dinsdag 8 september 2015

Những bức ảnh lay động về khủng hoảng di cư ở châu Âu

Thứ bảy, 5/9/2015 | 19:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ bảy, 5/9/2015 | 19:00 GMT+7

Những bức ảnh lay động về khủng hoảng di cư ở châu Âu

Những bức ảnh về cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu lột tả sự nguy hiểm tột cùng đang vây quanh những con người khao khát tìm kiếm một cuộc sống yên bình.
Năm 2004, một chiếc thuyền chở những người châu Phi bị lật trên biển thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha, khiến 9 người bị chết đuối. Hai trong 29 người sống sót là Isa và Ibrahim, đến từ Mali, được tàu tuần tra của cảnh sát Tây Ban Nha vớt lên. Nhiếp ảnh gia Juan Medina đã chụp lại khoảnh khắc này và bức ảnh giúp anh chiến thắng giải thưởng Báo chí Thế giới danh giá vào năm sau đó. Ảnh: Reuters
 
Quần đảo Canary vẫn là một trong những điểm đến chính của người di cư châu Phi hai năm sau. Sau hành trình nguy hiểm dài 1.000 km băng Đại Tây Dương, nhiều người lâm vào tình trạng chết đói và mất nước.
Bức ảnh này được chụp khi những vị khách du lịch trên bãi biển La Tejita đang cố gắng giúp đỡ một cậu bé người châu Phi và cũng giúp nhiếp ảnh gia Arturo Rodriguez giành giải Báo chí Thế giới năm 2007. Ảnh: AP
 
Nhiếp ảnh gia Massimo Sestini chụp bức ảnh này từ một trực thăng hải quân Italy năm ngoái tại vùng biển giữa nước này và Libya. Nó y hệt một bức mà anh đã chụp trong hoàn cảnh tương tự một năm trước.
Bức ảnh mới cho thấy mọi chuyện không có gì thay đổi. 500 người đã trải qua 5 ngày đêm chen chúc trên tàu để đến Italy. Bức ảnh giành giải Báo chí Thế giới đầu năm nay. Ảnh: Eyevine
 
Hai lãnh địa của Tây Ban Nha bên bờ Địa Trung Hải là Ceuta và Melilla luôn thu hút những người muốn nhập cư châu Âu. Trong ảnh, một số người giàu có đang chơi golf trong khi phía sau họ là những người di cư và một cảnh sát đang ngồi trên hàng rào. Ảnh: Reuters
 
Hồi tháng 4, một chiếc thuyền gỗ chở những người Syria và Eritrea đâm phải đá và bị đắm gần bờ biển đảo Rhodes, Hy Lạp. Antonis Deligiorgis, một người lính đang ngồi ở bãi biển cùng vợ, đã lao tới và một mình cứu sống 20 trong số 93 nạn nhân.
Bên trái bức ảnh là Wegasi Nebiat, 24 tuổi, một phụ nữ người Eritrea, đang được Deligiorgis kéo lên bờ. Một người phụ nữ khác đang mang thai cũng được anh cứu sống và đã sinh con tại bệnh viện đa khoa Rhodes. Cô nói cô sẽ đặt tên con theo tên Antonis Deligiorgis, người đã cứu mạng hai mẹ con cô. Ảnh: AP
 
Khi Macedonia đóng cửa biên giới với người di cư vào tháng trước sau khi tuyên bố tình trạng báo động, hàng nghìn người đã phải qua đêm ở vùng đất không một bóng người. Sáng hôm sau, họ cố gắng vượt qua hàng rào, khiến cảnh sát buộc phải sử dụng lựu đạn gây choáng để trấn áp. Ảnh: AP
 
Những người di cư nhìn ra biển mênh mông khi họ đang lên tàu Siem Pilot của Na Uy, ngày 2/9. Con tàu này đang đưa hàng trăm người di cư được giải cứu ở khu vực biển Địa Trung Hải tới cảng Cagliari, Italy. Ảnh: AP
 
Những người di cư đi qua Djibouti, trên Vịnh Aden, tiết kiệm tiền bằng cách mua một thẻ SIM từ chợ đen của nước láng giềng Somalia. Nhiếp ảnh gia John Stanmeyer gặp một nhóm trong số họ đứng trên bờ biển bắt sóng điện thoại chập chờn. Bức ảnh đoạt giải Báo chí Thế giới năm ngoái. Ảnh: National Geographic
 
Laith Majid, một ông bố người Syria, đang ôm con trai và con gái vào lòng, sau chuyến đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Kos, Hy Lạp trên một chiếc thuyền hơi bị thủng. Tác giả bức ảnh, Daniel Etter, chia sẻ: "Tôi có thể thấy nỗi đau mà quốc gia đó phải gánh chịu trên gương mặt của người bố. Họ khóc vì họ cuối cùng cũng đã tới nơi một cách an toàn, điều này thực sự làm tôi bị ám ảnh". Ảnh: NY Times
 

Duyên Nguyễn
 
252
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè
http://vnexpress.net/photo/cuoc-song-do-day/nhung-buc-anh-lay-dong-ve-khung-hoang-di-cu-o-chau-au-3274481.html

Thứ ba, 8/9/2015 | 13:03 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ ba, 8/9/2015 | 13:03 GMT+7

Hành trình đến Canada dang dở của gia đình bé trai Syria

2h30 sáng vào một ngày tuần trước, Tima Kurdi nhận được tin nhắn của anh trai báo gia đình ông sắp lên thuyền vượt biển, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn ở Canada mà bà cố gắng lo liệu cho họ.
[Caption]Tima KurdiDARRYL DYCK/THE CANADIAN PRESS/AP
Tima Kurdi. Ảnh: Canada Press
"Anh lên tàu bây giờ. Chỉ mất nửa tiếng để vượt qua vùng biển, khi tới Hy Lạp anh sẽ nhắn tin cho em", bà Tima Kurdi vừa khóc vừa kể lại nội dung tin nhắn của anh trai. Ông Abdullah Kurdi, 40 tuổi, đã nhắn như vậy khi đang đứng trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, chuẩn bị lên chiếc tàu định mệnh.
"Tôi nói với gia đình mình ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ rằng 'Hãy cầu nguyện cho anh ấy, anh ấy đang rời đi' ", bà cho hay. Tuy nhiên, trong hai ngày sau đó, Tima và gia đình không nhận được bất kỳ thông tin gì từ Abdullah.
5 giờ sáng ngày 2/9, Tima tỉnh dậy và thấy có hơn 100 cuộc gọi nhỡ. Một người chị dâu thông báo hung tin rằng chiếc tàu đã bị lật và anh trai bà đã mất đi người vợ Rehan, 29 tuổi, cùng hai con trai là Aylan, 3 tuổi và Galip, 5 tuổi.
"Chị ấy vừa khóc vừa la hét còn tôi nói 'Hãy cho em biết ngay chuyện gì đã xảy ra'. Chị ấy kể với tôi rằng Abdullah đã gọi điện khoảng 2 phút và nói 'Em đang ở bệnh viện và đối diện với 3 thi thể, vợ và hai con em đã bị chết đuối' ".
Tima và chồng sau đó điên cuồng tìm kiếm thông tin trên mạng Internet về những vụ chết đuối quanh khu vực mà anh trai cùng gia đình di chuyển. Đó cũng là khi bà tìm thấy bức ảnh đau xót về bé Aylan nằm úp mặt trên cát bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tôi nhìn vào đứa bé trong ảnh và thốt lên 'Đây là Alan', chồng tôi hỏi lại 'Em có chắc không?', tôi nói 'Không, em không chắc nhưng đến 80% là thằng bé', sau đó tôi gửi tấm ảnh cho chị dâu ở Thổ Nhĩ Kỳ và hỏi 'Chị có thể cho em biết đứa bé trong ảnh là ai không', chị ấy hét lên và nói rằng 'Đó là Aylan' ", bà kể lại.
[Caption]Alan Kurdi (left) and Abdullah Kurdi
Aylan Kurdi và cha Abdullah Kurdi. Ảnh: Canada Press
Nước mắt vẫn lăn dài trên má, người cô nhớ lại cuộc điện thoại cuối cùng của cháu trai Galip cho ông nội vào đêm trước khi lên tàu.
"Thằng bé nói với ông nội rằng 'Ông có thể lái chiếc xe tải của mình tới đón cháu được không? Cháu không muốn đi cùng cả nhà trên biển' ", Tima kể.
Ông nội của Galip sau đó trấn an cậu bé rằng mọi việc sẽ ổn. Qua điện thoại họ còn có thể nghe cả tiếng cười đùa của Aylan.
"Aylan, thằng bé chẳng bao giờ khóc cả. Lúc nào cũng vui cười. Nó không biết khóc là như thế nào", người cô nghẹn ngào.
Bà Tima chuyển từ Syria tới Canada vào năm 1992 và hiện là một thợ làm tóc ở Vancouver. Bà hy vọng có thể bảo trợ cho anh trai Abdulla cùng gia đình đến sống với mình và chồng. Bà cho biết họ đã chạy trốn khỏi quê nhà ở Kobani, Syria, sang Thổ Nhĩ Kỳ một năm trước nhưng cuộc sống tại đây gặp nhiều khó khăn.
Bà cũng từng cố gắng bảo trợ một người anh khác là Mohammed, 48 tuổi, cùng gia đình sang Canada nhưng chính phủ Canada đã bác đơn xin của họ hồi tháng 6. Mohammed sau đó trốn sang Đức còn gia đình của ông vẫn ở lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai tuần trước, bà Tima đã mua một tiệm làm tóc để cả 3 anh em làm việc cùng nhau. Nhưng giờ đây, Abadullah chỉ muốn ở lại Kobani, bên cạnh nấm mồ mới đắp của vợ và hai con.
"Tôi đã nói với Abdulla rằng tôi vẫn sẽ đưa anh ấy sang đây nhưng anh ấy trả lời rằng 'anh không muốn tới Canada hay bất kỳ nơi nào trên thế giới này, anh chỉ cố gắng vì bọn trẻ, anh sẽ ở lại Kobani' ".
Tima Kurdi và chồng trong lễ tưởng niệm ba thành viên thiệt mạng trong gia đình Kurdi ở Vancouver. Ảnh: Canada Press
Tima Kurdi và chồng trong lễ tưởng niệm ba thành viên gia đình thiệt mạng ở Vancouver. Ảnh: Canada Press
Khoảng 200 người đã tập trung ở một nhà hát nhỏ tại Vancouver hôm 6/9, với rất nhiều bông hồng trắng và bóng bay, để tưởng nhớ đến Aylan và Galip. Hàng chục quả bóng bay màu trắng treo ảnh của hai cậu bé Syria xấu số sau đó được thả lên bầu trời.
Tima cho rằng cô phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này vì chính cô đã gửi cho anh trai Abdullah 5.000 USD để trả chi phí cho bọn buôn người đưa họ từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp.
"Em xin lỗi. Đó là lỗi của em", Tima nói khi gọi cho anh trai.
Tuy nhiên, người đàn ông vừa mất vợ con nói rằng đó không phải là lỗi của Tima. "Những đứa trẻ của anh, chúng chết đi, hay hy sinh bản thân chúng, để thức tỉnh thế giới", ông nói.
Tuấn Vũ (theo Canada Press)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/hanh-trinh-den-canada-dang-do-cua-gia-dinh-be-trai-syria-3275939.html

Thứ ba, 8/9/2015 | 11:56 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ ba, 8/9/2015 | 11:56 GMT+7

Cậu bé Syria nổi tiếng với lời lẽ dứt khoát về khủng hoảng di cư

Thông điệp gửi đi của bé trai Syria được cho là cắt nghĩa rõ ràng về nguồn gốc cuộc khủng hoảng mà châu Âu đang phải đối mặt.
be1-9661-1441683946.jpg
"Chúng tôi không muốn tới châu Âu. Chỉ cần chấm dứt chiến tranh", Masalmeh nói. Ảnh: Al Jazeera 
Kinan Masalmeh, 13 tuổi, cùng chị gái chạy trốn khỏi thành phố Daraa, Syria. Cậu bé là nhân vật trả lời phỏng vấn trong video do phóng viên của Al Jazeera thực hiện bên ngoài nhà ga ở thành phố Budapest, Hungary, Huffington Post đưa tin hôm 3/9. Masalmeh có đôi mắt thâm quầng, vẻ mặt mệt mỏi nhưng giọng nói đầy dứt khoát. Xung quanh Masalmeh là đám đông người di cư đang đợi tàu. 
Câu trả lời của Masalmeh truyền đi thông điệp đơn giản với các nhà lãnh đạo thế giới: hãy cứu người Syria. Video chưa đầy một phút sau đó lan truyền trên mạng xã hội và được chia sẻ hàng nghìn lần.
"Người Syria bây giờ cần sự giúp đỡ. Hãy chấm dứt chiến tranh. Chúng tôi không muốn tới châu Âu. Chỉ cần chấm dứt chiến tranh", Masalmeh nói. 

(Video)

Sự phân tích ngắn gọn của cậu bé 13 tuổi về khủng hoảng di cư mang tới một cái nhìn sâu sắc về căng thẳng đang diễn ra giữa những người buộc phải rời bỏ quê hương và các nước châu Âu đang vật lộn để giúp họ. Hàng nghìn người di cư tới Hungary để từ đó tới Tây Âu. Nhiều người cắm trại phía ngoài nhà ga ở Budapest suốt hai ngày và bị cảnh sát ngăn không cho lên tàu tới Đức, Áo. 
Thủ tướng Hungary,Victor Orban, van xin người di cư đừng tới. 
"Xin đừng đến. Rất mạo hiểm để tới đây. Chúng tôi không thể đảm bảo rằng các bạn sẽ được chấp nhận", Al Jazeera dẫn lời ông Orban nói phía ngoài trụ sở chính của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, hôm 4/9.
Lời bình luận của Masalmeh được đưa ra trong bối cảnh thế giới chưa hết sốc trước sự việc thi thể của 71 người được tìm thấy trong xe tải gần biên giới giữa Áo và Hungary cuối tháng trước.
Sự kiện này khiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon kêu gọi hành động "nhiều hơn nữa" để giải quyết vấn đề. Ông cũng hối thúc "tất cả các chính phủ liên quan có phản ứng rõ ràng, mở rộng các kênh pháp lý và an toàn về di cư, hành động bằng lòng nhân đạo, tình thương".
Gần 4 triệu người Syria buộc phải rời quê hương vì xung đột và sự lan tràn của chủ nghĩa khủng bố ở đất nước này, theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Đức dự kiến nhận được gần 800.000 đơn xin tị nạn trong năm nay, gấp 4 lần so với năm 2014.
Bình Minh

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/cau-be-syria-noi-tieng-voi-loi-le-dut-khoat-ve-khung-hoang-di-cu-3275822.html

Thứ sáu, 28/8/2015 | 13:57 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ sáu, 28/8/2015 | 13:57 GMT+7

Xe tải chở hàng chục thi thể phân hủy bị bỏ lại ven đường

Thi thể đang phân hủy của khoảng 20-50 người nhập cư hôm qua được tìm thấy trong xe tải bị bỏ lại trên đường, gần biên giới giữa Áo và Hungary.
0000-5421-1440736726.jpg
Bên trong chiếc xe mang biển số Hungagry chất nhiều thi thể đang phân hủy. Ảnh: AFP.
Xe tải mang biển số Hungary được phát hiện đỗ trên đường cao tốc A4 nối thị trấn Parndorf và Neusiedl am See, Hans Peter Doskozil, cảnh sát trưởng quận Burgenland, Áo, cho biết. Bên trong xe chứa đầy thi thể, AP đưa tin. Tài xế người Romania đã trốn khỏi hiện trường.
"20, 30, 40, có lẽ 50 cái xác bên trong", ông Doskozil nói.
Tình trạng phân hủy của thi thể cho thấy họ đã chết từ một ngày rưỡi tới hai ngày. Nhà chức trách cho rằng nạn nhân có thể tử vong khi xe qua biên giới vào Áo. Trưa qua, xe được kéo đi để phục vụ công tác khám nghiệm. Nhà chức trách hiện chưa rõ liệu có phụ nữ và trẻ em trong số nạn nhân không và họ chết thế nào. 
Theo Guardian, trước đó, cảnh sát nhận được thông báo người dân phát hiện chất lỏng chảy nhỏ giọt cùng mùi thi thể phát ra từ phía sau chiếc xe màu trắng. 
Xe dán logo của Hyza, một công ty gia cầm Slovakia. Tuy nhiên, Hyza cho biết trong một thông cáo rằng xe không còn thuộc quyền sở hữu của công ty từ năm 2014. Người chủ mới vẫn chưa bỏ những hình dán quảng cáo trên thân xe.
Phát ngôn viên của thủ tướng Hungary cho hay cảnh sát nước này đang phối hợp cùng giới chức Áo điều tra vụ việc.
Thông tin xe chở thi thể xuất hiện giữa lúc các nhà lãnh đạo châu Âu đang họp hội nghị thượng đỉnh khu vực để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tại thành phố Vienna, Áo. Phát biểu trong một cuộc họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ bà "run sợ khi nghe tin tức kinh khủng đó".
"Điều này nhắc nhở chúng ta cần phải giải quyết nhanh chóng vấn đề người nhập cư và tìm ra giải pháp, dựa trên tinh thần đoàn kết", bà Merkel nói.
ao-4769-1440736726.jpg
Xe tải bị bỏ lại bên đường gần biên giới giữa Áo và Hungary. Ảnh: BBC.
Trước đó, hôm 26/8, một con thuyền được tìm thấy ngoài khơi Libya, trên có 51 thi thể của những người di cư. Hành trình tìm đến miền đất hứa ở châu Âu khiến nhiều người bỏ mạng.
Năm nay, số lượng người tới các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) bằng đường biển và đất liền đạt con số kỷ lục. Riêng tháng trước, số người băng qua các biên giới của EU lên tới 107.500, theo BBC. Hàng trăm nghìn người ở vùng Trung Đông, châu Phi và châu Á đang đổ về châu Âu để chạy trốn chiến tranh và nghèo đói. Khi đã vào EU, phần lớn họ sẽ tìm cách đến các nước giàu có như Đức, Hà Lan, Áo hoặc Thụy Điển. Tại Áo, đơn xin tị nạn vượt qua con số 28.300, tính riêng từ tháng một đến tháng 8, và dự kiến ở mức 80.000 trong năm nay.
Bình Minh

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/xe-tai-cho-hang-chuc-thi-the-phan-huy-bi-bo-lai-ven-duong-3270787.html

Thứ ba, 8/9/2015 | 19:32 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ ba, 8/9/2015 | 19:32 GMT+7

Người cha Syria ôm con mếu máo bắt đầu cuộc sống mới ở Đức

Bức ảnh hạnh phúc của một gia đình Syria tới Đức hôm qua đối lập với khoảnh khắc run rẩy lúc họ đặt chân vào bờ an toàn, sau hành trình nguy hiểm trên biển.
ti-nan-3.jpg
Laith Majid ôm lấy các con khi gia đình anh đặt chân an toàn lên đảo Kos, Hy Lạp, hồi tháng 8. Ảnh: Daniel Etter/New York Times
Hình ảnh một ông bố Syria mếu máo, tay ôm chặt các con khi gia đình anh vào bờ an toàn ở đảo Kos, Hy Lạp, hồi tháng trước lọt vào ống kính nhiếp ảnh gia tờ New York Times, Daniel Etter. Bức ảnh nhanh chóng lan truyền khắp thế giới và lột tả tình cảnh khốn khổ của người di cư muốn trốn chạy chiến tranh ở quê nhà tới miền đất hứa châu Âu. 
Người đàn ông trong ảnh là Laith Majid, 44 tuổi. Majid cùng vợ, Nada Adel, và bốn con giờ đã có thể bắt đầu cuộc sống mới khi tới Berlin, Đức, an toàn hôm qua, tờ Bild cho hay. Họ hiện ở trong doanh trại cảnh sát cũ tại khu Spandau, thành phố Berlin. Nơi này được sửa lại làm nhà cho hàng trăm người di cư tới Đức.
Hình ảnh gia đình Majid đứng bên nhau cười tươi đăng trên Facebook "Europe says Oxi" hôm qua nhận được gần 15.000 lượt "like" và hơn 6.800 chia sẻ.
"Tấm hình người cha đang khóc, tay ôm các con khi tới Hy Lạp khiến hàng triệu người khắp thế giới xúc động", đoạn chia sẻ bên dưới viết . "Hôm nay, anh ấy đã đến Berlin và có thể xây dựng tương lai mới cho mình cùng vợ, con. Hãy chia sẻ nếu bạn đồng ý rằng tất cả các gia đình di cư đến từ nước nghèo và bạo lực phải được phép có cuộc sống an toàn, hạnh phúc ở châu Âu".
Theo Guardian, Majid và gia đình chạy trốn Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Deir Ezzor, Syria. Họ lên con thuyền hơi mỏng manh chỉ dành cho 4 người nhưng chở tới 12 người và phải trả 6.500 USD để tới đảo Kos.
"Khi thuyền cập bến, một người đàn ông trung niên bước xuống. Gia đình nhỏ của anh cuối cùng đã vào bờ an toàn. Anh ấy run rẩy và đi không vững. Vợ chồng Majid bật khóc và ôm lấy từng đứa con", nhiếp ảnh gia Etter chia sẻ.
Etter đã giúp gia đình Majid tới thành phố chính của Kos và sau đó mất liên lạc với họ. Nada Adel, giáo viên tiếng Anh ở Syria, cho biết 13 chính phủ đề nghị nhận họ nhưng vợ chồng cô quyết định đến Đức.
"Bà Angela Merkel (thủ tướng Đức) rất tốt. Bà ấy giống như mẹ chúng tôi", Nada tâm sự.
Nour, con gái út 7 tuổi của Majid, vẫn gặp ác mộng về buổi tối lênh đênh trên biển. 
"Chúng tôi sẽ không bao giờ trở lại biển", Bild dẫn lời Majid nói.
ti-nan-5.jpg
Hình ảnh tươi cười, hạnh phúc của gia đình Majid đăng trên Facebook Europe says Oxi hôm qua. Ảnh: Facebook
Bình Minh

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/nguoi-cha-syria-om-con-meu-mao-bat-dau-cuoc-song-moi-o-duc-3276073.html

Thứ ba, 8/9/2015 | 11:58 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ ba, 8/9/2015 | 11:58 GMT+7

Vùng Vịnh giàu có hứng bão chỉ trích hờ hững với di dân

Các quốc gia vùng Vịnh, bị chỉ trích vì chỉ đón nhận ít người tị nạn, giải thích rằng họ đã ủng hộ nhiều tiền và đổ lỗi cho phương Tây là gốc rễ của khủng hoảng. 
635770474190601659-AP-HUNGARY-MIGRANTS-7
Một phụ nữ ngồi trên chuyến tàu dành cho di dân và người tị nạn ở Hungary. Ảnh: AP
Một số quốc gia Arab tại vịnh Ba Tư có mức thu nhập bình quân đầu người cao bậc nhất thế giới. Các lãnh đạo của họ cũng có những phát biểu đầy nhiệt huyết về nỗi thống khổ của người Syria, trong khi truyền thông nhà nước đưa tin không ngừng nghỉ về nội chiến tại quốc gia này.
Vậy nhưng khi hàng triệu người tị nạn Syria phải lánh nạn tại những nơi khác ở Trung Đông, thậm chí mạo hiểm sinh mạng để tới châu Âu, các quốc gia vùng Vịnh chỉ đồng ý cho một lượng ít ỏi người tị nạn được tái định cư tại nước họ.
Khi cuộc khủng hoảng nhập cư bao trùm châu Âu, và sau khi hình ảnh của em bé Aylan Kurdi lột tả hết sự tuyệt vọng của người Syria, các nhóm nhân đạo ngày càng gia tăng chỉ trích rằng các quốc gia giàu có nhất thế giới Arab chưa hành động đủ nhiều để giúp đỡ.
Chỉ trích
"Thuật ngữ chia sẻ gánh nặng hoàn toàn không có nghĩa gì tại vùng Vịnh. Cách tiếp cận của người Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay Qatar chỉ đơn giản là ký séc rồi để cho ai đó lo liệu", Sarah Leah Whitson, giám đốc điều hành tổ chức Human Rights Watch tại Trung Đông và Bắc Phi nói. "Giờ thì tất cả đều lên tiếng rằng 'như vậy là không công bằng'".
Chỉ trích càng tăng thêm khi xét tới sự giàu có tại vùng Vịnh, với vô vàn trung tâm mua sắm khổng lồ, những tòa tháp cao chọc trời sáng loáng, đại lộ rộng thênh thang đầy những chiếc xe thể thao đắt tiền. Tại các nước láng giềng với Syria, nơi hầu hết hơn 4 triệu người tị nạn trú ngụ, hoàn toàn không có sự vương giả đó.
Đơn cử như tại Jordan, thu nhập bình quân đầu người chỉ là 11.000 USD/năm, nhưng nước này đã tiếp nhận 630.000 người. Lebanon giàu có hơn, cũng tiếp nhận 1,2 triệu người Syria, tương đương gần 1/4 dân số. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có đông người tị nạn trú ngụ nhất, khoảng 2 triệu người, trong khi thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này là 20.000 USD/năm.
Những mức thu nhập đó chỉ bằng một phần nhỏ so với Qatar (143.000 USD), Kuwait (71.000 USD) hay Arab Saudi (52.000 USD), theo số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).
Nhiều người Syria cũng chỉ trích các nước vùng Vịnh. "Chúng ta đều biết rằng vùng Vịnh có thể đón người tị nạn Syria, nhưng họ không bao giờ đáp lại", Omar Hariri, một người Syria vừa đi khỏi Thổ Nhĩ Kỳ trên một chiếc bè cao su cùng vợ và con gái 2 tuổi cho biết.
Trả lời phỏng vấn từ Athens, ông nói rằng ông đặt hy vọng vào châu Âu, chứ không phải vùng Vịnh. "Họ chỉ hỗ trợ phiến quân, chứ không giúp người tị nạn", ông Hariri nói. Qatar và Arab Saudi được cho là hỗ trợ tài chính cho phe đối lập chống chính quyền Tổng thống Syria al-Assad. Những cư dân giàu có tại vùng Vịnh được cho là hỗ trợ tài chính cho phần tử jihad tại Syria, theo giới chức Mỹ.
Thực tế, có hàng trăm nghìn người Syria đang sống tại tại vùng Vịnh, nơi sự thịnh vượng nhờ giàu mỏ và dân số thấp khiến các nước này trở thành điểm đến hàng đầu của người lao động từ các quốc gia Arab nghèo hơn và các khu vực khác. Trong khi một số ít người di cư tại đây là các chuyên gia tạo dựng được sự nghiệp xán lạn, hầu hết là lao động tay chân thu nhập thấp, chấp nhận từ bỏ quyền lợi để có việc làm và có thể bị trục xuất trong chớp nhoáng.
Trong nhóm người này có không ít người Syria chạy trốn chiến tranh, dù họ không được hưởng bất kỳ sự bảo vệ hoặc hỗ trợ tài chính nào mà lẽ ra những người theo quy chế tị nạn được hưởng. Tương lai về khả năng được cấp quyền công dân cũng hoàn toàn mờ mịt.
rtxt4yg_1441622530.jpg
Arab Saudi là một trong những nước vùng Vịnh giàu có nhờ dầu mỏ. Ảnh: Reuters
'Nước mắt cá sấu'
Giới chức vùng Vịnh và các nhà bình luận quyết liệt bác bỏ chỉ trích, khẳng định rằng nước họ đã hào phóng tài trợ cho các chương trình viện trợ nhân đạo, và điều đó giúp người Syria có cơ hội làm việc còn tốt hơn là để họ thất nghiệp tại các nước khó khăn về kinh tế, hay ở trong các trại tị nạn xập xệ.
Arab Saudi từ đầu năm đến nay cấp 18,4 triệu USD cho quỹ ứng phó Syria của Liên Hợp Quốc, trong khi Kuwait là nước đóng góp nhiều thứ ba thế giới với 304 triệu USD. Mỹ là nước ủng hộ nhiều nhất với 1,1 tỷ USD và chấp nhận cho 1500 người Syria tái định cư.
"Nếu không nhờ có các quốc gia vùng Vịnh, bạn sẽ thấy hàng triệu người đó ở trong tình cảnh thảm thương hơn hiện tại rất nhiều", Abdulkhaleq Abdulla, một giáo sư khoa học chính trị tại UAE, quốc gia đã tiếp nhận hơn 160.000 người Syria trong 3 năm qua, khẳng định. "Việc chỉ trích vùng Vịnh rằng họ không hành động gì cả là không đúng".
"Tại sao chỉ có những chất vất xoay quanh vùng Vịnh mà không đề cập đến ai đứng sau cuộc khủng hoảng, ai tạo ra tình cảnh này?", Khalid al-Dakhil, một giáo sư khoa học chính trị tại đại học King Saud, thành phố Riyadh,của Arab Saudi nói.
Nhà bình luận Fahad al-Shelaimi của Kuwait khẳng định trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng nước mình không phù hợp cho người tị nạn. "Chi phí sống tại Kuwait và các nước vùng Vịnh đắt đỏ và không phù hợp với cuộc sống tị nạn. Giao thông vận tải tại Kuwait cũng rất tốn kém. Trong khi đó, sống ở Lebanon hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rẻ hơn, số tiền hỗ trợ cho người tị nạn sẽ giúp họ trang trải được lâu hơn", al-Shelaimi nói.
"Bạn không thể chào đón những người đến từ môi trường khác, những nơi mà người dân có vấn đề hoặc phải trải qua đau đớn về tinh thần và đưa họ hòa nhập vào xã hội", ông al-Shelaimi nói.
Các họa sĩ tranh trào phúng lập tức công kích tư tưởng này. Một người vẽ một người đàn ông trong trang phục truyền thống của vùng Vịnh đứng sau cánh cửa có hàng rào thép gai, chỉ đường cho một người tị nạn đi sang một cánh cửa khác treo cờ Liên minh châu Âu, trong khi hét lên "Mở cửa cho họ vào ngay!".
Trong khi đó, nhiều người tại vùng Vịnh hướng chỉ trích về phía Mỹ và các đồng minh phương Tây, đổ lỗi cho những nước này không can thiệp vũ lực chống lại ông Assad. Họ tin rằng làm như vậy sẽ giúp chấm dứt cuộc xung đột, và ngừng dòng người tị nạn.
Tuần qua, ông Nasser Al-Khalifa, từng là nhà ngoại giao của Qatar, cáo buộc trên Twitter rằng giới chức phương Tây đang rơi "nước mắt cá sấu" trước tình cảnh cơ cực của người Syria.
Tuy không nêu cụ thể tên nước, Khalifa viết rằng "các nước khác" đã muốn trao vũ khí phòng không cho phiến quân, để chống lại các vụ không kích vào khu vực có dân thường sinh sống, nhưng lại bị ngăn cản.
Ông cũng cáo buộc chính quyền Tổng thống Obama đã không can thiệp vũ lực vào Syria do lo sợ làm hỏng đàm phán với Iran. "Giờ thì giới chức Mỹ và châu Âu đang đối mặt với những chính sách thiển cận của họ và phải chào đón thêm nhiều người tị nạn Syria", ông Khalifa viết.
Michael Stephens, giám đốc Viện nghiên cứu Royal United Services Institute tại Qatar thì cho rằng, quyết định không can thiệp trực tiếp khiến nhiều quốc gia vùng Vịnh không rõ phải phản ứng ra sao.
"Người Arab vùng Vịnh đã quen với mô hình trong đó phương Tây liên tục can thiệp để giải quyết vấn đề, nhưng lần này, họ chưa làm vậy", ông Stephens nói. "Việc đó khiến nhiều người chỉ nhìn vào tình thế ngổn ngang hiện tại và đổ lỗi cho nhau".
Hoàng Nguyên (theo NYTimes)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/vung-vinh-giau-co-hung-bao-chi-trich-ho-hung-voi-di-dan-3275222.html

Thứ ba, 8/9/2015 | 09:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ ba, 8/9/2015 | 09:00 GMT+7

Anh, Pháp nhận hàng chục nghìn người tị nạn

Anh và Pháp hôm qua tiếp bước Đức khi cam kết nhận hàng chục nghìn người tị nạn, trong bối cảnh một lượng kỷ lục người bỏ chạy khỏi chiến tranh và khổ cực đến châu Âu. 
Syrian refugees arrive after crossing aboard a dinghy from Turkey, on the island of Lesbos, Greece. The island of some 100,000 residents has been transformed by the sudden new population of some 20,000 refugees and migrants, mostly from Syria, Iraq and Afghanistan
Người tị nạn Syria trên đảo Lesbos, Hy Lạp. Hòn đảo có dân số khoảng 100.000 người đột nhiên có thêm khoảng 20.000 người di cư và tị nạn, chủ yếu là người Syria, Iraq và Afghanistan. Ảnh: AP
Pháp cho biết sẽ nhận thêm 24.000 người xin tị nạn, trong kế hoạch của châu Âu nhằm tái định cư cho 120.000 người từ những nước bất ổn.  
Thủ tướng Anh David Cameron cho biết nước ông cũng sẽ nhận 20.000 người tị nạn Syria từ các trại gần những vùng biên giới nước trong vòng 5 năm tới. Ông Cameron cho rằng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là "đất nước của lòng nhân ái đặc biệt".
Phía bên kia Đại Tây Dương, tỉnh Quebec của Canada cũng cam kết chào đón 3.650 người tị nạn Syria trong năm nay. 
Trong khi đó, tại Hy Lạp, tình hình ở đảo Lesbos, gần Thổ Nhĩ Kỳ "đang chuẩn bị nổ tung", khi hơn 15.000 người tị nạn, chủ yếu là người Syria đến, bộ trưởng Nhập cư cảnh báo. Các cuộc xung đột những ngày gần đây nổ ra giữa cảnh sát và người di cư và giữa những người di cư quốc tịch khác nhau trên đảo Lesbos. 
Căng thẳng cũng gia tăng ở một số nơi khác, khi khoảng 40 người hôm 6/9 bạo loạn tại một trung tâm tạm giữ người di cư ở Valencia, Tây Ban Nha và hàng chục người cố bỏ trốn. 5 cảnh sát bị thương trong vụ việc. 
Trọng Giáp (theo AFP)
7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

Geen opmerkingen:

Een reactie posten