Covid-19 : Liên Âu cấp phép cho vac-xin AstraZeneca và kiểm soát xuất khẩu vac-xin
Đăng ngày:
Cơ quan dược phẩm của Liên Hiệp Châu Âu hôm qua 29/01/2021 đã cấp phép sử dụng vac-xin ngừa Covid-19 AstraZeneca cho người trên 18 tuổi. Sau Pfizer BioNTech, Moderna, vac-xin của của hãng bào chế Anh - Thụy Điển AstraZeneca hợp tác với đại học Anh Quốc Oxford là loại vac-xin thứ ba được phép sử dụng tại Liên Âu.
Tuy Cơ quan dược phẩm của châu Âu thừa nhận chưa có nhiều kết quả về hiệu quả của vac-xin AstraZeneca đối với người trên 65 tuổi, nhưng Liên Âu cũng không khuyến nghị là không nên dùng thuốc tiêm này cho người trên 65 tuổi như chính quyền Đức làm.
Trong bối cảnh thiếu vac-xin ngừa virus corona và AstraZeneca thông báo chỉ có thể giao ¼ số liều vac-xin dự kiến ban đầu cho châu Âu, Ủy Ban Châu Âu hôm qua đã gây áp lực đối với hãng bào chế này bằng cách cho công bố hợp đồng mà AstraZeneca đã ký với Liên Hiệp, đồng thời thông qua cơ chế kiểm soát xuất khẩu vac-xin. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet cho biết chi tiết :
« Mọi hãng dược phẩm đặt tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Liên Hiệp Châu Âu đều sẽ phải thông báo ý định xuất khẩu cho các khách hàng không nằm trong Liên Âu. Rồi sau đó, nhà chức trách của nước đặt hãng dược phẩm đó sẽ cấp phép xuất khẩu, điều đó đương nhiên có nghĩa là họ cũng có thể cấm xuất khẩu dựa vào các tiêu chí do Liên Hiệp ấn định.
Quy định này đã được thông qua nhằm bảo đảm sự minh bạch, nhưng dường như sự minh bạch đó còn lâu mới đạt được, bất chấp những lời trấn an của Ủy viên châu Âu về Y tế, Stella Kyriakides :
“Chúng tôi không chống lại bất kỳ quốc gia nào, cũng như không cạnh tranh hay chạy đua với bất kỳ quốc gia nào. Cuộc chạy đua duy nhất là nhằm chống lại loại virus này. Những gì chúng tôi làm với cơ chế này là bảo vệ các hợp đồng của châu Âu, qua đó bảo đảm quyền tiếp cận vac-xin của công dân Liên Hiệp. Tôi phải nhấn mạnh rằng Ủy Ban Châu Âu đã đầu tư một khoản tiền rất lớn vào việc nghiên cứu và sản xuất vac-xin. Vì vậy, điều quan trọng là chúng tôi phải biết rằng các cam kết trong hợp đồng được tôn trọng.”
Quy định xuất khẩu này sẽ áp dụng cho tất cả các hãng dược phẩm, chứ không chỉ riêng tập đoàn AstraZeneca, nhưng sẽ góp phần giúp Ủy Ban Châu Âu tạo sức ép lên hãng Anh-Thụy Điển sau khi đã buộc tập đoàn này công bố các hợp đồng mà theo Ủy Ban Châu Âu chứng minh AstraZeneca phải cung cấp số liều như đã cam kết lúc đầu. »
WHO: Không nên lặp lại sai lầm trong quá khứ
Phản ứng trước quyết định của Liên Âu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO hôm qua nhấn mạnh là không nên lặp lại sai lầm trong quá khứ là bỏ mặc người dân các nước nghèo trong khi tiêm ngừa cho dân các nước giàu trước. Theo AFP, tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo việc các nước phát triển không chia sẻ vac-xin cho các nước nghèo sẽ là một thất bại về đạo đức, khiến dịch bệnh tiếp tục lan rộng và làm kinh tế thế giới khó phục hồi hơn.
Vac-xin Johnson & Johnson hiệu quả đến 66%
Tập đoàn Mỹ Johnson & Johnson hôm qua ra thông cáo khẳng định vac-xin ngừa Covid-19 của hãng này đạt hiệu quả 66%, chỉ cần dùng một liều và cũng chỉ cần giữ lạnh chứ không cần bảo quản trong tủ đông lạnh. Johnson & Johnson cam kết từ nay đến cuối tháng 6 cung cấp cho Mỹ 100 triệu liều, từ tháng Tư đến cuối năm 2021 giao cho Liên Âu 200 triệu liều và kể từ tháng Bảy bắt đầu giao cho các nước đang phát triển 200 triệu liều.
Covid-19 : Liên Âu cấp phép cho vac-xin AstraZeneca và kiểm soát xuất khẩu vac-xin (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten