woensdag 24 juli 2013

Khi nước Mỹ vẫn còn kỳ thị

Thứ hai 22 Tháng Bẩy 2013

Khi nước Mỹ vẫn còn kỳ thị

Người tuần hành trên đường phố Los Angeles ngày 20/07/2013, giương ảnh của Trayvon Martin để phản đối phán quyết tha bổng George Zimmerman.
Người tuần hành trên đường phố Los Angeles ngày 20/07/2013, giương ảnh của Trayvon Martin để phản đối phán quyết tha bổng George Zimmerman.
REUTERS/David McNew

Thanh Hà
Brazil, chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân Đại hội Giới trẻ Thế giới. Israel và Palestine đồng ý nối lại đàm phán, nhưng không có hy vọng đạt được kết quả. Trung Quốc bãi bỏ biện pháp kiểm soát lãi suất cho vay ngân hàng. Vòng đua xe đạp Tour de France lần thứ 100, kết thúc mỹ mãn. Đấy là những đề tài chính được báo chí Paris quan tâm trong ngày. Nhưng trước hết xin điểm qua bài báo trên tờ Libération thiên tả nói về hiện tượng « kỳ thị chủng tộc » vẫn tồn tại ở Hoa Kỳ nhân vụ án Trayvon Martin- George Zimmerman.


Ngày 20/07/2013 hàng ngàn người đã tuần hành ở nhiều thành phố lớn trên đất Mỹ để phản đối việc nhân viên bảo vệ người da trắng, George Zimmerman, được tha bổng trong vụ xử về tội sát hại một thanh niên da đen, Trayvon Martin. Báo Libération chơi chữ với hai màu « đen, trắng » khi nói tới « một cuộc tuần hành ôn hòa để bày tỏ phẫn nộ ».
Tuy nhiên nhìn rộng ra hơn thì người biểu tình không chỉ phản đối việc Zimmerman được trắng án mà đây còn là dịp để cộng đồng người Mỹ da đen tố cáo những bất công xã hội mà họ phải đối mặt hàng ngày. Hơn ¼ trên tổng số 44 triệu người Mỹ da đen sống dưới ngưỡng nghèo khó. Cộng đồng người da đen, chỉ chiếm chưa đầy15 % dân số Hoa Kỳ, nhưng lại có tới 1 triệu người da đen trên tổng số 2,3 triệu tù nhân đang thọ án trong các trại giam.
Theo một công trình nghiên cứu gần đây của hiệp hội NAAP chuyên bảo vệ quyền lợi của người da màu tại Mỹ, với đà này, « 1/3 trong số những đứa trẻ da đen sinh ra trên đất Mỹ ngày hôm nay có thể sẽ phải vào tù ». Một người tuần hành tại New York cuối tuần trước nói với phóng viên Libération : tình trạng của những người da đen trên đất Mỹ thật thê thảm, họ bị coi là những « công dân hạng hai » và không biết tới khi nào thì hoàn cảnh ngang trái đó được thay đổi.
Libération nhắc lại, chính sự bất bình đẳng trong cách đối xử đó là trọng tâm của công cuộc đấu tranh không ngừng từ những năm 1980 tới nay của Linh mục Al Sharpton. Linh mục Sharpton là người đi đầu trong công cuộc đấu tranh đòi công lý cho thiếu niên da đen 17 tuổi, Trayvon Marin đã bị thiệt mạng hồi tháng 2/2012.
Cũng chính vị Linh mục này là người khởi xướng phong trào đòi công lý cho một thanh niên người da đen khác, Amadou Diallo : năm 1999 tuy không có mang theo vũ khí trên người, nhưng Diallo vẫn phải nhận lấy khoảng 40 viên đạn của cảnh sát New York. Tư pháp Hoa Kỳ khi đó cũng cũng đã xử trắng án cho những người đã cướp đi mạng sống của Diallo.
Tác giả bài báo ghi nhận một chi tiết : số người hưởng ứng cuộc tuần hành ôn hòa cuối tuần trước không được đông đảo như mọi người chờ đợi. Đây có thể là do « hiệu ứng Obama » sau khi tổng thống Hoa Kỳ, nhìn nhận những đối xử « khác biệt » tùy vào màu da vào sắc tộc, trước pháp luật. Chủ nhân đầu tiên người da đen của Nhà Trắng không loại trừ khả năng, cách nay 35 năm ông có thể là một Trayvon Martin.
Thảm họa của Detroit
Vẫn liên quan tới thời sự nước Mỹ, báo chí Pháp trong ngày quan tâm nhiều tới sự kiện hy hữu là một thành phố lớn như Detroit, bang Michigan, tuần trước chính thức tuyên bố vỡ nợ.
Le Monde nhắc lại, thống đốc bang này cảnh báo là thành phố Detroit không thể thanh toán cho « tất cả các chủ nợ » do vậy, ngay từ bây giờ, hàng loạt các chủ nợ của thành phố từng được mệnh danh là chiếc nôi của ngành công nghệ xe hơi Hoa Kỳ này đang chuẩn bị kiện Detroit.
Giới hưu trí ở Detroit là những nạn nhân đầu tiên, vì thành phố đang mang nợ ba quỹ hưu trí lớn nhất hơn 5 tỷ đô la trên tổng số nợ 14 tỷ mà Detroit chưa biết làm thế nào để thanh toán. Tờ báo nhân đây đặt câu hỏi trong trường hợp một thành phố hay thị trấn ở Pháp bị phá sản thì sao. Luật hành chính ở Pháp được trang bị sẵn một số « rào cản » đề phòng trường hợp một thành phố bị ngập vì nợ nần. Nhưng nhỡ mà các rào cản đó vì một lý do gì đó bị vô hiệu hóa thì lập tức nhà nước Pháp can thiệp.
Báo Công giáo La Croix cho biết trường hợp của Detroit đang được quan sát rất kỹ ngay cả trên đất Hoa Kỳ bởi vì hiện có tới 7 thành phố hoặc quận đang lâm đã phải tuyên bố vỡ nợ. Nhưng Detroit là thành phố lớn đầu tiên mất khả năng thanh toán và lại ngồi trên một núi nợ lớn chưa từng thấy. Tờ báo nhắc lại xưa kia, Detroit từng một thời huy hoàng khi được mệnh danh là kinh đô của nền công nghệ xe hơi thế giới, từng là biểu tượng của « The American Dream » giấc mơ của những người lao động được bảo đảm việc làm mãn đời. Tất cả những điều ấy vĩnh viễn thuộc về quá khứ.
Ngân hàng Trung Quốc được tự do ấn định lãi suất
Cũng về kinh tế, Le Monde trở lại với việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa bãi bỏ chính sách kiểm soát lãi suất cho vay. Cụ thể là ngân hàng thương mại có thể cho vay tín dụng với lãi suất khoảng 4,2 % một năm, và tiền lãi khi khách hàng ủy thác vào các chương mục của ngân hàng, tối đa sẽ là 10 %.
Mục tiêu đề ra nhằm kích thích các doanh nghiệp đi vay để đầu tư vào khu vực sản xuất trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Quyết định nói trên sẽ tác động động như thế nào đến các hoạt động tài chính và ngân hàng của nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới ?
Theo phân tích của tờ báo, điều đáng chú ý ở đây là Trung Quốc tiến thêm một bước về phía mô hình tài chính mà ở đó lãi suất được định đoạt theo luật cung cầu. Điều đó cũng có nghĩa là trong tương lai xa, các ngân hàng thương mại Trung Quốc sẽ cạnh tranh với nhau. Nhưng trước mắt thì, theo lời một chuyên gia được Le Monde trích dẫn, về thực chất « không có gì thay đổi », bởi vì ngành ngân hàng Trung Quốc tới nay củ yếu phục vụ và cấp tín dung cho các doanh nghiệp nhà nước trong khi tư nhân thường phải đi vay « chợ đen » với lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất chính thức.
Nhưng dù sao thì quyết định bãi bỏ chính sách kiểm soát lãi suất cho ngân hàng nói trên thể hiện thiện chí cải tổ của chính quyền mới ở Bắc Kinh nhưng đó là một « tiến trình cải tổ từng bước ».
Giáo hoàng Phanxicô và thanh niên Công giáo
Thế nhưng có lẽ sự kiện nổi bật nhất trong phần trang thời sự quốc tế hôm nay là chuyến xuất ngoại đầu tiên của Đức giáo hoàng Phanxicô, nhân dịp Ngài đến Brazil để cử hành Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Đức giáo hoàng sẽ nói gì với thanh niên công giáo tại Brazil ? Theo phân tích của tờ báo La Croix, « thông điệp về niềm hy vọng, về lòng bác ái, nhân từ » là những gì người đứng đầu Tòa thánh Vatican, sẽ nói với hơn 2 triệu thanh niên trên thế giới đang có mặt tại Rio nhân sự kiện trọng đại này.
Le Monde thì nói tới chuyến đi với tính biểu tượng cao của Đức giáo hoàng tại một quốc gia đang « sôi sục » : 63 % dân số Brazil theo đạo công giáo, đây là nơi giáo hội có tới hơn 210 triệu con chiên, thế nhưng trong thời gian gần đây giới trẻ Brazil bắt đầu lơ là hơn với truyền thống tôn giáo. 8 % dân số Brazil tự nhận là vô thần, từ năm 2000 đến 2010 đã có tới 15 % thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 bắt đầu tách rời khỏi giáo hội công giáo. Tờ Le Monde cho rằng mục tiêu của Đức giáo hoàng Phanxicô chuyến đi này trước hết là nhằm « chinh phục lại niềm tin nơi Chúa của Brazil ».
Le Figaro nêu lên một chi tiết ít được nói tới nhưng lại nặng về ý nghĩa chính trị : chiều nay, khi tới Rio de Janeiro, đức thánh cha sẽ được tổng thống Dilma Roussef tiếp đón tại điện Guanabara. Đây là dinh của thống đốc Sergio Cabral, người đang bị dư luận chỉ trích dữ dội và làn sóng biểu tình tại Brazil đã dấy lên từ nhiều tuần qua đang dồi ông này phải từ chức.
Nhưng có lẽ điều đang khiến nhân viên bảo vệ an ninh của cả bang Rio đau đầu nhất hiện nay, là Đức giáo hoàng không sử dụng chiếc xe riêng của ngài với kính chắn đạn mà Ngài quyết định đi bộ trên đường phố để chào hỏi dân chúng Rio và khi cần di chuyển, Ngài sẽ dùng một chiếc xe Jeep mui trần. Điều đang khiến « nhân viên cảnh sát » Brazil « toát mồ hôi hột ».
Nghi ngờ chung quanh Tour de France
Sự kiện thể thao được các báo quan tâm nhất hôm nay, đương nhiên là vòng đua xe đạp quanh nước Pháp, Tour de France lần thứ 100 vừa khép lại. Hình ảnh của nhà vô địch người Anh, Christopher Froome rạng rỡ trong chiếc áo Vàng, trên đại lộ Champs Elysées, phông ảnh phía sau là Khải hoàn môn chiếm nhiều trang báo. Có điều những nghi ngờ sử dụng thuốc kích thích doping vẫn bao phủ lên Tour de France.
L'Humanité với giọng điệu châm biếm chạy tựa : « thành tích bất ngờ của Froome » vô cùng nhanh nhẹn » trong vòng đua 2013. Như vậy trong hai năm liên tiếp chiến thắng Tour de France về tay một vận động viên người Anh. Có điều dù có trong sạch đến đâu, Froome vẫn bị nghi ngờ dùng thuốc kích thích.
Bên cạnh hình ảnh người mặc Áo Vàng Froome, Le Figaro nhắc lại ngay từ năm 1996, các tay đua đoạt áo Vàng luôn bị kiểm tra rất gắt gao do nghi ngờ sử dụng thuốc khích thích. Froom không phải là một ngoại lệ. Trước những hoài nghi thường là gián tiếp của báo giới Christopher Froome đã bình tĩnh tuyên bố anh « chấp nhận » để cho mọi người nghi ngờ và « thông cảm » với thái độ đó bởi vì trong quá khứ Froome cũng đã từng bị thất vọng khi thấy môn đua xe đạp bị tai tiếng doping.
Nhưng nhà vô địch trẻ tuổi này hy vọng rằng, anh sẽ góp phần làm thay đổi hình ảnh của môn đua xe đạp. Sinh ra trên mảnh đất Kenya, châu Phi nhưng đã trở hành công dân Anh và hiện đang sống tại Monaco, miền nam nước Pháp. Froome tuyên bố với thắng lợi vừa qua, anh hy vọng trở thành một tấm gương cho cả một thế hệ trẻ ở châu Phi.
Tuy nhiên, gương mặt nổi bật nhất của suốt 21 chặng Tour de France năm nay chính là tay đua người Colombia, Nairo Quintana. Anh đã về nhì trong cuộc đua năm nay, nhưng Quintana được coi là một nhà vô địch đầy triển vọng. Mới 23 tuổi, vận động viên này đã thu về cả chiếc Áo Trắng, dành cho « mầm non » xuất sắc nhất, lẫn Áo Chấm đỏ, phần thưởng dành cho người leo núi tài ba nhất của cuộc đua. Le Figaro kết luận : Nairo Quintana trong tương lai thể nào cũng dành được chiếc Áo Vàng của các Tour de France.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130722-khi-nuoc-my-van-con-ky-thi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten