vrijdag 19 februari 2016

Ngân Hàng AIIB của Trung Quốc sẽ bị chìm vì tranh chấp Biển Đông ?

Ngân Hàng AIIB của Trung Quốc sẽ bị chìm vì tranh chấp Biển Đông ?

mediaCuộc họp của đại diện các nước sáng lập AIIB, Bắc Kinh, Trung Quốc, 16/01/ 2016REUTERS/Mark Schiefelbein/Pool
Liệu Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á – tên quốc tế là AIIB – một ngân hàng do Trung Quốc chủ trương, có bị vạ lây trong trường hợp Trung Quốc bác bỏ phán quyết về Biển Đông của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye sắp tới đây hay không ? Trang mạng nghiên cứu của Mỹ Eurasia trong một bài phân tích công bố hôm nay 16/02/2016 đã không ngần ngại cho rằng AIIB rất có thể sẽ là nạn nhận đầu tiên của các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo ghi nhận của tác giả bài phân tích, Ngân Hàng do Trung Quốc sản sinh này dự trù sẽ cung cấp các khoản vay đầu tiên vào giữa năm 2016 này. Đó cũng là thời điểm mà một tòa án trọng tài của Liên Hiệp Quốc ở La Haye dự trù sẽ ra phán quyết định về việc Philippines kiện các yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Nếu bác bỏ phán quyết của tòa án và thẩm quyền của một định chế quốc tế được công nhận giải quyết vấn đề Biển Đông, theo Eurasia, Trung Quốc có nguy cơ bị phản đòn dữ dội.
Theo Eurasia, lý do rất đơn giản : khi chính Bắc Kinh tạo ra tiền lệ coi thường một cơ chế trọng tài quốc tế, những quốc gia con nợ của Trung Quốc trong tương lai, những nước sẽ vay tiền của Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, hoàn toàn có thể vin vào đó để không trả nợ.
Bắc Kinh lúc đó sẽ khó có thể cầu viện nơi các cơ chế trọng tài quốc tế để nhờ giải quyết hay áp đặt các biện pháp trừng phạt vì chính Trung Quốc đã tự mình bác bỏ những phán quyết từ những định chế có uy tín trong việc giải quyết các tranh chấp đa phương.
Đối với Eurasia, vấn đề đối với Trung Quốc sẽ rất hệ trọng vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình xã hội trong nước.
Trong nhiều thập niên trước đây, Trung Quốc chủ yếu là nước nhận đầu tư từ nước ngoài trên quy mô lớn. Trong tư cách đó, Bắc Kinh đã có thể viết ra - và tùy tiện thay đổi – các quy tắc.
Thế nhưng, trong những năm tới đây, Trung Quốc sẽ ngày càng trở thành nước đi đầu tư, nhờ vào kho dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ đô la mà họ tích lũy được trong thời gian qua.
Ngân Hàng AIIB, theo Eurasia được tạo ra chính là để sử dụng kho dự trữ đó, vào mục tiêu duy trì được công ăn việc làm cho người Trung Quốc, chủ yếu là tại hai đại tập đoàn trong lãnh vực hạ tầng là công ty Điện Quốc Gia và tập đoàn Đầu Khí Hải Dương CNOOC.
Hiện nay, nhu cầu cơ sở hạ tầng cơ sở tại Trung Quốc phần lớn đã bão hòa, các doanh nghiệp nhà nước này do đó cần hợp đồng ở nước ngoài để tránh sa thải nhân công gây mất ổn định chính trị. Thế nhưng khi đầu tư ra nước ngoài, họ phải thay đổi tư duy và cung cách làm ăn.
Hiện nay, Trung Quốc cho rằng các nước láng giềng là - hoặc nên là - một phần mở rộng của Trung Quốc, nơi áp dụng các quy định của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Eurasia, đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông là một biểu hiện của điều này. Nó được đặt trên hai giả định mang tính chất hồi tố : khẳng định không chứng từ là chủ quyền Trung Quốc đã có từ thời xa xưa, và tuyên bố cũng không chứng từ rằng đấy là chủ quyền không thể tranh cãi.
Đối với Eurasia, con nợ tiềm tàng của AIIB không thể không tự hỏi là liệu các tiêu chuẩn tương tự có thể được áp dụng trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến các khoản vay của AIIB hay không, liệu đất đai ở các nước thứ ba, dùng trong các công trình hạ tầng xây bằng tiền vay của AIIB có bị tuyên bố là thuộc chủ quyền « không thể chối cãi » của Trung Quốc – một cách hồi tố - hay không ?
Tóm lại, bài phân tích của Eurasia cho rằng các khách hàng tương lai của AIIB phải tính đến các rủi ro kể trên khi làm ăn với Ngân Hàng Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160216-ngan-hang-aiib-cua-trung-quoc-se-bi-chim-vi-tranh-chap-bien-dong

Tập Cận Bình khai trương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á

mediaTập Cận Bình phát biểu trong lễ khai trương AIIB tại Bắc Kinh ngày 16/01/2016.REUTERS/Mark Schiefelbein/Pool
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) sẽ đẩy mạnh tài chính trong khu vực, đồng thời khiến cho việc quản lý kinh tế thế giới trở nên hợp lý hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 16/01/2016 khẳng định như trên, hứa hẹn sẽ « hỗ trợ mạnh mẽ » cho định chế do Trung Quốc thành lập.
Trong buổi lễ khai trương tưng bừng tại Bắc Kinh, Tập Cận Bình tuyên bố : « Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á sẽ làm tăng đầu tư một cách hiệu quả để phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á, đóng góp vào việc hướng các nguồn lực, đặc biệt là vốn tư nhân, vào các dự án này ».
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á có mục đích tài trợ các dự án hạ tầng ở châu Á, hiện đang thiếu vốn trầm trọng. Trong số 57 thành viên sáng lập, có khoảng hai chục nước phương Tây, trong đó có Pháp, Đức, Anh. Với việcT rung Quốc đóng vai trò quyết định, ngân hàng này mặc nhiên là đối trọng trước Hoa Kỳ, hiện đang kiểm soát Ngân hàng Thế giới, và với Nhật Bản, đang nắm Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB).
ADB hôm nay cho biết đã bắt đầu xác định các dự án đồng tài trợ trong các lãnh vực giao thông, năng lượng tái tạo, quy hoạch đô thị và mạng lưới cấp nước. Ngược lại, Mỹ và Nhật từ chối liên kết với AIIB, lo ngại các tiêu chuẩn quản trị sẽ bị hạ thấp, cũng như nguy cơ Bắc Kinh sử dụng định chế mới này để ưu đãi các công ty Trung Quốc và lợi dụng cho lợi ích địa chính trị của mình.
Trung Quốc cũng đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại châu Á lẫn châu ÂU, với việc đầu tư ồ ạt vào « Con đường tơ lụa mới ». Trước đó Bắc Kinh đã tham gia thành lập một ngân hàng dành cho khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), đồng thời lập « Quỹ đầu tư vào Con đường tơ lụa » để tài trợ các dự án ở Trung Á.
AIIB dự kiến sẽ cho vay 10 đến 15 tỉ đô la mỗi năm trong những năm đầu, hứa hẹn một cơ cấu « linh hoạt, tôn trọng môi trường và không tham nhũng ». Nhưng những cam kết này của Bắc Kinh không làm những người am hiểu an tâm. Ông Rayyan Hassan, phụ trách tổ chức phi chính phủ « Forum on ADB » có trụ sở tại Philippines lo ngại AIIB sẽ hoạt động như một tổ chức cho vay đơn thuần hơn là một ngân hàng phát triển, và đóng cửa đối với xã hội dân sự.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160116-tap-can-binh-khai-truong-ngan-hang-dau-tu-co-so-ha-tang-chau-a

Geen opmerkingen:

Een reactie posten