maandag 10 februari 2020

Vũ Hán : còn đâu tri âm tri kỷ Du Bá Nha-Chung Tử Kỳ + Hoàng Hạc Lâu và... Tam Quốc Chí, và... Virus Corona (!)

Du lịch Hồ Bắc - Tượng Quân Công lớn nhất TG và ĐẬP THỦY ĐIỆN vĩ đại nhất thế kỷ :  https://www.youtube.com/watch?v=T9ZfKdAinGI



Vũ Hán, còn đâu tri âm tri kỷ

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel





Tượng Chung Tử Kỳ-Du Bá Nha tại Toái Cầm Sơn, Vũ Hán, Trung Quốc. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Câu chuyện Du Bá Nha-Chung Tử Kỳ trở thành một câu chuyện văn hóa tri âm tri kỷ cách đây hơn 24 thế kỷ.
Du Bá Nha là một vị quan của nước Tấn (một nước vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, cái thời mà các nước Tần Tấn Sở Yên Tề tranh nhau làm ngũ bá, thất hung). Tuy làm quan nhưng ông lại rất giỏi về âm nhạc. Ông tinh thông âm luật và có nhiều khúc đàn quá cao siêu nên ít có người có thể hiểu và thưởng thức nổi tiếng đàn của ông, một trong tấu khúc nổi tiếng là điệu Cao Sơn Lưu Thủy (Núi Cao Nước Chảy).
Một hôm ông du hành về phương Nam đến chơi nước Sở. Thuyền ông gặp mưa to gió lớn nên ông phải lưu lại Hán Dương để tránh bão. Khi mưa tan gió lặng, trước mắt ông là cả một không gian hữu tình, Trường Giang bao la thoáng mát, phong cảnh đẹp như tranh vẽ! Thấy cảnh sinh tình, ông cảm khái ngồi bên Nguyệt Hồ (ở Vũ Hán có Đông Hồ và Nguyệt Hồ) lấy đàn tiêu khiển, dạo lên các tấu khúc của riêng ông.
Vô tình ngay lúc ấy, một người tiều phu đi ngang qua, nghe được tiếng đàn của ông, đứng lắng nghe và đã không ngớt lời tán thưởng.
Khi Bá Nha dạo khúc Cao Sơn thì bác tiều phu hình dung ra ngay được tiếng nhạc như đưa lòng người lên núi Thái Sơn cao ngất. Còn khi Bá Nha chuyển sang điệu Lưu Thủy thì ông như nghe tiếng dòng sông chảy lúc thì cuồn cuộn lúc thì nhẹ nhàng mênh mang.
Bá Nha mừng vô hạn biết mình đã gặp được người tri âm, gặp được người hiểu ý mình qua âm thanh, ông xin kết bạn với bác tiều phu. Người tiều phu đó chính là Chung Tử Kỳ. Họ hàn huyên thật tâm đắc, hiểu nhau qua ngôn ngữ của âm thanh để trở thành đôi bạn tri âm tri kỷ. Câu chuyện Du Bá Nha-Chung Tử Kỳ trở thành một câu chuyện văn hóa tri âm tri kỷ cách đây hơn 24 thế kỷ. Họ chia tay và ước hẹn gặp nhau lại cũng ở Hán Dương.
Nhưng bất hạnh thay, năm sau Du Bá Nha quay trở lại để gặp thì mới biết Tử Kỳ đã qua đời vì bạo bệnh. Ðau buồn vì không còn người tri âm, Bá Nha bi phẫn đến mộ người tri âm, dạo lên khúc đàn thương xót cho người tri kỷ Chung Tử Kỳ. Thiên hạ hiếu kỳ vây quanh nhìn, tưởng ông chỉ là gã điên! Nhưng nào có ai hiểu được điều gì, họ nhìn nhau mỉm cười rồi bỏ đi. Du Bá Nha hiểu ngay rằng không còn Chung Tử Kỳ thì cũng không còn ai thưởng thức được tiếng đàn của ông nữa. Bá Nha đập vỡ cây đàn và thề sẽ không bao giờ dạo phím từ ngày ấy!
Ngọn núi nơi mà Bá Nha gặp Tử Kỳ và cũng là nơi Bá Nha đã đập vỡ cây đàn được gọi là Toái Cầm Sơn, có nghĩa là núi đập vỡ cây đàn. Nơi Bá Nha ngồi đàn được gọi là Cầm Thất, còn nơi Bá Nha đập vỡ cây đàn thì được người đời sau làm một cái đài nho nhỏ để kỷ niệm, gọi là Toái Cầm Ðài.




Đường phố tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 7 Tháng Hai, vắng như một thành phố chết. Số người chết vì virus Corona (2019-nCoV) ở Trung Quốc đã tăng lên 636. (Hình: Getty Images)

Chuyện văn hóa tri âm tri kỷ xưa thì thế! Còn ngày nay?
Những gì đang xảy ra cho Vũ Hán quả thật như một cơn ác mộng! Cơn dịch bệnh virus Corona xuất hiện đã cho người dân ở đây thấy được “đời sống địa ngục” ngay trên mặt đất. Chính quyền và người dân họ không còn là những người tri âm với nhau. Họ không hiểu được nhau nữa, nên quan không cần nghe dân nói, cũng chẳng cần “thi lễ tương kính” như người xưa Bá Nha Tử Kỳ.
Thời nay “quan nhỏ” thì tìm mọi cách nịnh bợ làm vừa lòng “quan trên.” Quan lớn của tỉnh thì tìm mọi cách giữ chiếc ghế của mình cho chắc. Công việc của “quan chức” chỉ đem bùa “an ninh quốc gia, phát tán thông tin xuyên tạc” ra để cảnh cáo, dọa nạt, trấn áp người dân. Họ đã không đủ trình độ chuyên môn để hiểu về virus Corona, nhưng họ vẫn cảnh cáo trấn áp tinh thần người dân chuyên môn như Bác Sĩ Lý Văn Lượng người đã tìm ra sự xuất hiện của virus Corona. Nếu quan chức của tỉnh Hồ Bắc có người can đảm (Dũng), có trí tuệ (Trí), có lòng nhân (Nhân) và nhất là có sự “tri âm” với người dân thì có lẽ người ta đã chận lại được sự phát tán quá nhanh của virus Corona.
Bác Sĩ Lý Văn Lượng vừa qua đời. Ông chết trực tiếp vì chính con virus ông tìm ra đã giết ông. Nhưng con virus gián tiếp giết ông chính là con “virus của hệ thống chính quyền Cộng Sản” mà người chịu trách nhiệm là hoàng đế Tập Cận Bình! Xét ra “quan chức lớn” phương Bắc xưa nay xem mạng dân như cỏ rác cũng giống hệt như những trăm năm trước, không có gì thay đổi.
Từ hơn hai ngàn năm trước người dân Trung Hoa chịu ảnh hưởng ba nền triết lý nhân sinh Lão Giáo-Phật Giáo-Khổng Giáo. Ngày nay Trung Cộng cao ngạo cho rằng mình đã tiến xa và giàu có. Người dân Trung Cộng cũng thế, họ có những hành xử vô cùng thô lỗ, không văn hóa, khạc nhổ bừa bãi, chen lấn giành giật, ăn nói to tiếng, không biết tương kính mọi người chung quanh. Thảm họa virus Corona xảy ra, thế giới đã dạy cho Trung Cộng (cả chính quyền lẫn người dân) một bài học về lễ độ – về cách biết điều – biết nhìn lại chính “sự văn minh” của đất nước họ.
Trung Cộng đã luôn dùng số lượng du khách của mình để làm áp lực với các quốc gia mà họ muốn thao túng về mọi phương diện. Nhưng nhờ virus Corona, không còn đất nước nào đón nhận họ nữa cả. Ngay cả các chuyến bay đến Trung Quốc cũng phải ngưng.
Bây giờ cả đất nước Trung Cộng là một trại tập trung lớn nhất trên thế giới mà không một du khách nào dám ghé đến thăm.
Biết đâu nhờ virus Corona mà mai đây Trung Cộng có thêm một triết lý nhân sinh mới cho người dân Hoa Lục. Triết lý nhân sinh đó (đã rất cũ) là sự biết điều-tương kính-tôn trọng lẫn nhau. Du Bá Nha-Chung Tử Kỳ đã làm điều đó từ lúc họ sống cho đến lúc họ chết. (Trần Nguyên Thắng)

ATNT Tours đã có chương trình Tours cho năm 2020
ATNT Tours tổ chức và hướng dẫn, có hướng dẫn viên nói tiếng Việt
=> ATNT Bus Tour sáng đi chiều về: 1-Santa Barbara – Solvang. 2-La Jolla – San Diego.
=> Tour: Las Vegas (3 ngày 2 đêm)
=> Tour: Yellostone – Mt Rushmore
=> Tour: Niagara Falls – Toronto – Montreal – Quebec – Boston – New York
=> Tour: Russia – Bắc Âu: Russia – Finland – Sweden – Denmark – Norway
=> Tour Tây Âu: Anh – Pháp – Thụy Sĩ – Monaco – Ý
=> Tour Tây Nam Âu Châu: Morroco – Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha
=> Tour Đông Âu: Poland – Hungary – Czech – Austria – Slovakia – Slovenia – Croatia – Germany (15 ngày)
=> Tour: Turkey – Greece
=> Tour: Israel – Jordan – Egypt
=> Tour: South Africa – Zimbabwe Safari
=> Tour South America: Brazil – Argentina – Peru
=> Tour Chile: Atacama – Santiago – Patagonia
=> Tour: Fiji Island – New Zealand: Auckland – Bay Of Islands, Australia: Melbourne – Phillip Island – Canberra – Sydney
=> Tour: Nepal – Bhutan – Tibet (optional)
=> Tours Nhật Bản Mùa Xuân – Mùa Thu
=> Tour Việt Nam: Những nẻo đường Việt Nam
=> Nhận làm visa nhập cảnh Miến Điện, Ấn Độ, Việt Nam, Russia, Brazil, Úc.
=> Renew passport Mỹ khẩn cấp và passport Việt Nam.
Xin liên lạc văn phòng ATNT Tours để biết thêm chi tiết:
9106 Edinger Ave., Fountain Valley, CA 92708
Điện thoại: (714) 841-2868 / (888) 811-8988
Website: www.atnttravel.com
Email: info@atnttravel.com
*Đón xem trên YouTube: ATNT Travel & Tours.
*Đón nghe chương trình Radio VNR 106.3 FM mỗi tối Thứ Bảy từ 10 PM đến 10:25 PM.
*Đón xem chương trình TV “Thế Giới Trong Tầm Tay Bạn” mỗi tuần trên Đài VBS 57.6 và Người Việt TV (nguoi-viet.com)
https://www.nguoi-viet.com/doi-song/du-lich/vu-han-con-dau-tri-am-tri-ky/




Vũ Hán và Hoàng Hạc Lâu

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel




Một góc Hoàng Hạc Lâu. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu ra đời tại thành Vũ Xương vào thế kỷ 8, thời thịnh Ðường, với tám câu:
“Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tĩnh xuyên lịch lịch Hán Dương Thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”
Ngày xưa lầu Hoàng Hạc đẹp như thế nào thì ngày nay khó mà có ai có thể hình dung ra được, nhưng “Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu” thì quả là một hình ảnh thật đẹp. Ðẹp đến nỗi mà dù đã trải qua hơn 1250 năm rồi mà Hoàng Hạc lâu vẫn là một hình ảnh thần tiên dịu ngọt kèm theo một nỗi buồn man mác trong lòng những người đọc thơ của Thôi Hiệu, nhất là đọc qua bài thơ dịch tuyệt vời của nhà thơ núi Tản sông Ðà Nguyễn Khắc Hiếu.
“Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh, cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.”
Con sông dài Trường Giang là con sông dài nhất (6,300 km) của Trung Hoa. Nguồn sông phát xuất từ cao nguyên Thanh Tạng, chảy qua các bình nguyên Tứ Xuyên, xuyên qua hẻm vực Tam Giáp rồi chảy vào bình nguyên Giang Hán. Cũng tại nơi đây, một chi lưu sông Hán Thủy từ hướng Bắc cũng tuôn chảy nhập vào con sông lớn Trường Giang tạo thành ngã ba sông Trường Giang – Hán Thủy.
Đây chính là khu vực địa danh lịch sử nổi tiếng của hơn ngàn năm trước của Trung Hoa như Hạ Khẩu, Hán Dương, Di Lăng… (những ai đã từng thích thú với bộ truyện Tam Quốc Chí đều nghe biết đến các địa danh trên). Ðây cũng chính là khúc sông đã cho người đời sau những điểm di tích, những câu chuyện thần tiên và các sự tích lưu truyền mà người dân Trung Hoa (và ngay cả những quốc gia nào bị ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa) cũng đều biết đến. Nào là Ðộng Ðình Hồ, trận thủy chiến Xích Bích nổi tiếng thời Tam Quốc của Chu Du – Khổng Minh – Tào Tháo, Lầu Hoàng Hạc, Nhạc Dương Lầu, câu chuyện tri âm tri kỷ… có ai mà không nghe đến.

Một trong những điểm văn hóa nổi bật ở ngã ba sông này, phải nói đến Lầu Hoàng Hạc. Thử tìm hiểu đôi chút về “thân thế” của Hoàng Hạc Lâu như thế nào! Thời cuối Ðông Hán thế kỷ thứ 3, vua nhà Ðông Hán nhu nhược bị các lộng thần chèn ép. Tào Tháo lợi dụng danh nghĩa phò vua Hán chiếm giữ phía Bắc (sau là Tào Ngụy), Lưu Bị xưng là tôn thất nhà Hán, lập ra nhà Thục Hán chiếm giữ  miền Tây Nam. Tôn Quyền lui về Giang Ðông lập ra Ðông Ngô, xưng đế hiệu Ngô Hoàng Vũ.
Thế Tam Quốc phân chia từ đó, thành Kinh Châu thuộc về Ðông Ngô nhưng “được” Lưu Bị mượn và giao cho Quan Vân Trường (Quan Vũ). Vì ỷ y và khinh thường quân tướng Ðông Ngô nên Quan Vũ thiệt mạng và để mất Kinh Châu về tay Ðông Ngô. Năm 223, Tôn Quyền ra lệnh xây thành Giang Hạ (Hạ Khẩu) bên ngã ba sông Trường Giang và Hán Thủy để đóng quân. Trong cái thế Tam Quốc thời đó, Hạ Khẩu là một thành trì chiến lược rất quan trọng vì cả ba nước Ngụy – Thục Hán – Đông Ngô đều cho rằng phe nào chiếm được Hạ Khẩu thì phe đó sẽ chiến thắng cuộc chiến.
Nhằm để theo dõi binh tình, Tôn Quyền cho xây trên góc một ngọn đồi nhỏ cạnh sông Trường Giang một tháp quan sát bên phía tây nam của thành Giang Hạ để theo dõi binh tình. Ðứng trên tháp, người ta có thể quan sát được thuyền bè di chuyển trên sông Hán Thủy và phía Tây của Trường Giang. Tháp quan sát này được đặt tên là Hoàng Hạc Lâu. Cho đến ngày nay, không ai hiểu vì sao tháp lại có tên là Hoàng Hạc Lâu, một cái tên có vẻ trong câu chuyện thần tiên hơn là một cái tên dùng trong giới quân binh.
Dân tộc Trung Hoa thường có quan niệm triết lý “Thiên Nhân hợp nhất” nên họ thường hay tạo ra những câu chuyện thần tiên trong bất cứ các câu chuyện lịch sử, đền đài hay bảo tháp. Vì vậy, câu chuyện về ngọn tháp quan sát của Ðông Ngô thời Tam Quốc cũng đã được thiên hạ ít nhiều khoác vào tháp canh những câu chuyện thần tiên cho tháp.




Hoàng Hạc Lâu ngày nay tại Vũ Hán. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Một trong những câu chuyện thần tiên của ngọn tháp quan sát thời Đông Ngô, có lẽ phát xuất từ thời Nam Bắc Triều, một thời đại loạn lạc liên miên khiến con người không còn tin tưởng nhiều về đời sống, giữa cái bình yên và chiến tranh, giữa cái sống và cái chết, giữa cái giàu sang và nghèo đói khốn cùng. Con người thời đó có khuynh hướng nghiêng về các câu chuyện thần tiên để quên đi những thực tại đau khổ (thời đại Cộng Sản ngày nay thì người ta dùng chiêu bài dân tộc chủ nghĩa để “mị dân,” toàn quyền thống trị người dân vì sự tự ti của người Trung Hoa bị đô hộ, thất trận, thua kém thế giới trong suốt thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20). Từ tâm lý đó, người ta dễ dàng lui về tìm một nơi chốn ẩn náu bình yên để thêu dệt, tưởng tượng ra những điều mơ ước. Hoàng Hạc Sơn là một ngọn đồi cao tại vùng Hạ Khẩu, gần bên thành Giang Hạ, vì vậy ngọn đồi này trở thành một điểm lý tưởng cho con người thời Tam Quốc tìm về ẩn dật, lánh xa những chuyện đời thường.
Trong thời Nam Bắc triều Trung Hoa, người ta lại nói về câu chuyện tiên ông Vương Tử An cỡi hạc vàng bay trên ghềnh đá Hoàng Hạc của Hạ Khẩu. Ngồi trên lưng hạc nhìn từ cao xuống, Tiên ông Tử An đã thấy được sự hiểm nghèo và hùng vĩ của con sông Trường Giang, thấy được cái cao của ngọn tháp Ðông Ngô, thấy được cái mênh mông của bình nguyên Giang Hạ.
Ðến đời nhà Ðường, thì câu chuyện tiên ông cỡi hạc vàng Vương Tử An được biến đổi thành câu chuyện khác. Một vị thừa tướng của Thục Hán Lưu Bị tên Phí Vĩ bị ám sát chết. Sau khi chết, Phí Vĩ được lên cõi tiên, ông cỡi hạc vàng và đã dừng chân nghỉ trên ngọn tháp quan sát của Ðông Ngô. Vì sự tích này mà tháp này được đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.
Một số các câu chuyện thần tiên khác về Phí Vĩ nhưng được thêm thắt nhiều hơn. Có truyện kể rằng sau khi lên tiên, Phí Vĩ hay thơ thẩn đi chu du đây đó, nhất là hay thả bộ dọc theo bờ sông Trường Giang. Ông thường hay ghé vào một tửu lầu ở cuối đồi Hoàng Hạc Sơn uống rượu nhưng ông không có tiền nên uống rượu “ghi sổ.” Tuy nhiên, chủ quán vẫn luôn vui vẻ cho ông thiếu tiền rượu mà không hề đòi.
Nhiều năm trôi qua như thế, bỗng một ngày Phí Vĩ gọi chủ nhân họ Tân lại nói: “Tôi nợ ông tiền rượu quá nhiều rồi. Bây giờ là lúc tôi xin trả cho ông.” Nói xong, Phí Vĩ một tay cầm vỏ cam, và gọi hạc vàng đến. Phí Vĩ leo cỡi hạc vàng bay dọc theo bờ tường của tửu lầu nói vọng theo: “Mỗi khi có khách đến uống ruợu thì ông hãy vỗ tay và hát lên thì ngay lập tức  hạc vàng sẽ từ tường đá hiện ra và múa theo điệu ông hát.” Nói xong Phí Vĩ bay mất!
Người chủ quán tuy nghi ngờ về những điều Phí Vĩ nói nhưng rồi thì vì tò mò ông ta cũng làm theo những gì mà Phí Vĩ đã dặn. Và đúng như thế, mỗi lần họ Tân vỗ tay và hát thì chim hạc luôn luôn hiện ra nhảy theo nhịp hát của ông. Cứ như thế, mười năm trôi qua, chủ quán trở nên giàu có, nhưng lòng lúc nào cũng nhớ đến Phí Vĩ. Chợt một hôm Phí Vĩ trở lại gặp họ Tân và hỏi rằng: “Chim hạc của tôi đã trả nợ đủ tiền rượu cho tôi chưa?” Ðể cám ơn, chủ quán đã mời Phí Vĩ dùng cơm tối, nhưng Phí Vĩ không nói gì, ông lấy ra một ống sáo bằng ngọc và và thổi lên một tấu khúc. Chỉ trong chốc lát, một cụm mây trắng từ trời sa xuống, hạc vàng bay đến chỗ ông. Phí Vĩ cỡi chim hạc và bay theo vầng mây trắng mất hút vào trời không. Sau đó, người chủ quán đóng cửa tiệm rượu và dùng hết số tiền mình có để xây Hoàng Hạc Lâu, để nhớ đến Phí Vĩ và hạc vàng. Người đời sau dùng câu “bạch vân hoàng hạc/ mây trắng hạc vàng” để ám chỉ về sự tích này.
Ðến đời nhà Minh nhà Thanh, người ta còn có thêm thắt các câu chuyện thần tiên khác vào với sự tích đời nhà Ðường. Nhưng có lẽ chúng ta cũng không cần biết đến ở đây vì dù sao thì nhà thơ Thôi Hiệu đã viết bài “Hoàng Hạc Lâu” ở trong không gian và thời gian đời nhà Ðường mất rồi!
Trải qua bao nhiêu thăng trầm với thời gian và lịch sử, Hoàng Hạc Lâu đã được trùng tu và xây dựng lại nhiều lần. Triều đại nào của Trung Hoa cũng cho xây lại Hoàng Hạc Lâu, không hiểu có phải vì bài thơ của Thôi Hiệu hay không? Nhưng rõ ràng là dân gian Giang Hạ, người của đất Sở ngày xưa sống không thể thiếu được Hoàng Hạc Lâu. Không ai muốn cho Hạc vàng bay đi mất cả!




Họa tranh diễn tả “Bạch vân Hoàng Hạc/ Mây trắng Hạc Vàng.” (Hình: ATNT Tours & Travel)

Đời nhà Ðường, Hoàng Hạc Lâu đã được xem như là nơi đàn hát, tiêu khiển và thưởng ngoạn phong cảnh của tao nhân mặc khách. Chẳng vì thế mà Thôi Hiệu, Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên, Ðỗ Phủ… và không biết là bao nhiêu thi tài đã dừng gót tại Hoàng Hạc Lâu, ngắm cảnh “bạch vân hoàng hạc” và để lại cho đời sau những thi ca bất tử. Một câu chuyện kể lại rằng khi Lý Bạch đến Hoàng Hạc Lâu ngắm cảnh. Thấy cảnh sinh tình, nhà thơ muốn phóng tay viết về Hoàng Hạc Lâu nhưng ông chợt thấy đã có bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Biện Châu Thôi Hiệu treo ở đấy. Ðọc bài thơ của Thôi Hiệu, Lý Bạch đành bái phục mà viết rằng “nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc. Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (trước mắt có cảnh mà đành chịu, vì thơ Thôi Hiệu viết trên đầu).
Nhà Ðường suy tàn để nước Trung Hoa hỗn loạn với thời kỳ Ngũ Ðại và Hoàng Hạc Lâu cũng bị tàn phá vì chiến tranh và thời gian. Thế nhưng “Hoàng Hạc Lâu” đã là một nét văn hóa, một cái điều gì đó mà người đời sau cảm thấy không thể thiếu được khi nhắc đến Hán Dương, Giang Hạ. Chẳng vì thế, khi nhà Tống thống nhất Trung Hoa thì Hoàng Hạc Lâu lại được kiến trúc lại, nhưng theo phong thái đời Tống. Thế nhưng sau khi nhà Tống sụp đổ thì Hoàng Hạc Lâu một lần nữa lại bị phá hủy.
Nhà Nguyên Mông Cổ chiếm trọn và cai trị Trung Hoa gần 100 năm. Chu Nguyên Chương khởi nghĩa thu phục Trung Hoa trở lại cho Hán tộc, lập ra triều đại nhà Minh kéo dài gần 300 năm. Rồi thì nhà Minh suy tàn để nhà Thanh thay thế và cũng trị vì gần 300 năm. Bốn Mùa Xuân Hạ Thu Đông luân phiên thay nhau có cả hơn ngàn lần, Hoàng Hạc Lâu tan nát vì chiến tranh và hỏa hoạn tất cả 12 lần và cả 12 lần đều được cho xây dựng kiến thiết lại (không kể các lần trùng tu) cho dù dưới bất cứ triều đại nào, vua nào. Vì thế, Hoàng Hạc Lâu có hơn 12 kiểu kiến trúc khác nhau, từ một tháp quan sát thời Ðông Ngô trở thành Hoàng Hạc Lâu đời Ðường, Hoàng Hạc Lâu đời Tống, đời Minh, đời Thanh, cho đến bây giờ thời Cộng Sản. Thế mới biết có những điểm văn hóa người ta muốn quên cũng không quên được, muốn dẹp bỏ đi cũng không dẹp bỏ được.
Từ năm 1957, dân Vũ Hán đã có chương trình phục hồi lại Hoàng Hạc Lâu nhưng mãi cho đến năm 1985 thì Hoàng Hạc Lâu hiện đại mới được hoàn thành. “Lầu” bây giờ cao hơn 50 mét, có năm tầng lầu và được xây lại theo vóc dáng Lầu cũ của đời nhà Thanh Ðồng Trị. Ðể tránh rủi ro về hỏa hoạn, sườn của Lầu mới được xây bằng sắt thép và xi măng chứ không còn bằng gỗ như ngày xưa nữa.
Ðứng ở trên tầng cao nhất của Hoàng Hạc Lâu, người ta có thể ngắm cảnh trời sông bao la bát ngát, của hai sông Trường Giang và Hán Thủy. Phong cảnh quả là hữu tình! Bước qua ranh giới của hai chữ quốc gia, văn hóa Trung Hoa quả thực cho người ta nhiều cảm khái về suy tư, về tâm hồn thi vị. Không có được cái cảm khái đó thì có lẽ Tản Ðà chúng ta đã không dịch ra được một bài thơ tuyệt hảo về Hoàng Hạc Lâu.
Tản Ðà không những vẫn giữ nguyên được cái ý nghĩa nguyên thủy Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu mà còn vượt qua nổi cái thâm trầm ngôn ngữ của nguyên tác để đưa vào lòng người đọc thơ những điều nhẹ nhàng tinh túy nhất của ngôn ngữ Việt Nam (giảng luận về Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu của Bùi Giáng).
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” nghĩa là “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.”
Vũ Hán là tên ghép của Vũ Xương – Hán Thủy có một thời văn hóa lộng lẫy như thế!
Ngày nay “văn hóa Cộng Sản” thay thế, từ nghèo-đói tiến đến bần-cố-nông cộng với sự cao ngạo trong lãnh vực Đông y, Trung Cộng phát triển ra một thứ văn hóa ẩm thực quái gỡ, người ta ăn tất cả mọi loài thú vật, động vật, côn trùng thảo mộc để ngày nay phát triển ra dịch bệnh Corona ngay tại Vũ Hán. Tất cả chỉ vì đồng tiền và quyền lực, giấu giếm đi sự an toàn sinh mạng của người dân Vũ Hán nói riêng.
Cơn dịch bệnh đang vô hình trung nhốt người dân Vũ Hán “ở trong một trại tập trung khổng lồ nhất thế giới qua bao thế kỷ.” Hỡi tiên ông Phí Vĩ, liệu Hạc Vàng của ông có đem thuốc tiên xuống cứu dân Vũ Hán được không? (Trần Nguyên Thắng)

ATNT Tours đã có chương trình Tours cho năm 2020
ATNT Tours tổ chức và hướng dẫn, có hướng dẫn viên nói tiếng Việt
=> ATNT Bus Tour sáng đi chiều về: 1-Santa Barbara – Solvang. 2-La Jolla – San Diego.
=> Tour: Las Vegas (3 ngày 2 đêm)
=> Tour: Yellostone – Mt Rushmore
=> Tour: Niagara Falls – Toronto – Montreal – Quebec – Boston – New York
=> Tour: Russia – Bắc Âu: Russia – Finland – Sweden – Denmark – Norway
=> Tour Tây Âu: Anh – Pháp – Thụy Sĩ – Monaco – Ý
=> Tour Tây Nam Âu Châu: Morroco – Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha
=> Tour Đông Âu: Poland – Hungary – Czech – Austria – Slovakia – Slovenia – Croatia – Germany (15 ngày)
=> Tour: Turkey – Greece
=> Tour: Israel – Jordan – Egypt
=> Tour: South Africa – Zimbabwe Safari
=> Tour South America: Brazil – Argentina – Peru
=> Tour Chile: Atacama – Santiago – Patagonia
=> Tour: Fiji Island – New Zealand: Auckland – Bay Of Islands, Australia: Melbourne – Phillip Island – Canberra – Sydney
=> Tour: Nepal – Bhutan – Tibet (optional)
=> Tours Nhật Bản Mùa Xuân – Mùa Thu
=> Tour Việt Nam: Những nẻo đường Việt Nam
=>  Nhận làm visa nhập cảnh Miến Điện, Ấn Độ, Việt Nam, Russia, Brazil, Úc.
=>  Renew passport Mỹ khẩn cấp và passport Việt Nam.
Xin liên lạc văn phòng ATNT Tours để biết thêm chi tiết:
9106 Edinger Ave., Fountain Valley, CA 92708
Điện thoại: (714) 841-2868 / (888) 811-8988
Website: www.atnttravel.com
Email: info@atnttravel.com
*Đón xem trên YouTube: ATNT Travel & Tours.
*Đón nghe chương trình Radio VNR 106.3 FM mỗi tối Thứ Bảy từ 10 PM đến 10:25 PM.
*Đón xem chương trình TV “Thế Giới Trong Tầm Tay Bạn” mỗi tuần trên Đài VBS 57.6 và Người Việt TV (nguoi-viet.com).
https://www.nguoi-viet.com/doi-song/du-lich/vu-han-va-hoang-hac-lau/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten