giản chỉ « dị ứng » với thuế khóa lại cùng đồng hành với những tên tội phạm nguy hiểm nhất : các băng đảng mafia và các tổ chức khủng bố nằm lẫn trong số những khách hàng tốt nhất của mạng lưới tiền đen.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160405-%C2%AB-panama-papers-%C2%BB-%C2%AB-choang-chong-mat-va-ghe-tom-%C2%BB

Panama Papers soi rọi vào những góc tối của Hồng Kông

mediaMột góc "thiên đường thuế" Hồng Kông.wikipedia
Là đại đô thị siêu phát triển, với những quyền tự do « không mơ thấy nổi » ở Hoa lục, Hồng Kông cũng có những góc tối của mình. Đó là một thiên đường tài chính hải ngoại, như « Panama Papers » đã tiết lộ.
Việc phân tích hàng triệu tài liệu của tổ hợp luật sư Mossack Fonseca đã giúp cho Liên đoàn các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm cỡ của các thủ thuật trốn thuế ở Panama. Nhưng các tài liệu này còn soi rõ vai trò quan trọng của cựu thuộc địa Anh trong dòng chảy offshore từ Hoa lục.
Một công ty offshore là công ty đăng ký ở ngoại quốc, không có một hoạt động nào tại đất nước đặt trụ sở chính, nhưng lại được hưởng các ưu đãi thuế khóa của nước đó. Việc nhờ đến các công ty offshore không phải là bất hợp pháp, nhưng đây có thể là công cụ hiệu quả để giấu đi các hoạt động và các tài sản đáng ngờ.
Có đến trên 16.300 công ty offshore do Mossack Fonseca lập ra - chiếm một phần ba tổng số các công ty offshore đang hoạt động trong năm 2015 của tổ hợp luật sư này - là nhằm phục vụ cho các khách hàng ở Hồng Kông và Hoa lục.
Trong số đó có cả các ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, nhà tài phiệt Hồng Kông Lý Gia Thành (Li Ka Shing), diễn viên điện ảnh Thành Long (Jackie Chan)…Đa số các công ty lập ra cho họ nằm ở quần đảo Virgin thuộc Anh.
Năm 2009, Hồng Kông suýt nữa đã bị liệt vào danh sách đen các thiên đường thuế khóa của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE), nếu Trung Quốc không đấu tranh gay gắt.
Hợp pháp hay bất hợp pháp
Hồng Kông - « Viên ngọc trai phương Đông » chỉ đứng sau có Thụy Sĩ trong số các quốc gia mờ ám nhất về tài chính trên thế giới, theo bảng xếp hạng năm 2015 của hiệp hội Tax Justice Network (TJN).
Luật sư Douglas Clark nhận xét : « Tất cả ở Hồng Kông đều nhằm tạo điều kiện cho kinh doanh. Nhưng điều đó có nghĩa là rất dễ làm ăn đủ mọi kiểu, dù hợp pháp hay bất hợp pháp ».
Hồng Kông hội đủ hai điều kiện căn bản cho một trung tâm tài chính offshore, đó là an toàn và tự do.
Được vương quốc Anh bảo hộ trong vòng 150 năm, rồi giao lại cho Trung Quốc từ 19 năm qua, Hồng Kông luôn là một ốc đảo ổn định về chính trị trong một khu vực nhiều sóng gió. Và từ khi trao trả năm 1999, Hồng Kông được quyền tự trị rộng rãi, kinh tế không hề bị ảnh hưởng.
Nhà phân tích Tom Holland nhận định : « Lịch sử cho thấy Hồng Kông với vai trò trung tâm tài chính luôn làm ngơ trước những đối tượng bị điều tra, từ những năm 60 ».
Là bộ trưởng Tài chính Hồng Kông từ năm 1961 đến 1971, ông John Cowperthwaite thường bị cho là người đã chuyển đổi lãnh thổ này thành một trung tâm tài chính quan trọng. Luôn kiên quyết bảo vệ chủ trương Nhà nước không can thiệp, ông Cowperthwaite còn từ chối cả việc thực hiện các thống kê kinh tế, vì không muốn trao quá nhiều quyền lực cho chính phủ.
Ngay từ thập niên 60, thiên đường « tự do hành động » trong một khu vực chiến tranh hoành hành đã thu hút được nhiều nguồn vốn đủ loại. Và Đặng Tiểu Bình phải dựa vào cựu thuộc địa Anh khi tung ra chính sách mở cửa kinh tế của Trung Quốc : năm 1980 Thâm Quyến nằm sát Hồng Kông đã trở nên « đặc khu kinh tế » đầu tiên.
Đối với giới cầm quyền Trung Quốc muốn thoát khỏi nạn quan liêu bàn giấy và mọi sự kiểm soát, Hồng Kông là vùng đất lý tưởng.
Trust và round-tripping
Ngày nay, lãnh thổ này có được tỉ lệ tăng trưởng thuộc loại cao nhất thế giới, nếu so sánh với những nơi có dịch vụ tài chính offshore khác.
Năm 2015, Hồng Kông lưu giữ 350 tỉ đô la cổ phiếu của các « ngân hàng tư nhân », lãnh vực ăn nên làm ra nhờ giữ bí mật thông tin. Theo TJN, khoảng 335 tỉ đô la do các trust (tập đoàn độc quyền trong một lãnh vực) đặt tại Hồng Kông nắm giữ vào cuối năm 2011.
Hồng Kông còn là khu vực được những người ưa thích « round-tripping » lựa chọn. Các nhà đầu tư Trung Quốc chi tiền ra, để rồi sau đó chuyển bất hợp pháp số vốn này về Hoa lục nhằm hưởng những ưu đãi dành cho các nhà đầu tư ngoại quốc.
Do đó mà lượng tiền đầu tư từ Hồng Kông vào Hoa lục chiếm phần lớn tổng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Cuối năm 2012, tỉ lệ vốn từ Hồng Kông chiếm đến 45%, và từ quần đảo Virgin 15%.
Lợi ích do các công ty offshore Hồng Kông mang lại còn nhờ chính sách đánh thuế rất thấp lên các hoạt động diễn ra ở nước ngoài. Như vậy đối với các công ty, Hồng Kông là điểm đến lý tưởng để chuyển lợi nhuận ra, trốn được thuế.
Ông David Webb, cựu cán bộ ngân hàng nay là nhà tranh đấu cho một nền tài chính minh bạch, khẳng định đến ba phần tư các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông đăng ký quần đảo Cayman hay Bermuda. Một phát ngôn viên thị trường chứng khoán Hồng Kông phản đối con số này, nói rằng các công ty niêm yết phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn.
Bộ trưởng Tài chính Hồng Kông Trần Gia Cường (Chan Ka Keung) vào đầu tháng Tư biện bạch : « Chúng tôi có cảm giác rằng trên thế giới những nơi đánh thuế ít hơn và tự do hơn thường bị coi là nơi để rửa tiền, đó là một sai lầm ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160415-panama-papers-soi-roi-vao-nhung-goc-toi-cua-hong-kong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten