maandag 19 oktober 2015

Rộ nạn buôn người ở Việt Nam dưới nhiều hình thức

Rộ nạn buôn người ở Việt Nam dưới nhiều hình thức
Sunday, October 18, 2015 1:26:14 PM



CẦN THƠ (NV) - Tình trạng buôn người ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, nhất là các tuyến biên giới với quy mô ngày càng lớn. Chỉ trong nửa năm 2015, công an đã phát hiện thêm 200 vụ, liên quan 310 người lừa bán 508 nạn nhân.



Một vụ xét xử sơ thẩm hai phụ nữ về tội buôn người ở Cần Thơ
vào Tháng Tám. (Hình: Thanh Niên)
Tờ Thanh Niên dẫn tin, ngày 17 Tháng Mười, tại hội nghị cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, và Việt Nam - Cambodia, do Bộ Công An tổ chức tại thành phố Cần Thơ, ông Hồ Sỹ Tiến, cục trưởng Cục Cảnh Sát Hình Sự, nhận định, tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Theo phúc trình, các thủ đoạn buôn người cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tính chất hoạt động phạm tội xuyên quốc gia và hình thành nhiều đường dây, gây cản trở cho công tác điều tra, khám phá và giải cứu nạn nhân.
Tại biên giới Việt Nam - Lào, nạn nhân chủ yếu tập trung từ các tỉnh miền Trung đã bị đưa sang Lào làm gái mại dâm hoặc lao động khổ sai trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các công trường và bị bóc lột sức lao động tại các khu khai thác khoáng sản.
Tin cho hay, bọn buôn người thường dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em để đưa vào hoạt động trong các ổ mại dâm trá hình hay đưa đến các mỏ vàng, công trường xây dựng ở Lào để bóc lột sức lao động.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, phó cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Ma Túy, Bộ Tư Lệnh Biên Phòng, cũng cho biết, các dịch vụ giải trí như vũ trường, sòng bạc, massage phía Cambodia phát triển, kéo theo nhu cầu tuyển nhân viên nữ. Trong khi đó, một bộ phận phụ nữ ở các tỉnh miền Tây thiếu việc làm, trình độ thấp đã bị lừa gạt đưa sang Cambodia.
Chỉ trong năm 2014 và sáu tháng đầu năm 2015, các đơn vị chức năng đã phát hiện trên 1,000 phụ nữ, trẻ em đi khỏi nơi cư trú với lý do “đi làm ăn xa,” nhưng chủ yếu là qua Cambodia và Trung Quốc.
Cụ thể, năm 2014, Việt Nam có 469 vụ buôn người, liên quan 685 người và 1,031 nạn nhân. Khoảng trong nửa năm 2015, Việt Nam phát hiện thêm 200 vụ, liên quan 310 người đã lừa bán 508 nạn nhân.
Đáng lưu ý, theo ông Tiến, tình hình hoạt động tội phạm mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh, học sinh tại các tỉnh biên giới phía bắc cũng diễn ra phức tạp. Chỉ riêng ba tỉnh Lào Cai, Hà Giang, và Lai Châu, trong sáu tháng đầu năm 2015, có 20 vụ xảy ra.
“Đây là những nạn nhân tiềm tàng của hoạt động mua bán người. Do vậy, số vụ trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cambodia trung bình hàng năm chiếm khoảng 6% trên tổng số vụ buôn người được phát hiện ở Việt Nam,” ông Bắc cho biết.
Theo đánh giá của Tổng Cục Cảnh Sát, thời gian qua, những nhóm buôn người luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn để ép các nạn nhân hoạt động mại dâm, ép làm vợ bất hợp pháp; mua bán người thông qua môi giới hôn nhân bất hợp pháp, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, thông qua hình thức đưa người lao động ra nước ngoài, đi du lịch, tham quan, đẻ thuê, mua bán trẻ sơ sinh... Các đối tượng chủ yếu đưa nạn nhân ra nước ngoài bán (chiếm 90%, trong đó sang Trung Quốc chiếm 70% tổng số vụ). (Tr.N)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=216083&zoneid=2

Hoa Kỳ: Nạn buôn người tại Việt Nam vẫn tồi tệ
Tuesday, June 19, 2012 6:28:50 PM



Bài liên quan



WASHINGTON DC 19-6 (NV) - Tệ nạn buôn người ở Việt Nam vẫn diễn ra khá phổ biến, hệ quả của nghèo đói, sự thiếu hiểu biết của quần chúng trong khi nhà cầm quyền chỉ có những nỗ lực rất giới hạn để đối phó.
3 thanh niên bị công an Hà Nội khởi tố về hành vi mua bán người năm 2011. (Hình: VNExpress)

Bản phúc trình về tình hình nạn buôn người trên thế giới được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phổ biến hôm Thứ Ba 19 tháng 6 năm 2012, gồm cả Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chia tình trạng buôn người trên thế giới làm 3 loại. Loại 1 (Tier 1) là nước không có nạn buôn người. Loại 2 (Tier 2) là nước có nạn buôn người, tuy nhà nuớc có ngăn chặn, đối phó nhưng không hết lòng. Loại 3 (Tier 3) là nước có nạn buôn người phổ biến mà nhà nước không làm gì để đối phó hay ngăn cản.
Trong loại 2, Bộ Ngoại Giao Mỹ còn chia ra làm hai. Loại 2 tồi tệ được xếp vào loại cần theo dõi (Watch List) vì có một số lượng nạn nhân khá lớn với những hình thức buôn người nghiêm trọng và có khuynh hướng còn gia tăng. Nhà cầm quyền tuy có luật lệ ngăn chống nhưng đã thất bại hoặc không chứng minh được là có gia tăng nỗ lực để đối phó.
Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp vào loại 2 tồi tệ này, tức là “Tier 2 Watch List”.
Trong phần phúc trình riêng về Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Mỹ nói đàn ông, đàn bà và trẻ em người Việt Nam không những bị buôn bán ra nước ngoài để cưỡng bách lao động hoặc mại dâm mà còn bị cưỡng bách như vậy ngay ở trong nước của mình.
Ðàn ông, đàn bà và trẻ em Việt Nam bị các tổ chức buôn người, phần lớn núp dưới hình thức xuất cảng lao động hợp pháp thuộc các cơ quan nhà nước CSVN đưa ra nước ngoài. Họ bị nói dối là đi lao động nước ngoài với lương cao nhưng khi ra khỏi nước thì bị bán cho các động mãi dâm hoặc các tổ chức bóc lột sức lao động. Họ bị tịch thu hộ chiếu, giấy tờ tùy thân nên trở thành những người sống bất hợp pháp nếu bỏ trốn.
Những nước được nêu tên chính yếu trong bản phúc trình mà người Việt Nam bị buôn bán tới đó mãi dâm là Cam Bốt, Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Mã Lai, Singapore và đến cả Âu Châu.
Các tổ chức xuất khẩu lao động của nhà cầm quyền CSVN cùng các kẻ môi giới đòi lệ phí có khi lên tới 10,000 đô la hoặc có thể nhiều hơn tùy địa điểm đến. Vì vậy, các nạn nhân và gia đình của họ mang những số nợ rất lớn.
Phúc trình nói khi tới nơi (bị bán) nạn nhân bị cưỡng bách làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ với tiền công rất thấp hoặc không được trả công dù người ta mang những món nợ rất lớn. Nhiều công ty còn không cho nạn nhân đọc bản hợp đồng lao động cho tới ngày sửa soạn lên máy bay. Rất nhiều người còn bị ép ký vào các bản hợp đồng bằng ngoại ngữ mà họ không hiểu.
Bản phúc trình kể thêm một vài trương hợp người Việt được vận chuyển đến Anh Quốc qua ngả Nga rồi đường bộ băng ngang Âu Châu, để trồng cần sa. Các nạn nhân này được hứa hẹn lương rất cao nên đã chịu những phí tổn lên đến 32,000 đô la.
Bản phúc trình cũng đề cập đến một số phụ nữ được thuê để mang bầu đẻ con cho một số người ở Thái Lan.
Không những bị lừa gạt đi bán dâm hoặc cưỡng bách lao động tại các nước khác, phụ nữ và trẻ em Việt Nam còn bị lừa gạt bán dâm hoặc cưỡng bách lao động ngay trong nước mình.
Bản phúc trình đề cập đến tình trạng cưỡng bách lao động tại các trung tâm cai nghiện nhưng nhà cầm quyền Hà Nội phủ nhận.
Trẻ vị thành niên Việt Nam bị bán cho những tổ chức phục vụ tình dục bệnh hoạn đặt tại Cam Bốt dành cho các du khách đến từ Nhật, Nam Hàn, Anh Quốc, Úc, Âu Châu và cả Hoa Kỳ nữa.
Phúc trình cho biết nhà cầm quyền CSVN tuy có làm luật chống buôn người nhưng “không hoàn toàn tuân thủ theo các tiêu chuẩn tối thiểu để trừ diệt tệ nạn buôn người”. Bản phúc trình cho rằng Hà Nội cần phải có những luật mới chống buôn người với các cơ chế cần thiết để bảo đảm mọi hình thức buôn người đều bị cấm đoán và trừng phạt.
“Trong khi nhà cầm quyền CSVN chứng tỏ có một số cố gắng đối phó với nạn buôn người phục vụ mãi dâm xuyên quốc gia, họ cũng chứng tỏ không có các cố gắng thi hành luật đầy đủ để chống mọi hình thức buôn người trong năm được phúc trình (2011), bao gồm luôn cả nạn buôn người cưỡng bách lao động”, phúc trình của Bộ Ngạoi Giao Hoa Kỳ viết.
Một số tổ chức nhân quyền người Việt ở hải hoại từng trợ giúp pháp lý cho hàng trăm công nhân Việt Nam bị bóc lột sức lao động ở Mã Lai và Trung Ðông. Chế độ Hà Nội có tòa đại sứ hoặc đại diện ngoại giao ở những nước đó nhưng quay mặt đi.
“Luật lệ hình sự CSVN không có những điều khoản trừng phạt đích xác các tội buôn người. Trong năm (2011) nhà cầm quyền CSVN báo cáo truy tố hầu hết các vụ buôn người lao động không theo điều 119 (buôn bán phụ nữ) mà lại chỉ theo các điều khoản trừng phạt lừa gạt theo luật lệ lao động mà như vậy, lại không có truy tố hình sự về tội buôn người”, bản phúc trình Bộ Ngoại Giao Mỹ viết.
Theo bản phúc trình này, năm 2011, chế độ Hà Nội đã đưa ra nước ngoài 85,000 công nhân “xuất khẩu lao động” tại 40 nước và lãnh thổ khắp thế giới. Tổng số người Việt Nam đang lao động ở các nước khác trong năm qua ước lượng khoảng 500,000 người.
“Không biết các thỏa thuận ký giữa Việt Nam và các nước nhận người lao động Việt Nam có các điều khoản chống buôn người hay không và có bảo vệ các nạn nhân của các vụ buôn người hay không”, phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ viết. “Nhiều phái bộ ngoại giao (CSVN) bị cáo buộc là lờ các khiếu nại của công nhân khi người ta kêu cứu là bị bóc lột, bị hành hạ hay là nạn nhân của vụ buôn người.”
Theo bản tin báo điện tử VNExpress ngày 27 tháng 4 năm 2012, trong khoảng thời gian 5 năm từ 2007 đến 2011 “cả nước xảy ra gần 2,600 vụ buôn bán người, với gần 5,800 nạn nhân, tăng gấp 3 lần so với 6 năm trước. Trong đó, hơn 60% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 11% sang Campuchia, số còn lại bán sang Lào, qua tuyến đường biển, hàng không tới một số nước khác”.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=150687&zoneid=2

Việt Nam: Buôn người, cưỡng ép làm nô lệ, vẫn còn phổ biến
Sunday, September 6, 2015 3:31:45 PM



Bài liên quan



QUẢNG NAM (NV) - Ba đứa trẻ thuộc sắc tộc Xê Đăng, trốn khỏi một trại gỗ, vừa được giải thoát khỏi một cuộc săn người và đưa về tạm trú ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam.



Ba đứa trẻ thuộc sắc tộc Xê Đăng đang tạm trú tại Trung Tâm Công Tác
Xã Hội tỉnh Quảng Nam. (Hình: Tuổi Trẻ)
Theo tờ Tuổi Trẻ, cách nay hơn một tháng, Hồ Văn Đôi - 13 tuổi, Hồ Văn Điếu - 14 tuổi, Hồ Văn Bâng - 15 tuổi, cùng ngụ tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã đi theo một phụ nữ chưa xác định được lai lịch, đến huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, vì bà ta hứa sẽ giới thiệu cho cả ba đi làm, với mức lương là ba triệu đồng/tháng/người. Đôi, Điếu, Bâng đã được giao cho ông Đoàn Văn Phước, chủ một trại gỗ ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam...
Khi cả ba thắc mắc vì làm việc quần quật hơn một tháng mà không được trả lương thì ông Phước dọa “đập chết.” Biết bị gạt, cả ba đứa trẻ bỏ trốn, còn ông Phước cho người đi tìm, bắt chúng quay lại. Hôm 4 tháng 9, người của ông Phước tìm được ba đứa trẻ lúc chúng đi đến xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức. May mắn là dân địa phương kịp gọi điện thoại báo cho công an xã nên cả ba đứa trẻ được giải cứu rồi được chuyển cho Trung Tâm Công Tác Xã Hội tỉnh Quảng Nam. Nơi này đang thu xếp để đưa ba đứa trẻ về với gia đình.
Sự kiện vừa kể cho thấy, tại Việt Nam, buôn người và cưỡng ép làm nô lệ vẫn còn là vấn nạn vừa phổ biến, vừa nghiêm trọng.
Năm 2013, Walk Free - một tổ chức chuyên tranh đấu cho nhân quyền, công bố “Chỉ số tình trạng nô lệ 2013.” Theo đó, xét trên bình diện toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 64/162 về tình trạng công dân bị buộc làm nô lệ. Nếu xét riêng khu vực Châu Á, Việt Nam xếp thứ 9. Còn xếp theo tổng số nô lệ, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới.
Con số nô lệ tại Việt Nam được Walk Free ước đoán nằm trong khoảng từ 240,000 đến 260,000. Walk Free nhận định, tình trạng người Việt bị cưỡng ép lao động phổ biến cả ở bên ngoài lẫn bên trong Việt Nam.
Trước đây, chuyện lừa gạt, cưỡng ép làm việc và dùng nhiều biện pháp khác nhau để cầm giữ người lao động, cột chặt họ với giới chủ chỉ xảy ra với những người Việt đi làm thuê ở ngoại quốc và những người Việt là nạn nhân của nạn buôn người ra ngoại quốc. Tuy nhiên trong thập niên vừa qua, thảm trạng tồi tệ này đã trở thành phổ biến trên khắp Việt Nam.
Chẳng hạn năm 2010, 121 người dân tộc Bh'noong ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, được Xí Nghiệp Nguyên Liệu Giấy Đắk Lắk “tuyển dụng” làm công nhân trồng rừng. Sau sáu tháng làm việc quần quật như nô lệ nhưng không có ai được trả đồng nào, chưa kể do ăn ở kham khổ, lao lực, một người đã thiệt mạng, tất cả đã bỏ việc... Do bị công chúng chỉ trích kịch liệt, mãi tới giữa năm 2013, chính quyền Việt Nam mới chịu can thiệp, 120 nạn nhân mới được Xí Nghiệp Nguyên Liệu Giấy Đắk Lắk “hứa trả lương.” Gia đình người thiệt mạng thì được hứa sẽ nhận khoản hỗ trợ là 20 triệu đồng!
Khoảng tháng 10 năm 2013, nhiều tờ báo ở Việt Nam đưa tin, hàng trăm người thiểu số, cư ngụ tại nhiều khu vực khác nhau ở Tây Nguyên đã bị gạt, bị buộc làm việc như nô lệ ở Lâm Đồng và cuối cùng, thân nhân phải trả tiền chuộc họ về.
Tháng 4 năm ngoái, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về thảm trạng của 75 phu đào vàng làm việc cho Công Ty Phước Minh ở Quảng Nam. Những phu đào vàng này bị đánh đập, buộc làm việc liên tục, không được nghỉ ngơi, kể cả khi đau bệnh còn Công Ty Phước Minh chỉ hứa trả lương chứ không đưa tiền. Tuyệt vọng vì bị lừa gạt, bị đối xử như nô lệ, họ cùng đào thoát và dự tính sẽ đi bộ, vượt qua quãng đường dài khoảng 600 cây số để về sinh quán là huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên đến thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam thì tất cả kiệt sức và chuyện 75 con người xếp thành một hàng dài, quần áo tả tơi, lả đi vì đói khát và cả vì phải cuốc bộ hàng trăm cây số mới được chú ý.
Walk Free không phải là tổ chức đầu tiên cảnh báo về tình trạng nô lệ tại Việt Nam. Hồi tháng 8 năm 2013, BBC từng đăng một phóng sự điều tra của Marianne Brown về “nô lệ trẻ em” ở Việt Nam. Thông qua Quỹ Trẻ Em Blue Dragon, bà Brown đã tiếp xúc với nhiều đứa trẻ được Blue Dragon giải cứu. Đa số là con em người thiểu số sống tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, bị dụ dỗ vào Sài Gòn rồi bị cầm giữ, bị buộc phải làm việc trong các xưởng may, bị ép ăn xin, thậm chí bán dâm.
Theo bà Brown, 25% số trẻ em mà Blue Dragon giải cứu hồi năm 2012 là những đứa trẻ bị ép phải làm việc trong các xưởng may ở Sài Gòn. Những “xưởng may” này thường rất chật hẹp và vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ăn ở của hàng chục đứa trẻ. Chủ xưởng chỉ cho các em vào nhà tắm 8 phút một ngày. Tám phút đó dành cho cả việc đánh răng, tắm rửa và đi vệ sinh.
Nói cách khác, sau khi trở thành nổi tiếng vì là một trong những cái nôi của tệ buôn người, nổi tiếng vì phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị biến thành hàng hóa để bán đi Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Âu, Việt Nam tiếp tục nổi tiếng vì người Việt bị biến thành hàng hóa để mua bán ngay tại Việt Nam.
Ông Florian Forster, trưởng Văn Phòng Di Trú Quốc Tế (IOM) tại Việt Nam, từng nói với bà Brown: Buôn người xuyên biên giới đã được công nhận từ lâu nhưng buôn người tại Việt Nam chỉ mới được chính thức thừa nhận từ năm 2011.
Bà Vũ Thị Thu Phương, một thành viên trong dự án liên kết các tổ chức Liên Hiệp Quốc để phòng chống buôn người (UNIAP) từng xác nhận: Hầu hết các vụ buôn người tại Việt Nam không bị coi là tội phạm mà chỉ bị phạt hành chính. (G.Đ)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=213932&zoneid=2

Geen opmerkingen:

Een reactie posten