zondag 25 oktober 2015

Khoảnh khắc siêu hố đen xé toạc và nuốt chửng một ngôi sao

Thứ sáu, 23/10/2015 | 09:52 GMT+7

Khoảnh khắc siêu hố đen xé toạc và nuốt chửng một ngôi sao

Video do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố cho thấy khoảnh khắc một ngôi sao bị siêu hố đen lớn hơn Mặt Trời vài triệu lần xé toạc và nuốt chửng.
Theo IB Times, video đồ họa do Trung tâm Nghiên cứu Không gian Goddard thuộc NASA sản xuất, hé lộ số phận của ngôi sao khi đến gần hố đen và chịu tác động của lực thủy triều mạnh. Trường hợp này có tên gọi là "sự gián đoạn thủy triều", khi một số mảnh vụn sao lao vụt đi ở tốc độ cao trong khi phần còn lại rơi vào hố đen, tạo ra vầng ánh sáng năng lượng cao dạng tia X lưu lại vài năm.
Video đồ họa ra đời dựa trên những phát hiện từ bộ ba kính viễn vọng xoay quanh quỹ đạo Trái Đất tên Chandra X-ray Observatory, Swift Gamma-ray Burst Explorer và XMM-Newton, có nhiệm vụ thu thập những phần dữ liệu khác nhau về môi trường khắc nghiệt xung quanh hố đen.
Trường hợp gián đoạn thủy triều mà các kính viễn vọng đang theo dõi là ASASSN-14li, gắn liền với một siêu hố đen có trọng lượng lớn gấp vài triệu lần so với Mặt Trời. Nó nằm ở trung tâm của PGC 043234, dải ngân hà cách Trái Đất khoảng 290 triệu năm ánh sáng.
Jon Miller, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Đại học Michigan ở Ann Arbor, chia sẻ về tầm quan trọng của các phát hiện trên tạp chí Nature hôm 21/10. "Chúng tôi đã quan sát dấu hiệu của một số trường hợp gián đoạn thủy triều trong các năm và phát triển nhiều quan điểm về hiện tượng này. ASASSN-14li mang đến cơ hội tốt nhất từ trước đến nay để chúng tôi thực sự hiểu rõ những gì xảy ra khi hố đen xé rách một ngôi sao", Miller nói.
Các nhà thiên văn hy vọng có thể tìm ra nhiều trường hợp như ASASSN-14li để kiểm tra mô hình lý thuyết về cách hố đen tác động đến môi trường xung quanh.
Phương Hoa


http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/khoanh-khac-sieu-ho-den-xe-toac-va-nuot-chung-mot-ngoi-sao-3300484.html


Thứ tư, 23/9/2015 | 09:40 GMT+7

Phát hiện hai siêu hố đen có nguy cơ lao vào nhau

Các nhà khoa học dự đoán, trong vòng 100.000 năm hai hố đen khổng lồ sẽ va chạm, tạo nên vụ nổ siêu lớn trong vũ trụ.
colliding-black-holes-6444-1442974967.jp
Mô phỏng hai hố đen. Ảnh: IB Times
"Hai hố đen trong chòm Xử Nữ đang lao vào nhau, tạo thành vụ va chạm siêu lớn", Zoltan Haiman, nhà thiên văn học của đại học Columbia, Mỹ, cho biết. Haiman là đồng tác giả nghiên cứu về hai hố đen đăng trên tạp chí Nature hôm 17/9.
Chúng xoay quanh nhau ở một chuẩn tinh của thiên hà cách Trái Đất 3,5 tỷ năm ánh sáng, có tên là PG 1302-102. Có nghĩa là, hình ảnh mà các nhà khoa học quan sát được về chúng chính là thời điểm sự sống mới bắt đầu trên Trái Đất, theo CNN.
Trong số 20 cặp hố đen được phát hiện đến nay, các nhà khoa học tập trung quan sát PG 1302-201 vì độ sáng của nó. Họ phát hiện nó sáng lên 14% sau mỗi 5 năm. Từ đó, các nhà khoa học tính toán được khoảng cách giữa chúng, ước tính chưa đầy một tuần ánh sáng, tương đương 322 tỷ km.
Hố to hơn có kích thước gấp một tỷ lần Mặt Trời, một hố xoay quanh hố kia với vận tốc 1/10 tốc độ ánh sáng. Ở khoảng cách này, khi va chạm, chúng sẽ giải phóng năng lượng tương đương 100 triệu vụ nổ siêu tân tinh, chủ yếu ở dạng sóng hấp dẫn.
Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tìm thêm được các hố đen sắp va chạm và hy vọng, được chứng kiến một vụ va chạm trong vòng 10 năm nữa. Lúc đó, họ sẽ nghiên cứu được sóng hấp dẫn - lý thuyết mà nhà khoa học Albert Einstein đưa ra lần đầu hơn 100 năm trước.
"Việc phát hiện sóng hấp dẫn cho phép chúng tôi tìm hiểu những bí mật của lực hấp dẫn và kiểm chứng lý thuyết của Einstein tại môi trường khắc nghiệt nhất của vũ trụ chúng ta - hố đen", Daniel D'Orazio, tác giả chính của nghiên cứu nói.
gravitational-waves-6198-1442974967.png
Vụ va chạm sẽ giải phóng năng lượng cực lớn, chủ yếu ở dạng sóng hấp dẫn. Ảnh minh họa: IB Times
Xem thêm: Ông hoàng vật lý nêu lý thuyết hố đen là cánh cửa sang vũ trụ khác
Hồng Hạnh

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/phat-hien-hai-sieu-ho-den-co-nguy-co-lao-vao-nhau-3282807.html

Thứ năm, 3/9/2015 | 19:00 GMT+7

Vũ điệu rực sáng của hai siêu hố đen

Cặp hố đen trong chuẩn tinh gần Trái Đất nhất xoay quanh nhau với tốc độ cực lớn, lu mờ ánh sáng của hàng tỷ ngôi sao xung quanh.
unnamed-6095-1441264962.jpg
Hai hố đen xoay quanh nhau trong chuẩn tinh Markarian 231. Ảnh: Science Daily
Xinyu Dai, giáo sư vật lý thiên văn, Đại học Oklahoma (Mỹ), cùng Youjun Lu, một nhà nghiên cứu của Mạng lưới đài thiên văn quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, quan sát bức xạ cực tím phát ra từ trung tâm của Markatian 231 (Mrk 231), bằng cách dùng dữ liệu từ kính viễn vọng không gian Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Họ quan sát bức xạ tia cực tím phát ra từ trung tâm Mrk 231, sau đó, sử dụng mô hình do Lu phát triển để nghiên cứu quang phổ của thiên hà. Từ đó, dự đoán sự tồn tại của hố đen hệ nhị phân - hố đen gồm hai ngôi sao một lớn một nhỏ trong Mrk 231, Science Daily đưa tin.
"Chúng tôi rất phấn khích trước phát hiện này, bởi nó không chỉ cho thấy sự tồn tại của một hệ hố đen đôi khá gần nhau trong chuẩn tinh Markarian 231, mà còn mở ra một hướng mới để tìm những hệ hố đen đôi thông qua bức xạ cực tím phát ra tự nhiên từ chúng," Lu phát biểu.
Hai hố đen trong chuẩn tinh Mrk 231 xoay quanh nhau với tốc độ cực lớn. Năng lượng mà chúng phát ra lớn đến nỗi nó làm lu mờ ánh sáng của hàng tỷ ngôi sao xung quanh.
Theo Dai, cấu trúc của vũ trụ, chẳng hạn như những thiên hà khổng lồ và cụm thiên hà, tăng lên nhờ cơ chế sáp nhập nhiều thiên thể nhỏ thành thiên thể lớn hơn.
"Những hệ hố đen đôi là kết quả tự nhiên của hiện tượng các thiên hà sáp nhập," Dai giải thích. Vì vậy, theo thời gian, hai siêu hố đen mà Dai và Lu phát hiện trong chuẩn tinh Mrk 231 sẽ va chạm rồi hòa nhập để trở thành hố đen siêu khối lượng.
Chuẩn tinh là những vùng khí và bụi siêu nóng xung quanh một hố đen. Chúng là những vật thể sáng nhất trong vũ trụ. Nằm ở trung tâm của các thiên hà, chuẩn tinh chỉ tồn tại trong thời gian tương đối ngắn so với tuổi vũ trụ nên chúng là dạng thiên thể hiếm.
Nếu quan sát một hố đen nằm giữa chuẩn tinh, sẽ thấy vùng bụi và khí xung quanh hố đen phát ra ánh sáng mạnh màu tím. Markarian 231 cách địa cầu 581 triệu năm ánh sáng. Nó là chuẩn tinh gần Trái Đất nhất. Nghiên cứu này công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal hôm 14/8.
Việt Phong

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/vu-die-u-ru-c-sa-ng-cu-a-hai-sieu-ho-den-3273582.html

Thứ bảy, 24/10/2015 | 15:00 GMT+7

Số phận của hai hố đen lao vào nhau

Đoạn phim do các nhà khoa học của dự án Simulating Extreme Spacetimes tạo ra mô phỏng kết quả khi hai hố đen tiến đến gần và va chạm vào nhau.
Trong đoạn phim, các vùng màu đen ở trung tâm hố đen có tên gọi "chân trời sự kiện" (event horizon). Bất cứ thứ gì rơi vào bên trong chân trời này, dù là sao, khí gas hay ánh sáng, đều không bao giờ có thể thoát ra.
Theo BBC, sự vặn xoắn của các ngôi sao ở xung quanh hai hố đen là kết quả của hiện tượng "thấu kính trọng trường", trong đó trường trọng lực mạnh của hố đen bẻ cong ánh sáng phát ra từ những ngôi sao và tạo nên hình ảnh biến dạng.
Phương Hoa


Geen opmerkingen:

Een reactie posten