Nạn phá rừng Amazon của Brazil ở mức cao nhất kể từ năm 2006
Báo cáo hàng năm của chính phủ Brazil cho thấy, nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon đã tăng 22% trong năm qua lên mức cao nhất kể từ năm 2006.
Theo dữ liệu vệ tinh ngày 18.11, cơ quan nghiên cứu vũ trụ của Brazil (INPE) đã ghi nhận được 13.235km2 rừng bị phá ở Amazon trong khoảng thời gian từ tháng 8.2020 đến tháng 7.2021. Sự tàn phá vẫn diễn ra bất chấp những nỗ lực của chính phủ Brazil trong việc bảo vệ rừng Amazon, hành động được coi là rất quan trọng để ngăn chặn biến đổi khí hậu troàn cầu, The Guardian đưa tin.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow vào tháng này, chính phủ Brazil đã đưa ra cam kết chấm dứt nạn phá rừng bất hợp pháp trong vòng hai năm đến năm 2028, một mục tiêu yêu cầu giảm mạnh mức tàn phá hàng năm. Tuy vậy, Brazil vẫn khai thác và canh tác thương mại trong các khu vực được bảo vệ của rừng Amazon.
Báo cáo mới của INPE cho thấy, nạn phá rừng gia tăng theo từng chu kỳ trong số bốn chu kỳ gần nhất. Một nguồn tin có hiểu biết về vấn đề này xác nhận với The Guardian rằng chính phủ Brazil đã có dữ liệu trong tay trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc.
Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, chính phủ nước này đã thông báo dữ liệu sơ bộ hàng tháng cho thấy, có sự sụt giảm nhẹ trong khoảng thời gian hàng năm như một bằng chứng cho thấy nạn phá rừng đang được kiểm soát.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Brazil Joaquim Pereira Leite cho biết: “Những con số vẫn là một thách thức đối với chúng tôi và chúng tôi phải mạnh tay hơn trong việc chống lại những tội ác này”.
Ông nói với các phóng viên rằng, dữ liệu hiện chưa phản ánh những nỗ lực tăng cường thực thi chống phá rừng bất hợp pháp gần đây, đồng thời thừa nhận chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để chống lại nạn phá rừng.
Lãnh thổ Brazil có phần lớn rừng Amazon, rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới. Đây là nơi được coi là rất quan trọng đối với hiệp ước giảm khí thải toàn cầu. Cây cối của Amazon hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide, khí nhà kính có thể làm ấm hành tinh. Vì thế, một số nhà khoa học cảnh báo rằng, nếu rừng bị phá hủy đủ nhiều, nó sẽ khô héo và biến thành thảo nguyên và giải phóng một lượng carbon khổng lồ, dẫn tới những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten