zondag 22 september 2013

Danh phẩm Kim Vân Kiều lên sân khấu Trung Hoa

Danh phẩm Kim Vân Kiều lên sân khấu Trung Hoa

Ngành Mai, thông tín viên RFA
2013-09-21
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

kim-van-kieu-305.jpg
Bìa đĩa hát cải lương Kim Vân Kiều trước đây.
File photo



Thành công trên sân khấu

Tác phẩm Kim Vân Kiều của đại thi hào Nguyễn Du từng được đưa lên sân khấu thời thập niên 1930, được cả giới bình dân lẫn trí thức thời đó đi coi, và có người nói rằng đây là vở hát mà cốt truyện vượt mọi không gian và thời gian. Cũng trong thời kỳ này hãng phim Pháp Indochine Films et Cinemas đưa Kim Vân Kiều lên màn bạc, với các tài tử là đào kép cải lương ở rạp Quảng Lạc, Hà Nội. Phần diễn xuất chẳng khác hơn ở sân khấu, đào kép ăn mặc rườm rà như hát bội, cử chỉ như hát tuồng, cũng như có những sai lằm về nội dung nên phim bị thất bại.
Tuy thất bại bên điện ảnh, nhưng phía sân khấu thì thành công vượt bực, những cô đào nổi tiếng hầu như đều có đóng vai Thúy Kiều. Lớp nghệ sĩ tiền phong thì có các cô Năm Phỉ, Phùng Há, Sáu Nết, Thanh Loan và lớp thế hệ sau có Bạch Tuyết, Mộng Tuyền...
Đoàn Kim Chung được thành lập ngoài Bắc, và đào Kim Chung trong vai Thúy Kiều được hoan nghinh nhiệt liệt. Thời đó từ Bắc chí Nam hễ nói đến cải lương trình diễn vở hát Kim Vân Kiều, là khách mộ điệu không thể nào quên được đào Kim Chung trong vai trò hồng nhan đa truân ấy. Người ta nói hát Kiều mà không có Kim Chung kể như không có gì lý thú nữa để mà xem. Trong hơn 20 năm trời Kim Chung lẫy lừng danh tiếng với điển hình ký thác của cụ Nguyễn Du.
Không phải chỉ nghệ thuật Việt Nam khai thác danh tác của cụ Nguyễn Du, mà nghệ thuật màn bạc Trung Hoa cũng khai thác. Đầu thập niên 1950, hãng phim Tàu ở Hồng Kông đưa truyện Kiều lên màn ảnh rộng lần thứ hai, do cô đào Hồng Tuyến Nữ đóng vai Thúy Kiều, và kép Mã Sư Tăng vai Kim Trọng, và lần này thì thành công to. Sau thời gian chiếu ở Hồng Kông với số thu kỷ lục, khoảng năm 1954 phim được mang sang Việt Nam chiếu để hốt bạc tiếp. Phim cũng được các Chú Ba ở Chợ Lớn nhiệt liệt hoan nghinh Thúy Kiều Hồng Tuyến Nữ, chiếu suốt một tuần khán giả vẫn đông nghẹt rạp.
Thừa thắng xông lên, chủ rạp cử người đi Hồng Kông mời gánh hát Đại Kim Long, tức gánh có đôi nam nữ nghệ sĩ nói trên sang hát ở Chợ Lớn để ăn thêm. Bởi chủ rạp biết chắc rằng cặp Mã Sư Tăng – Hồng Tuyến Nữ xuất hiện bằng xương bằng thịt thì sẽ thu hút khán giả nhiều hơn chiếu phim gấp bội.
kim-chung-5-250.jpg
Vở cải lương "Máu nhuộm sân chùa" do đoàn cải lương Kim Chung 5 trình diễn. File photo.

Khán giả người Hoa ở Chợ Lớn rất quen thuộc và ái mộ Hồng Tuyến Nữ – Mã Sư Tăng, do bởi trước đó khoảng 1949 – 1950 cặp tài danh sân khấu ở Hông Kông này được giới tài phiệt người Hoa ở Chợ Lớn mời sang trình diễn. Và nhân cơ hội này, cặp nam nữ nghệ sĩ ở Hồng Kông đã đến hội quán Hội Nghệ Sĩ để tìm hiểu sinh hoạt của nghệ sĩ sân khấu ở đây. Ban Chấp Hành đương nhiệm lúc bấy giờ do ông huyện Trần Khiêm Cung (hội trưởng), nghệ sĩ Năm Châu (phó hội trưởng) và ông Nguyễn Văn Chỉ (tổng thư ký) đã vội vã báo tin cho hầu hết các gánh hát đang hoạt động ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và phụ cận biết để chuẩn bị cho buổi đón tiếp.
Rồi thì tiệc liên quan được tổ chức, cuộc trao đổi kinh nghiệm sân khấu được diễn ra, và nhân cơ hội ngàn năm một thuở này, Mã Sư Tăng đã lưu lại cho Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu một bức tranh lụa và một cặp liển do chính tay mình đề họa chỉ bằng đầu ngón tay mà thôi. Đây là một kỷ vật coi như vô giá giữa mối tình văn nghệ Việt – Hoa còn lưu lại, mà các nghệ sĩ sau này ít ai để ý đến tác phẩm nghệ thuật nói trên, thậm chí có người không hề biết do đâu mà nhà Hội lại có cặp liển này.
Sự hiếu khách của Hội lúc đó đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, mà đường lối chủ trương đã có từ buổi ban đầu, qua việc ngày khánh thành trụ sở của Hội, Ban Chấp Hành nhiệm kỳ đầu tiên đã đánh điện mời các nghệ sĩ, bầu gánh, soạn giả miền Bắc vào tham dự. Và lần này khi được tin Mã Sư Tăng và Hồng Tuyến Nữ đến thăm, tức thì những người trong Ban Chấp Hành đã không bỏ lỡ cơ hội tạo sự đoàn kết, nên kịp thời thông báo sự việc cho hầu hết anh chị em nghệ sĩ, thành ra hôm bữa đón tiếp có rất đông nghệ sĩ cải lương.

Gánh Đại Kim Long

Trở lại sự việc rạp hát ở Chợ Lớn mời đoàn Đại Kim Long sang Việt Nam, họ lên đường và đến Chợ Lớn khoảng tháng 10 năm 1954, và khán giả náo nức chờ ngày đi coi (khán giả nói ở đây là khán giả người Hoa). Thế nhưng, đào kép đến nơi suốt hai tuần mà không lên sân khấu được, khiến cho chủ rạp ở Chợ Lớn muốn điên đầu (lúc đầu tưởng vậy). Vì dù có hát hay không, theo hợp đồng mỗi ngày cũng vẫn phải trả cho Hồng Tuyến Nữ 13 ngàn đồng, Mã Sư Tăng 9 ngàn (vào thời điểm này vàng y một lượng khoảng 3 ngàn đồng). Đó là không kể tiền trả cho các đào kép phụ khác. Lại còn tiền ăn, tiền ở, bao nhiêu nữa!
rap-long-van-250.jpg
Rạp hát cải lương Long Vân ở Ngã Bảy, Sài Gòn. Photo courtesy of BlogNắngẤm.

Do đâu lại có chuyện như thế chớ! Ấy chỉ vị cái xui xẻo chủ rạp hát (hay là hên chăng?) chỉ vì bao nhiêu rương quần áo hát của đào kép từ Hồng Kông gởi qua bằng đường biển. Người ta đã tính thì tàu phải đến Sài Gòn một ngày trước khi đào kép tới bằng đường hàng không. Dè đâu, chuyến tàu ấy lại đổi hành trình qua Philippines trước rồi ghé Sài Gòn. Ngày ghé Sài Gòn lại nhằm ngày ngày nghỉ, không có ai ở nhà đoan (quan thuế) mà lãnh các rương đồ. Ngày hôm sau tàu lại chạy sang Singapore với những rương mà đào kép cùng chủ rạp mong đợi mòn con mắt. Phải chờ tàu ở Singapore trở về Sài Gòn chuyến sau mới lãnh được.
Sự thể như vậy người ta tưởng đâu chủ rạp, tức nhà tổ chức mua giàn sẽ lỗ nặng, vì trả tiền khơi khơi nhiều
quá mà không thu vô. Nhưng không đâu! Bởi các Chú Ba từng kinh nghiệm trên thương trường, từng làm giàu rồi nên khôn lắm đã chuyển bại thành thắng. Cái chuyện trục trặc mấy rương đồ hát ấy là một dịp bằng vàng cho chủ rạp, cho nhà tổ chức để họ làm giàu thêm.
Số là trong lúc mọi người chờ đợi đi coi hát, thì mấy rương quần áo đồ hát cứ lênh đênh ngoài biển. Có chuyện như vậy nên báo Hoa Văn ở Chợ Lớn theo dõi sự việc loan tin từng ngày trên trang nhứt, và báo Hồng Kông gởi qua cũng nói đến sự việc ấy không kém. Đồng thời lại có thêm nhiều bài viết nói về cái gánh hát và thành tích của cặp đào kép nổi tiếng ở Hồng Kông, đã vô tình làm quảng cáo không công cho nhà tổ chức mua giàn.
Lúc ấy thiên hạ trong giới người Tàu bàn tán xôn xao, ở các chợ, nhà hàng, bến xe, tiệm nước đâu đâu cũng nói đến vấn đề. Nhà tổ chức nắm vững 3 yếu tố trong binh thơ Tôn Tử: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên chắc ăn như bắp.
Khi đem đồ hát từ chiếc tàu lên, thì trước rạp hát Hảo Huê ở Chợ Lớn vẽ bảng thật to hình ảnh Hồng Tuyến Nữ – Mã Sư Tăng, nhưng quầy vé thì treo bảng “hết vé!” Thiên hạ đến mua vé hỏi lẫn nhau, rằng vé bán hồi nào mà hết chứ?
Biết chắc rằng giới thương gia người Tàu giàu có ở Chợ Lớn quá ái mộ cặp nghệ sĩ đóng vai Thúy Kiều, Kim Trọng trong phim, nên cho dù giá vé cao hơn nhiều lần họ vẫn chấp nhận. Cũng như nhiều giới làm ăn khác trong xã hội người Hoa, họ cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để thấy tận mắt cặp tài danh sân khấu của đất nước họ.
Cầm chắc trong tay vấn đề, nên một mặt ở rạp thì “hết vé”, mặt khác thì có những người mang vé đến tận nhà các thương gia tài phiệt với giá cao hơn gấp 5, 7 lần số tiền ghi trên vé. Có vé “chỗ tốt” lên đến hơn 10 lần, vậy mà vé cũng không đủ bán. Thế mới thấy sức thu hút mạnh mẽ của cặp đào kép Hồng Tuyến Nữ – Mã Sư Tăng đối với khán giả người Hoa lúc bấy giờ.
Lâu lâu mới có một lần, được gánh hát lớn từ bên Tàu sang phục vụ là mừng rồi, mua vé có đắt hơn bao nhiêu cũng không tiếc. Tâm lý người Hoa là vậy. Lúc ấy gánh Đại Kim Long hát ở Chợ Lớn suốt một tháng mới đáp ứng nhu cầu khán giả, rồi họ mới lên máy bay về Hồng Kông.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten