Nhà khoa học cảnh báo nguy cơ "vi khuẩn vũ trụ" làm hại Trái đất
Rủi ro vi khuẩn ngoài hành tinh xâm nhập Trái đất thông qua hoạt động thám hiểm không gian ngày càng gia tăng của con người đang được các nhà khoa học cảnh báo.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Bioscience, tác giả Anthony Ricciardi của Đại học McGill ở Canada và các cộng sự đã đề cập đến nguy cơ ô nhiễm sinh học từ không gian và nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp an toàn sinh học để hạn chế mối đe dọa này.
Vi khuẩn không gian gây rủi ro cho Trái đất
Từ năm 2013 các nhà khoa học đã cảnh báo các vi sinh vật có khả năng kháng bức xạ có thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt của không gian và tiềm ẩn nguy hiểm cho các sứ mệnh lấy mẫu đất đá từ vũ trụ mang về Trái đất để nghiên cứu, và thậm chí có thể phá hủy cơ hội phát hiện sự sống của chúng ta ở những nơi khác trong Hệ Mặt trời.
Vì con người chưa phát hiện ra sự sống ngoài hành tinh, kể cả sự sống của vi khuẩn, nên rủi ro hiện tại là không đáng kể. Nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các chủng vi khuẩn trong không gian hoàn toàn chưa được biết đến trên Trái đất. Chúng phát triển từ vi khuẩn có nguồn gốc Trái đất trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS - một môi trường độc đáo và biệt lập.
Khả năng đưa vi khuẩn vào môi trường không gian theo cách này và sau đó mang hậu duệ đã tiến hóa của chúng về nhà cho thấy mối quan ngại của các nhà nghiên cứu không chỉ dành cho Trái đất. Họ cũng cảnh báo về trường hợp vi khuẩn được đưa đến các thế giới ngoài hành tinh như sao Hỏa và phát triển mạnh ở đó.
Các tác giả nói rằng những cuộc xâm lược sinh học như vậy có thể được so sánh với những thảm họa thiên nhiên hoặc thảm họa công nghệ khủng khiếp như động đất mạnh hoặc phóng xạ hạt nhân vì nó hiếm khi xảy ra nhưng gây ra hậu quả khôn lường.
Nghiên cứu đề xuất phải có biện pháp phòng ngừa rủi ro thích hợp: "Các quy trình phát hiện sớm, đánh giá mối nguy cơ, phản ứng nhanh và quy trình ngăn chặn hiện được áp dụng cho các loài xâm lấn trên Trái đất có thể được điều chỉnh để đối phó với các nhân tố xâm lấn tiềm ẩn ngoài Trái đất".
Các cuộc xâm lấn trong nội bộ hành tinh Trái đất
Các tác giả chỉ ra rằng các cuộc xâm lược ngoại lai tương tự đã từng xảy ra trên Trái đất khi nhiều vùng hoang sơ trên hành tinh của chúng ta đã bị ô nhiễm sau các chuyến du ngoạn từ các vùng khác gây đe dọa đến tính bền vững của hệ sinh thái và lợi ích của con người.
Nghiên cứu viết: "Do các hoạt động của con người, tốc độ lây lan của vi sinh vật ngoại lai, động vật không xương sống, động vật có xương sống và thực vật trên khắp hành tinh cao chưa từng có và chưa có dấu hiệu dừng lại".
Các tác giả chỉ ra rằng ngay cả những vùng núi cao, vùng cực và đại dương sâu xa nhất của Trái đất cũng đã bị xâm chiếm. Chẳng hạn bằng chứng gần đây cho thấy con người đã vô tình đưa vi khuẩn đường ruột kháng thuốc vào hệ sinh thái Nam Cực, vi khuẩn này đã lây nhiễm sang động vật hoang dã như chim biển và hải cẩu.
Con người đã và đang làm ô nhiễm không gian
Một ví dụ nổi bật về việc con người phát động "cuộc xâm lược ngoài hành tinh" vào một thế giới khác mặc dù chỉ là vô tình, đã xảy ra vào năm 2019 khi sứ mệnh Beresheet của Israel hạ cánh xuống Mặt trăng. Chiếc tàu này chở theo hàng nghìn con bọ gấu nước, một loài động vật cực nhỏ được biết đến với khả năng sống sót trong điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ cực cao và cực lạnh hay điều kiện chân không của không gian hoặc bức xạ cực mạnh. Tàu Beresheet không hạ cánh theo kế hoạch mà bị rơi xuống bề mặt Mặt trăng và mất liên lạc với Trái đất.
Các cuộc thử nghiệm được tiến hành sau vụ va chạm cho thấy mặc dù là loài sống dai nhưng các sinh vật cực nhỏ này khó có thể sống sót sau cú va chạm trên bề mặt Mặt Trăng.
Trong kết luận ở bài báo nghiên cứu, các tác giả đề xuất cần có sự hợp tác hơn nữa giữa các nhà sinh vật học và các nhà sinh vật vũ trụ để nâng cao các giao thức quốc tế hiện có về an toàn sinh học cho hành tinh, bao gồm cả Trái đất và các thiên thể ngoài Trái đất có thể có sự sống.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten