Anh cấp visa dài hạn cho người Hồng Kông có hộ chiếu hải ngoại
Đăng ngày:
Anh Quốc hôm nay 29/01/2021 khẳng định muốn bảo vệ « quyền tự do và tự trị » của Hồng Kông thông qua loại visa mới có giá trị dài hạn cho các cư dân cựu thuộc địa, do Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới.
Những người dân Hồng Kông sở hữu hộ chiếu Anh hải ngoại (BNO) kể từ Chủ nhật 31/01 có thể xin cấp loại visa này, để sống và làm việc tại Anh trong 5 năm và sau đó có thể xin nhập quốc tịch. Từ trước đến nay, họ chỉ có quyền đến Anh 6 tháng và không được làm việc.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố việc mở rộng này giúp chứng minh « mối quan hệ lịch sử và hữu nghị sâu sắc với người dân Hồng Kông ». Ông khẳng định muốn « bảo vệ tự do và quyền tự trị, là những giá trị mà Anh và Hồng Kông vẫn gắn bó ».
Sự thay đổi này khiến Bắc Kinh giận dữ. Chính phủ Anh đã hứa hẹn như trên từ tháng 7/2020, để phản ứng việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới một cách độc đoán tại Hồng Kông, đàn áp dữ dội phong trào phản kháng. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm nay tái khẳng định luật này « vi phạm hiển nhiên và trầm trọng bản tuyên bố chung Anh-Trung Quốc » ký kết năm 1984.
Phí visa loại mới là 250 bảng Anh (280 euro), nhưng nếu muốn được hưởng dịch vụ y tế công, phải đóng nhiều hơn (3.120 bảng Anh cho người lớn, tương đương 3.500 euro).
Hiện nay có khoảng 350.000 người có hộ chiếu Anh hải ngoại, tăng gần gấp đôi kể từ khi nổ ra phong trào đòi dân chủ cách đây một năm rưỡi. Còn 2,9 triệu người Hồng Kông khác, sinh trước năm 1997, đều có thể xin cấp hộ chiếu này. Đã có 7.000 người Hồng Kông sở hữu BNO sang Anh sinh sống từ tháng 7/2020 đến giữa tháng 1/2021. Luân Đôn ước tính hệ thống mới sẽ thu hút đến 322.400 người trong 5 năm.
Bắc Kinh hôm nay loan báo sẽ từ bỏ việc công nhận loại hộ chiếu đặc biệt của Anh dành cho người Hồng Kông.
Anh cấp visa dài hạn cho người Hồng Kông có hộ chiếu hải ngoại (rfi.fr)
Anh cấp visa đặc biệt cho người Hong Kong, Bắc Kinh nói giấy tờ vô giá trị
Bắc Kinh tuyên bố không công nhận giá trị pháp lý của những người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh (gọi tắt là BNO).
Bước đi nhằm trả đũa việc chính phủ Anh nói sẽ có loại visa mới này, có hiệu lực từ Chủ Nhật 31/1.
Khoảng 300.000 người dự tính sẽ rời Hong Kong sang Anh sống theo một loại visa mới có hiệu lực từ Chủ Nhật 31/1.
Những người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh (gọi tắt là BNO) và thân nhân phụ thuộc của họ sẽ có thể nộp đơn xin visa mới qua ứng dụng điện thoại smartphone.
Hơn 7000 người Hong Kong đã được phép định cư ở Anh từ tháng 7/2020, Bộ Nội vụ Anh cho hay.
Nhưng chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố họ không công nhận vì Hong Kong đã trả về cho Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói từ 31/1, nước này sẽ không công nhận hộ chiếu BNO như một giấy tờ thông hành.
Hộ chiếu này cũng không được chấp nhận như một chứng từ căn cước, Trung Quốc tuyên bố, và họ sẽ "giữ quyền thực hiện thêm các biện pháp khác".
Loại visa này được công bố hồi tháng Bảy sau khi Trung Quốc áp dụng luật an ninh mới ở Hong Kong.
Bắc Kinh đã cảnh báo Anh không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói động thái này là tôn trọng "mối quan hệ lịch sử sâu sắc và tình hữu nghị" của Anh với thuộc địa cũ của nước này.
Những người xin visa thành công có thể xin định cư sau 5 năm và sau đó xin làm công dân Anh từ năm thứ 6.
Mặc dù có 2,9 triệu công dân Hong Kong đủ tiêu chuẩn để chuyển sang Anh, với chừng 2,3 triệu người thân nhân phụ thuộc, chính phủ Anh ước tính sẽ có khoảng 300.000 người tận dụng chương trình này trong 5 năm đầu.
Thủ tướng Johnson nói: "Tôi hết sức tự hào chúng ta đã mang lại một con đường mới cho người Hong Kong có hộ chiếu BNO được sống, làm việc và xây dựng tổ ấm trên đất nước chúng ta.
"Qua việc này, chúng ta đã tôn trọng mối quan hệ lịch sử sâu sắc và tình hữu nghị với người dân Hong Kong, và chúng ta đã đấu tranh cho tự do và quyền tự trị - những giá trị mà cả Anh Quốc và Hong Kong đều coi trọng."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi chương trình này là sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và can thiệp mạnh vào công việc nội bộ của Hong Kong và Trung Quốc, trang web The Paper của Trung Quốc đưa tin.
"Phía Anh đã không tôn trọng thực tế là Hong Kong đã trở lại với Trung Quốc 24 năm trước," ông Triệu nói.
Phân tích của James Landale, Phóng viên Ngoại giao
Hệ thống visa mới giúp người Anh hải ngoại thoát khỏi Hong Kong có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về cam kết là một ảnh hưởng tốt trên thế giới của chính phủ Anh.
Lên án sự đàn áp là một chuyện, có hành động lại là chuyện khác.
Và lần này, Anh Quốc thực hiện lời hứa cách đây hơn hai thập kỷ với những người mà Anh Quốc có trách nhiệm bảo vệ.
Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra.
Những người từ Hong Kong sang sẽ được hỗ trợ như thế nào?
Về lâu dài, họ có thể góp phần cho kinh tế và văn hóa Anh, nhưng trước mắt, họ sẽ cần được hỗ trợ.
Họ sẽ sống ở đâu? Họ sẽ tìm việc làm ở đâu? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hơn 300.000 người như dự tính sẽ sang Anh trong 5 năm đầu? Người dân Anh sẽ phản ứng ra sao?
Và trên hết, Trung Quốc sẽ trả đũa như họ hứa ra sao? Liệu Bắc Kinh có cấm những người có hộ chiếu BNO không được làm trong hệ thống công quyền, hay đi bầu cử, hay thậm chí không được rời Hong Kong? Và khi đó Anh Quốc sẽ làm gì?
Lệ phí visa để ở Anh 5 năm sẽ là 250 bảng Anh/người- hay 180 bảng để ở 30 tháng - và sẽ có phí y tế nhập cư lên tới 624 bảng Anh/năm.
Nathan Law, nhà vận động ủng hộ dân chủ, người chạy khỏi Hong Kong và hiện đang sống lưu vong ở Anh, chào mừng tin này
"Đây là cam kết cho thỏa thuận lịch sử với Hong Kong và tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta đưa ra một lối thoát an toàn cho những người đang chịu đàn áp chính trị ở Hong Kong," ông nói với BBC.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nói chương trình này nằm cho những người xin visa có độ an toàn cao hơn trong lúc có lo ngại họ sẽ bị nhà chức trách Hong Kong phát hiện và nhắm vào.
Hộ chiếu BNO được cấp trước khi Anh quốc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997.
Trước khi Hong Kong bị trao trả, Anh và Trung Quốc có thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ", có nghĩa, ngoài những điều khác, những quyền như tự do tụ tập, tự do ngôn luận và tự do báo chí sẽ được bảo vệ.
Thỏa thuận được ký năm 1984 và sẽ có hiệu lực cho tới 2047.
Nhưng Anh Quốc nói thỏa thuận này đang bị đe dọa vì chính quyền thông qua một điều luật hồi tháng 6/2020 cho phép Trung Quốc có quyền kiểm soát rộng lên người Hong Kong.
Trung Quốc nói luật này là cần thiết để ngăn các cuộc biểu tình xảy ra ở Hong Kong trong suốt năm 2019. Tuy nhiên, luật này gây lo ngại cả ở Hong Kong và nước ngoài, với những người phản đối nói nó hủy hoại quyền tự trị của Hong Kong.
Anh cấp visa đặc biệt cho người Hong Kong, Bắc Kinh nói giấy tờ vô giá trị - BBC News Tiếng Việt
Geen opmerkingen:
Een reactie posten