LTS - Thời sự dồn dập hàng ngày trên cả địa cầu có thể giúp chúng ta biết được là chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao.... Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Ðó là mục “Hồ Sơ Người-Việt,” xuất hiện Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả...
Hùng Tâm/Người Việt
Tuần này, thế giới chào đón 17 ngày công du Âu Châu của bà Aung San Suu Kyi, lần đầu tiên với tư cách dân biểu và là dân biểu đối lập. Lãnh tụ có uy tín nhất của phong trào dân chủ Miến Ðiện sẽ thăm bốn nước, đọc bài diễn văn chưa được đọc khi được giải Nobel Hòa Bình và kết thúc chuyến đi tại Pháp.
Miến Ðiện, giữa hoang tàn của bạo động. Hình chụp tại Sittwe, thủ phủ miền Tây Miến Ðiện, hôm 12 tháng 6, 2012. (Hình: STR/AFP/GettyImages) |
Nhưng cùng lúc đó, tình hình an ninh Miến Ðiện ở nhà lại có dấu hiệu đáng ngại.
Trước hết, xung đột chủng tộc bùng nổ tại một tỉnh miền Tây tiếp giáp với Bangladesh, giữa người Miến Ðiện theo Phật giáo và người “Rohingya” theo Hồi giáo xuất phát từ xứ Bangladesh còn dân địa phương thì gọi là người “Bengalis.” Họ là thành phần thiểu số được Liên Hiệp Quốc coi là cùng khốn nhất. Số thương vong có thể là mấy chục người ở cả đôi bên, và công chức của Liên Hiệp Quốc được lệnh ra khỏi thủ phủ Sittwe của tiểu bang Rakhine. Vụ xung đột và bạo động liên tiếp đã khiến Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Ðộ và Bangladesh cùng quan ngại và gây lúng túng cho chính quyền Miến Ðiện vì bị đả kích là không vãn hồi được trật tự.
Mối lo còn lớn hơn vậy là những gì xảy ra tại thị trấn Muse, thuộc tiểu bang Shan, giáp giới với thị xã Thụy Lệ (Ruili) thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Hai thành phố nhỏ này được tiếp nối bằng một cây cầu vắt ngang sông Shweli và nổi tiếng là một trung tâm mại dâm và ma túy. Cây cầu được dân cư địa phương gọi là “Cầu Chở Súng,” vì là nơi buôn lậu võ khí.
“Hồ Sơ Người-Việt” xin nói về cái vùng “tranh tối tranh sáng” đó của chủng tộc, an ninh và kinh tế giữa Miến Ðiện và Trung Quốc. Kết luận ở đây, xin được nói trước, vẫn là những gì xảy ra tại Việt Nam trong vùng biên giới Hoa-Việt hay Lào-Việt tại Cao Nguyên Trung Phần...
Thời sự Kachin
Ngày 9 tháng 6 đã có 5 vụ nổ trên xa lộ Thống nhất (Union Highway) của thị trấn Muse thuộc tiểu bang Shan ở vùng Ðông-Bắc Miến Ðiện. Thị trấn hẻo lánh này được các chính quyền Trung Quốc và Miến Ðiện nâng cấp thành một trung tâm giao dịch kinh tế giữa hai nước.
Ngày xưa, trong Ðại Chiến II, Nhật đã muốn phong tỏa khu vực Tây-Nam của Trung Quốc nên hành lang giữa hai thị xã Muse của Miến và Thụy Lệ của Tầu là cửa thông thương duy nhất. Sau đó, mọi sự trôi vào lãng quên, cho đến khi Bắc Kinh siết chặt quan hệ với chế độ quân phiệt Miến Ðiện. Ðôi bên mở rộng hành lang hiểm trở này thành vùng giao dịch kinh tế Miến-Hoa. Quốc lộ Thống Nhất của Miến đã nối thị xã Muse với thành phố lớn thứ nhì của Miến Ðiện là Mandalay và xuyên qua Miến Ðiện trổ ra Vịnh Bengal.
Ngày nay, Bắc Kinh đang có dự án hỏa xa dài 170 cây số sẽ đưa phẩm vật từ Muse đến thành phố Lashio của Miến và dự án thiết lập 3,000 cây số ống dẫn khí đốt của Miến Ðiện từ Vịnh Bengal qua thị xã Muse vào đất Vân Nam của Trung Quốc. Chi tiết địa dư ấy cho thấy tầm quan trọng của hành lang Muse-Thụy Lệ, nơi chuyển dịch đến 70% số hàng hóa trao đổi giữa hai nước.
Nhưng khu vực này cũng là nơi sinh hoạt của các sắc dân thiểu số người Karen, Kachin, Karenni và cả người Hoa trên đất Miến. Và trung tâm Muse nằm trong vùng kiểm soát của một lực lượng võ trang người Kachin, gọi là KIA-Kachin Independence Army, cánh tay cầm súng của một tổ chức chính trị có tên là KIO, Kachin Independence Organization.
Từ một năm nay, an ninh của Miến Ðiện đã mở nhiều cuộc tảo thanh vào vùng đất chiến lược ấy mà không có kết quả về quân sự, hay về chính trị là thương thuyết về một giải pháp tự trị cho dân Kachin. Không những vậy, lực lượng võ trang KIA còn phục kích các đơn vị Miến Ðiện, tấn công xe hàng trên hành lang Muse-Thụy Lệ và phá hủy nhiều trạm kiểm soát của chính quyền Miến. Hôm mùng 9 vừa qua, năm vụ phá hoại đã làm tê liệt Xa lộ Thống Nhất.
Sắc tộc Kachin thuộc hệ thống Miến Tạng (Tibeto-Birman), có ngôn ngữ riêng là tiếng Jingpo gốc Tây Tạng. Thế rồi nhờ/vì Ðế quốc Anh mà đa số ngày nay lại theo Cơ Ðốc giáo. Nhưng họ vẫn có truyền thống canh tác và kinh doanh thuốc phiện, ma túy và cả sản phẩm hiện đại là chất “amphetamine.”
Vì vậy, hành lang Hoa-Miến cũng là nơi chuyển vận ma túy vào lãnh thổ Trung Quốc.
Tức là trong khi Bắc Kinh khai thông mạng lưới giao dịch kinh tế với Miến Ðiện để mở đường giải phóng Vân Nam mà khỏi qua Eo biển Malacca hiện do Hoa Kỳ kiểm soát thì mạng lưới đó cũng đưa thuốc độc vào Trung Quốc. Bên kia là sự tiếp sức của các tổ chức tội ác người Hoa, bên này là dân Kachin, rất thiện chiến trên vùng sơn cước!
Chúng ta đang ở rất xa phong trào dân chủ.
Tam Giác Vàng và trận đánh Tam Tam
Nói đến ma túy thì người ta không quên vành cùng Miến Ðiện nối liền khu vực gọi là “Tam Giác Vàng” giữa biên giới Thái Lan, Miến Ðiện và Lào Quốc ở miền Ðông với khu vực Hoa-Việt trên vùng Ðông Bắc mà thị xã Muse là một nút chặn.
Lãnh đạo Bắc Kinh phải cân bằng quan hệ tay ba với chính quyền Naypyidaw, lực lượng võ trang KIA của dân Kachin và nếu có dùng thế lực Kachin để gây sức ép với chính quyền Miến thì lại sợ dân Kachin khai thác ngay lợi thế đó để gây bất ổn cho luồng giao dịch Miến-Hoa và còn đưa ma túy vào Vân Nam.
Lực lượng KIA có thấy ra lợi thế ấy nên đã nhiều lần đe dọa tấn công mạng lưới dẫn dầu thô và khí đốt từ Miến Ðiện vào Vân Nam. Họ dùng Trung Quốc làm áp lực với chính quyền Miến để được quy chế tự trị nhưng không tin vào khả năng dàn xếp của Bắc Kinh. Khi tấn công hành lang Muse-Thụy Lệ, lực lượng võ trang Kachin không chỉ nhắm vào chính quyền Naypyidaw mà còn bật tín hiệu cho Trung Quốc.
Những biến cố thời sự này mới khiến Hồ Sơ Người-Việt lại nhắc đến Miến Ðiện và những tính toán của Bắc Kinh.
Cuối năm 2009, Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã thăm viếng Miến Ðiện với nhiều ưu tư trong đầu.
Bắc Kinh muốn chặn trước kế hoạch trở về Ðông Á của Hoa Kỳ. Kế hoạch đó sẽ dẫn đến thay đổi tại Miến Ðiện như người ta đang thấy. Bắc Kinh cũng muốn khai thác lợi thế ngoại giao của mình với chính quyền quân phiệt ở Naypyidaw, duy nhất được Trung Quốc o bế khi bị các nước Tây phương cô lập. Trong một giai đoạn khá lâu, Bắc Kinh ve vãn Naymyidaw với nhiều dự án đầu tư nhắm vào năng lượng và thủy điện. Hạ tầng cơ sở Miến Ðiện được phát triển, tài nguyên năng lượng được khai thác và tập đoàn dầu khí doanh Trung Quốc Sinopec được đưa người vào lập ra hơn 600 cây số ống dẫn dầu thô và một dự án khí đốt khác, qua lãnh thổ Miến Ðiện để tiến thẳng vào Vịnh Bengal.
Hoa Kỳ nói đến lý tưởng dân chủ, đằng sau là các tổ hợp năng lượng vẫn phải đứng ngoài vì bang giao Mỹ-Miến chưa tái lập. Trung Quốc thì nói đến nhu cầu tôn trọng chủ quyền quốc gia và nguyên tắc không xen lấn nội bộ để bao che cho chế độ quân phiệt trong khi đã đưa các tập đoàn năng lượng vào lập ống dẫn dầu, khí đốt và nhiều dự án thủy điện. Hai bên đều nhắm vào nhau khi tác động vào sự chuyển hóa của Miến Ðiện.
Cho nên trước khi Tập Cận Bình qua Miến Ðiện thì phụ tá tổng trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách Ðông Á và Thái Bình Duơng là Kurt Campbell đã có mặt từ tháng 11 để đối thoại với cả chính quyền lẫn đối lập. Chính quyền Naypyidaw cũng ý thức được chuyện đó và tìm cách khai thác cả hai cho quyền lợi và sự sống còn của mình.
Các tướng lãnh nêu điều kiện với Bắc Kinh là mạng lưới khí đốt phải trước hết phục vụ thành phố Yangon và phải dành một tỷ lệ cao hơn cho nhu cầu tiêu thụ nội địa trước khi nói đến xuất cảng qua Vân Nam. Song song, họ hứa hẹn với Hoa Kỳ là sẽ chuyển qua một chính quyền dân sự và vãn hồi nguyên tắc dân chủ. Nhưng nước Mỹ nên sớm xét lại quyết định cấm vận vì điều ấy gây thiệt hại cho dân Miến, có lợi cho Bắc Kinh và cản trở việc đầu tư của doanh nghiệp Mỹ.
Thời sự hàng ngày không thể tường thuật các chi tiết hay uẩn súc của trận đánh “tam tam” giữa ba nước, trong đó lý tưởng dân chủ chỉ chiếm một phần ba của nghị trình, bên cạnh an ninh và kinh tế. Nhưng là một phần ba then chốt.
Vị trí của Kachin trong quan hệ Miến-Hoa
Trong khung cảnh đó, chúng ta trở lại chuyện Kachin. Ðầu năm nay, chính quyền Naypyidaw đã tiếp tục thương thảo với tổ chức KIO của dân Kachin.
Việc đàm phán nằm trong kế hoạch rộng lớn của Tổng Thống Thein Sein nhằm chính thức đối thoại với lãnh tụ của 16 lực lượng thiểu số đang đòi ly khai hay tự trị. Kế hoạch nhắm vào việc định chế hóa quan hệ sắc tộc trong xã hội và chính trị Miến Ðiện, một bước cần thiết để bình thường hóa bang giao với các nước Tây phương, hầu có thể kêu gọi đầu tư và phát triển xứ sở.
Trước khi có cuộc bầu cử hôm mùng 1 tháng 4, và chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi, thì lãnh đạo Naypyidaw đã đạt kết quả là đàm phán chính thức với 12 trong số 16 lực lượng thiểu số. Thời sự quốc tế không nói gì đến thành quả này.
Nhưng, trong các lực lượng còn lại, cứng đầu và khó nói nhất chính là tổ chức KIO của dân Kachin. Sắc tộc Kachin này ở vào khu vực hoang vu, hẻo lánh và biệt lập nhất trong lãnh thổ Miến Ðiện. Xin nhắc lại rằng Miến Ðiện có địa dư không may và lịch sử tai hại.
Về địa dư thì cả một vùng rộng lớn phía Bắc lại nằm trong tay các sắc dân thiểu số. Về lịch sử thì trong thế kỳ 18 và 19, Ðế quốc Anh lại giành cho dân thiểu số nhiều ưu đãi để dễ bề khống chế người Miến. Trong số này, có dân Kachin nằm trên miền núi dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn nên không bị Ðế quốc Miến Ðiện thôn tính và đồng hóa.
Trong tiến trình đấu tranh cho độc lập, lãnh đạo Miến Ðiện thời ấy đã đặt nền móng cho hợp tác sắc tộc và hòa đồng văn hóa với các lực lượng thiểu số. Ðó là Hội nghị Panglong vào năm 1947 của Tướng Aung San, anh hùng dân tộc và thân phụ của bà Aung San Suu Kyi ngày nay. Nhưng việc thi hành thỏa ước của Hội nghị Pang long lại bị bỏ rơi khi lãnh tụ Aung San bị ám sát vào năm 1948. Từ đấy, các vụ xung đột lẻ tẻ vẫn xảy ra.
Và trong tiểu bang Kachin, dân Kachin nổi lên thành lực lượng có lợi thế nhất kể từ năm 1961, với sự ra đời của một tổ chức chính trị là KIO. Tình hình bất ổn kéo dài hơn ba chục năm cho đến khi KIO ký hiệp định ngưng bắn vào năm 1994. Nhờ sự thỏa hiệp này, dân Kachin có thể tồn tại trong khu vực riêng và còn trưng thu lợi tức qua những khoản tiền mãi lộ trên các trục giao thông giữa Miến Ðiện với Trung Quốc.
Kết cục thì chính quyền Miến Ðiện vẫn khó kiểm soát được dân Kachin về cả an ninh, kinh tế lẫn chính trị và tổ chức KIO trở thành bài toán cho Miến Ðiện. Ðấy là lúc Bắc Kinh nhảy vào thủ vai trung gian môi giới.
Với chính quyền Miến Ðiện đã bị cô lập, Trung Quốc là đồng minh và nhà đầu tư mạnh nhất. Với tổ chức KIO, Trung Quốc là thế lực có thể thuyết phục được tướng lãnh Miến Ðiện và còn bảo vệ quyền sinh hoạt lẫn lợi ích kinh tế của dân Kachin. Bắc Kinh không chỉ du dây mà còn chăng ra nhiều sợi dây như một mạng lưới quyền lợi cho cả ba.
Nhưng mà thiên bất dung gian. Dân Kachin rất cương cường lại không chịu giữ vai phụ.
Tháng 6 năm ngoái, hai dự án thủy điện của Trung Quốc trong tiểu bang Kachin đã bị lực lượng võ trang KIA của tổ chức chính trị KIO tấn công. Nghĩa là 90% năng lượng của các dự án quốc doanh này sẽ khó chảy về Vân Nam. Trước đó, vào năm 2009 đã xảy ra một vụ khủng hoảng tại Kokang trong tiểu bang Shan, khiến ba vạn người gốc Hoa phải túa chạy về Vân Nam và gây vấn đề bất ngờ cho Trung Quốc.
Khi ấy Bắc Kinh mới hiểu rằng chính quyền độc tài ở Naypyidaw không thể chấp hành chính sách thân Tầu nếu không dàn xếp được giải pháp sống chung với 135 sắc tộc thiểu số tại Miến Ðiện và nội loạn tại Miến sẽ gây bất ổn cho Vân Nam.
Kết luận ở đây? Nếu Miến Ðiện có dân chủ đích thực và với uy tín của Tướng Aung San, lãnh tụ Aung San Suu Kyi có thể nói chuyện hòa hợp sắc tộc và tìm ra giải pháp ổn định. Doanh nghiệp Mỹ có cơ hội kiếm lời, nhưng vẫn nằm trong sự thẩm xét của dư luận và báo chí để không thể xảy ra những bất công hay lạm dụng... Và Trung Quốc khó thi hành những chuyện mờ ám như các dự án Bauxite tại Việt Nam.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=150294&zoneid=403
Geen opmerkingen:
Een reactie posten