zaterdag 2 april 2016

Việt Nam : Đại tướng công an Trần Đại Quang tuyên thệ nhận chức Chủ tịch nước

Thứ bảy, 2/4/2016 | 08:43 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 2/4/2016 | 08:43 GMT+7

Đại tướng Trần Đại Quang tuyên thệ nhận chức Chủ tịch nước

Trong bộ vest đen, Đại tướng Trần Đại Quang cúi mình trước cờ tổ quốc rồi bước lên bục đọc lời tuyên thệ nhậm chức sáng 2/4.
Với 452 phiếu tán thành, chiếm 91% trên tổng số đại biểu Quốc hội, ông Trần Đại Quang trúng cử chức vụ Chủ tịch nước. Kết quả kiểm phiếu cũng cho biết có 29 đại biểu không đồng ý bầu ông, hai phiếu không hợp lệ. Nghị quyết công nhận kết quả bầu Chủ tịch nước được 460 đại biểu thông qua sau đó.
Nghi lễ nhậm chức bắt đầu lúc khoảng 8h45, trong tiếng nhạc được cử hành, cờ và hiến pháp được đội nghi lễ đưa vào lễ đài. Từ hàng ghế đại biểu, ông Trần Đại Quang bước lên với trang phục vest đen, cravat đỏ. Ông cúi mình trước cờ tổ quốc trước khi đứng vào bục và đọc lời tuyên thệ.
"Tôi - Chủ tịch nước Trần Đại Quang xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó", ông nói trong khi một bàn tay đặt lên bìa cuốn hiến pháp 2013 màu đỏ, tay còn lại giơ cao hướng lòng bàn tay về phía đại biểu dưới hội trường. Ngồi phía sau ông là đoàn Chủ tịch kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá 13.
Sau lời tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội đứng lên thông báo: "Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận lời tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang". Đây cũng là nghi thức lần đầu tiên được thực hiện.
dai-tuong-tran-dai-quang-tuyen-the-nhan-chuc-chu-tich-nuoc
Tân Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Giang Huy.
Ngay sau lễ nhậm chức, Chủ tịch nước gửi lời cảm ơn Quốc hội đã bầu. "Với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang, tôi nguyện làm hết sức mình phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân", ông phát biểu.
Ông cho biết sẽ kế thừa truyền thống của dân tộc, kinh nghiệm của tiền bối để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích và an ninh quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập trên trường quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.
Tặng hoa người tiền nhiệm, ông cũng cảm ơn ông Trương Tấn Sang đã đóng góp to lớn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
* Tân Chủ tịch nước tuyên thệ
(Video)

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết các đại biểu có quyền ứng cử, đề cử vào danh sách bầu Chủ tịch nước. Tuy nhiên, đến sáng nay không có thêm ứng viên nào được giới thiệu.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhận xét Bộ trưởng Công an cũng là nhà khoa học trong lĩnh vực công an nhân dân, an ninh quốc gia. Với bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, một nhà khoa học với tầm nhìn sâu rộng như Đại tướng Trần Đại Quang sẽ giúp nhân dân tin tưởng vào Đảng, nhà nước.
Bày tỏ rằng tân Chủ tịch nước sẽ làm tròn trách nhiệm của mình, đặc biệt là đối ngoại, đại biểu Nguyễn Văn Ring cũng đề nghị ở cương vị Chủ tịch hội đồng quốc phòng, Chủ tịch nước phải có giải pháp tích cực hơn nữa để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của đất nước, đặc biệt là giải quyết tốt các vấn đề trên Biển Đông.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá thì mong tân Chủ tịch nước thể hiện được tính thống lĩnh trong lực lượng vũ trang, là quản lý cao nhất nhà nước về cả đối nội, đối ngoại, là người chính trực, liêm minh và gần gũi.
Nữ đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng kiến nghị cần có Luật Trách nhiệm của Chủ tịch nước để quy định rõ hơn nhiệm vụ, chức năng của người đứng đầu nhà nước. Bởi hiện nay, pháp luật quy định khi cần thiết Chủ tịch nước có thể yêu cầu Chính phủ báo cáo tham nhũng, trong những vụ án trọng điểm có quyền chỉ đạo... Tuy nhiên, những quyền này bà chưa thấy được thể hiện.
"Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang là người rất bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm cao. Trong những vụ án lớn, ngay khi nắm thông tin, ông thường chỉ đạo làm ngay. Điều này thể hiện tính linh hoạt để giải quyết kịp thời những mong mỏi của người dân", bà Khá chia sẻ.
dai-tuong-tran-dai-quang-tuyen-the-nhan-chuc-chu-tich-nuoc-1
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy.
Đại tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang năm nay 60 tuổi, quê ở Ninh Bình. Ông là giáo sư, tiến sĩ Luật, ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12, ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12, đại biểu Quốc hội khóa 13.
Tốt nghiệp trường Cảnh sát Nhân dân, ông làm cán bộ ở Cục Bảo vệ chính trị I, II (Bộ Nội vụ), rồi Trưởng phòng Tham mưu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Bảo vệ chính trị II.
Từ 1989 đến 1991, ông học lý luận cao cấp tại Học viện Nguyễn Ái Quốc, sau đó làm Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh. Năm 1996 ông lên làm Cục trưởng. 
Đến năm 2000, ông giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an), ba năm sau được thăng hàm thiếu tướng.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 năm 2011, ông được phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an, được thăng quân hàm từ trung tướng lên thượng tướng. Một năm sau ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định thăng hàm đại tướng.
Thời gian còn lại của ngày 2/4, Quốc hội sẽ miễn nhiệm, giới thiệu, bỏ phiếu kín bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội và Tổng kiểm toán Nhà nước.
Hoàng Thuỳ - Võ Hải


164
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dai-tuong-tran-dai-quang-tuyen-the-nhan-chuc-chu-tich-nuoc-3379962.html




Việt Nam : Tướng công an lên làm chủ tịch nước


mediaTướng Trần Đại Quang (giữa), bên phải là tổng bí thư tái đắc cử Nguyễn Phú Trọng trong buổi bế mạc Đại hội XII của đảng Cộng Sản Việt Nam, ngày 28/01/2016, tại Hà Nội.REUTERS/Kham
Quốc hội mãn nhiệm của Việt Nam hôm nay, 02/04/2016, với tỷ lệ phiếu thuận 91,5%, đã chính thức bầu tướng Trần Đại Quang, bộ trưởng Công An, làm chủ tịch nước, thay thế ông Trương Tấn Sang, vừa miễn nhiệm ngày 31/03 vừa qua.
Ông Trần Đại Quang đã được đảng Cộng Sản Việt Nam đề cử vào chức vụ này trong kỳ Đại hội tháng Giêng vừa qua, và vì ông là ứng cử viên duy nhất cho nên cuộc bỏ phiếu hôm nay chỉ mang tính hình thức. Nhưng điều đáng nói là việc bầu ban lãnh đạo mới của cơ quan hành pháp và lập pháp diễn sớm hơn 3 tháng so với lịch trình bình thường.
Sau khi được bầu làm chủ tịch nước, ông Trần Đại Quang đã tuyên thệ nhậm chức, tuyên bố sẽ « tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ».
Năm nay 59, ông Trần Đại Quang cho đến nay vẫn nắm giữ bộ Công An, một cơ quan có quyền hạn rất rộng, bao gồm cả việc thu thập tin tình báo và đối phó các mối đe dọa đối với đảng, trong nước cũng như ở nước ngoài.
Hãng tin Reuters hôm nay trích lời nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á – Yusop Ishak Institute, Singapore, cho rằng khi chọn tướng Trần Đại Quang làm chủ tịch nước, các lãnh đạo Đảng có lẽ nghĩ rằng ông sẽ là người bảo vệ tốt nhất cho chế độ, vào lúc đảng chịu áp lực ngày càng mạnh theo hướng phải thay đổi chính trị.

Thật ra thì trong thể chế chính trị của Việt Nam, chủ tịch nước là một chức danh mang tính hình thức nhiều hơn. Về mặt chính thức thì Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo của bộ ba tổng bí thư, chủ tịch nước và thủ tướng, nhưng mọi quyết định quan trọng là do Bộ Chính Trị, gồm 19 ủy viên, đưa ra.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Trần Đại Quang, với tư cách nguyên thủ quốc gia, sẽ là tiếp tổng thống Mỹ Barack Obama, trên nguyên tắc sẽ viếng thăm Việt Nam vào tháng 5 tới, vào lúc mà Hà Nội đang thắt chặt quan hệ với Washington để đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng hung hăng, nhất là trên vấn đề Biển Đông.
Sau ông Trương Tấn Sang, vào tuần tới Quốc hội Việt Nam sẽ bầu chọn người thay thế thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tân thủ tướng sẽ là ông Nguyễn Xuân Phúc, hiện là phó thủ tướng, vì ông Phúc cũng đã được đảng đề cử vào chức vụ này.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160402-viet-nam-tuong-cong-an-len-lam-chu-tich-nuoc

Kỳ vọng gì ở tân Chủ tịch nước VN?

  • 2 giờ trước


Việt NamImage copyright EPA
Image caption Tân Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang (phải) tặng hoa Chủ tịch vừa mãn nhiệm, ông Trương Tấn Sang, tại Quốc hội Khóa 13 hôm 02/4/2016.

Một cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam và nguyên Đại biểu Quốc hội nói ông hy vọng tân Chủ tịch Nước Việt Nam và các lãnh đạo mới của chính quyền sẽ biết tôn trọng những tiếng nói phản biện và độc lập.
Trao đổi với BBC hôm 03/4/2016 về sự kiện ông Trần Đại Quang, Đại tướng Công an, vừa nhận bàn giao chức Chủ tịch Nước từ tay của người tiền nhiệm, ông Trương Tấn Sang, tại Quốc hội khóa 13 của Việt Nam, từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói:
"Việc dự kiến ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch Nước đã đặt ra trong Đại hội (Đảng CSVN) lần thứ 12, coi như vấn đề nhân sự đó đã được định hình và đã được quyết bởi Ban chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị mới của khóa 12.
"Còn ông Trần Đại Quang, cũng có người bình luận ở góc độ này, góc độ khác, nhưng mà tôi cho rằng chọn một con người trẻ, có học hàm, học vị, có khả năng ngoại ngữ để làm Chủ tịch Nước thì tôi cho rằng đó là một cái tốt, theo xu thế mới.


"Cho nên, khác hơn, trước đây người ta hay chọn những nhân vật đó là nhân vật chính trị, bây giờ người ta chọn một nhân vật trẻ, có kiến thức, như vậy tôi rất là hoan nghênh. Ông Trần Đại Quang gần như là cả đời, suốt lý lịch của ông, là đều làm trong ngành công an.
"Tôi cho rằng việc đó cũng không có vấn đề gì phải e ngại, bởi vì một người có học thức thì vấn đề xử sự, mọi việc bao giờ nó cũng tốt hơn một người học hành nó không đến nơi, đến chốn."

Với trí thức sẽ thế nào?

Trước câu hỏi xử sự tới đây của ông Chủ tịch Trần Đại Quang trước giới trí thức Việt Nam, đặc biệt là những người có khuynh hướng ủng hộ tự do hóa và dân chủ, sẽ như thế nào, Luật sư Thuận nói:
"Tôi cho rằng xu thế mới bây giờ thì Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền Thế giới (LHQ) và Việt Nam đã ký kết tham gia vào nhiều Công ước Quốc tế về nhân quyền, quyền chính trị và nhất là sau Hiến pháp 2013, như vậy tôi nghĩ rằng với tư cách (của bất cứ) ai cầm quyền trong thời kỳ này cũng phải làm theo xu thế đấy.
"Còn nếu mà mình đi ngược lại xu thế đấy, thì trước hết là mình vi hiến, mình ngược lại xu thế của thời đại.
"Thì thế giới người ta không ủng hộ, thì cái đó Việt Nam sẽ bị cô lập, điều đó chắc là không ai muốn.
"Cho nên tôi nghĩ rằng phải hành xử trong xu thế mới.
"Đó là phải tôn trọng tiếng nói phản biện, tiếng nói độc lập, đó là điều cần thiết.
"Và tôi cũng hy vọng rằng trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội lần này, sẽ có những tiếng nói độc lập trúng cử vào Quốc hội.
"Để Quốc hội đa chiều, có nhiều ý kiến hơn, mà nó thực sự là đại diện cho ý trí, nguyện vọng của nhân dân cả nước," ông Thuận nói.
Nhân dịp này, Luật sư Trần Quốc Thuận cũng bình luận về dấu ấn, di sản của người mà hôm 02/4 vừa bàn giao chức vụ cho ông Trần Đại Quang tại Quốc hội khóa 13 của Việt Nam, cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
"Tôi cho rằng nhiệm kỳ của ông Trương Tấn Sang là nhiệm kỳ đạt nhiều thành quả lớn, trong đó nổi bật lên là thực hiện những chuyến ngoại giao và ký kết được những quan hệ chiến lược toàn diện hoặc là quan hệ chiến lược với nhiều nước trên thế giới," Luật sư nhận xét.

Nỗ lực rất lớn



Và Luật sư Thuận nói thêm: "Và cụ thể là đi sang Mỹ ký được hợp tác chiến lược toàn diện. Tôi cho rằng ký được cái đó là một nỗ lực rất lớn của ông Trương Tấn Sang, vì trước đó người ta có quan điểm rằng đây chỉ là một quan hệ ngoại giao bình thường như các ông Chủ tịch nước trước hoặc các Thủ tướng trước, chứ không cần phải ký cái gì quan trọng.
"Nhưng do sự quyết liệt của ông Trương Tấn Sang nên mới ký được quan hệ chiến lược toàn diện với Mỹ, thì đó là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong tình hình biển Đông, tình hình thế giới và thiết lập quan hệ chiến lược toàn diện với Nhật. Và tôi thấy rằng là một nguyên thủ Việt Nam đi sang Nhật lần đầu tiên được phát biểu trước lưỡng viện, Thượng viện và Hạ viện và được hoan nghênh nhiệt liệt. Tôi cho rằng đó là uy tín của Việt Nam và cũng là uy tín cá nhân.
"Gần đây, trong năm vừa qua thì ký được quan hệ chiến lược với Philippines, mà chúng ta biết được Philippines chẳng ký với ai, họ chỉ có ký với Mỹ và một nước nào đó thôi... Đó cũng là một nỗ lực rất lớn của ông Trương Tấn Sang. Cái thế ký quan hệ chiến lược giúp Việt Nam có đối trọng để giữ hòa bình và sự ổn định ở biển Đông rất là quan trọng.
"Bên cạnh đó là vấn đề dân chủ và nhân quyền theo tôi biết là trong suốt nhiệm kỳ, ông Trương Tấn Sang chưa ra lệnh bắt bớ bất cứ một người nào và ông trực tiếp ký thả rất nhiều người, trong đó cụ thể là ông Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập - Quê Choa...
"Tôi cho là một nguyên thủ mà có quan hệ trực tiếp với các anh em tạm gọi là dân chủ, nhóm anh em tham gia phong trào sinh viên ở Sài Gòn, để thả những người có những tiếng nói độc lập rất tốt... Tôi cho rằng một người lãnh đạo như vậy là rất sâu sát và gần gũi với nhân dân.


Ông Trương Tấn SangImage copyright EPA
Image caption Ông Trương Tấn Sang và phu nhân trong một chuyến công du của Chủ tịch nước sang Philippines dự Hội nghị APEC lần thứ 23, cuối năm 2015.
"Tôi biết rằng mọi người ai muốn gặp ông chủ tịch nước thì ông sẽ gặp mà không phân biệt người có chức có quyền. Đặc biệt những anh em ở Sài Gòn trong phong trào học sinh - sinh viên trước 1975, muốn gặp ông chủ tịch nước rất là dễ dàng... Đó là những dấu hiệu tốt và ông ấy cũng bức xúc với tình hình tham nhũng nhưng rõ ràng theo hiến pháp mới, ông Chủ tịch nước không có quyền gì cả...."

Không để lại gì?

Hôm thứ Bảy, cũng bình luận về dấu ấn, của cựu Chủ tịch Sang, một nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ Sài Gòn, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói với BBC:
"Bây giờ một số người vẫn tự hỏi với nhau về dấu ấn của các vị đã qua... người ta đành phải nói một điều thế này. Nói chung là dấu ấn lớn nhất của các vị đó là không để lại dấu ấn gì cả!
"Có lẽ đó cũng là quan điểm của tôi, bởi vì tôi nhìn mãi, tìm mãi mà chẳng thấy có một cái dấu ấn gì từ phía ông Trương Tấn Sang cả, ngoài việc ông Sang đặt ra được một khái niệm mà người ta nhớ mãi và sau này có lẽ sẽ không quên, đó là khái niệm 'Đồng chí X'.


"Ngoài ra những vấn đề khác thì không thấy gì nổi bật, nếu không muốn nói là trong suốt nhiệm kỳ như ông Trương Tấn Sang thừa nhận, là trong suốt nhiệm kỳ của ông ấy, ông đã ký lệnh phong cho 300 tướng cả quân đội lẫn công an, góp phần vào tình trạng lạm phát tướng lĩnh ở Việt Nam.
"Thứ hai nữa là trong nhiệm kỳ của ông Trương Tấn Sang, ông ấy đã không thể nào làm được chuyện cực kỳ quan trọng của Chủ tịch nước là thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Điều đó khó vô cùng, và ông đã không làm được.
"Và vấn đề thứ ba là những chuyện nhỏ thôi nhưng ông cũng chưa thể làm được, đó là họp giao ban với khối chính phủ để nắm phần điều hành công việc của khối chính phủ như thế nào. Coi như là một cách để kiểm soát chủ tịch nước, kiểm soát bên chính phủ.
"Không biết ông Trần Đại Quang có cải thiện được những việc ông Trương Tấn Sang chưa làm được hay không, nhưng dù sao ông Trần Đại Quang cũng xuất thân là ngành công an, nên phần nào kiểm soát được công an, nhưng chưa chắc kiểm soát được bên quân đội," nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nêu quan điểm.

Lúng ta lúng túng

Hôm Chủ nhật, khi được hỏi liệu cựu Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang có điểm nào có thể coi là 'mặt khuyết' chính hay không, Luật sư Trần Quốc Thuận, cũng nói:
"Ông Trương Tấn Sang chưa làm hết nhiệm vụ của mình.
"Trong bản Hiến pháp 2013, ông Chủ tịch nước có quyền đòi hỏi chính phủ bàn về những vấn đề mà mình quan tâm... với những bức xúc xã hội, người ta yêu cầu ông ấy phải lên tiếng một cách công khai thì ông ấy vẫn lúng ta lúng túng...
"Người ta đặt vấn đề thì ông ấy nói chúng tôi đã nói ở một chỗ khác.
"Người ta cũng đòi hỏi ông phải xử sự nhiệm vụ Chủ tịch nước của mình một cách tích cực hơn, thay vì mình cứ nói 'Đồng chí X', mà mình phải đặt 'Đồng chí X' phải làm thế này, phải làm thế kia...
"Thì rõ ràng ông ấy vẫn chưa làm được cái mặt đó, tức là cái mặt tích cực, cụ thể.
"Phải có hành động cụ thể hơn để chống lại quan liêu tham nhũng, thì ông chưa làm một cách đầy đủ nhiệm vụ của Chủ tịch nước," cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/04/160403_old_new_vn_presidents_comments

Hy vọng tân Chủ tịch nước 'tôn trọng phản biện'

4 giờ trước
Một cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam và nguyên Đại biểu Quốc hội nói ông hy vọng tân Chủ tịch Nước Việt Nam và các lãnh đạo mới của chính quyền sẽ biết tôn trọng những tiếng nói phản biện và độc lập.


Trước câu hỏi của BBC hôm 03/4/2016 về việc tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang liệu sẽ có thái độ ra sao trước giới trí thức, đặc biệt là những người có khuynh hướng ủng hộ tự do hóa và dân chủ, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói:

Là điều cần thiết

"Tôi cho rằng xu thế mới bây giờ thì Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền Thế giới (LHQ) và Việt Nam đã ký kết tham gia vào nhiều Công ước Quốc tế về nhân quyền, quyền chính trị và nhất là sau Hiến pháp 2013, như vậy tôi nghĩ rằng với tư cách (của bất cứ) ai cầm quyền trong thời kỳ này cũng phải làm theo xu thế đấy.
"Còn nếu mà mình đi ngược lại xu thế đấy, thì trước hết là mình vi hiến, mình ngược lại xu thế của thời đại, thì thế giới người ta không ủng hộ, thì cái đó Việt Nam sẽ bị cô lập, điều đó chắc là không ai muốn.
"Cho nên tôi nghĩ rằng phải hành xử trong xu thế mới. Đó là phải tôn trọng tiếng nói phản biện, tiếng nói độc lập, đó là điều cần thiết và tôi cũng hy vọng rằng trong kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội lần này, sẽ có những tiếng nói độc lập trúng cử vào Quốc hội.
"Để Quốc hội đa chiều, có nhiều ý kiến hơn, mà nó thực sự là đại diện cho ý trí, nguyện vọng của nhân dân cả nước," Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC từ Sài Gòn.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten