Liên minh quân sự 10 nước châu Âu chính thức ra đời tại Paris
Các bộ trrưởng Quốc Phòng Hà Lan Ank Bijleveld (T), đồng nhiệm Đức Ursula von der Leyen (G) và bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly (P), tại hội nghị IEI ở Luxembourg, ngày 25/06/2018.
JOHN THYS / AFP
Sau nhiều tháng đàm phán giữa Pháp và Đức, hai đầu tàu của châu Âu, một liên minh quân sự bao gồm 10 nước châu Âu đã chính thức được hình thành vào hôm qua, 07/11/2018 tại Paris.
Liên minh mang tên Sáng Kiến Can Thiệp Châu Âu (Initiative Européenne d’Intervention - gọi theo tiếng Anh là European Intervention Initiative), trên nguyên tắc là một lực lượng sẵn sàng đối phó với các cuộc khủng hoảng gần biên giới Liên Hiệp Châu Âu.
Xuất phát từ một sáng kiến do chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị, liên minh này tập hợp 10 quốc gia châu Âu : Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Anh Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Estonia, và Phần Lan.
Trong số các hoạt động cụ thể, các thành viên liên minh EII sẽ hợp tác với nhau trong các lĩnh vực thiết lập kế hoạch, phân tích và chuẩn bị các khả năng phản ứng về mặt quân sự trước các cuộc khủng hoảng mới về quân sự và nhân đạo.
Theo hãng tin Anh Reuters, một quan chức bộ Quốc Phòng Pháp giải thích rằng : « Trong một môi trường mà các mối đe dọa và biến động địa chính trị hoặc khí hậu đang ngày càng nhiều, sáng kiến về liên minh quân sự này sẽ gởi đi thông điệp cho thấy rằng châu Âu đã sẵn sàng, và có khả năng đối phó ».
Việc nước Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập liên minh EII vì cho đến nay Luân Đôn vẫn phản đối các hình thức hợp tác quân sự trong nội bộ Liên Âu bên ngoài khuôn khổ của NATO. Quyết định thành lập liên minh 10 nước lại được thúc đẩy thêm do việc tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên mối lo ngại là Hoa Kỳ có thể sẽ ít sẵn sàng hơn trong việc bảo vệ châu Âu để đối phó với một nước Nga quyết đoán hơn.
Quan chức Quốc Phòng Pháp nói trên khẳng định rằng sáng kiến của Pháp hoàn toàn không « mâu thuẫn hoặc phá hoại các nỗ lực phòng thủ truyền thống của Liên Hiệp Châu Âu, cũng như không tác hại đến những nỗ lực của NATO ». Trái lại, cũng theo quan chức Pháp, liên minh quân sự vừa hình thành sẽ « nâng cao khả năng tương tác giữa các nước thành viên ».
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker là một trong những người tích cực ủng hộ việc xây dựng cho Liên Hiệp Châu Âu một năng lực phòng thủ riêng, tách biệt với NATO.
http://vi.rfi.fr/phap/20181108-oklien-minh-quan-su-10-nuoc-chau-au-chinh-thuc-ra-doi-tai-paris
Dự án phòng vệ châu Âu : 9 nước lần đầu tiên thảo luận tại Paris
Lính nhảy dù Bỉ trên một phi cơ vận tải C160 của Pháp trong cuộc tập trận OAPEX.GEORGES GOBET / AFP
Đại diện quân đội 9 quốc gia châu Âu họp lần đầu tiên tại Paris hôm nay, 07/11/2018, để thảo luận về dự án Sáng kiến can thiệp chung châu Âu (IEI). Nhân dịp này, tổng thống Pháp kêu gọi thành lập một « quân đội châu Âu thực thụ » để bảo vệ châu lục, trong bối cảnh đe dọa từ Nga gia tăng và chính quyền Trump ngày càng tỏ ra ít đáng tin cậy.
Cuộc thảo luận hôm nay của bộ trưởng Quốc Phòng 9 quốc gia tham gia IEI - bao gồm Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh Quốc - có mục tiêu xác định rõ « các ưu tiên » (khu vực địa lý, nguy cơ, đe dọa…), để quân đội các nước phối hợp trong các can thiệp nhanh, trong các chiến dịch quân sự « cổ điển », cũng như đối phó thảm họa thiên nhiên, hay sơ tán dân cư. Phần Lan cũng dự định tham gia sáng kiến này.
Cuộc họp hôm nay là một nỗ lực nhằm cụ thể hóa dự án tăng cường lực lượng phòng vệ châu Âu IEI, được khởi sự theo sáng kiến của tổng thống Pháp, đưa ra hồi năm ngoái trong bài phát biểu tại Đại học Sorbone.
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Pháp cho biết dự án IEI này có lợi thế là mang lại cho các nước châu Âu « một khuôn khổ hợp tác mang tính mềm dẻo, ngược lại với các cơ chế đã có, vốn đòi hỏi phải có sự thống nhất tuyệt đối của toàn bộ các thành viên châu Âu ».
Phát biểu trên đài phát thanh radio Europe 1 hôm qua, tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh là « Đối diện với nước Nga nằm sát biên giới, từng chứng tỏ có thể là một mối đe dọa… cần phải có một châu Âu có thể tự bảo đảm về mặt quân sự, không phụ thuộc vào Hoa Kỳ ». Tổng thống Pháp cũng nói đến nguy cơ Trung Quốc, và kể cả nước Mỹ của Donald Trump, với ý định rút khỏi một thỏa thuận giải trừ hạt nhân với Nga mới đây.
Dự án tăng cường phòng vệ châu Âu có một số bước tiến trong thời gian gần đây, với hai cơ chế mới của Liên Âu. Thứ nhất là cơ chế hợp tác thường trực bao gồm 25 quốc gia thành viên, và Quỹ phòng vệ châu Âu, với 13 tỉ euro. Trong bài phát biểu năm ngoái tại Sorbonne, tổng thống Pháp muốn đi xa hơn với chủ trương các nước châu Âu cần tăng cường phối hợp bên ngoài các cơ chế sẵn có của NATO và Liên Hiệp Châu Âu, để hướng tới một « sự tự trị về chiến lược ».
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, dự án phòng vệ châu Âu độc lập mà tổng thống Pháp mơ ước chắc chắc sẽ vấp phải các trở lực rất lớn trong nội bộ châu lục. Đức vốn rất gắn bó với Hiệp Ước Quân Sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Quyết định mới đây của Bỉ mua nhiều máy bay F-35 của Mỹ thay vì của châu Âu bị tổng thống Pháp chỉ trích là, « về mặt chiến lược », đi ngược lại các lợi ích của châu lục. Chủ tịch đảng đối lập cánh hữu LR Laurent Wauquiez dự án của tổng thống Pháp chỉ là một « ảo tưởng ».
http://vi.rfi.fr/phap/20181107-du-an-phong-ve-chau-au-9-nuoc-lan-dau-tien-thao-luan-tai-paris
Pháp khởi động sáng kiến quốc phòng châu Âu gồm 9 nước
Bà Florence Parly, bộ trưởng Quân Lực Pháp@Elysee_Com
Kế hoạch quốc phòng châu Âu ngày càng rõ nét : Hôm 25/06/2018 trong hội nghị các bộ trưởng quốc phòng tại Luxembourg, Pháp đã cùng với tám nước châu Âu thiết lập một cơ chế mới, được gọi là « Sáng kiến Can thiệp Châu Âu - IEI ». Nhóm can thiệp này có thể nhanh chóng tiến hành một chiến dịch quân sự, giúp sơ tán tại một nước đang xảy ra chiến sự, hoặc trợ giúp khi có thiên tai.
Thông tín viên Joana Hostein tường thuật từ Luxembourg :
« Có khả năng can thiệp nhanh trên chiến trường, nhưng không đơn độc như nước Pháp vẫn thường phải hành động – mà gần đây nhất là tại Mali năm 2013 để đánh đuổi các nhóm khủng bố. Đó là mục tiêu của 9 nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…kể cả Anh Quốc.
Tổng tham mưu trưởng quân đội các nước sẽ họp tại Paris lần đầu tiên vào tháng 9/2018, để vạch ra kế hoạch cho các hoạt động chung.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp, bà Florence Parly nhấn mạnh, không chỉ hợp tác về quân sự mà cả về dân sự. Cần phải phối hợp chặt chẽ hơn để có thể can thiệp trong trường hợp thiên tai, hay sơ tán thường dân khi xảy ra xung đột.
Đây cũng là một cách để bớt lệ thuộc vào Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) - mà người Mỹ đang thống trị, và Mỹ ngày càng ít muốn hỗ trợ cho các đối tác châu Âu trong trường hợp khủng hoảng ».
http://vi.rfi.fr/phap/20180626-phap-khoi-dong-sang-kien-quoc-phong-chau-au-gom-9-nuoc
Geen opmerkingen:
Een reactie posten