donderdag 8 november 2018

Một thế kỷ sau đệ nhất Thế chiến, tình hình châu Âu lại «đáng lo»

Một thế kỷ sau đệ nhất Thế chiến, tình hình châu Âu lại «đáng lo»

Một thế kỷ sau đệ nhất Thế chiến, tình hình châu Âu lại «đáng lo»
 
Quốc kỳ Pháp, Liên Hiệp Châu Âu và Đức tung bay tại pháo đài Douaumont, gần Verdun, ngày 7/11/2018, nơi Pháp chuẩn bị lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ nhất.REUTERS/Christian Hartmann

    Ngày 11/11/2018, đúng 100 năm sau ngày Thế chiến thứ nhất kết thúc, một buổi lễ long trọng được tổ chức tại Khải Hoàn Môn, Paris, với hơn 80 nguyên thủ tham dự. Một tuần trước đó, tổng thống Emmanuel Macron lên đường kinh lý chiến trường xưa, vinh danh chiến sĩ bỏ mình vì nước Pháp, nhưng không ca ngợi dân tộc chủ nghĩa cực đoan và cũng tránh làm buồn lòng dân Đức. Trước đó, tổng thống Pháp có một lời tuyên bố báo động : chúng ta đang sống ở một thời kỳ như giữa hai cuộc thế chiến.
    Đâu là những điểm tương đồng đáng lo ?

    RFI đặt câu hỏi với giáo sư Lê Đình Thông, khoa bang giao quốc tế, đại học Paris-Nanterre.
    RFI : Đầu tháng 11/2018, tổng thống Emmanuel Macron cho rằng : ‘‘Chúng ta đang sống trong một thời kỳ giống như giữa hai cuộc thế chiến’’. Giáo sư nhận định ra sao về ý kiến này ?
    GS Lê Đình Thông : Từ ngày 04 đến 10/11/2018, tổng thống Emmanuel Macron phát động tuần lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất. Nhân lễ khai mạc triển lãm về Georges Clémenceau, ông Macron cho rằng ‘‘chúng ta đang sống trong một thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến’’. Ông Clémenceau, từng được mệnh danh là Hùm Xám Thế chiến (Le Tigre), đảm nhận chức vụ thủ tướng dưới thời tổng thống Henri Poincaré. Trong khuôn khổ Hòa Hội Paris, ông coi nước Đức bại trận là kẻ thù không đội trời chung.
    Tổng thống Macron đưa ra nhận định này trong bối cảnh nhiều đảng cực hữu giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tại châu Âu. Tại hai nước Áo và Phần Lan, đảng cực hữu đều tham gia chính phủ. Tháng 09/2017, đảng cực hữu AFD (Alternative pour l’Allemagne, tạm dịch : Đối pháp cho nước Đức) có số đại biểu đứng hàng thứ hai trong Quốc hội Đức. Tại Pháp, từ năm 1988, đảng cực hữu Front National (nay là Rassemblement National) thắng lợi với tỷ lệ được bầu là hai con số trong các cuộc bầu cử tổng thống. Tại Đan Mạch, Hungari, Thụy Điển, Hòa Lan, các đảng cực hữu đều đứng thứ hai hoặc thứ ba trong các cuộc bầu cử Quốc hội.
    Sự gia tăng của khuynh hướng cực hữu tại châu Âu từng xẩy ra dưới thời Hitler lên cầm quyền ở Đức, cùng một lượt nước Ý Phát xít dưới thời Mussolini và Liên minh cực hữu (Ligue d’extrême droite) tại Pháp. Các chính đảng này thắng lợi là nhờ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 1929 khiến nạn thất nghiệp lan tràn.
    Từ năm 2008, Liên Hiệp Âu Châu phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh, tỷ lệ thất nghiệp cao. Đây là môi trường thuận lợi để phe cực hữu thừa nước đục thả câu.
    RFI : Thời kỳ hiện nay có điểm nào tương đồng với thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến ?
    GS Lê Đình Thông: Tình hình kinh tế của nước Đức vào năm 1939 xấu hơn bao giờ hết. Việc thực hiện kế hoạch bốn năm đòi hỏi phải có tín dụng trong khi nợ nần chồng chất. Hitler đưa ra chủ trương ‘‘Chính trị trước hết’’. Đạo luật ngày 15/06/1939 cải tổ Reichsbank, biến ngân hàng phát hành của Đức trở thành công cụ chính sách kinh tế do Hitler trực tiếp điều khiển.
    Vào năm 1930 có 348 000 người nước ngoài tại Đức, phần lớn đến từ Đông Âu. Nhiều công nhân Ba Lan tìm công ăn việc làm tại các nhà máy than đá, sắt thép tại Lorraine (Pháp), tại Ruhr nước Đức và tại Midlands ở Anh. Năm 1939, con số người Do Thái nhập cư Đức lên tới 1,45 triệu.
    Từ năm 1918 dến 1930, có khoảng 9,2 triệu người từ Đông Âu sang lập nghiệp ở Tây Âu. Hitler ban hành chính sách thanh lọc chủng tộc (purification ethnique). Có tới 67% người nhập cư bị coi là không có nguồn gốc "chủng tộc Đức".
    Vào năm 1939, số người thất nghiệp tại Đức là 400 ngàn người. Hitler áp dụng chính sách kinh tế của kinh tế gia Keynes nhằm tài trợ công phí. Tháng 5/1933, Hitler ra lệnh giải tán các nghiệp đoàn, tăng thuế lợi thức. Các gia đình có thu nhập thấp giảm tiêu thụ bánh mì 44%, tiêu thụ trứng giảm 41%. Nazi cải thiện đời sống của giới thợ thuyền nên thu hút được sự ủng hộ của giới này. Tháng 10/1936, Goering đưa ra kinh tế kế hoạch.
    So sánh với Âu châu hiện nay, đảng cực hữu hiện nắm ưu thế. Trong bầu cử Quốc hội tại Áo, đảng cực hữu chiếm hơn 25% ghế tại quốc hội. Tại Đan Mạch và Ý, phe cực hữu chiếm được hơn 20% số đại biểu. Tại các nước Hungari, Lettonie, Phần Lan và Slovaquie phe cực hữu đều thắng thế.
    Tại Đức, 10 năm trước, phe cực hữu chỉ đạt được kết quả khiêm tốn là 2% trong các cuộc bầu cử, ngày nay lên tới 12,6%. Tại Ba Lan, phe cực hữu cũng đang thắng thế.
    Hiện tượng này có nguyên nhân kinh tế, số người thất nghiệp gia tăng. Ngoài ra, khủng hoảng di dân (crise migratoire) trở thành đề tài tranh cử cho các đảng cực hữu. Theo GS Jacques Rupnik giảng dạy tại Học viện Chính trị học Paris, cử tri tại các nước lo ngại làn sóng nhập cư sẽ thu hút công ăn việc làm của họ. Phe cực hữu khai thác khủng hoảng nhập cư, đưa ra chủ nghĩa quốc gia cực đoan.
    RFI : Nạn thất nghiệp tại Đức là tiền đề đưa Hitler lên cầm quyền vào năm 1933. Phương cách giải quyết thất nghiệp của Hitler dường như hiện được các đảng cực hữu tại châu Âu khai thác hầu thu hút phiếu bầu. Chính sách nhân dụng của Hitler cụ thể ra sao ?
    GS Lê Đình Thông :Chỉ trong thời gian ngắn, Hitler đã giải quyết được nạn thất nghiệp, kiềm chế lạm phát, vực dậy kinh tế. Giáo sư John Kenneth Galbraith từng giảng dạy tại Harvard đã giải thích hiện tượng này như sau : ‘‘Chính sách kinh tế của Hitler gồm việc phát hành công trái, lấy tiền mở rộng hệ thống hỏa xa, đào kênh, mở xa lộ. Ngay từ thập niên 30, nước Đức bước sang toàn dụng, kiểm soát soát được lương bổng và giá cả.’’
    Hitler khai thác ý kiến của kinh tế gia Gottfried Feder có khuynh hướng bài Do Thái. Tháng 10/1919, Hitler nói về nợ công tại Munich trong một tiệm cà phê chỉ có vài người nghe. Hitler đã tiếp tục khai thác đề tài này trước công chúng mỗi ngày thêm đông, trong bối cảnh lạm phát phi mã khiến đời sống ngày càng khó khăn. Khủng hoảng ngân hàng tại Đức, Áo lan sang nước Mỹ trước khi xảy ra khủng hoảng tài chánh vào năm 1929. Hitler cho rằng việc tạo tiền tệ từ con số không là một hoạt động hình sự.
    Sử gia Mỹ John Garraty nhận định từ năm 1933, Hitler tấn công nạn thất nghiệp bằng cách tạo điều kiện để khu vực tư phát triển thông qua tài trợ, giảm thuế, khuyến khích tiêu thụ bằng cách cấp tín dụng, thực hiện các công trình cầu đường một cách quy mô. Hitler đã vực dậy kinh tế Đức, giảm số thất nghiệp từ 5 triệu người vào năm 1932 xuống 400 ngàn vào năm 1938.
    Chính sách nhân dụng của Hitler được Haider, lãnh tụ Liên minh vì Tương lai nước Áo (BZÖ) dùng làm chiêu bài vận động tranh cử.
    RFI : Bối cảnh chính trị hiện nay nhắc lại một lời cảnh báo của John Maynard Keynes. Phải chăng nhận định của Keynes vẫn còn tính thời sự ?
    GS Lê Đình Thông : Kinh tế gia người Anh John Maynard Keynes trong số các lý thuyết gia kinh tế có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX. Năm 1919, ông soạn tác phẩm ‘‘Các hậu quả kinh tế của hòa bình’’. Ông là đại biểu chính thức của Anh tham gia Hội nghị Paris chấm dứt ngày 07/06/1919. Ông chống lại hòa ước Versailles, đồng thời chỉ trích quan điểm của chính phủ Anh, áp đặt những biện pháp áp dụng tại Đức thời hậu chiến và nạn lạm phát của thủ tướng Churchill đưa đến khủng hoảng kinh tế tại Anh, việc phá giá đồng bảng Anh vào năm 1924.
    Ông đề cao kinh tế nhân (homo oeconomicus), thay vì chỉ đựa trên số cầu tổng quát. Ông chủ trương hòa giải với nước Đức, thay vì trừng phạt, thông qua các biện pháp :
    - thương nghị với Đức, thay vì quyết định đơn phương ;
    - nước Đức phải chịu số tiền bồi thường chiến tranh quá cao ;
    - tình trạng oán hận sẽ tác hại đến tương lai.
    RFI : GS có thể cho biết khuyến nghị của Keynes có được các nước đồng minh có được ‘‘bên thắng cuộc’’ Anh, Pháp nghe theo không ?
    GS Lê Đình Thông : Điều 232 hiệp ước Versailles (1919) quy định Đức và các nước đồng minh của Đức phải chịu trách nhiệm về mọi tổn thất và thiệt hại của bên thắng cuộc. Vì không có khả năng trả nợ, bên thắng cuộc vẽ lại địa lý châu Âu, nhiều nước bị cắt đất.
    Lịch trình trả nợ do Luân Đôn công bố ngày 5/5/1921 ấn định số nợ lên tới 132 tỷ đồng Mark, gấp 300% tổng sản lượng của Đức vào năm 1913. Sử gia Sally Marks cho rằng trong số này, 80 tỷ Mark hoàn toàn không chứng minh được.
    Từ 1920 đến 1932, Đức trả được 20 tỷ Mark vàng, thông qua kế hoạch Dawes (1934), số còn lại được tính bằng than đá và các hóa chất. Theo sử gia John Gimbel, bên thắng cuộc đã tước đoạt sự thành thạo về kỹ thuật và khoa học của Đức.
    Vì tổng thống Macron chỉ nói đến thời kỳ giữa hai thế chiến, tôi sẽ không đề cập đến món nợ 20 tỷ đồng Reichsmark mà Đức phải trả cho bên thắng cuộc sau Thế chiến thứ hai, theo các quy định của Hội nghị Potsdam ngày 17/07/1945. Đó là chưa kể đến hình thức lao động sửa sai. Hơn 4 triệu người Đức bị cưỡng bách lao động tại Liên Xô, Pháp, Anh và Bỉ.
    RFI : Quan điểm của De Gaulle về việc thành lập cộng đồng Âu châu được rút ra từ bài học sau hai cuộc thế chiến. Quan điểm này có còn thích hợp với hiện tình châu Âu ?
    GS Lê Đình Thông : Chịu ảnh hưởng của Jean Monnet, tướng De Gaulle chủ trương thành lập cộng đồng châu Âu để bảo đảm hòa bình. Vào năm 1957, tướng De Gaulle cho rằng việc mở rộng thị trường lao động tại Pháp sẽ đưa đến tình trạng mất quân bình. De Gaulle còn đưa ra nhiều định hướng khác nữa, trong số có việc thành lập một châu Âu chỉ gồm 6 nước : Pháp, Đức, Anh, Ý, Hòa Lan, Bỉ và Luxembourg.
    Nước Anh ghi nhận 427 ngàn di dân đến từ các nước thành viên mới của Liên Hiệp Châu Âu, trong số có 260 ngàn người Ba Lan. Từ 2004, 2 triệu người Ba Lan sang nước Anh sinh sống. Ngoài ra còn phải kể đến những người nhập cư đến từ Địa Trung Hải.
    Nước Pháp có 5 triệu 300 ngàn người nhập cư, sinh sản thêm 6 triệu 700 con cháu, chiếm 19% dân số. Trong đó, 4 triệu 900 ngàn là người Bắc Phi, chiếm tỷ lệ 41%.
    Số người nhập cư vào nước Đức là 20,5%, với 16 triệu 500 ngàn người, trong đó 9 triệu 700 ngàn người có quốc tịch Đức.
    Số người nhập cư đáng kể này cho thấy lời cảnh báo của tướng De Gaulle là có cơ sở, nhằm ngăn cản không cho các đảng cực hữu có cơ hội phát triển.
    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181108-100-nam-sau-the-chien-mot-tinh-hinh-chau-au-lai-«-dang-lo-»
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >                 

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten