vrijdag 19 februari 2016

Tranh luận kỳ lạ ở Hàn Quốc : Ám sát Kim Jong Un hoặc trang bị vũ khí nguyên tử

Tranh luận kỳ lạ ở Hàn Quốc : Ám sát Kim Jong Un hoặc trang bị vũ khí nguyên tử

mediaMột dân biểu Hàn Quốc đề nghị ám sát lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong UnREUTERS
Mây đen đang trùm phủ bán đảo Triều Tiên kể từ khi chính quyền Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư và bắn tên lửa tầm xa. Tại Hàn Quốc, cuộc tranh luận về việc đối phó với Bắc Triều Tiên trở nên sôi động hơn, thậm chí kỳ lạ. Để tỏ thái độ phản ứng cứng rắn, quyết liệt, chính quyền Séoul đã cho đóng cửa khu công nghiệp Kaesong, nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, chấm dứt dự án hợp tác liên Triều cuối cùng. Nhiều ý kiến cho rằng Séoul phải trang bị vũ khí nguyên tử và một dân biểu Hàn Quốc còn đề nghị ám sát lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un !
Thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tại Séoul cho biết thêm bầu không khí ở Hàn Quốc trong những ngày này.
Công luận Hàn Quốc sôi sục và thay đổi lập trường rất nhanh. Nhiều ý kiến trước đây bị coi là cực đoan, thì nay lại được nêu ra, đặc biệt là chủ đề vũ khí hạt nhân. Ngày càng có nhiều chính trị gia có thế lực trong đảng bảo thủ cầm quyền đề nghị chính phủ phải trang bị bom nguyên tử cho Hàn Quốc.
Ví dụ, ông Won Yoo Choeol, lãnh đạo nhóm dân biểu thuộc phe đa số tại nghị viện Hàn Quốc tuyên bố là sau bốn vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc không thể mãi mãi trông cậy vào ô hạt nhân bảo vệ của Hoa Kỳ. Đã đến lúc Hàn Quốc phải có vũ khí hạt nhân. Một số dân biểu khác, vốn được coi là ôn hòa, thì nay cũng đòi phải có bom nguyên tử.
Một dân biểu đưa ra đề nghị kỳ lạ : Ám sát Kim Jong Un
Một ví dụ khác cho thấy bầu không khí cực đoan trong cuộc tranh luận tại Hàn Quốc. Dân biểu Ha Tae Kyung thuộc phe đa số, đã thẳng thừng kêu gọi chính phủ phải cho ám sát lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ! Theo chính trị gia này, lãnh đạo trẻ của chế độ Bình Nhưỡng là một « tên tội phạm » và do vậy, việc trừ khử Kim Jong Un không vi phạm luật pháp quốc tế, mà ngược lại, đây là cách thức duy nhất để xóa bỏ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trong bối cảnh căng thẳng này, nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã ra lệnh đóng cửa khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Quyết định này gây chấn động mạnh với hậu quả to lớn. Séoul cho rằng dự án Kaesong cung cấp khoảng 120 triệu đô la mỗi năm cho chế độ Bình Nhưỡng. Ngày 14/02, Bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc còn khẳng định là 70% lương của 55 000 công nhân Bắc Triều Tiên làm việc trong khu công nghiệp này đã bị tước đoạt để tài trợ cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và mua các sản phẩm xa xỉ cho Kim Jong Un.
Kaesong, chiếc cầu cuối cùng nối liền Bắc – Nam đã bị cắt đứt
Nếu các tuyên bố của vị bộ trưởng Hàn Quốc là đúng, thì có nghĩa là Séoul đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên và tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm nay. Do vậy, hôm thứ Hai, 15/02, vị bộ trưởng này đã phải lên tiếng cải chính một cách ngoạn mục và nói rằng ông không có một bằng chứng nào về những điều ông vừa tuyên bố hôm trước.
Lời thừa nhận này lại càng tạo cớ cho những người mong muốn duy trì dự án Kaesong, nơi duy nhất có người Nam và Bắc Triều Tiên cùng làm việc với nhau từ một thập niên qua. Họ nhấn mạnh là yếu tố quan trọng nhất để giữ ổn định trong quan hệ giữa hai nước Triều Tiên giờ đây đã biến mất. Hơn nữa, Bắc Triều Tiên có thể đưa khu vực này quay trở lại chức năng ban đầu của nó, tức là lại biến đổi nơi đây thành một căn cứ quân sự, chỉ cách Séoul, thủ đô Hàn Quốc, có 50 km.
Liệu có nguy cơ đối đầu vũ trang giữa hai nước hay không ? Nếu xẩy ra xung đột trên quy mô lớn thì miền Bắc sẽ thua. Do vậy, người ta lo ngại là sẽ có những hành động khiêu khích mới, trên phạm vi hạn chế, giống như Bình Nhưỡng đã làm trong quá khứ.
Bình Nhưỡng đối mặt với trục Washington-Séoul
Giới quan sát nhận thấy Hàn Quốc lại lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, bởi vì Séoul vừa cho đặt thêm một giàn tên lửa Mỹ Patriot và chấp nhận đặt trên lãnh thổ của mình hệ thống bắn chặn tên lửa của Mỹ, le THAAD. Quyết định này đã làm cho Trung Quốc và Nga phẫn nộ.
Mặt khác, Séoul và Washington tuyên bố tiến hành các cuộc tập trận chung trên quy mô lớn chưa từng thấy vào tháng Ba. Hai đồng minh đang phô trương sức mạnh, nhưng động thái này, cho đến nay, đã không gây được tác động tức thời gì đối với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Thậm chí, lãnh đạo họ Kim còn đe dọa lại tiến hành các vụ bắn tên lửa, và cáo buộc « các lực lượng thù địch chưa bao giờ lại điên cuồng như hiện nay » tìm cách « bóp chết » Bắc Triều Tiên.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160218-tranh-luan-ky-la-o-han-quoc-am-sat-kim-jong-un-hoac-trang-bi-vu-khi-nguyen-tu

Hàn Quốc đình chỉ các hoạt động ở khu công nghiệp liên Triều

mediaCông nhân Bắc Triều Tiên làm việc tại một xưởng may của Hàn Quốc trong khu công nghiệp Kaesong. Ảnh chụp ngày 19/12/2013.REUTERS/Kim Hong-Ji/Files
Hàn Quốc thông báo lần đầu tiên sẽ đình chỉ các hoạt động ở khu công nghiệp liên Triều Kaesong, để đáp trả vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Trong cuộc họp báo hôm nay, 10/02/2016, bộ trưởng Hàn Quốc đặc trách thống nhất đất nước, ông Hong Yong-Pyo, tuyên bố Seoul đã quyết định ngừng mọi hoạt động ở khu công nghiệp Kaesong để vốn đầu tư của Hàn Quốc vào khu công nghiệp này « không bị Bắc Triều Tiên sử dụng để tài trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo ». Theo lời bộ trưởng Hong Yong-Pyo, toàn bộ 184 nhà doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm việc ở Kaesong sẽ được đưa về miền Nam.
Hôm Chủ nhật (07/02), Bình Nhưỡng đã phóng một tên lửa, mang theo một vệ tinh quan sát Trái đất, theo đài truyền hình Bắc Triều Tiên. Đối với quốc tế, đây là một vụ thử tên lửa đạn đạo trá hình. Hành động này vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và là một thách thức mới đối với cộng đồng quốc tế, sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào ngày 06/01 vừa qua.
Được mở ra vào năm 2004 và được xem như là biểu tượng cho « hòa giải » giữa hai miền, khu công nghiệp Kaesong, do Seoul tài trợ xây dựng, vẫn là một nguồn thu ngoại tệ quan trọng của chế độ Bình Nhưỡng. Nằm bên phía miền Bắc, cách biên giới hai miền khoảng 10 km, khu công nghiệp này sử dụng 53.000 lao động Bắc Triều Tiên cho 124 xưởng của Hàn Quốc.
Cho tới nay, khu công nghiệp Kaesong vẫn không bị ảnh hưởng bởi những biến động ở bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vào năm 2013, Bình Nhưỡng đã từng đóng cửa khu công nghiệp này trong 5 tháng, vào lúc quan hệ liên Triều trở nên cực kỳ căng thẳng, sau vụ thử hạt nhân thứ ba của Bắc Triều Tiên, vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160210-han-quoc-dinh-chi-cac-hoat-dong-o-khu-cong-nghiep-lien-trieu

Geen opmerkingen:

Een reactie posten