zondag 10 april 2016

'Ngư dân xanh' (dân quân biển) Trung Quốc - hiểm họa trên Biển Đông

Chủ nhật, 10/4/2016 | 15:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Chủ nhật, 10/4/2016 | 15:00 GMT+7

'Ngư dân xanh' Trung Quốc - hiểm họa trên Biển Đông

Khi dân quân biển Trung Quốc núp bóng tàu cá để do thám, trinh sát, hải quân các nước khó có thể sử dụng các biện pháp ngăn chặn, bắt giữ.
su-nguy-hiem-cua-cac-ngu-dan-xanh-trung-quoc-tren-bien-dong
Tàu cá Trung Quốc dàn hàng để đối phó tuần duyên Hàn Quốc trên biển Hoa Đông. Ảnh: AFP
Ngày 19/3, lực lượng tuần duyên Indonesia ngăn cản một tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna. Giới chức Indonesia bắt giữ 8 người Trung Quốc trên tàu. Nhưng khi tàu cá này bị tuần duyên Indonesia kéo đi, một tàu hải cảnh Trung Quốc xông đến và đâm vào tàu cá, nhằm đưa nó trở lại vùng biển quốc tế, theo Jakarta Globe.
Tom Hanson, cựu đại tá quân đội Mỹ, giáo sư thỉnh giảng thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) nhận định rằng vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nước trên Biển Đông về lực lượng tàu cá đông đảo đang được quân sự hóa mạnh của Trung Quốc.
Việc tàu hải cảnh Trung Quốc có thể phản ứng một cách nhanh chóng để giải cứu tàu cá bị bắt chứng tỏ các tàu cá nước này có liên hệ mật thiết với giới chức Trung Quốc. Nhiều khả năng con tàu được gắn một hệ thống phát tín hiệu khẩn cấp hiện đại, kết nối trực tiếp với nhà chức trách Trung Quốc. Điều này giúp Bắc Kinh có thể xác định nhanh chóng bất kỳ vụ va chạm nào trên biển giữa ngư dân Trung Quốc với các quốc gia khác. Việc kết nối trực tiếp như thế cho thấy các tàu cá của Trung Quốc đang được quân sự hóa ngày càng tinh vi hơn, theo Hanson.
Andrew Erickson, Phó giáo sư thuộc Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ, cho rằng một phương pháp khác mà giới chức Trung Quốc áp dụng để nâng cao sức mạnh cho lực lượng ngư dân của mình là biên chế các tàu cá dân sự vào lực lượng dân quân biển nhằm che mắt hải quân các nước.
Dân quân biển là một lực lượng bán quân sự trực thuộc chính quyền các tỉnh ven biển Trung Quốc, được thành lập với mục đích ban đầu là cứu hộ cứu nạn trên biển. Những năm gần đây, lực lượng này đã phát triển một cách khá tinh vi và được nâng cao vai trò, thực hiện các nhiệm vụ từ vận chuyển vật liệu xây dựng ra đảo đến thu thập thông tin tình báo, tuyên bố chủ quyền phi pháp. 
"Bình thường họ là ngư dân, nhưng khi mặc đồng phục màu xanh, các ngư dân Trung Quốc sẽ trở thành dân quân biển. Khi họ núp dưới bóng tàu cá để tiến hành các hoạt động trinh sát do thám, hải quân các nước sẽ không thể cản trở hay đe dọa", Erickson khẳng định.
Nhưng nếu tàu của họ bị bắt giữ khi đang khai thác ở vùng biển các nước, thì Bắc Kinh sẽ viện dẫn Điều 95 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và yêu cầu miễn trừ cho tàu của mình vì nó thuộc sở hữu của lực lượng dân quân biển (tức nó là tàu chiến về mặt kỹ thuật) hoặc thậm chí cho rằng vụ bắt giữ "tàu chiến" này là một hành động gây chiến.
Đây chính là cách Trung Quốc tạo ra một lực lượng "ngư dân xanh" (ngư dân mặc đồng phục dân quân biển màu xanh), hay nói cách khác là lực lượng tàu cá được quân sự hóa mạnh mẽ để thực hiện các hoạt động đa dạng, không chỉ là đánh bắt cá trên Biển Đông.
su-nguy-hiem-cua-cac-ngu-dan-xanh-trung-quoc-tren-bien-dong-1
Tàu hải cảnh Trung Quốc liên quan đến vụ chạm trán với tàu Indonesia ngày 19/3. Ảnh: Twitter/PSDKP
Mối nguy từ sự mập mờ
Việc khó phân biệt đâu là tàu cá, đâu là tàu dân quân biển Trung Quốc khiến tất cả quốc gia láng giềng trên Biển Đông phải do dự khi ngăn cản hoặc bắt giữ các tàu này. Điều đó khiến cho ngư dân Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ lấn lướt, không sợ ai trên Biển Đông, theo Erickson.
Điều 62 của UNCLOS quy định công dân của các quốc gia khác đánh bắt trong EEZ của một nước ven biển sẽ phải tuân thủ các biện pháp bảo tồn nguồn hải sản và các điều khoản khác được nêu trong luật pháp và quy định của nước đó. Hầu hết "các điều khoản khác" này phải nhận được sự cho phép của chính phủ nước sở tại và Indonesia cũng không là ngoại lệ.
Trong vụ việc hôm 19/3, tàu cá Trung Quốc hoạt động không được sự cho phép của Indonesia và giới chức Jakarta đã bắt giữ cả tàu và thuyền viên theo đúng luật pháp của nước này cũng như UNCLOS. Tuy nhiên, tàu hải cảnh Trung Quốc đã can thiệp, ngăn chặn không cho Indonesia thực thi luật pháp của họ.
Erickson cho rằng cách phản ứng "đáng xấu hổ" và không tương xứng của chính quyền Trung Quốc trong vụ việc chứng tỏ nước này đang thách thức các chuẩn mực và quy định quốc tế để bảo vệ khái niệm "ngư trường truyền thống" mập mờ của mình. Động thái này hoàn toàn phù hợp với chiến lược hoạt động gần đây của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.
Các nhà quan sát dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tìm cách biến sự kiểm soát ở Biển Đông thành "việc đã rồi", đồng thời tăng cường triển khai trước những gì mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả là những "hệ thống phòng thủ" trên các đảo chiếm đóng trái phép ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng ra sức củng cố lực lượng hải cảnh (CCG) nhằm hỗ trợ các "ngư dân xanh" hoạt động trên biển. Ngày 24/3, một số tàu hải cảnh Trung Quốc đã hộ tống tàu cá gắn cờ của nước này đi vào khu vực EEZ của Malaysia mà không được sự cho phép.
Lực lượng CCG hiện có hơn 300 tàu, khoảng 100 trong số đó có khả năng hoạt động xa bờ, trong khi cả 4 nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam có chưa đến 40 tàu tuần duyên, cảnh sát biển.
"Ưu thế của lực lượng 'ngư dân xanh' của Trung Quốc trong cuộc chiến pháp lý trên biển xét cả về số lượng và chiến thuật so với các nước khác là rất lớn. Điều đó mang lại lợi thế cho nước này trong các cuộc tranh chấp và chạm trán trên biển, cũng như trong việc từ chối tiến hành đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp", ông Hanson khẳng định.
Nguyễn Hoàng
107
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

Geen opmerkingen:

Een reactie posten