donderdag 10 maart 2016

Drone lặn biển (UUV) sẽ diệt tàu ngầm?, 'Vô nhân cơ' lặn xuống biển? + Cái chết của những chiếc tàu ngầm

Drone lặn biển sẽ diệt tàu ngầm?

  • 9 tháng 3 2016
Image copyright Getty
Tại Anh đang có cuộc tranh luận về dự án đầu tư vào tàu ngầm hạt nhân Trident với câu hỏi trong những năm tới ưu thế tàng hình của tàu ngầm có bị xóa sổ bởi công nghệ drone truy tìm cả trên không và dưới nước.
Cùng lúc, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã và đang bỏ tiền vào công nghệ dùng phương tiện không người lái khiến có thể thay đổi cán cân quân sự ở nhiều vùng.
Tại Anh, kế hoạch đặt hàng bốn tàu Trident thế hệ mới có giá tổng cộng trên 30 tỷ USD (23,4 tỷ bảng Anh năm 2014) đang bị đặt câu hỏi chi tiêu cao nhưng công dụng tàng hình dưới lòng biển còn có được bao lâu.
Những người phê phán chính phủ Anh cho rằng các tàu ngầm nói chung đều dần dần trở nên mục tiêu dễ tìm bởi phương tiện bay và lặn không người lái ngày càng tiến bộ.
Nhà báo David Connett viết trên trang Independent ở Anh hôm 26/02/2016 rằng:
"Các phương tiện lặn không người lái, còn gọi là glider, đang đe dọa tàu ngầm. Đã chứng minh là hiệu quả trong việc tìm vết dầu loang trong vụ Deepwater Horizon và kiểm tra mức phóng xạ sau tai nạn Fukushima ở Nhật, chúng rất yên lặng, có thể mang theo máy thẩm âm tốt tới mức nghe được cả tiếng tim đập."
Image copyright elvis
Image caption Tàu ngầm lớp Kilo
Trong một bài viết trước đó, ông David Connett trích chuyên gia từ Hội đồng An ninh Anh-Mỹ về thông tin (British American Security Information Council - Basic), Paul Ingram nói:
"Cách mạng trong công nghệ làm các loại drone lặn dưới nước, và cả tiến bộ trong kỹ thuật định thính dưới nước, công nghệ vệ tinh và vũ khí diệt tàu ngầm khiến cho không còn loại tàu ngầm nào có thể giữ vị trí hoàn toàn im lặng mà không bị phát hiện."
Các loại drone bắt đầu bằng phương tiện bay không người lái (UAV - unmanned aerial vehicle) vốn đã rất phổ biến nhưng nay có thêm loại tàu lặn không người lái, UUV (unmanned underwater vehicle) đã được ứng dụng trong nghề cá.
Cùng lúc, các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Trung Quốc còn chế tạo cả các loại tàu vừa bay trên không, vừa có khả năng hạ cánh xuống nước hoặc lặn sâu.
Các phương tiện này đang được ứng dụng vào mục tiêu quân sự ngày càng nhiều.
Ông Paul Ingram cho hay Hoa Kỳ gần đây đã thử một cuộc tấn công đồng loạt, dùng 50 drone từ trên không mà chỉ có một người điều khiển từ xa.
Việc Hoa Kỳ dùng các chuyến bay của drone để ném bom tại Afghanistan đã trở thành khá phổ biến.

'Vô nhân cơ' lặn xuống biển?

Image copyright tadte
Image caption Một loại UAV của Trung Quốc
Tại châu Á, Trung Quốc được biết đến như quốc gia đầu tư liên tục từ nhiều năm qua vào công nghệ này vì các cuộc tranh chấp ở Hoa Đông và Biển Đông.
Trong một bài trên trang của Rand Corporation hồi 2015, các tác giả Michael S. Chase, Kristen A. Gunness, Lyle J.Morris, Samuel K. Berkowitz và Benjamin S. Purser III viết rằng tranh chấp biển khiến Trung Quốc không ngừng nâng cao công nghệ UVA và UUV.
Bài báo trích lại nguồn của báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hồi 7/10/2011 mô tả nhu cầu dùng drone trong hải quân.
Các khoa công nghệ không gian của đại học Bắc Kinh, Cáp Nhĩ Tân, Nam Kinh, Tây An và viện công nghệ thông tin quân sự của Quân Giải phóng đều đã và đang thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm các loại drone dùng để trinh sát và tấn công.
Từ các năm 2011-12, Trung Quốc đã sản xuất và sử dụng nhiều loại drone dùng trong chiến tranh mà tiếng Anh gọi là UCAV, viết tắt của 'unmanned combat aerial vehicle', còn tiếng Trung chỉ gọi chung là 'vô nhân cơ' (无人机).
Image caption Một loại tàu lặn không người lái hay UUV
Từ năm 2014, dự án 863 được cả Bộ Công nghệ và Bộ Quốc phòng thông qua nhằm tăng cường ngân khoản cho loại vũ khí điện tử và vũ khí từ xa không người lái.
Theo một số tác giả Trung Quốc (Huang Sujian, Zhang Zhengping) thì tiêu chí của các công trình thiết kế này là tạo ra phương tiện 'số hóa, điện tử hóa, không người lái và tàng hình'.
Trang của Rand Corporation ghi nhận Trung Quốc dùng các loại phương tiện này để do thám, trinh sát ở các vùng biển tranh chấp và bán công nghệ cho Ả Rập Saudi.
Không chỉ có vậy, Trung Quốc đã dùng drone ở nước ngoài để hạ sát một tay trùm buôn ma tuý tại Myanmar, theo tin trên trang South China Morning Post 20/02/2013.
Trước mắt, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều dùng các phương tiện khác nhau nhằm giám sát tranh chấp ở vùng đảo Điếu Ngư.
Nhưng việc biến 'vô nhân cơ' thành 'mũi nhọn' cho cuộc chiến tranh biển đảo gồm cả khả năng lặn xuống biển để truy tìm và tiêu diệt tàu ngầm và các mục tiêu quân sự khác có khả năng thay đổi cán cân lực lượng giữa các nước một khi có xung đột.
Image copyright Getty

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/03/160309_under_water_drones_anti_submarines

Cái chết của những chiếc tàu ngầm

  • 11 tháng 4 2015
Tàu ngầm hạt nhân từ lâu đã là chủ đề được yêu thích trong các phim khoa học viễn tưởng, từ bộ phim 'The Hunt for Red October' đến loạt phim truyền hình 'Voyage to the Bottom of the Sea'.
Chúng cũng thường xuyên được miêu tả là những công cụ địa chính trị tuyệt vời, với khả năng thực hiện các nhiệm vụ bí mật một cách thầm lặng.
Tuy nhiên đến cuối đời, tàu ngầm hạt nhân trở thành những mối nguy trôi nổi trên biển.
Trong những năm qua, hải quân các nước đã phải tốn nhiều công sức để xử lý những chiếc tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo có từ thời Chiến Tranh Lạnh.
Điều này đã tạo ra những nghĩa địa công nghiệp kỳ lạ nhất trên thế giới, trải dài từ Tây Bắc Thái Bình Dương đến thành phố Vladivostok của Nga.

Những cái xác rỉ sét

Nghĩa địa tàu ngầm ở Vịnh Olenya, phía tây bắc bán đảo Kola của Nga, là một cảnh tượng dễ gây kinh ngạc: những lớp vỏ rỉ sét thủng nhiều lỗ, để lộ những bệ phóng ngư lôi phía trong, những buồng chỉ huy bị méo mó đến dị dạng và những phần thân bị gãy lìa, như những chiếc vỏ trai bị đập vỡ trên đá.
Liên Xô đã biến Biển Kara thành một "bể chứa rác thải phóng xạ," Quỹ Bellona của Na Uy, một tổ chức bảo vệ môi trường, nhận xét.
Lòng biển chứa khoảng 17.000 container chất thải phóng xạ, 16 lò phản ứng hạt nhân và 5 tàu ngầm hạt nhân - trong đó một chiếc vẫn còn chứa đầy nhiên liệu.
Biển Kara giờ đây là mục tiêu của các công ty dầu khí, và bất cứ mũi khoan nào đâm trúng những bãi rác thải này cũng có thể dẫn dến nguy cơ làm chất phóng xạ bị lan ra các khu vực đánh bắt cá, ông Nils Bohmer, giám đốc điều hành của Quỹ Bellona, cảnh báo.
Những nghĩa địa tàu ngầm chính thức thì dễ nhìn thấy hơn. Bạn có thể tìm chúng trên Google Maps hay Google Earth, chỉ cần zoom vào bãi rác thải hạt nhân lớn nhất của Hoa Kỳ tại Hanford, Vịnh Sayda, Washington hay các hải cảng gần thành phố Vladivostok.
Đó là những hộp kim loại khổng lồ dài 12m được xếp nối tiếp nhau trên Vịnh Sayda, hoặc được neo trôi nổi trên biển gần căn cứ tàu nầm Pavlovks gần Vladivostok.
Image caption Một bãi rác hạt nhân ở Vladivostok

Hút cạn

Những hộp kim loại này là những gì còn lại của hàng trăm tàu ngầm hạt nhân, sau những quy trình xử lý tinh vi.
Trước hết, các tàu ngầm không còn được sử dụng được kéo về cảng, nơi toàn bộ nhiên liệu bên trong được hút ra ngoài.
Lượng nhiên liệu này sau đó được đưa lên tàu lửa để chuyển đến các nhà máy xử lý chất thải.
Xác tàu, dù không còn chứa nhiên liệu, nhưng chất liệu kim loại bên trong vẫn còn nhiễm phòng xạ và vì vậy, chúng sẽ được tách rời khỏi thân tàu.
Tuy nhiên cách thức này không phải khi nào cũng dễ thực hiện, ông Bohmer nói.
Một số tàu ngầm của Liên Xô có lò phản ứng được làm lạnh bằng kim loại lỏng.
Khi các lò phản ứng ngưng hoạt động, chất bismuth đóng băng, biến chúng thành những khối cồng kềnh.
Bohmer nói vẫn có hai tàu ngầm như vậy chưa được xử lý và phải được di chuyển tới hai cảng hẻo lánh ở Vịnh Gremikha, Bán đảo Kola, vì lý do an toàn.
Cho đến nay Nga đã xử lý được 120 tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội phương Bắc và 75 tàu từ Hạm đội Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ cũng đã tháo gỡ 125 tàu ngầm thời Chiến Tranh Lạnh.
Image caption Nga sắp đưa thêm nhiều loại tàu ngầm mới vào sử dụng

Lo ngại về môi trường

Các tổ chức bảo vệ môi trường từ lâu đã bày tỏ lo ngại về việc bảo quản nhiên liệu hạt nhân ở Hoa Kỳ.
Phòng Thí nghiệm Quốc gia Idaho là điểm đến của tất cả các nhiên liệu cao cấp không còn được sử dụng của Hải quân Hoa Kỳ kể từ khi tàu ngầm hạt nhân đầu tiên, USS Nautilus, đi vào hoạt động năm 1953.
"Lò phản ứng của USS Nautilus được thử nghiệm tại INL và từ đó, tất cả nhiên liệu đã qua sử dụng của các tàu hạt nhân của hải quân đều được đưa về Idaho", bà Beatrice Brailsford, từ Snake River Alliance, một tổ chức bảo vệ môi trường, nói.
"Số nhiên liệu đã qua sử dụng này được trữ trên mặt đất, nhưng những chất thải còn lại được chôn phía trên tầng ngậm nước. Điều này đang khiến nhiều người dân ở Idaho lo ngại", bà nói thêm.
Ngay cả khi được bảo quản tốt, chất phóng xạ vẫn có thể rò rỉ. Ví dụ như ở INL và Hanford, cây bụi bên ngoài rơi vào các bể làm nguội, dính nước phóng xạ và sau đó bị gió thổi bay ra bên ngoài.
Các quy trình xử lý tốn kém có vẻ như không làm cho các nhà chiến lược quân sự ngưng chế tạo thêm tàu chiến.
"Hải quân Hoa Kỳ tin rằng các tàu ngầm hạt nhân là một thành công lớn và hiện những lớp tàu ngầm chính đang được thay thế", ông Edwin Lyman, một nhà phân tích chính sách hạt nhân từ Cambridge, nhận định.
Không chỉ có Hoa Kỳ, Nga cũng đang chế tạo 4 tàu ngầm hạt nhân mới tại Severodvinsk và có thể chế tạo thêm 8 chiếc nữa trước năm 2020.
Có vẻ như các nghĩa địa tàu ngầm sẽ còn khá bận rộn trong thời gian tới.
Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Future

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten