vrijdag 2 augustus 2013

Mỹ ưu ái Hà Nội, coi nhẹ Phnom Penh?

Mỹ ưu ái Hà Nội, coi nhẹ Phnom Penh?


Cập nhật: 13:21 GMT - thứ sáu, 2 tháng 8, 2013

Ông Sang tới thăm Hoa Kỳ sau khi thăm Trung Quốc vào hè năm nay.
Tạp chí Anh, The Economist trong tuần này lại tiếp tục bàn về quan hệ Mỹ Việt nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Washington nơi lãnh đạo hai nước đưa quan hệ song phương lên mức “đối tác toàn diện”.
Tiếp theo bài báo vào tuần trước, bài viết vào tuần này mang Campuchia vào nhằm so sánh cách ứng xử của Washington với hai nước ở châu Á cùng chung đường biên, đặc biệt là trong mảng nhân quyền.
Khi ông Obama có cuộc họp duy nhất với Thủ tướng Campuchia, Hun Sen, tại Phnom Penh hồi năm ngoái, người phát ngôn phía Mỹ đã nói thẳng với báo giới rằng bầu không khí họp là "căng thẳng".
Lý do là vì ông Obama huấn thị ông Hun Sen về các trường hợp vi phạm nhân quyền xảy ra ở Campuchia.
Lập trường cứng rắn của tổng thống Hoa Kỳ được hậu thuẫn bởi các chính trị gia Mỹ vốn to tiếng vận động nhằm yêu cầu cắt giảm viện trợ của Mỹ nếu cuộc bầu cử ở Campuchia không "đáng tin cậy".
Thậm chí một số người còn muốn các tổ chức quốc tế như ADB, Ngân hàng Phát triển Châu Á , đã và đang giúp cấp vốn để Campuchia tái thiết, đưa ra các tuyên bố đe dọa Phnom Penh.
Bài báo đặt câu hỏi rằng liệu các nhà lãnh đạo của Việt Nam xứng đáng được [Hoa Kỳ] đón nhận trong khi Campuchia bị Hoa Kỳ giữ khoảng cách?
Xét về các tiêu chí dân chủ và nhân quyền, có lẽ là không, The Economist bình luận và tìm cách giải thích.

Chọn đồng minh

Một số dân biểu Hoa Kỳ ra sức vận động để Washington gây sức ép với Hà Nôi về nhân quyền.
Bài báo dẫn chiếu tại điều họ gọi là “Cuộc bầu cử của Campuchia là không hoàn hảo”, nhưng hầu hết các nhà quan sát nói rằng quá trình tranh cử cởi mở hơn và cạnh tranh hơn so với hai lần trước.
Trong khi đó Đảng Cộng sản cầm quyền tại Việt Nam, báo này viết, chẳng hề bận tâm tới bầu cử và cũng không chấp nhận bất cứ hình thức cạnh tranh chính trị nào. Trấn áp là chuyện xảy ra như cơm bữa.
“Ở Washington một vài nhà lập pháp Mỹ, được cộng đồng người Mỹ gốc Việt góp giọng, phàn nàn về việc Washington nhẹ tay đối với nhà cầm quyền Hà Nội. Tuy nhiên chẳng ai dường như đang lắng nghe.
“Lý do cho sự khác biệt trong cách đối xử của Washingon với Hà Nội và Phnom Penh được xem là nằm ở chỗ chính quyền ông Obama đã và đang đã chọn Việt Nam như một đồng minh trong chiến lược tái cân bằng về an ninh tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tỏ ra không chịu bị lấn át trước đối thủ mới của Mỹ là Trung Quốc, trong các tranh chấp lãnh hải trong khu vực.
“Hoa Kỳ cũng muốn Việt Nam trở thành nước thành viên của liên minh thương mại tự do mới của họ, TPP, và dường như sẵn sàng bỏ qua cho Hà Nội nhiều thứ để giành được hai mục tiêu địa chiến lược.
“Campuchia, ngược lại, là đồng minh chính của Trung Quốc trong khu vực và sẽ không tham gia TPP trong thời gian ít nhất là trước mắt.
“Chính trị thực dụng, vốn thịnh hành trong những năm 1970, đã trở lại”, bài báo có tựa Bấm America, Vietnam and Cambodia, Realpolitik Redux (Tạm dịch là Hoa Kỳ, Việt Nam và Campuchia, sự trở lại của chính trị thực dụng) nhận định.
'Chưa ngã ngũ'
"Tuyên bố Chung sau cuộc họp bàn giữa ông Obama và ông Sang cho thấy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên vẫn là công việc còn đang trong giai đoạn chưa ngã ngũ"
Giáo sư Carl Thayer
Trong khi đó Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đã có bài lý giải điều ông gọi là "hai khả năng có thể lý giải vì sao Hoa Kỳ và Việt Nam chọn đối tác toàn diện thay vì đối tác chiến lược".
Trước tiên, các cuộc đàm phán bị bế tắc do thực trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tệ đi, cả hai phía cùng kết luận rằng có đồng thuận ở không cao hẳn vẫn tốt hơn là không đạt được thỏa thuận nào.
Lý do thứ hai, theo ông Thayer, là có tin nói phe bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phản đối sử dụng cụm từ “đối tác chiến lược” để mô tả quan hệ giữa nước họ với Hoa Kỳ.
Vậy câu hỏi đặt ra là liệu quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam có nên được coi như đối tác chiến lược, nhưng dưới một tên gọi khác.
Theo nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm từ Học viện Quốc phòng Úc, nếu nhìn kỹ hơn, Tuyên bố Chung sau cuộc họp bàn giữa ông Obama và ông Sang cho thấy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên vẫn là công việc còn đang trong giai đoạn chưa ngã ngũ.
Trước tiên, phần lớn những gì được bao gồm trong Tuyên bố Chung gồm chín điểm chỉ đơn thuần nhắc lại những lĩnh vực và cơ cấu hợp tác đã tồn tại sẵn. Đó là: Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư, Ủy ban Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật, Đối thoại Chính sách Quốc phòng, và Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng.
Tuy nhiên, quan hệ đối tác toàn diện đã tạo ra cơ cấu đối thoại mới về ngoại giao và chính trị giữa Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.
"Thỏa thuận mới này [đối tác toàn diện] giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không đạt được những điểm giống các thỏa thuận đối tác chiến lược chính thức khác [mà Việt Nam ký với các nước] và hiện còn thiếu tầm nhìn chiến lược so với quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam đàm phán với Úc"
Thứ hai, không có bản Kế hoạch Hành động hiện đi kèm thỏa thuận đối tác toàn diện. Thay vào đó, Tuyên bố Chung ghi rằng hai chính phủ sẽ tạo ra cơ chế mới để hợp tác riêng theo chín lĩnh vực: quan hệ chính trị và ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và y tế, các vấn đề hậu quả chiến tranh, quốc phòng và an ninh, bảo vệ và khuyến khích nhân quyền, và văn hóa, thể thao, và du lịch.
Tựu chung, quan hệ đối tác mới sẽ đẩy mạnh hợp tác đôi bên về các mảng mậu dịchi và kinh tế, trong đó có việc hoàn tất thỏa thuận mậu dịch tự do Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và đặt nền tảng cho các đối thoại cấp bộ giữa hai nước.
Tuy nhiên, giáo sư Thayer kết luận rằng, thỏa thuận mới này [đối tác toàn diện] giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không đạt được những điểm giống các thỏa thuận đối tác chiến lược chính thức khác [mà Việt Nam ký với các nước] và hiện còn thiếu tầm nhìn chiến lược so với quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam đàm phán với Úc
Câu chuyện về sự đón tiếp của ông Obama với Chủ tịch Việt Nam tiếp tục là đề tài bàn luận, kể cả ở châu Á.
Báo Taipei Timeshôm 1/8 có bài trích bình luận của US Today nói Tổng thống Mã Anh Cửu của Đài Loan, nước đồng minh của Mỹ, đã không được Nhà Trắng đón tiếp long trọng bằng ông Trương Tấn Sang.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten