maandag 1 februari 2016

Nét đặc trưng của tiếng Anh Canada + Canada: Xứ sở của sự tử tế + Montreal – thành phố tiệc tùng

Nét đặc trưng của tiếng Anh Canada

  • 1 tháng 2 2016
Image copyright Thinkstock
Có cái gọi là tiếng Anh Canada hay không? Nếu có, thì nó là gì?
Quan điểm cố hữu của người Mỹ là người Canada nói giống người Mỹ, trừ việc họ nói ‘eh’ rất nhiều và phát âm ‘out and about’ thành ‘oot and aboot’.
Tuy nhiên, nhiều người Canada lại nói rằng tiếng Anh ở Canada giống như tiếng Anh của người Anh hơn với bằng chứng như ở cách viết colourcentre (thay vì colorcenter như kiểu viết của người Mỹ).

Phiên bản khác của tiếng Anh?

Ngôn ngữ Canada thật sự là một dạng riêng biệt của của tiếng Anh với những điểm đặc trưng rất khó nhận biết về phát âm và từ vựng.
Người dân Canada có từ điển của riêng mình. Nhà xuất bản Canadian Press có nguyên tắc biên tập riêng. Hiệp hội các nhà biên tập Canada mới vừa xuất bản ấn bản thứ hai của cuốn ‘Biên tập Tiếng Anh Canada’.
Một nội dung điển hình của ấn bản này là bảng so sánh chính tả của người Anh và người Mỹ để cho các biên tập viên Canada có thể quyết định dùng cách nào tùy vào mỗi tình huống.
Image copyright BBC World Service
Cốt lõi của tiếng Anh Canada là sự mâu thuẫn, vừa yêu vừa ghét cùng lúc được phản ánh.
Để hiểu điều này, chúng ta hãy nhìn lại lịch sử Canada.
Khởi đầu chỉ có người bản địa với văn hóa và ngôn ngữ đa dạng hơn rất nhiều so với châu Âu.
Cuộc chiến giữa những người châu Âu đến định cư đã định hình thêm một bước tiếng Anh Canada.
Người Pháp kể từ những năm 1600 đã định cư ở lưu vực sông St Lawrence và vùng duyên hải Đại Tây Dương nằm phía nam dòng sông.
Vào giữa những năm 1700, người Anh chiến tranh với người Pháp với kết cuộc là Hiệp ước Paris được ký kết vào năm 1763 với điều khoản nhường vùng ‘Tân Pháp quốc’ cho nước Anh.
Người Anh cho phép bất kỳ người Pháp nào sẵn sàng trở thành thần dân của vua Anh ở lại vùng đất này.
Vào thời điểm Hiệp ước Paris được ký kết, có rất ít người nói tiếng Anh ở Canada.
Cuộc Cách mạng Mỹ đã làm thay đổi tất cả. Những người nói tiếng Anh lập quốc ở Canada là phe bảo hoàng – những người bỏ đi khi nước Mỹ giành độc lập và được thưởng bằng vùng đất ở Canada.
Do đó tiếng Anh ở Canada ngay từ đầu vừa là tiếng Anh của người Mỹ – bởi vì những người nói ngôn ngữ này đến từ nước Mỹ – đồng thời vừa không mang đặc trưng của Mỹ bởi vì họ phản đối một quốc gia độc lập mới ra đời.
Image copyright AFP Getty Images
Image caption Toà nhà Quốc hội Canada ở Ottawa

Trung thành với Hoàng gia Anh

Người Mỹ muốn có một loại tiếng Anh thật sự riêng biệt và độc lập, còn những người bảo hoàng ở Canada lại muốn giống như nước Anh.
Do vậy tiếng Anh Canada thuở ban đầu đó vừa là tiếng Mỹ, bởi những người nói ngôn ngữ đó đều đến từ các vùng đất thuộc địa của Mỹ - lại vừa không phải là tiếng Mỹ, bởi họ không chấp nhận quốc gia vừa tuyên bố độc lập.
Nếu như người Mỹ muốn tạo ra một thứ tiếng Mỹ độc lập, khác với tiếng Anh, thì những người bảo hoàng lại muốn duy trì chất Anh hay cái gì đó na ná thế.
Đó là những người mà tiếng Anh của họ đã tách ra khỏi tiếng Anh ở nước Anh và ngược lại: khi dân London và vùng phụ cận bắt đầu bỏ ‘r’ và thay đổi một số nguyên âm thì những người ở một số nơi của nước Mỹ cũng bắt chước, nhưng người Canada thì không.
Đã có làn sóng ngày càng nhiều người Anh tràn vào và tạo ảnh hưởng tại Canada.
Sau cuộc chiến năm 1812, Mẫu quốc Anh khuyến khích người dân di cư sang Canada để đảm bảo sự trung thành với nước mẹ.
Giọng của người dân Canada không trở thành giọng Anh mặc dù các giáo viên và giới chức từ nước Anh có để lại dấu ấn đối với chính tả và ngữ pháp.
Người dân Canada thật sự là thần dân của Nữ hoàng Anh nhưng họ cũng là láng giềng và là đối tác thương mại tốt nhất của Mỹ.
Người Anh có thể là gia đình nhưng người Mỹ là bạn bè.
Image copyright
Tiếng Anh ở Canada chỉ có thay đổi chút ít trên khắp đất nước rộng lớn này.
Miền Tây Canada không có nhiều người châu Âu đến định cư mãi cho đến cuối những năm 1800 khi những người Canada gốc Anh từ Ontario và những di dân từ Anh quốc và một số quốc gia khác được hưởng những ưu đãi về đất đai.
Các tỉnh nằm ven biển Đại Tây Dương có nhiều sự khác biệt hơn, nhất là ở Newfoundland vốn do người Ireland định cư và mãi cho đến năm 1949 mới chính thức trở thành một tỉnh của Canada.
Ngày nay, một phần năm dân số Canada có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh hay tiếng Pháp và cũng chừng ấy số dân nói tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ.
Tuy nhiên đặc trưng cơ bản của tiếng Anh ở Canada vẫn giống như tiếng Anh của những người Mỹ có cảm tình với Anh quốc với một ít ảnh hưởng từ những nền văn hóa khác, một ít dấu vết của nền văn hóa bản địa và một số ảnh hưởng từ người Pháp vốn sống cùng chung trên một mảnh đất.

‘Oot and aboot’

Chính tả ở Canada, như đề cập ở trên, là sự giằng co giữa Anh và Mỹ – họ viết jail (theo kiểu Mỹ) nhưng lại centre (theo kiểu Anh), analyze (theo kiểu Mỹ) nhưng colour (theo kiểu Anh).
Do Canada là một đất nước song ngữ, tiếng Pháp cũng có ảnh hưởng lên tiếng Anh. Chẳng hạn, nhiều biển báo và nhãn hiệu và tên các cơ quan vừa là tiếng Anh lẫn tiếng Pháp: Shopping Centre d’Achats (trung tâm mua sắm).
Image copyright Reuters
Và có lẽ một ảnh hưởng nữa của tiếng Pháp là cách người Canada gốc Pháp nói hein trong gần như cùng ngữ cảnh với cách người người Canada gốc Anh nói eh.
Chữ eh trong tiếng Anh Canada là một cách nhấn mạnh và để duy trì cuộc hội thoại: chẳng hạn như No kidding, eh; hay Thanks, eh.
Âm điệu của tiếng Anh Canada có một số nét đặc trưng và lý do của việc này một phần là từ Mỹ và một phần là từ Anh.
Nổi tiếng nhất là việc lên giọng kiểu Canada vốn ảnh hưởng đến cặp nguyên âm đôi đi trước phụ âm không bật hơi: nếu so sánh chúng ta sẽ thấy phần đầu của nguyên âm đôi trong iceout cao hơn trong eyesloud.
Việc lên giọng trong từ out khiến cho nó nghe giống như oot đối với người Mỹ.
Đặc điểm này có lẽ là do ảnh hưởng từ tiếng Anh của người Scotland do nhiều người Anh di cư đến Canada là người Scotland, hoặc có thể do cách phát âm của người Anh từ thời Shakespeare.
Đôi khi người Canada dùng từ giống như người Mỹ nhưng với cách dùng khác.
Chẳng hạn như ở Canada, nếu bạn write a test thì bạn là đối tượng của cuộc thi trong khi ở Mỹ bạn là người ra cuộc thi.
Đôi khi người Canada dùng cách nói khác để phản ánh cùng một sự vật: họ dùng garburator cho kitchen disposal, runner cho sneaker hay running shoe, bachelor apartment cho studio apartment, two-four để chỉ một thùng đóng 24 chai hay lon bia (ngày Lễ Victoria Day của người Canada, vốn rơi vào ngày thứ Hai gần ngày 24/5 được gọi là ngày May two-four weekend).
Image copyright BBC World Service
Một số từ vựng mô tả những thứ không có ở Mỹ: toque cho một loại mũ đan; poutine, Nanaimo bars, và butter tarts là ba sáng tạo ẩm thực của Canada.
Ngoài ra đôi khi tiếng Anh Canada cũng mượn từ vựng từ tiếng Pháp của Québec mà người Pháp chính quốc không hiểu được chẳng hạn như từ poutine, và dépanneur có nghĩa là cửa hàng tạp hoá.
Những nét đặc trưng của tiếng Anh Canada là bằng chứng cho thấy sự khác biệt giữa văn hóa Canada và văn hóa Mỹ.
Giữ gìn sự khác biệt đó đối với người Canada là rất quan trọng ngay cả khi dân Vancouver nói giống với dân San Francisco hơn là dân San Francisco nói giống như dân San Antonio.
Mặc dù người Canada nói tiếng Anh vẫn trung thành với Nữ hoàng Anh, họ không thật sự quan tâm đến việc nói giống như Anh.
Họ chỉ muốn dựa vào mối liên hệ với nước Anh để khẳng định sự tách biệt của họ với nước Mỹ.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Culture.

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2016/02/160201_why-is-canadian-english-unique_vert_cul

Canada: Xứ sở của sự tử tế

  • 3 tháng 5 2015
Cứ mỗi tháng Tám gia đình tôi lại bắt đầu lên đường. Và chúng tôi luôn đi về hướng bắc. Canada có lẽ không phải điểm đến lạ lẫm nhất nhưng đôi khi lạ lẫm là nói quá mức.
Canada hấp dẫn chúng tôi với sự thân thiện, thời tiết mát mẻ dễ chịu và trên hết là tràn đầy sự tử tế.

Ai cũng tử tế

Chúng tôi trải nghiệm sự tử tế của người Canada ngay khi chúng tôi đến hải quan.
Lực lượng biên phòng của Mỹ thì cộc cằn và lúc nào cũng chỉ có công việc. Người Canada, ngược lại, không bao giờ tỏ ra là không lịch sự, ngay cả khi họ tra hỏi chúng tôi về số chai rượu mà tôi đem vào đất nước của họ.
Một lần, chúng tôi đã không thông báo rằng hộ chiếu của con gái chín tuổi của tôi đã hết hạn nhưng họ vẫn cho chúng tôi qua một cách rất lịch thiệp.
Sự tử tế của họ theo chúng tôi trên suốt hành trình: chúng tôi đã gặp những người phục vụ, những nhân viên khách sạn và thậm chí người lạ cũng đều tử tế.
Sự tử tế của người Canada giống như là dầu hỏa đối với Ả Rập Saudi và có khi phần còn lại của thế giới nên học hỏi phần nào.
Các nhà khoa học vẫn chưa phân tích về sự tử tế của người Canada một cách thực tế nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng người Canada, có lẽ vì họ không muốn làm tổn thương người khác, dùng rất nhiều những từ ngữ khách sáo như ‘có thể’ hay ‘không tệ’. Và đây là từ ngữ mà người Canada dùng thường xuyên nhất: ‘sorry’. Người Canada xin lỗi vì bất cứ lý do gì.
“Tôi xin lỗi cái cây mà tôi đâm vào,” Michael Valpy, một nhà báo và là một cây bút, thừa nhận và nói rằng những người đồng bào của ông cũng xin lỗi vì điều tương tự.
Giao thông ở Toronto và Montreal có lẽ rất tệ nhưng ‘hầu như bạn sẽ không bao giờ nghe một tiếng còi xe thậm chí trong những tình huống bị kẹt xe mệt mỏi nhất”, ông Jeffrey Dvorkin, một giáo sư dạy báo chí Canada tại Đại học Toronto, cho biết. Bóp còi xe ở Canada được xem là hung hăng một cách không cần thiết.

Trên báo chí

Báo chí Canada đầy những câu chuyện về sự tử tế của người dân.
Chẳng hạn như tờ National Post tường thuật rằng ở Edmonton, một sinh viên luật có tên là Derek Murray đã bật đèn pha xe hơi suốt ngày. Khi anh ta trở lại, anh ta thấy pin xe cạn và một lời nhắn để lại trên kính chắn gió: “Tôi thấy anh để đèn xe suốt. Có lẽ xe không đủ pin để khởi động máy. Tôi để lại ở đây một cái sạc pin bên trong hộp cạc tông bên cạnh hàng rào.”
Ở Ontario, một tên trộm gửi trả lại món đồ mà hắn đã trộm kèm với 50 đô la đính kèm với một bức thư xin lỗi: “Tôi không thể nói thành lời tôi hối lỗi đến mức nào. Hãy mở rộng tấm lòng tha thứ cho kẻ lạ mặt đã gây hại cho quý vị.”
Người Canada không phải chỉ lịch thiệp không, họ còn khiêm nhường đến mức khó tin và không muốn được khen ngợi thậm chí cho những hành động anh hùng.
Khi một tay súng tấn công tòa nhà Quốc hội Canada hồi tháng 10 năm 2014, ông Kevin Vickers, người giữ trật tự ở Quốc hội, đã phản ứng mau lẹ và bình tĩnh bằng cách bắn kẻ tấn công bằng khẩu súng mà ông ta để ở văn phòng làm việc của mình. Và khi Vickers được báo chí Canada tuyên dương, họ đã ca ngợi sự khiêm nhường chứ không phải sự dũng cảm hay tài bắn súng của ông ấy.
Điều gì đã làm cho người Canada luôn khiêm nhường và lịch thiệp như vậy?
Ông Taras Grescoe, một nhà văn ở Montreal, tin rằng nó là nhu cầu của người Canada. “Chúng tôi có dân số ít trải rộng trên một lãnh thổ quốc gia lớn thứ hai trên thế giới,” ông nói.
“Chúng tôi luôn biết rằng để sinh tồn thì chúng tôi luôn phải để mắt canh chừng cho nhau. Một bà lão bước trên đường, một thiếu niên tại trạm chờ xe buýt quên đem theo khăn choàng khi tiết trời xuống dưới âm 5 độ. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ nhau thay vì hung hăng đối với nhau.”

Mặt trái của sự tử tế

Không phải ai cũng xem sự tử tế này là điều tích cực. Valpy cho rằng đây là một ‘cơ chế tự vệ xuất phát từ mặc cảm và nhận thức rằng trang phục của chúng tôi không phù hợp, kiểu đầu tóc của chúng tôi luôn xấu và chúng tôi không thật sự làm được điều gì to lớn’.
Và ở đất nước của sự tử tế các vấn đề lại có cơ hội nảy sinh bởi vì ai cũng ngại đụng chạm.
Manjushree Thapa, một nhà văn mới chuyển từ Nepal đến Canada, nhớ lại lúc ông ấy ngồi trong rạp chiếu phim khi mà màn hình mỗi lúc một mờ dần do bóng đèn chiếu tắt từ từ. Màn hình chuyển thành đen hẳn vậy mà không ai lên tiếng. Bực mình, bà đã thúc người bạn trai của mình đi thông báo cho quản lý rạp và ông ấy đã miễn cưỡng làm theo. “Sự tử tế khiến người dân ở đây câm nín,” bà nói.
Sự tử tế của người Canada có thể lây lan cho người khác.
Mỗi lần tôi đến thăm Canada hàng năm, tôi cảm thấy mình như chậm lại và nói ‘cảm ơn’ hay ‘xin vui lòng’ nhiều hơn thường lệ.
Có lẽ tôi đã đi quá xa và vượt lằn ranh từ sự tử tế sang lời nói ngọt nhạt. Nếu thật sự như thế thì tôi chỉ có thể nói rằng, tôi xin lỗi đúng kiểu của người Canada.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.

http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/05/150503_canada_land_of_niceness_vert_tra

Montreal – thành phố tiệc tùng

  • 14 tháng 12 2014
Image caption Montreal là thành phố lớn nhất của tỉnh Québec, Canada
Với độ tuổi tối thiểu được phép uống rượu là 18 và cuộc sống về đêm không ngừng nghỉ nhưng thường dừng vào lúc 3 giờ sáng, Montreal không thể không nhận danh hiệu ‘thành phố tiệc tùng của Canada’.
Với các quán rượu, các câu lạc bộ đêm và các nhà hàng sôi động, thành phố này có những người dân thích vui chơi nhảy múa – những người sẽ đảm bảo nơi này sẽ không bao giờ buồn chán.
“Người dân Montreal thậm chí không hề chớp mắt nếu họ thấy một người lớn ăn mặc y hệt một chú hề bước đi trong các thương xá,” Michael D’Alimonte, một cây viết trên trang blog MTL chuyên về văn hóa và nghệ thuật, nói.
Mặc dù người dân Montreal lúc đầu trông có vẻ khép kín, họ thật sự rất thân thiện.
“Người dân Montreal cực kỳ hiếu khách và nói rất nhiều khi có dịp,” Marie-Eve Vallieres, một cư dân Montreal viết blog có tên là ‘A Montrealer Abroad’, “Họ thích chia sẻ tình yêu Montreal của họ với bất cứ ai quan tâm. Một tiếng chào ‘Bonjour’ thân mật luôn là một khởi đầu tốt.”
Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của thành phố này với 63% số dân có tiếng mẹ đẻ là tiếng Pháp theo cuộc điều tra dân số hồi năm 2011. Thật ra, Montreal là thành phố nói tiếng Pháp lớn thứ hai trên thế giới sau Paris.
Tuy nhiên, hơn phân nửa người dân Montreal nói tiếng Anh. Do đó, du khách sẽ không gặp khó khăn khi chu du trên khắp thành phố. Người nước ngoài sẽ dễ dàng hòa nhập nếu họ nói được tiếng Pháp nhất là nếu họ muốn sinh sống và làm việc ở thành phố này. Luật ở đây yêu cầu những người làm việc phải nói rành tiếng Pháp.

Sống ở đâu?

Image caption Montreal từng tổ chức Thế vận hội Mùa hè
Bạn muốn sống ở đâu ở Montreal tùy thuộc vào bạn muốn nói tiếng Anh hay tiếng Pháp.
“Montreal luôn có ranh giới rõ ràng giữa các cộng đồng nói tiếng Anh và nói tiếng Pháp,” Vallieres nói, “Ngay cả khi ranh giới này ngày nay đã hơi mờ nhạt thì truyền thống này vẫn được duy trì.”
Cộng đồng nói tiếng Pháp thì tập trung ở các khu như khu Outremont thân thiện với các gia đình, khi Plateau Mont-Royal rợp bóng cây, khu Rosemont-Petite-Patrie có khuynh hướng cộng đồng và khu Hochelaga-Maisonneuve gần đây được làm cho tươi mới.
Những người nói tiếng Anh có xu hướng sống ở khu Westmount, Mile End, Notre-Dame-de-Grace và khu Lasalle.
Đại lộ Saint-Laurent là vùng đệm không chính thức giữa hai cộng đồng nói tiếng Anh và tiếng Pháp. Nơi đây người dân nói cả hai ngôn ngữ. Michael D’Alimonte khuyên những ai không nói được tiếng Pháp nên ở gần khu trung tâm gần Saint-Laurent. Theo D’Alimonte thì đây ‘có lẽ là khu thời thượng nhất ở Montreal, nơi mà người ta sẽ không thấy phiền nếu bạn nói tiếng Anh’.

Chọn loại hình nhà ở nào?

Image caption Những cầu thang ngoài trời thế này trông duyên dáng nhưng sẽ phải dọn tuyết rất cực đấy
Montreal có nhiều tòa nhà có tuổi đời hơn 100 tuổi. Trong khi đa số người dân Montreal sống trong những căn nhà lịch sử duyên dáng này – những tòa nhà có từ ba đến bốn tầng – thì lúc này hay lúc khác, sàn gỗ kẽo kẹt và không có cách âm cuối cùng sẽ khiến bạn chuyển đến các căn hộ hay chung cư hiện đại hơn.
Một đặc điểm đặc trưng của những tòa nhà cổ này là cầu thang bên ngoài khiến cho chúng trông có nét cổ điển quyết rũ, nhưng người dân Montreal đã nhanh chóng nhận thấy vấn đề khi phải dọn tuyết trên cầu thang trong cái nhiệt độ âm 30 độ.
Nhà trệt nằm ở các quận ngoại ô và thường được nhiều người thuê chung. Dân địa phương thường khuyên người nước ngoài đừng đi quá xa khỏi thành phố để thuê nhà. “Cuộc sống ngoại ô ở Montreal không có nhiều thuận lợi lắm đâu. Nó không hề rẻ hơn, không hề thân thiện hơn hay không hề dễ hơn trong vấn đề đi lại,” Vallieres nói, “Thật ra ngược lại là đằng khác.”

Đi chơi ở đâu?

Từ sân bay Pierre-Trudeau, bạn có thể bay đến New York, Toronto và Washington D.C. trong khoảng một giờ. Thành phố gần nhất trong phạm vi lái xe là Ottawa, nằm cách 200km về phía tây, nhưng những ai muốn đi nghỉ cuối tuần thường lái xe 250km về hướng đông bắc đến Québec – thành phố có dáng dấp châu Âu.
Vallieres nói rằng bạn có thể sống như dân địa phương khi khám phá vùng thôn quê của tỉnh Québec. Cách Montreal 150 km về phía tây, Eastern Township đặc trưng với những kiến trúc mang phong cách Anh do những người Mỹ di cư lên phía bắc sau cuộc Cách mạng Mỹ. Nơi đây nổi tiếng với những vườn nho. Những khu rừng rậm rạp của khu vực sông Lawrence, chỉ cách Montreal 70km về hướng bắc, là nơi thích hợp để bạn đi về trong ngày để vui thú các hoạt động ngoài trời.

Giá cả thế nào?

Image caption Montreal còn lưu giữ những dấu ấn lịch sử của thời kỳ khai phá Bắc Mỹ
Montreal vẫn là một thành phố có giá cả phải chăng đến ngạc nhiên đối với một đô thị lớn. “Thuê một căn phòng không bao giờ tốn quá 500 hay 600 đô la một tháng trừ phi bạn thuê các căn nhà hào nhoáng ở khu phố cổ,” D’Alimonte nói. Thậm chí bạn cũng có thể mua nhà ở Montreal. Một căn hộ chung cư hai phòng ngủ bình thường có giá khoảng 300.000 đô la và ở đây không hạn chế người nước ngoài mua nhà.
Người dân Montreal vẫn có thể đi lại bình thường mà không cần xe hơi.
“Tìm được chỗ đỗ xe ở Montreal thật sự là điều kỳ diệu, lái xe ở đây phải biết những quy định cực kỳ phức tạp và giờ dọn tuyết cũng như những khoản tiền phạt quá lớn,” Vallieres nói. Thẻ tháng xe điện ngầm mất khoảng 80 đô la và dịch vụ đi chung xe giúp bạn dễ dàng đi lại.
Là nơi có đông sinh viên, ở Montreal rất dễ tìm được những món hàng thực phẩm và tạp phẩm giá tốt. Rượu bia bán trong nhà hàng phải chịu thuế cao trong khi nhiều nhà hàng cho phép khách mang rượu của mình vào.
Bản tiếng Anh bài nàyđã được đăng trên BBC Travel.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten