Virus corona Trung Quốc và nguy cơ "đổ giàn"
Đăng ngày:
Phần âm thanh 11:14
Ngăn chận virus corona, cứu nguy kinh tế, cứu vãn hình ảnh và uy tín của Trung Quốc, ngăn ngừa mọi nguy cơ bất ổn trong xã hội : chính quyền Bắc Kinh đang chạy đua với thời gian và bắt buộc phải thắng trên cả bốn mặt trận. Nếu Trung Quốc thất bại, quốc tế không tránh khỏi hiện tượng "đổ giàn", làm gián đoạn giây chuyền sản xuất của toàn thế giới.
Liệu siêu vi virus corona đã lây nhiễm tới kinh tế toàn cầu hay chưa ? Các sòng bạc tại Macao phải đóng cửa, các hãng hàng không trên thế giới đã hủy 25.000 chuyến bay đến và xuất phát từ Trung Quốc và cả các đường bay nội địa tại quốc gia rộng lớn này. Tập đoàn hàng không dân dụng Hồng Kông Cathay Pacific phải cho 27.000 nhân viên "nghỉ việc không ăn lương trong ba tuần".
Hãng xe Hyundai tạm đóng cửa tất cả các nhà máy tại Hàn Quốc trong một tuần vì thiếu phụ tùng sản xuất tại Trung Quốc đưa sang. Từ tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đến hãng xe điện Tesla hay tập đoàn Apple của Mỹ đều bắt đầu phải giảm nhịp độ sản xuất. Ý có thể mất 4,5 tỷ euro vì virus corona. Mãi tận Paris, ngành khách sạn bắt đầu thấm mệt vì dịch viêm phổi đang hoành hành tại Trung Quốc khi 80 % số phòng đã đặt trước bị hủy trong tháng Giêng 2020 và 100 % trong tháng Hai 2020. Năm 2018 hơn 2 triệu du khách Trung Quốc đã tham quan nước Pháp và chi ra đến 4 tỷ euro, theo thẩm định của cơ quan tư vấn Protourisme.
Google, IKEA… lần lượt thông báo "tạm đóng cửa" các chi nhánh tại Hoa lục. Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa họp khẩn vì thị trường lớn nhất là Trung Quốc tạm thời bị "đóng băng". Nga, Bắc Triều Tiên, Mông Cổ đóng cửa biên giới với Trung Quốc trong lúc các nước phương Tây hối hả hồi hương kiều dân của mình. Anh, Pháp khuyến cáo công dân tránh đi Trung Quốc.
Vào lúc tại Bắc Kinh, chính quyền phải chạy đua với thời gian tránh để khủng hoảng về y tế lan sang tới kinh tế, xã hội và chính trị, thì tại Washington bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đổ thêm dầu vào lửa với tuyên bố : " Biết đâu nhờ có virus corona mà các tập đoàn nhanh chóng quay trở về Bắc Mỹ ". Trước mắt, ngân hàng Mỹ Goldman&Sachs dự phóng sẽ có từ 0,004 đến 0,005 % GDP của Hoa Kỳ trong quý 1 năm nay bốc hơi vì virus corona.
Nếu Bắc Kinh không sớm làm chủ lại được tình hình, dịch bệnh viêm phổi do loại siêu vi mới gây ra kéo dài thì không chỉ có kinh tế của Trung Quốc lâm nguy, mà kèm theo đó là cả dây chuyền cung ứng và chuỗi sản xuất của thế giới cũng bị đe dọa. Đó là chưa kể nguy cơ khủng hoảng Trung Quốc lan luôn cả tới các hoạt động tài chính toàn cầu.
Sức đề kháng của dây chuyền sản xuất của thế giới
Cho đến ngày 04/02/2020, 24 trên tổng số 34 tỉnh thành của Trung Quốc đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ nhân dịp Tết Nguyên Đán, đây là một kỳ nghỉ ngoài ý muốn cả của giới chủ lẫn người lao động. 24 tỉnh thành đó bảo đảm đến 80 % tổng sản phẩm nội địa và là nguồn sản xuất đến 90 % hàng xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài. Chủ nhân Xibei, chuỗi nhà hàng lớn nhất Trung Quốc với 400 hiệu ăn hiện diện tại 60 thành phố e rằng với đà này công việc làm của 20.000 nhân viên có nguy cơ bị đe dọa.
Ngành công nghiệp thực phẩm bắt đầu lo lắng vì các trục giao thông bị bế quan tỏa cảng từ nhiều ngày qua. Hãng Foxconn của Đài Loan với nhiều nhà máy tại Hoa lục trông thấy trị giá cổ phiếu giảm 10 % ngay sau khi thông báo ngưng hoạt động cho tới giữa tháng 02/2020. Không một nhà máy sản xuất ô tô nào tại ổ dịch Vũ Hán thông báo ngày khai trương đầu năm mới. Ở vào thời điểm này, dịch vụ giao hàng làm việc không ngơi tay.
Trả lời đài truyền hình France 24, chuyên gia kinh tế Nathalie Coutinet, giảng dậy tại đại học Paris 13 nhấn mạnh đến nguy cơ Trung Quốc ho thế giới cảm lạnh : chuỗi cung ứng của thế giới bị gián đoạn vì mắt xích Trung Quốc bị virus corona đục khoét : « Trước mắt khó có thể thẩm định về tác động kinh tế. Nhưng rõ ràng là kinh tế Trung Quốc đang bị chựng lại. Vũ Hán là một lá phổi công nghiệp, là một kinh đô sản xuất ô tô và trong những tuần qua, cả thành phố này đã ngừng hoạt động, các nhà máy phải đóng cửa, ban đầu tưởng là chỉ để nghỉ Tết, nhưng rồi bất đắc dĩ, kỳ nghỉ này đã phải kéo dài.
Mức tiêu thụ tại Trung Quốc cũng đã giảm mạnh, có thể là đã giảm đi mất 10 % trong hơn ba tuần. Chúng ta biết tăng trưởng của thế giới tùy thuộc vào những thành quả kinh tế của Trung Quốc. Chắc chắn là kinh tế thế giới bị ảnh hưởng lây.
Tuy nhiên cần phân biệt tác động đối với bản thân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Hiện tại đối với kinh tế Trung Quốc thì hậu quả khá rõ ràng khi mà hàng chục tỉnh thành phải tiếp tục cho nhân viên nghỉ việc. Tác hại đến đâu, thì điều đó còn tùy thuộc vào thời gian virus corona hoành hành. Điều đáng ngại là khu vực sản xuất của Trung Quốc không dự trù các khoản hàng tồn kho, thành thử nhà máy ngừng hoạt động là bị thiếu hàng để cung cấp cho thị trường nội địa và quốc tế. Trung Quốc bán linh kiện điện tử, phụ tùng công nghiệp cho cả thế giới, trong đó có cả Mỹ và châu Âu, Nhật Bản... Các nhà máy của Âu Mỹ, qua đó cũng bị xáo trộn, nếu dịch viêm phổi kéo dài.
Ngoài ra, ngành hàng không và du lịch là hai lĩnh vực bị nặng nhất. Phía Pháp cho biết chỉ riêng cửa hàng lớn Galeries Lafayette, doanh thu đã bị sút giảm mất 10 % trong vài tuần qua vì du khách Trung Quốc mang đến 25 % số tiền mà đại tập đoàn này thu vào hàng năm. Đừng quên rằng 35 % thị trường các mặt hàng xa xỉ được dành để phục vụ Trung Quốc. Thêm vào đó, ngày nay Trung Quốc là nền kinh tế thứ nhì thế giới, với lượng du khách đông gấp 10 lần so với hồi dịch viêm phổ cấp tính SARS bùng phát. Khoản thất thu qua đó cũng rất là lớn. Tuy nhiên, cũng có thể hy vọng rằng đà lây lan chóng được chận lại, Trung Quốc sớm thoát khỏi thảm họa virus corona và khi đó thì dân Trung Quốc có thể ồ ạt đi mua sắm trở lại. Trong ngành, chúng tôi gọi đó là hiện tượng "bù lại thời gian đã mất". Nhưng những thiệt hại đối với lĩnh vực sản xuất thì khó có thể được bù lại. Tôi e rằng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi vì các đối tác Trung Quốc không giao hàng đúng thời hạn ».
Thực tế cho thấy virus corona đang trở thành một bức tường cô lập Trung Quốc với thế giới bên ngoài, trong lúc Trung Quốc vừa là khách hàng vừa là nguồn tiêu thụ lớn nhất nhì của thế giới, kịch bản này là một tai họa.
Virus nhỏ chận đứng tham vọng lớn của siêu cường Trung Quốc
Đối với thế giới, giáo sư Nathalie Coutinet cho rằng còn quá sớm để có thể đánh giá như bộ trưởng Thương Mại Mỹ khi cho rằng, virus corona sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ hồi hương, nhưng bà không loại trừ khả năng, sau đợt khủng hoảng này, sức hấp dẫn của Trung Quốc trong mắt các nhà đầu tư phần nào bị phai mờ : «Trong thế giới mở rộng như ngày nay, mỗi lần giao thương bị trắc trở, tất cả đều bị ảnh hưởng chung. Giá dầu hỏa trong tháng 01/2020 giảm mất 15 % chỉ vì Trung Quốc mua ít dầu đi. Hàng ngày đều có những dấu hiệu mới cho thấy không chỉ có Trung Quốc mà cả thế giới đều lo bị virus corona chống phá. Chắc chắn là nếu kinh tế của Trung Quốc bị chựng lại và hiện tượng này kéo dài, thì từ mậu dịch đến giao thông trên thế giới đều bị đình trệ và tất cả tạo ra thêm tâm trạng hoang mang, dễ dẫn đến khủng hoảng. Nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã bị chao đảo vì chính sách thương mại của chính quyền Trump.
Rất có thể là dịch virus corona lần này sẽ dẫn đến một số thay đổi quan trọng trên bàn cờ thương mại thế giới. Có khả năng một số hãng xưởng tính tới khả năng tìm những bãi đáp khác ngoài Trung Quốc, hay trở về nguyên quán như chính quyền Mỹ từng mong đợi. Dịch viêm phổi lần này cho chúng thấy mô hình kinh tế toàn cầu đang đụng phải những giới hạn của nó. Đồng thời thế giới đã lệ thuộc quá nhiều vào cỗ máy sản xuất của Trung Quốc. Việc Trung Quốc bị nạn đã ảnh hưởng luôn đến dây chuyền cung ứng và sản xuất của thế giới ».
Thêm một yếu tố gây bất ổn cho toàn cầu
Kinh tế toàn cầu liên tục bị chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đe dọa từ gần hai năm qua, kế tới là ẩn số chung quanh việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu và lo ngại khi thấy Nhật Bản chưa thực sự khởi sắc trở lại, còn Ấn Độ vẫn chưa cất cánh. Nợ nần của thế giới ngày càng gia tăng, chỉ số chứng khoán lại tăng ở mức "trên trời" như thời kỳ tiền khủng hoảng tài chính 2007-2008.
Giới phân tích đã nhiều lần báo động trước nguy cơ lại bùng nổ một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Trong bối cảnh đã khá bấp bênh đó, virus corona là một yếu tố mới gây lo ngại, như phân tích của chuyên gia kinh tế Nathalie Coutinet đại học Paris 13 : « Trong những ngày qua thị trường chứng khoán có dấu hiệu bị rúng động vì virus corona. Điều đáng lo ngại ở đây là Trung Quốc hiện nay đang ngồi trên một núi nợ rất lớn, chiếm đến 15 % nợ của thế giới. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, Trung Quốc cần đi vay thêm để hỗ trợ kinh tế, để giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn, để tài trợ các công trình xây bệnh viện dã chiến chống virus corona. Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thì bị chựng lại, tiền thuế thu vào qua đó cũng giảm theo. Tất cả những dấu hiệu đó đều gây lo ngại và lại càng khiến quốc tế lo âu. Đó là một yếu tố mới có thể gây bất ổn cho tài chính toàn cầu mà chúng ta không nên xem thường ».
Đành rằng còn quá sớm để thẩm định chính xác về sức công phá của dịch viêm phổi do chủng mới gây ra nhưng khó có thể tin rằng, Trung Quốc lao đao vì virus corona mà thế giới vẫn được bình yên. Siêu vi mới này vừa cho thấy trọng lượng và ảnh hưởng của ông khổng lồ Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới, đồng thời dù đã trở thành nền kinh tế thứ nhì toàn cầu, có cỗ máy quân sự đáng gờm trên thế giới nhưng chỉ cần nhìn vào cách đối phó với khủng hoảng y tế lần này cũng đủ để nhận thấy rằng, chưa thể xem Trung Quốc là một nước tư bản tân tiến.
www.rfi.fr/vi/châu-á/20200211-virus-corona-nguy-cơ-trung-quốc-bị-đổ-giàn
Geen opmerkingen:
Een reactie posten