donderdag 10 september 2015

Đức đủ tiềm lực để đón nhận nửa triệu người tị nạn

Đức đủ tiềm lực để đón nhận nửa triệu người tị nạn

mediaNgười tị nạn vừa đến nhà ga Munich, Đức, ngày 07/09/2015.REUTERS/Michaela Rehle
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel, tối qua, 07/09/2015, khẳng định rằng nhờ tiềm lực kinh tế, nước Đức có thể đón nhận một nửa triệu người nhập cư mỗi năm từ nay cho tới vài năm nữa.
Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia ZDF, chính trị gia thuộc đảng Xã hội-Dân chủ khẳng định Đức chắc chắn tiếp nhận được 500.000 người tị nạn hàng năm, trong vòng vài năm tới, thậm chí lâu hơn nữa. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ gặp khó khăn nếu hàng năm nhận gần 1 triệu người và giúp họ hòa nhập vào xã hội. Trong khi đó, Đức đang chuẩn bị nhận 800.000 đơn xin tị nạn vào năm nay, con số này tăng gấp 4 lần so với năm 2014. Ông Gabriel cũng cho rằng Đức có thể tiếp tục nhận nhiều người nhập cư hơn những nước khác vì Đức là một quốc gia vững mạnh về kinh tế.
Phó Thủ tướng Gabriel cũng nhấn mạnh rằng « chính sách của Châu Âu phải thay đổi », các quốc gia hiện không tìm ra được giải pháp thích hợp cho cuộc khủng hoảng di cư đang tác động mạnh tới lục địa này, do chiến tranh và tình trạng đói nghèo tại Trung Đông và Châu Phi.
Còn Pháp chấp nhận hạn ngạch 24.000 người tị nạn trải đều cho hai năm. Hôm nay, theo Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin, chi phí tương đương vài triệu euro giành cho việc tiếp nhận số lượng người nhập cư trên sẽ không ảnh hưởng tới các chính sách khác, như vấn đề cân đối ngân sách của Nhà nước và các địa phương. Còn Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve chỉ trích nhiều thị trưởng tỏ ra phân biệt chủng tộc vì chỉ muốn tiếp nhận người nhập cư Công giáo, do nhiều người trong số họ đánh giá rằng « những gia đình Thiên chúa giáo Syria và Irak là những người bị truy bức nhiều nhất ».
Ngoài Châu Âu, một vài nước Mỹ La tinh đã tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Trung Đông. Hôm qua, 07/09/2015, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng được phát trên truyền hình, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, một đồng minh thân cận với Tổng thống Syria Bachar al-Assad, thông báo đã ra chỉ thị cho Ngoại trưởng tổ chức tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn Syria.
Ngoài hơn 2.000 người tị nạn Syria đã có mặt trên lãnh thổ Brazil, Tổng thống Dilma Roussef tuyên bố sẵn sàng đón thêm người nhập cư Syria. Ngoại trưởng Chilê, Heraldo Munoz, cũng khẳng định nước này đang nghiên cứu tiếp nhận người tị nạn Trung Đông. Còn tại Bắc Mỹ, vùng Québec (Canada) thông báo sẽ đón nhận 3.650 người tị nạn Syria từ nay tới tháng 12. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng hứa đón khoảng 5.000 đến 8.000 người Syria trên lãnh thổ Mỹ cho tới mùa thu năm 2016.

 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150908-duc-ca-qt-tn

Ủy ban Châu Âu trình kế hoạch đón 160.000 người tị nạn

mediaChủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo kế hoạch đón người tị nạn - Reuters.
Trước Nghị viện Châu Âu tại Strasbourg, hôm nay 09/09/2015, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo kế hoạch dự trù đón 160.000 người tị nạn trong vòng hai năm tới, và kêu gọi 28 nước chấp nhận một « cơ chế » phân bổ bắt buộc số lượng người cần tiếp nhận « mang tính thường xuyên ».
 Đây là điều vốn bị nhiều nước phản đối mạnh, đặc biệt các quốc gia miền đông của Châu Âu, đang phải đối mặt với làn sóng người tị nạn ghê gớm nhất kể từ sau Thế Chiến II.
Trước các nghị sĩ, người đứng đầu Ủy ban Châu Âu nhấn mạnh : « Đây là thời điểm Liên Hiệp Châu Âu, các định chế Châu Âu và tất cả các nước thành viên cần hành động táo bạo, cương quyết và có sự phối hợp. Trước hết đây là một vấn đề nhân đạo và phẩm giá con người. Đối với Châu Âu, đó còn là một vấn đề công lý đối với Lịch sử ». Ông Jean-Claude Juncker cũng lưu ý : « Từ đầu năm đến nay, đã có gần 500.000 người vào Châu Âu… tuy nhiên đây không phải là lúc chúng ta sợ hãi ».
Con số 160.000 người cần phân bổ nói trên bao gồm 40.000 người tị nạn đã có mặt trên lãnh thổ Châu Âu, và 120.000 người khác hiện vừa đến Ý, Hy Lạp và Hungary. Trong số 120.000 người mới tới, nước dự định sẽ tiếp nhận nhiều nhất là Đức (31.443 người), tiếp theo là Pháp (24.031 người), Tây Ban Nha (14.931 người), Ba Lan (9.287 người), Hà Lan (7.214 người)…, thấp nhất là Malte (133 người).
Bên cạnh việc phân bổ theo hạn mức nói trên, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cũng đề nghị một biện pháp khẩn cấp, trong khi chờ đợi cải cách sâu sắc hệ thống tiếp nhận người tị nạn. Đó là « một cơ chế thường trực », cho phép phối hợp một cách tốt nhất các chính sách với người tị nạn. Ông Jean-Claude Junker cũng yêu cầu tăng cường bảo vệ biên giới Châu Âu, đặc biệt với lực lượng biên phòng Frontex.
Các đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu được Thủ tướng Đức hoan nghênh như « một bước tiến » trong việc giải quyết khủng hoảng. Bà Merkel cũng khẳng định cần phải có một thỏa thuận mang tính cưỡng chế, được phân bổ một cách hợp lý giữa các nước thành viên Liên Âu. Thủ tướng Đức cũng nói rõ, người di cư vì lý do kinh tế không được hoan nghênh tại Đức. Angela Merkel cảnh báo : « nếu Châu Âu thất bại về vấn đề tị nạn, chúng ta sẽ làm hỏng một trong các nguyên tắc nền tảng của Châu Âu, đó là mối liên hệ mật thiết giữa các quyền căn bản của con người, vốn đã là nền móng của Châu Âu ngay từ thuở ban đầu ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150909-uy-ban-chau-au-trinh-ke-hoach-don-160000-nguoi-ti-nan

Nhập cư : Nước Đức sẽ thay đổi mạnh mẽ

mediaMột gia đình người Syria vượt biên tới Munchen, 07/09/2015 - REUTERS /Michaela Rehle
Làn sóng người nhập cư đổ vào Đức sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, ồ ạt về kinh tế và dân số tại một quốc gia đang già cỗi và vẫn ngần ngại tự nhận là nước có đông dân nhập cư. Trong tuần này, Thủ tướng Angela Merkel đã báo trước công luận Đức là đất nước 80 triệu dân này sẽ « thay đổi » dưới tác động của vấn đề dân nhập cư.
Chỉ trong năm 2015, Đức sẽ đón tiếp 800.000 người xin tị nạn. Đây là một kỷ lục tại Châu Âu, cao hơn cả con số của năm 1992. Vào thời điểm đó, lúc đang có chiến tranh tại nước Nam Tư cũ, Đức đã đón nhận 438 000 người. Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, ngày 08/09, dự báo, vào trung hạn, mỗi năm, Đức có thể đón nhận khoảng 500 000 người nhập cư.
Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Đức ARD, ông Meinhard Miegel, chuyên gia về khoa học xã hội, nhận định, việc tiếp nhận dân nhập cư sẽ « làm tăng gánh nặng tài chính và làm xã hội thay đổi mạnh mẽ. Khó có thể dự đoán được là điều này sẽ dẫn đến sự chối bỏ hay tiến bộ ».
Theo chuyên gia này, người dân Đức luôn mong muốn bám chặt lấy cái thế giới mà họ biết, thì giờ đây, họ sẽ không có một sự lựa chọn nào khác là phải tính tới những thay đổi này và dường như họ tính trước là sẽ phải chấp nhận.
Trong khi đó, ông Hajo Funke, chuyên gia phân tích chính trị thuộc Đại học tự do Berlin thì coi đây là một « thách thức lớn ». Ông giải thích với AFP : Đó là những thay đổi cần thiết trong nhiều lĩnh vực, như cơ sở đón tiếp người tị nạn, tiêu chuẩn chấp nhận dân nhập cư, các trường học, quy trình đào tạo…
Nhiều nhà quan sát nhấn mạnh đến tính chất « vô tiền khoán hậu » của hiện tượng này. Theo chuyên gia Miegel, « chúng ta chưa bao giờ trải qua một tình hình như thế này tại Châu Âu… Chúng ta phải thử nghiệm ». Ông nêu ra hiện tượng sau đệ nhị thế chiến, khoảng 12 triệu dân Đức bị trục xuất khỏi các nước Đông Âu, phải trở về Đức, một đất nước hoang tàn do chiến tranh và và họ chưa bao giờ sinh sống ở đó cả.
Vào lúc đó, nước Đức đã « có rất nhiều nỗ lực to lớn » để đón tiếp và giúp những người này hội nhập. Mọi việc cũng thuận lợi hơn vì người Đức hồi hương có cùng một nền văn hóa, nói cùng thứ tiếng. Đây không phải là trường hợp của người tị nạn Syria hay Irak, văn hóa khác và rất ít người biết tiếng Đức.
Thế nhưng, trong một đất nước đang già đi thì làn sóng người nhập cư, có thể đóng góp phần nào vào việc ngăn chặn nạn giảm dân số ở Đức. Theo Ủy ban Châu Âu, từ nay đến 2060, dân số Đức sẽ giảm xuống còn khoảng 70 triệu, quỹ lương hưu sẽ gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng.
Mặt khác, người nhập cư sẽ đóng vai trò quan trọng đối với thị trường lao đông Đức, nền kinh tế hàng đầu Châu Âu, hiện đang thiếu nhân công. Ông Orkan Kosemen, chuyên gia về nhập cư tại Quỹ Bertelsmann, giải thích : Thị trường lao động giúp hội nhập tốt. Về điểm này, cho đến nay, nước Đức đã thành công.
Ngược lại, theo ý kiến nhiều chuyên gia, thì khó dự đoán được các thay đổi về văn hóa, xã hội hoặc tôn giáo, cho dù những thay đổi này không đe dọa xã hội Đức.
Nhà nghiên cứu Funke nêu ví dụ, nhiều người nhập cư đến từ các nước Trung Đông và người ta không biết là trong số này, sẽ có bao nhiêu người Hồi giáo, mức độ thực hành tôn giáo của họ. Hiện nay, tại Đức, có 4 triệu người Hồi giáo, đa số là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo chuyên gia này, làn sóng nhập cư sắp tới sẽ không làm thay đổi đặc trưng cơ bản của nước Đức, nơi mà 20% dân số có gốc ngoại quốc và kể từ sau đệ nhị thế chiến, nhiều làn sóng người tị nạn hoặc nhập cư đã hội nhập thành công tại Đức (người Thổ Nhĩ Kỳ, công dân nước Nam Tư cũ, người Iran…)
Từ nhiều năm nay, nước Đức đã tự thay đổi : Cách nay một thập niên, nước Đức nói rằng họ không phải là quốc gia nhập cư, thì giờ đây, họ lại nói rằng nhập cư tạo nên sức mạnh cho nước Đức. Và đây là một sự thay đổi.
Làn sóng người tị nạn đổ vào Đức trong bối cảnh nước này đang tranh luận về vấn đề nhập cư : Liệu Đức cần có một đạo luật cơ bản về nhập cư hay không ?
Phe xã hội-dân chủ trong liên minh cầm quyền Đức hiện nay đòi phải có một đạo luật để tạo thuận lợi cho người tị nạn tham gia thị trường lao động và biến nước Đức thành một quốc gia mở cửa đối với nhập cư. Thế nhưng, nhiều chính trị bảo thủ lại không muốn có đạo luật này hoặc muốn sử dụng công cụ pháp lý này để kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập cư.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150909-nhap-cu-nuoc-duc-se-thay-doi-manh-me

Đức dành thêm 6 tỷ euro đón nhận người tị nạn

mediaLes migrants arrivés le 06 Septembre à la Gare centrale de Munich.Người tị nạn đến nhà ga Munich, 06/09/2015.REUTERS/Michael Dalder
Đức đón nhận gần 20.000 người nhập cư trong hai ngày cuối tuần. Phần lớn là người Syria chạy trốn chiến tranh. Trong lúc Châu Âu bị chia rẽ sâu rộng trước các làn sóng di tản, Berlin thông báo dành 6 tỷ euro để đón nhận người tị nạn.
Trong đêm ngày hôm qua, 06/09/2015, lãnh đạo các đảng phái chính trị của Đức đã đồng ý tăng thêm 3 tỷ euro cho ngân sách của nhà nước liên bang tài khóa 2016 và trực tiếp cấp thêm 3 tỷ khác cho các chính quyền cấp vùng để giải quyết vấn đề người tị nạn. Nước Đức chờ đợi nội trong năm nay sẽ có hơn 800.000 người xin hưởng quy chế tị nạn. Con số này cao gấp 4 lần so với năm ngoái. Chính quyền Liên bang dự trù cải tổ luật di trú để thu ngắn thời gian cứu xét đơn xin tị nạn.
Chính sách nhân đạo của Berlin đã tô điểm hình ảnh của nước Đức nói chung và của thủ tướng Angela Merkel nói riêng. Dù vậy lãnh đạo Đức sáng nay nhắc lại : Châu Âu cần hợp tác để cùng giải quyết vấn đề người nhập cư. Bộ trưởng Kinh tế Đức và cũng là nhân vật số 2 trong chính quyền, Sigmar Gabriel, nói thêm" Đức, Áo và Thụy Điển không thể là ba nước duy nhất đón nhận người nhập cư."
Sau khi đã tiếp nhận gần 20.000 người nhập cư từ Hungary vào Đức qua ngả Áo, sáng nay trong chuyến tàu hỏa đầu tiên từ thành phố Salsbourg- Áo đến Munchen, có 150 người xin được ở lại Đức. Báo chí tại Berlin dự báo hôm nay sẽ có thêm khoảng 10.000 người nhập cư xin tị nạn.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150907-duc-danh-them-6-ty-euro-don-nhan-nguoi-ti-nan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten