dinsdag 12 april 2016

ngoại trưởng Mỹ John Kerry, lãnh đạo Mỹ cao cấp nhất đến Hiroshima từ hơn 70 năm + kêu gọi xóa bỏ bom nguyên tử

Tại Hiroshima, ngoại trưởng Mỹ kêu gọi xóa bỏ bom nguyên tử

mediaNgoại trưởng Mỹ John Kerry (G) cùng ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida (T) và đồng nhiệm Anh Philip Hamond đặt vòng hoa tại bảo tàng Hòa Bình, Hiroshima ngày 11/04/2016.REUTERS/Kyodo
Không chính thức xin lỗi Nhật Bản về thảm họa bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima hồi năm 1945,  ngày 11/04/2016, khi tới thăm bảo tàng Hòa bình của thành phố, ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ xúc động trước nỗi kinh hoàng trong quá khứ rằng Hiroshima là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy « thế giới cần hủy diệt vũ khí nguyên tử ». Đối với ngoại trưởng Nhật Bản, Fumio Kishida, người sinh trưởng tại Hiroshima coi hôm nay là một ngày « lịch sử » đối với nước Nhật.
Thông tín viên RFI Frédéric Charles từ Tokyo gửi về bài tường trình :
Trước hết ngoại trưởng Mỹ John Kerry viếng thăm bảo tàng Hòa Bình Hiroshima. Đây là nơi lưu lại tất cả những dấu tích kinh hoàng khi quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên nhắm vào thường dân. Nhiều hình ảnh khủng khiếp của những nạn nhân bị bỏng vì bom hạt nhân. 70 năm sau sự kiện đau thương này, trong những bệnh viện của thành phố, vẫn còn nhiều người đang phải đối mặt với chứng bệnh ung thư do nhiễm xạ.
Bảo tàng Hòa Bình của thành phố cũng là nơi triển lãm những hình ảnh về Hiroshima trước khi bị ném bom nguyên tử. Đó là thời kỳ quân đội Nhật hoàng kiểm soát thành phố và cũng từng gieo rắc kinh hoàng cho dân cư Hiroshima.
Có mặt tại Hiroshima ông John Kerry không có một lời xin lỗi. Tới nay, Hoa Kỳ vẫn xem hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và sau đó là Nagasaki là việc làm ‘cần thiết’ để buộc Nhật Bản đầu hàng, chấm dứt chiến tranh.
Ngày nay phần lớn thiếu niên Nhật không biết đích xác ngày mà Hiroshima bị trúng bom nguyên tử. Cho nên, sự hiện diện của ngoại trưởng Mỹ tại thành phố này góp phần gìn giữ ký ức về quá khứ đau thương đó.
Có tin cho là tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, giải Nobel Hòa Bình 2009 sẽ viếng thăm Hiroshima nhân sự kiện ông đến Nhật Bản dự thượng đỉnh G7 vào tháng 5/2016. Đến nay chưa một vị tổng thống đương nhiệm nào của Hoa Kỳ dừng chân ở Hiroshima.
Ký ức về Hiroshima thậm chí đã bắt đầu phai nhạt đối với đương kim thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe. Bản Hiến Pháp chủ hòa của Nhật đã được diễn giải lại. Ngoài ra Tokyo còn chủ trương duy trì khả năng nguyên tử, để trong trường hợp cần thiết Nhật Bản có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160411-john-kerry-%C2%AB-xuc-dong-sau-sac-%C2%BB-tai-hiroshima

John Kerry, lãnh đạo Mỹ cao cấp nhất đến Hiroshima từ hơn 70 năm

mediaLần đầu tiên ngoại trưởng Mỹ đến Hiroshima, 71 năm sau vụ ném bom nguyên tử làm 140.000 người thiệt mạng.Reuters
Tại hội nghị cấp ngoại trưởng nhóm G7, mọi chú ý dồn về phía ông John Kerry. Ông là quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến Hiroshima sau sự kiện quân đội Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố này ngày 06/08/1945, khép lại Thế chiến Thứ Hai.
Lần đầu tiên lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ viếng thăm Hiroshima, một biểu tượng lớn trong quan hệ Mỹ Nhật. Trên nguyên tắc, ngày 11/04/2016 ông John Kerry cùng với đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida, một người sinh ra ngay tại Hiroshima, tham quan bảo tảng vì Hòa bình của thành phố trước khi đến viếng 140. 000 nạn nhân quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử của nhân loại thả xuống Hiroshima cách nay hơn 70 năm.
Khi được báo chí địa phương đặt câu hỏi về khả năng Ngoại trưởng Hoa Kỳ xin lỗi hay bày tỏ ân hận trước những khổ đau đã gieo rắc cho người dân Hiroshima năm nào, ông Kerry không đi sâu vào chi tiết mà nhấn mạnh đến vai trò hàng đầu của Mỹ trong việc kêu gọi quốc tế từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Một nạn nhân trực tiếp của quả bom Mỹ Little Boy, cụ Sunao Tsuiboi, ngoài 90 tuổi nói với hãng tin Pháp : điều quan trọng không phải là Hoa Kỳ có xin lỗi Nhật Bản hay không, mà cái chính là phải làm thế nào để « sai lầm lịch sử đó không bao giờ tái diễn ».
Đến nay, Mỹ chưa từng chính thức lên tiếng xin lỗi Nhật Bản về hai thảm họa ở Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và 9/08/1945. Năm 2008 chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi đã viếng thăm Hiroshima.
Trong hơn 7 thập niên qua, Hiroshima luôn là biểu tượng của hòa bình. Hàng năm, hơn một triệu du khách viếng thăm bảo tàng tưởng niệm nạn nhân Hiroshima.
Nằm cách thủ đô Tokyo 700 cây số về phía tây nam, thành phố cảng với 1,2 triệu dân cư này còn là một trong những trung tâm kinh tế và công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, đặc biệt là trong các lĩnh vực xe hơi, đóng tàu và luyện kim.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160410-john-kerry-lanh-dao-my-cao-cap-nhat-den-hiroshima-tu-hon-70-nam

Nhật Bản kỷ niệm 70 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima

mediaGenbaku, trung tâm nơi quả bom nguyên tử nổ ở Hiroshima. Ảnh chụp ngày 06/08/2015.REUTERS/Toru Hanai
Vào lúc 8 giời 15 giờ địa phương sáng ngày 06/08/2015 Nhật Bản kỷ niệm 70 năm sự kiện đau thương : Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima. Thủ tướng Shinzo Abe cùng với đại diện của hơn 100 quốc gia có mặt trong buổi lễ hôm nay. Trong số các quan khách, có Đại sứ Hoa Kỳ tại Tokyo bà Caroline Kennedy và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách về vấn đề kiểm soát vũ khí Washington an ninh quốc tế, bà Rose Gottemoeller.
Một tiếng chuông gióng lên vào đúng thời điểm cách nay 70 năm, chiếc máy bay B-29 của Mỹ thả quả bom nguyên tử với 16 ngàn tấn TNT Little Boy xuống Hiroshima. 140 ngàn người thiệt mạng. Trong số đó chưa kể đến những nạn nhân bị nhiễm xạ sau này. Phát biểu trong buổi lễ hôm nay thị trưởng thành phố, Kazumi Matsui, xem quả bom nguyên tử là loại vũ khí « kinh hoàng nhất mà con người đã tạo ra ». Về phần mình Thủ tướng Abe nhấn mạnh « Với tư cách là nạn nhân, Nhật Bản có trách nhiệm xây dựng một thế giới không có vũ khí nguyên tử ». Thủ tướng Nhật cho biết thêm là nội trong năm nay Tokyo sẽ trình lên Liên Hiệp Quốc một bản dự thảo nghị quyết mới kêu gọi quốc tế bãi bỏ loại vũ khí này.
Thông tín viên Frédéric Charles từ thủ đô Tokyo cho biết thêm về buổi lễ kỷ niệm 70 năm Hiroshima bị ném bom nguyên tử :
« Một phút mặc niệm tại Hiroshima để tưởng niệm 70 năm thời khắc mà nhân loại bước vào thời đại nguyên tử. Tại công viên Hòa bình, nơi mà quả bom nguyên tử của Mỹ rơi xuống, thị trưởng thành phố Kazumi Matsui lên án nỗi kinh hoàng mà loại vũ khí khủng khiếp nhất mọi thời đại đã gieo rắc cho người dân Nhật Bản. Lần đầu tiên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân, bà Rose Gottemoeller đến dự lễ tưởng niệm nạn nhân Hiroshima. Trong 70 năm qua, chưa một Tổng thống Hoa Kỳ nào đặt chân đến Hiroshima. Trong buổi lễ sáng nay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi thế giới từng bước chấm dứt sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên Tokyo không thể đi quá đà bởi vì an ninh của Nhật được đặt dưới chiếc dù chống vũ khí nguyên tử của Mỹ. Điều duy nhất các nạn nhân còn sống sót từ sau thảm họa Hiroshima cách nay đã 70 năm mong mỏi là thế giới, vì những thế hệ mai sau, không bao giờ quên những đau thương mà họ đã trải qua. Dù vậy theo một cuộc thăm dò dư luận có tới 80 % dân Nhật không nhớ một cách chính xác về ngày mà Hiroshima bị dội bom ».
Tới nay Hoa Kỳ vẫn cho rằng việc ném bom xuống hai thành phố Hiroshima ngày 06/08/1945 và Nagasaki ba ngày sau đó là một hành động cần thiết để chấm dứt chiến tranh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150806-nhat-ban-ky-niem-70-nam-my-nem-bom-nguyen-tu-xuong-hiroshima

Hiroshima : Vì sao Hoa Kỳ vẫn giữ im lặng ?

mediaMây nguyên tử trên bầu trời Hiroshima, ngày 06/08/1945.REUTERS/U.S. Army/Hiroshima Peace Memorial Museum
Nhật Bản tưởng niệm 70 năm Hiroshima bị dội bom A, Tiến triển của điều tra MH370, và Pháp – Nga đạt thỏa thuận không giao chiến hạm là những chủ đề chính trên các mặt báo Pháp số ra ngày 07/08/2015.
Hôm qua, 06/08/2015, người dân thành phố Hiroshima đã tụ về công viên Hòa Bình làm lễ tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử. Vào ngày đó, cách đây đúng 70 năm, vào 8 giờ 15 phút, chiếc máy bay ném bom của Hoa Kỳ Enola Gay đã thả quả bom mang tên « Little Boy » đánh dấu « ngày tận thế » tại Hiroshima, và ba ngày sau đó là Nagasaki. Ngay sau khi trái bom đầu tiên được thả và phát nổ, 75.000 người đã bị thiệt mạng tại chỗ và hàng chục ngàn người chết dần chết mòn những tháng sau đó, chưa kể đến những người sống sót nhưng phải chịu đựng những đớn đau dai dẳng về thể xác lẫn tinh thần.
Trước các phái đoàn đến từ 100 quốc gia, để tưởng nhớ đến 140.000 nạn nhân, bao gồm Nhật Bản, lao động cưỡng bức người Trung Quốc và Triều Tiên và các tù binh Mỹ, thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui mong muốn mỗi người « nghiêng mình kính cẩn tinh thần các ‘hibakusha’ », những người sống sót trong trận bom nguyên tử đó.
Đối với L’Humanité, « Cả thế giới đều nhớ đến Hiroshima» nhưng ngoại trừ Hoa Kỳ. Bởi vì cho đến giờ « Nước Mỹ vẫn giữ im lặng về Hiroshima » như nhận xét của Le Monde. 70 năm trôi qua nhưng Washington không dự trù một lễ kỷ niệm nào vụ thả quả bom A đầu tiên. Đối mặt với giai đoạn bi thảm đó của Lịch sử, hơn bao giờ hết sự im lặng vẫn đang ngự trị tại Mỹ.
Sự im lặng đó được nhận thấy nhân chuyến công du Washington của Thủ tướng Shinzo Abe vào cuối tháng 4 vừa qua. Khi nhắc đến cuộc xung đột quá khứ giữa hai bên, Thủ tướng Nhật Bản chỉ nói về những cuộc chiến quy ước như trận Trân Châu Cảng, trận chiến biển San hô (Coral) và trận Iwo Jima mà không hề nghe nhắc đến hai thành phố thảm họa Hiroshima và Nagasaki.
Bản thân người dân Hoa Kỳ cho đến giờ vẫn cho rằng việc sử dụng bom ngưyên tử năm 1945 là điều tất yếu, thậm chí cần thiết nữa, bất chấp những khoản chi phí oằn lưng người dân Nhật Bản. Các sử gia Mỹ vẫn có những cách nhìn trái ngược nhau về thời điểm tang thương đó của Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra vì sao cho đến giờ Hoa Kỳ vẫn giữ thái độ im lặng về hai sự kiện đó ? Theo phân tích của Le Monde, đương nhiên sự im lặng bị áp đặt do bởi một có một sự đồng thuận lớn đang chiếm ưu thế tại Hoa Kỳ liên quan đến vũ khí hạt nhân, hiện đang trở thành một yếu tố trọng yếu về vị thế địa chính trị của Hoa Kỳ.
Thỏa thuận hạt nhân đạt được vào ngày 14/07 vừa qua giữa Hoa Kỳ và các cường quốc khác với Iran không ngoài mục tiêu nào khác là duy trì hiện trạng mà các thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng như một số quốc gia hiếm hoi khác (Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Israel, Pakistan) đang có. Bốn quốc gia sau đã có thể phá vỡ sự cảnh giác của câu lạc bộ lớn kép kín và tránh né được những rào cản ngoại giao được dựng lên để chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thậm chí lợi ích chung đó còn cho phép những tháng gần đây một có sự hợp tác với Matxcơva. Bởi vì, theo phân tích của nhật báo, cho dù giữa Mỹ và Nga vẫn còn tồn tại nhiều điểm tranh chấp, từ hồ sơ Syria cho đến Ukraina, nhưng cả hai bên vẫn có thể dẹp qua một bên những bất đồng để đạt một thỏa thuận hòng cùng giữ vị thế cường quốc hạt nhân. Và sự đồng thuận đó không chỉ có trong lãnh vực vũ khí hạt nhân mà cả trong hạt nhân dân sự.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150807-hiroshima-vi-sao-hoa-ky-van-giu-im-lang

Geen opmerkingen:

Een reactie posten