woensdag 17 februari 2016

Giới trẻ Việt Nam và ngày tưởng niệm chiến tranh biên giới 17/2

Giới trẻ Việt Nam và ngày tưởng niệm chiến tranh biên giới 17/2

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016-02-17


Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

000_Hkg2116120.jpg
Các thành viên một đơn vị pháo binh của lực lượng vũ trang Việt Nam chống lại quân xâm lược Trung Quốc dọc theo đường biên giới 230 km của tỉnh Lạng Sơn với Trung Quốc vào ngày 23 tháng 2 năm 1979.
AFP PHOTO

Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung xảy ra vào ngày 17/2/1979 và kéo dài trong một tháng đã gây nên thiệt hại nặng nề cho phía Việt Nam. Nhân ngày 17 tháng 2 năm 2016 đánh dấu một trong những cột mốc lịch sử quan trọng xuyên suốt hơn 4000 năm chống giặc ngoại xâm phương Bắc, mời quý vị cùng đọc chia sẻ của giới trẻ trong nước liên quan đến cuộc chiến tranh bi hùng này.
“Ngày 17 tháng 2 à? Chỉ biết ngày 14 tháng 2 thôi chứ không nghe ngày 17 tháng 2.”
Ngày 17 tháng 2 à? Chỉ biết ngày 14 tháng 2 thôi chứ không nghe ngày 17 tháng 2.
Đây là câu trả lời điển hình của nhiều bạn trẻ trong nước khi được Đài RFA hỏi có biết gì về ngày 17 tháng 2 năm 1979 hay không. Mặc dù ngày lễ Tình yêu Valentine, 14 tháng 2, du nhập vào Việt Nam trong khoảng thời gian không lâu nhưng đây là một ngày lễ rất phổ biến đối với hầu hết thanh niên từ thành thị đến nông thôn. Thế nhưng, cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung do Trung Quốc khai hỏa tấn công vào ngày 17 tháng 2 cách đây gần tròn 4 thập niên thì không phải bạn trẻ nào cũng biết đến.
Nói như thế không đồng nghĩa với thanh niên Việt Nam ngày nay hoàn toàn không có thông tin gì về thời gian 30 ngày quân và dân ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ bờ cõi quốc gia không rơi vào sự xâm chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc lúc bấy giờ. Một bạn trẻ ở Hà Nội chia sẻ bạn ấy tiếp cận thông tin về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 như thế nào:
“Về cuộc chiến tranh biên giới thì ngoài đời thường chỉ nghe các chú, các bác nói loáng thoáng, thông tin không được đầy đủ rõ ràng; chỉ nói ‘chiến tranh đánh Trung Quốc năm 1979 thôi’. Còn báo chí lề phải ít khi đề cập đến. Cách đây khoảng chục năm gì đó khi internet nở rộ và các trang báo lề trái xuất hiện thì tụi em được tiếp cận nhiều với thông tin về cuộc chiến tranh biên giới. Và những năm gần đây, các cuộc tuần hành được các nhóm xã hội dân sự tổ chức tưởng niệm thì cũng tạo được ảnh hưởng và có sức lan tỏa.”


000_ARP2093997.jpg
Lính Trung Quốc bị các binh sĩ Việt Nam bắt giữ trên chiến trường của Cao Bằng vào ngày 26 tháng 2 năm 1979.

Sự ảnh hưởng và sức lan tỏa thông tin cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 từ internet đối với thanh niên ở Việt Nam không phải là nhỏ. Các bạn trẻ quan tâm đến tình hình đất nước trước động thái hung hăng lấn át của “người bạn 4 tốt-16 chữ vàng” đều chia sẻ những thông tin mà các bạn góp nhặt được liên quan đến cuộc chiến tranh bi hùng trong lịch sử cận đại chống Trung Quốc là số liệu tương quan lực lượng về nhân lực, kể cả phương tiện chiến đấu và vũ khí quá chênh lệch giữa Việt Nam với Trung Quốc. Dù cho vết tích lịch sử về những phụ nữ và trẻ em bị quân đội Bắc Kinh giết hại một cách dã man bị xóa bỏ hay mộ bia của các binh sĩ thuộc Lực lượng vũ trang Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh với dòng chữ “Quân Trung Quốc xâm lược” ở nghĩa trang đìu hiu hoang vắng tại các tỉnh phía Bắc bị đập phá sẽ mãi không bao giờ rơi vào quên lãng trong tâm tưởng của các thế hệ thanh niên tiếp nối, vì đối với họ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là một cột mốc lịch sử quan trọng xuyên suốt thời gian hơn 4000 năm, kể từ truyền thuyết thời Hồng Bàng của vua Hùng Vương phải phòng vệ trước sự xâm lược của giặc Ân.
Hiện tại muốn bỏ môn Lịch sử luôn… Trung Quốc xâm lược mình mà trong trường thì không dạy, cho đó là nhạy cảm.
- bạn Vĩnh
Vào năm 2014, báo giới chính thống trong nước đưa tin về kỷ niệm 35 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung. Các nhân chứng lịch sử, các sử gia và những bậc lão thành cách mạng lên tiếng kêu gọi lãnh đạo Việt Nam cần phải đưa vào sách giáo khoa sự kiện Trung Quốc dùng 6 vạn quân đánh Việt Nam hồi năm 1979 để xem đó như là một chiến thắng chống giặc ngoại xâm của lịch sử dân tộc cũng như đối xử công bằng với những anh lính đã ngã xuống và thân nhân của họ bằng cách nói lên sự thật về cuộc chiến tranh biên giới can trường nhưng đầy mất mát. Đáp trả câu hỏi của Hòa Ái rằng các bạn trẻ ở Việt Nam đón nhận lời đề nghị này ra sao, bạn Vĩnh ở TP.HCM bày tỏ:
“Hiện tại muốn bỏ môn Lịch sử luôn, coi như là muốn che lấp hết luôn. Học thì toàn chỉ biết đánh Pháp, đánh Mỹ thôi chứ không có đánh Trung Quốc đâu. Trung Quốc xâm lược mình mà trong trường thì không dạy, cho đó là nhạy cảm. Không cần nói từ xưa mà bây giờ đây Trung Quốc từng bước tấn công Việt Nam đủ thứ về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa rồi ngộ độc thực phẩm tràn làn hết. Lịch sử là như vậy thì phải đưa đúng như vậy nhưng em nghĩ là khó.”
Các bạn trẻ đài ACTD tiếp xúc nhân dịp tưởng niệm 37 năm cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung nhấn mạnh rằng khi chính phủ Hà Nội càng cố bưng bít những thông tin liên quan đến Trung Quốc mà cho là “nhạy cảm” bằng cách không đưa vào sách giáo khoa hay không cho các cơ quan truyền thông loan tải, hoặc ra sức ngăn cản các buổi tưởng niệm do các nhóm xã hội dân sự độc lập tổ chức thì càng không ngăn cản được sự tìm hiểu của thanh niên Việt Nam không chỉ về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mà còn về trận chiến Gạc Ma năm 1988, Hội nghị Thành Đô năm 1990, Hiệp định Biên giới Việt-Trung từ năm 1999 đến nay, kể cả những chiếc “tàu lạ” tấn công ngư dân Việt hằng ngày ở Biển Đông vì theo họ lịch sử phải nên chấp nhận sự thật dù thắng hay thua và theo như câu nói của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là “sòng phẳng với lịch sử không phải kích động hận thù”.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-vietnamese-youth-know-about-feb17-1979-ha-02172016110122.html

Kỷ niệm 37 năm trận chiến biên giới phía Bắc

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-02-16
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
000_ARP2093992
Người dân các huyện biên giới rời bỏ nhà cửa lánh nạn khi Trung Quốc tấn công biên giới Việt Nam hôm 17/2/1979. Ảnh chụp hôm 23/2/1979.
AFP photo


Ngày 17 tháng 2 năm 2016 Việt Nam sẽ kỷ niệm 37 năm trận chiến biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cuộc chiến chỉ kéo dài trong một tháng nhưng thiệt hại về phía dân quân của Việt Nam rất nặng nề cho đến 37 năm sau vẫn còn dư chấn. Mặc Lâm có thêm chi tiết về những dự định tổ chức lễ tưởng niệm tại hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội như vẫn thường được làm từ nhiều năm qua.
37 năm đã trôi qua thế nhưng khi tới ngày 17 tháng 2 thì người Việt Nam không thể không nhớ lại khoảng thời gian kinh hoàng mà quân đội Trung Quốc mang lại cho 6 tỉnh miền Bắc. Thiệt hại về nhân mạng của bộ đội lẫn thường dân Việt Nam cả chục ngàn người, cơ sở vật chất nhiều tỉnh bị san thành bình địa. Quân Trung Quốc tàn phá những nơi mà họ đi qua, và việc giết tập thể thường dân vô tội Việt Nam được nhiều nhân chứng còn sống sót kể lại gây kinh hoàng và phẫn uất cho cả một thế hệ sống trong thời gian cuộc chiến xảy ra.
Cuộc tàn sát này đã làm cho bản hiến pháp Việt Nam vào năm 1980 có lời nói đầu xem Trung Quốc là bá quyền xâm lược. Tuy nhiên sau khi Hội Nghị Thành Đô được ký kết một cách âm thầm 10 năm sau đó thì cơn ác mộng Trung Quốc chuyển thành bốn tốt và mười sáu chữ vàng. Hội nghị Thành Đô cũng tạo áp lực khiến Hà Nội không thể tổ chức các lễ kỷ niệm cuộc chiến tại 6 tỉnh miền Bắc nhằm tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ hy sinh.
Mặc dù gặp khó khăn về phía chính quyền nhưng hàng năm vào ngày này người dân Hà Nội lẫn Sài Gòn đều cố gắng tổ chức lễ tưởng niệm. Tại Hà Nội vườn hoa Lý Thái Tổ được chọn như một địa điểm quen thuộc dành cho mọi người tập trung vào sáng 17 tháng 2 hàng năm. Tại Sài Gòn là bên dưới tương đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng.
Ba ngày trước cả Hà Nội và Sài Gòn đều nhận được thông tin sẽ tổ chức 37 năm ngày xảy ra cuộc chiến. Tại Hà Nội là nhóm NoU và tại Sài Gòn là Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng do ông Huỳnh Kim Báu làm chủ nhiệm đứng ra kêu gọi và nhắc nhở người có quan tâm đến vấn đề này tham gia buổi lễ vào sáng 17 tháng 2.
Tại Hà Nội
Từ Hà Nội anh Nguyễn Chí Tuyến, thành viên của đội bóng NoU cho biết lý do mà anh và các bạn đứng ra kêu gọi cuộc tưởng niệm:
Những năm gần đây thì các hoạt động này nó là thông lệ rồi. Đúng ra nhà nước Việt Nam người ta phải làm những việc như thế này nhưng mà người ta không làm thì nhân dân phải làm. Anh em NoU chỉ gửi thư chung cho mọi người cùng biết chứ chúng tôi không mời riêng từng người nào cả vì thông tin trên mạng rất rộng rãi ai người ta cũng biết. Những người quan tâm thì người ta đều biết cả chứ còn những người nào không quan tâm thì có đưa trước mặt người ta cũng chả quan tâm gì. Nếu quan tâm thì người ta sẽ biết cũng như cái ngày giỗ của người thân mình thì mình phải biết anh em mình tổ chức như thế nào.
Mình tự động làm và đợt này có khác một chút đó là không xin phép. Tuy tự động làm nhưng có thông báo chính thức trên mạng tôi đứng tên và là chủ nhiệm tôi thông báo.
- ông Huỳnh Kim Báu
Tại Sài Gòn ông Huỳnh Kim Báu nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc chuẩn bị ngày tưởng niệm tại tượng đài Trần Hưng Đạo sẽ không xin phép như những lần trước, ông nói:
Mình tự động làm và đợt này có khác một chút đó là không xin phép. Tuy tự động làm nhưng có thông báo chính thức trên mạng tôi đứng tên và là chủ nhiệm tôi thông báo. Thứ hai nữa tôi đề nghị chính quyền bảo vệ an ninh để cho buổi lễ được trang trọng. Tức là yêu cầu chính quyền tạo điều kiện cho buổi lễ. Trong cái thư mời có khác với mấy năm trước về cái này.
Cũng có vòng hoa có băng rôn nữa. Kinh nghiệm những lần trước nên phải có nhiều bảng và phải đi từng đợt, nếu nó giựt cái này thì có cái khác đưa lên. Mít tinh thì phải có nó mới đúng lễ bộ chứ.
Trước đây chính quyền đã làm đủ mọi cách để ngăn cản những cuộc lễ như thế trong nhiều năm liền. Côn đồ được mang tới gây rối và thậm chí tấn công người tham dự. Những chiếc loa có công suất cực lớn phá âm thanh của buổi lễ một cách thô bạo hay cán bộ mang hẳn cưa máy ra để cắt gạch gây khói bụi và ồn ào khiến buổi lễ không thể thực hiện. Những động thái phá hoại này được thực hiện công khai có sự hỗ trợ của công an, cảnh sát, và lực lượng an ninh ngầm cùng với dân quân, côn đồ các loại.
Tại Sài Gòn
Tại Sài Gòn số người tham gia các buổi lễ có ít hơn Hà Nội nhưng sự đàn áp phá hoại cũng không khác mấy với miền Bắc. Công an từ rất sớm phân tán khắp các nẻo đường và những khuôn mặt thường xuất hiện trong các buổi lễ trước đây đều bị gác cửa không cho ra khỏi nhà. Diễn biến lập đi lập lại hàng năm nhưng vẫn không ngăn được ước muốn chứng tỏ mối quan tâm của người dân trước các hy sinh của anh hùng liệt sĩ. Nói về việc này ông Huỳnh Kim Báu chia sẻ:
Tới giờ này thì chưa, nếu có thì phải sáng ngày mai. Lần trước ngày 17 tháng giêng ngày Hoàng Sa, mới 6 giờ thì công an đã tới nhà tôi rồi và giữ nhiều người không ra được khỏi nhà nhưng lần này thì chưa nghe. So với lần trước cho tới giờ này chưa có động tĩnh gì đáng ngại. Những lần trước thì giờ này đã có rồi đấy.
Tại Hà Nội việc lãnh đạo mới lên thay thế đã giúp cho người dân một chút hy vọng về cung cách đối xử với người dân sẽ khác với trước đây, mặc dù đó chỉ là suy đoán và hy vọng. Anh Nguyễn Chí Tuyến chia sẻ:
Những năm gần đây thì các hoạt động này nó là thông lệ rồi. Đúng ra nhà nước Việt Nam người ta phải làm những việc như thế này nhưng mà người ta không làm thì nhân dân phải làm.
- anh Nguyễn Chí Tuyến
Người dân hy vọng các ông ấy qua những năm vừa rồi thì đã nhận ra vấn đề cần phải làm cho đúng mực. Ngày 19 tháng giêng vừa rồi bà con có làm buổi tưởng niệm cho trận hải chiến Hoàng Sa thì nó vẫn diễn ra êm đẹp. Lúc đó ông Hải chưa là bí thư Hà Nội nhưng mà tôi phải khen ông Chung có những việc cần làm và ông làm được thì ông cũng rất đáng khen.
Trong miền Nam tại tp HCM thì anh em họ biểu hiện không thỏa đáng thì tôi thấy miền Nam kém miền Bắc TP HCM kém Hà Nội. Ngày mai 17 tháng 2 cả Nam cả Bắc đều có những dự kiến tổ chức các hoạt động tưởng niệm dâng hoa. Tôi hy vọng các ông ấy hiểu ra vấn đề và có thái độ đúng mực đối với những người dân kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 17 tháng 2, chứ còn nếu họ lại sử dụng công cụ bạo lực hay cho những đối tượng nào đó ra khuấy rối thì tất nhiên bà con chúng tôi cũng quen cái chuyện ấy rồi nên việc chúng tôi cần làm thì phải làm cũng như ngày giỗ vậy.
Ông Huỳnh Kim Báu dè dặt hơn mặc dù cũng hy vọng vào một điều gì đó mà ông cảm thấy rất mơ hồ:
Nói thực ra với mấy ông này thì không tin được ông nào hết trơn. Mấy ổng ưa chơi cái trò vô chiêu thắng hữu chiêu mình không biết sao, mình cũng chỉ hy vọng vậy thôi. Ông Đinh La Thăng là ai ông ta hành xử như thế nào tới giờ này mình cũng chưa biết và ổng cũng chưa bao giờ phát biểu cái chính kiến của ổng đối với vấn đề Trung Quốc hay đối với phong trào dân chủ, chưa!
Ổng chỉ nói vấn đề kinh tế, vấn đề hồi ổng còn làm giao thông thôi. Tất nhiên chúng tôi cũng quý ổng vì thấy ổng cũng trẻ và ăn nói cũng giống như Nguyễn Bá Thanh, cũng bạo. Cái thứ hai chúng tôi nghĩ ổng mới vô Bộ chính trị, thứ ba nữa là ổng không có giây mơ rễ má gì với Sài Gòn hết nên tôi nghĩ chúng tôi làm vào ngày mai cũng như anh nói tức là để coi thái độ của ông ấy thế nào còn giờ này thì chưa biết được.
Sau đại hội 12 mọi đôi mắt đều tập trung về cách ứng xử với Trung Quốc. Kỷ niệm 37 năm ngày chiến tranh biên giới phía Bắc cũng không ngoại lệ. Ngăn cấm hay đồng tình sẽ khiến người dân có một cái nhìn rõ hơn về vấn đề Trung Quốc mà bao năm nay nhà nước vẫn làm cho người dân thắc mắc bởi chưa có câu trả lời thỏa đáng cho mọi người.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/sg-hn-37th-anniversary-battle-in-northern-border-tp-02162016132748.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten