zondag 10 januari 2016

Việt Nam tố cáo phi cơ “lạ” đe dọa an toàn các chuyến bay trong vùng


Việt Nam tố cáo phi cơ “lạ” đe dọa an toàn các chuyến bay trong vùng


mediaPhi đạo đang xây trên Đá Chữ Thập theo ảnh vệ tinh đăng trên trang web của CSIS.Reuters
Chính quyền Việt Nam vừa có một phương cách mới để phản đối việc Trung Quốc thử nghiệm sân bay trên Đá Chữ Thập, vùng quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Theo báo chí trong nước vào hôm nay, 08/01/2016, ngành Hàng không Việt Nam đã chính thức khiếu nại trước Tổ chức Hàng không Dân dụng thế giới về việc một số máy bay “không xác định” mới đây đã đe dọa sự an toàn của các hoạt động bay trong khu vực thuộc trách nhiệm của Việt Nam.
Theo báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, trong văn thư đề ngày 06/01/2016 gửi đến Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Hàng không Dân dụng Thế giới ICAO, Cục Hàng không Việt Nam báo động về việc từ ngày 01 đến 06/11, đã có một số máy bay không xác định hoạt động trong vùng Thông báo Bay (FIR) Hồ Chí Minh, nhưng lại không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn bay.
Trên nguyên tắc, các máy bay trên phải nộp kế hoạch bay cho cơ quan không lưu của Việt Nam, và phải thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 28/12/2015 đến nay, các cơ quan quản lý bay của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo bay nào của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động bay đến Đá Chữ Thập.
Cục Hàng không Việt Nam tố cáo: hoạt động của các máy bay Trung Quốc đã vi phạm các quy định của ICAO, ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực.
Hôm thứ Bảy 02/01, Trung Quốc đã cho một phi cơ dân sự đáp xuống phi đạo trên Đá Chữ Thập, và qua thứ Tư 06/01, Bắc Kinh lại cho hai phi cơ khác hạ cánh xuống hòn đảo nhân tạo này. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post số ra hôm nay, hai phi cơ bay đến Đá Chữ Thập hôm thứ Tư là một chiếc Airbus 319 của hãng China Southern Airlines, và một chiếc Boeing 737 của hãng Hàng không Hải Nam.
Ngoài Cục Hàng không Việt Nam, các hành vi của Trung Quốc tại Trường Sa dĩ nhiên đã bị Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối, lần đầu tiên hôm 02/01, và lần thứ hai hôm 07/01.
Hoa Kỳ cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Vào hôm qua, đến lượt Lầu Năm Góc Mỹ tố cáo Trung Quốc làm tình hình Biển Đông căng thẳng thêm lên với việc cho máy bay liên tiếp đáp xuống đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp trong khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Peter Cook, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ xác định rằng Hoa Kỳ « thật sự rất quan ngại về những chuyến bay đó… rất quan ngại trước tất cả các hoạt động mà Trung Quốc tiến hành trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông ». Đối với phát ngôn viên Lầu Năm Góc : « Bất kỳ điều gì, do bất kỳ nước nào tiến hành, nhằm tạo ra căng thẳng ở khu vực các đảo tranh chấp đó, và tìm cách quân sự hóa hay bồi đắp các đảo đó… đều chỉ có tác dụng làm gia tăng bất ổn định ở Biển Đông ».
Thái độ quan ngại của Mỹ trước khả năng Bắc Kinh quân sự hóa vùng Trường Sa như đã được một viên tướng Trung Quốc đã hồi hưu xác nhận. Theo nhật báo South China Morning Post hôm nay, Tướng Từ Quang Dụ (Xu Guangyu) khẳng định rằng sau các phi cơ dân sự, nội trong vài tháng tới đây, có thể là ngay trong nửa đầu năm 2016, sân bay tại Đá Chữ Thập sẽ được sử dụng cho máy bay quân sự, với mục tiêu tuần tra Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160108-viet-nam-to-cao-phi-co-%E2%80%9Cla%E2%80%9D-de-doa-an-toan-cac-chuyen-bay-trong-vung


Việt Nam lại tố cáo Trung Quốc tiếp tục cho máy bay đáp xuống Trường Sa


mediaẢnh chụp từ máy bay trinh sát P-8A Poseidon của không quân Hoa Kỳ cho thấy các hoạt động bồi đắp của Trung Quốc trên bãi Đá Chữ Thập, Trường Sa.Reuters
Theo Reuters, Việt Nam vào hôm nay, 07/01/2016 lại tố cáo Trung Quốc cho hai phi cơ đáp xuống Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa vào hôm qua, để thử nghiệm phi đạo được xây dựng tại đấy. Đối với Hà Nội, Bắc Kinh đã vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Theo phía Việt Nam, thì “ hai máy bay dân sự cỡ lớn ” của Trung Quốc đã đáp xuống sân bay mà Bắc Kinh đã xây dựng “ bất hợp pháp ” ở Trường Sa. Phi đạo trên Đá Chữ Thập là một trong ba đường băng mà Trung Quốc đã xây dựng từ hơn một năm nay trên 7 đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở Trường Sa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định rằng hành vi của Trung Quốc đã “ vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, đe dọa an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ”.
Bản tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rõ: “ Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp ”.
Sau cùng Việt Nam khẳng định là sẽ “ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế ”.
Đây là lần thứ hai mà Việt Nam lên tiếng phản đối hành động nói trên của Trung Quốc tại vùng Trường Sa, và với lời lẽ cứng rắn hơn khi khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Lần trước là vào ngày 02/01/2016, ngay sau khi được biết là Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ra Đá Chữ Thập.
Không chỉ bị Việt Nam phản đối. Vào hôm nay, Trung Quốc cũng bị Philippines tố cáo. Đích thân Ngoại trưởng Albert del Rosario cho rằng cần phải nỗ lực ngăn chặn các hành động của Trung Quốc, bằng không thì Bắc Kinh sẽ thiết lập một vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông, một điều “ không thể chấp nhận được ”. Theo ông Del Rosario, Manila sẽ phản đối “những hành vi khiêu khích” của Bắc Kinh tại Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160107-hn-bk-ts-tc-bd


Trung Quốc bác bỏ phản đối của Việt Nam về thử nghiệm sân bay ở Trường Sa


mediaĐá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều /Yongshu Reef ) là đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánhDR / CSIS
Trung Quốc bác bỏ phản đối của Việt Nam về việc thực hiện bay thử nghiệm ra sân bay mà Bắc Kinh đã xây dựng trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, xem đây là một hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng phản đối như trên ngay sau khi Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm ra sân bay trên Đá Chữ Thập hôm qua, 02/01/2016.
Theo ông Lê Hải Bình, hành động của Trung Quốc « đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 ». Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc « chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự ».
Theo báo chí Việt Nam, cũng trong ngày hôm qua, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam « đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc ».
Thế nhưng, hôm qua 02/01/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ( Hua Chunying ) đã bác bỏ lời phản đối của phía Việt Nam. Theo lời bà Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc đã sử dụng một máy bay dân dụng bay thử nghiệm tại sân bay trên Đá Chữ Thập ( mà Bắc Kinh gọi là Vĩnh Thử tiêu ) « nhằm xác định xem sân bay này có phù hợp tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không ».
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hoạt động này « hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc », nhắc lại rằng Bắc Kinh « có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa ( Trường Sa ) và vùng biển xung quanh ».
Về phía Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về vụ bay thử nghiệm ra sân bay trên Đá Chữ Thập, cho rằng Trung Quốc « đã làm căng thẳng thêm trầm trọng ». Trong một bản thông cáo đưa ra hôm qua 02/01/2016, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Pooja Jhunjhunwala kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền Biển Đông « tích cực làm giảm căng thẳng bằng cách tránh những hành động đơn phương có thể gây tổn hại an ninh khu vực ».
Cũng về Biển Đông, theo hãng tin AFP hôm nay, các quan chức Việt Nam cho biết họ đã yêu cầu Bắc Kinh điều tra về vụ một tàu được cho là của Trung Quốc đánh chìm một tàu cá của Việt Nam hôm thứ sáu vừa qua tại khu vực cách đảo Cồn Cảo, tỉnh Quảng Trị, khoảng 60 hải lý. Khoảng 10 ngư dân trên tàu đã được các tàu cá khác cứu kịp thời.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160103-bien-dong-viet-nam-phan-doi-trung-quoc-tien-hanh-bay-thu-nghiem-ra-san-bay-o-truon

Thứ hai, 11/1/2016 | 20:50 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 11/1/2016 | 20:50 GMT+7

Trung Quốc ngang ngược nói không cần thông báo đáp máy bay ở Trường Sa

Trung Quốc hôm nay ngang nhiên bác bỏ công hàm phản đối của Việt Nam, nói rằng không cần phải thông báo cho bất cứ ai về việc máy bay hạ cánh ở Trường Sa.
trung-quoc-ngang-nguoc-noi-khong-can-thong-bao-dap-may-bay-o-truong-sa
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: Xinhua
Máy bay dân sự Trung Quốc đã tiến hành vài lần thử nghiệm hạ cánh trên đá Chữ Thập, tại đây có một trong ba đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp bằng cách nạo vét, bồi đắp các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối việc nói trên. Quan chức hàng không dân dụng Việt Nam cho biết phi cơ Trung Quốc bay vào vùng thông báo bay của Việt Nam mà không thông báo trước. Việt Nam khẳng định hoạt động của máy bay Trung Quốc đe dọa việc khai thác an toàn các tuyến bay quốc tế.
Theo Reuters, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, hôm nay ngang ngược nói rằng công hàm phản đối của Việt Nam là "vô căn cứ". Ông Hồng còn trắng trợn nói Trung Quốc có chủ quyền trên khu vực này.
"Theo luật pháp quốc tế, hoạt động hàng không quốc gia không phải tuân theo những hạn chế của công ước hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế", ông Hồng ngang nhiên nói. 
Mỹ, Nhật, Philippines đã bày tỏ quan ngại việc làm của Trung Quốc nhắm tới các mục đích quân sự, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi với Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động xây dựng của nước khác trên hai quần đảo này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế.
Phương Vũ
190
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

Geen opmerkingen:

Een reactie posten