donderdag 7 april 2016

Việt Nam đòi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, từ bỏ kế hoạch khoan dầu tại vùng biển tranh chấp, chấm dứt gây căng thẳng trong Vịnh Bắc Bộ


Việt Nam đòi Trung Quốc rút giàn khoan, chấm dứt gây căng thẳng


mediaGiàn khoan Hải Dương HD-981 (DR)
Hôm nay 07/04/2016 Việt Nam đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, từ bỏ kế hoạch khoan dầu tại vùng biển mà vấn đề quyền tài phán vẫn chưa được làm rõ. Đây là dấu hiệu căng thẳng mới nhất giữa hai nước láng giềng cộng sản ở châu Á. 
Giàn khoan trị giá cả tỉ đô la này từng là trung tâm của trận bão ngoại giao dữ dội giữa hai nước, khi Bắc Kinh cho kéo vào vùng biển Hoàng Sa năm 2014. Nay Hải Dương Thạch Du 981 lại được đưa vào một khu vực thuộc Vịnh Bắc Bộ, nhánh tây bắc của Biển Đông, mà theo Hà Nội thì Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang tiến hành đàm phán phân định.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố : « Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng, rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển ở cửa Vịnh Bắc Bộ ; không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình ».
Hãng tin Reuters nhắc lại, cách đây hai năm, việc Trung Quốc cho đặt giàn khoan trên suốt 10 tuần lễ tại vùng biển mà Việt Nam coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình, đã gây ra trận xung đột tệ hại nhất từ nhiều thập kỷ qua, đồng thời gây phẫn nộ cực độ cho người dân Việt.
Nhiều chuyên gia cho rằng hành động này là một tính toán sai lầm của Bắc Kinh, đẩy các nước láng giềng nhỏ bé về phía Hoa Kỳ. Từ sau đợt đối đầu trên biển này, Việt Nam đã trở nên gần gũi với Washington hơn bao giờ hết. Hà Nội theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, vốn hoạt động ở phía Vịnh Bengal và nhiều lần đến gần vùng biển tranh chấp kể từ năm 2014.
Đây là lần thứ hai trong năm Việt Nam phản đối hoạt động của giàn khoan Trung Quốc, cả hai đều trùng hợp với việc thay đổi lãnh đạo ở Hà Nội. Việt Nam đã chọn ra tân thủ tướng hôm nay và tân chủ tịch vào tuần trước. Lần phản đối trước đây vào tháng Giêng, hai ngày trước khi khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12.
Ông Lê Hải Bình cũng chỉ trích quyết định của Trung Quốc đưa vào hoạt động hải đăng trên Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa, mà theo ông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, « bất hợp pháp và vô giá trị ». Báo chí trong nước cho biết, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối cho đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội về hai vấn đề trên vào ngày 05 và 07/04/2016.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160407-vn-tq-gian-khoan-cang-thang


Giàn khoan HD981 Trung Quốc và Đại hội Đảng lần thứ 12


mediaTrung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 trong lúc Việt Nam họp Đại hội Đảng.Petrotimes
Chiều ngày 19/01/2016, bộ Ngoại Giao Việt Nam tổ chức một cuộc họp báo về sự cố xảy ra gần đây liên quan đến việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan dầu HD981 vào vùng biển đang có tranh chấp. Theo nhận định của giáo sư Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, hạ đặt giàn khoan ở bên phía Việt Nam của đường trung tuyến, là không hợp thời. 
Chiều ngày 19/01/2016, bộ Ngoại Giao Việt Nam tổ chức một cuộc họp báo về sự cố xảy ra gần đây liên quan đến việc di chuyển giàn khoan dầu HD981 của Trung Quốc. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam, vào tối ngày 16/01/2016, giàn khoan HD981 đã được đưa đến khu vực cách đường trung tuyến (giữa các đường cơ sở của Trung Quốc và Việt Nam) 21,4 hải lý về phía đông, hoàn toàn nằm bên ngoài Vịnh Bắc Bộ. Đây là vùng chồng lấn giữa miền trung Việt Nam và đảo Hải Nam Trung Quốc và chưa được phân định giữa hai nước. Ngày 18/01, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã triệu đại sứ Trung Quốc lên để bày tỏ quan ngại của Hà Nội và ngày 19/01 thì họp báo đòi Trung Quốc rút ngay lập tức giàn khoan.
Giáo sư đánh giá như thế nào về sự cố này và Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao về việc Việt Nam kêu gọi rút giàn khoan ?
Carlyle Thayer : Người ra lệnh triển khai giàn khoan HD981 vào vùng biển đang có tranh chấp, hạ đặt ở bên phía Việt Nam của đường trung tuyến, đã ra một quyết định không hợp thời. Nếu chúng ta giả định rằng việc triển khai giàn khoan không vì mục đích kinh tế thì dường như Trung Quốc sẽ không rút giàn khoan do có sự phản đối ngoại giao của Việt Nam. Các phát ngôn viên của Trung Quốc sẽ nhắc lại những phát biểu quen thuộc rằng Trung Quốc hành động một cách hợp pháp trong vùng biển của mình.
Giáo sư có nghĩ sự cố này sẽ làm dấy lên một cuộc khủng hoảng giống như hồi mùa hè 2004 hay không ?
Carlyle Thayer : Nếu việc triển khai giàn khoan HD981 không vì mục đích kinh tế thì sự cố này xảy ra vào lúc ban lãnh đạo Việt Nam đang bận bịu với Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12. Cho đến lúc này, chưa rõ là có bao nhiêu tàu và những loại tàu gì đi tháp tùng giàn khoan 981 vào nơi hạ đặt mới. Nếu Trung Quốc thông báo có ý định đặt giàn khoan ở vị trí này trong một thời gian nào đó, thì Việt Nam sẽ phải có hành động đáp trả qua các hoạt động phản đối, ngăn chặn của lực luợng tuần duyên. Nếu Việt Nam không có phản ứng thì Trung Quốc sẽ tiếp tục quay lại khu vực này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện đang công du Trung Đông. Đây sẽ là một trắc nghiệm về khả năng xử lý khủng hoảng của ông ta.
Theo giáo sư, sự cố này có liên quan gì đến Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hay không ?
Carlyle Thayer : Nếu quyết định triển khai giàn khoan HD981 trùng với việc Việt Nam tổ chức Đại hội 12 thì đây là một quyết định không hợp thời và sẽ phản tác dụng. Năm 2014, khi Trung Quốc lần đầu tiên triển khai giàn khoan HD981 thì hệ lụy trước tiên đó là lòng tin chiến lược giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Ngay cả chuyến thăm Hà Nội của chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11/2015 cũng không tái lập được lòng tin chiến lược giữa hai nước. Việc triển khai giàn khoan H 981 hiện nay sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc tiếp tục quan hệ hữu nghị với Trung Quốc mà không cần tìm kiếm các cường quốc lớn khác để làm đối trọng với Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160121-giao-su-thayer-trung-quoc-ha-dat-gian-khoan-hd981-vao-thoi

Bắc Kinh bác yêu cầu rút giàn khoan khỏi vùng cửa Vịnh Bắc Bộ

mediaTàu tầu duyên 8003 Việt Nam theo dõi hoạt động của tàu Trung Quốc xung quanh khu vực giàn khoan HD-981, ngày 15/06/2016.uly 15, 2014REUTERS/Martin Petty/Files
Đúng một hôm sau khi bị Việt Nam yêu cầu rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển chưa được phân định giữa hai nước tại cửa Vịnh Bắc Bộ, bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào hôm qua, 08/04/2016, đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu của Việt Nam, viện lẽ giàn khoan của họ đang hoạt động trong vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng : « Hoạt động (của giàn khoan) diễn ra ở vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và là một hoạt động thăm dò thương mại ». Đối với Bắc Kinh, « Các bên liên quan nên có cái nhìn khách quan và hợp lý về vấn đề này ».
Trung Quốc đã có phản ứng như trên sau khi phía Việt Nam, hôm 07/04, đã chính thức có công hàm phản đối việc Bắc Kinh lại đưa giàn khoan HD-981 đến một khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, nơi mà « Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định ».
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan ra khỏi khu vực, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình.
Vào tháng 05/2014, Trung Quốc đã kéo giàn khoan HD-981 này vào hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong vòng 10 tuần lễ, làm quan hệ Việt-Trung căng thẳng hẳn lên.
Hành động của Trung Quốc đã bị đánh giá là khiêu khích, và theo hãng tin Anh Reuters, nhiều chuyên gia đã xem đấy là một tính toán sai lầm của Bắc Kinh, đã thúc đẩy Việt Nam xích lại gần Mỹ một cách dứt khoát hơn.
Từ đó đến nay, Việt Nam luôn theo dõi chặt chẽ nhất cử nhất động của giàn khoan Trung Quốc, và chỉ mới đây thôi, vào tháng Giêng vừa qua, cũng đã lên tiếng tố cáo Bắc Kinh mang giàn khoan này vào vùng chồng lấn trên biển gần Vịnh Bắc Bộ. Lời phản đối của Việt Nam lúc đó cũng đã bị Bắc Kinh bác bỏ.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160409-bac-kinh-bac-yeu-cau-rut-gian-khoan-khoi-vung-cua-vinh-bac-bo


Trung Quốc lại đưa giàn khoan HD 981 đến Biển Đông


mediaGiàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang ở ngang vùng biển Quảng Bình của Việt NamPetrotimes
Báo chí Việt Nam ngày 29/12/2015 loan tin là Cục Hải sự Trung Quốc vừa thông báo là giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò tại một khu vực ở Biển Đông từ ngày 28/12/2015 đến ngày 10/02/2016.
Trả lời trang mạng Zing.vn, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển của Việt Nam cho biết, theo như thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 28/12, hiện giàn khoan Hải Dương 981 đang ở vị trí ngang vùng biển Quảng Bình của Việt Nam, cách đường trung tuyến (ranh giới phân định trên vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc) 70 hải lý về phía Đông.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Cảnh sát biển của Việt Nam “sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ“ các hoạt động của giàn khoan này ở Biển Đông. Về phía chính phủ Việt Nam, hiện chưa có phản ứng chính thức gì về hoạt động mới này của giàn khoan Hải Dương 981.
Vào tháng 05/2014, Trung Quốc đã từng hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa, tại khu vực mà Hà Nội khẳng định là nằm trong thềm lục điạ, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vụ này đã gây căng thẳng nghiêm trọng cho quan hệ Việt-Trung, và đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam. Đến tháng 07/2014, Bắc Kinh đã rút đi giàn khoan Hải Dương 981.
Về hoạt động mới của giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhận định:
Hải Dương 981 là giàn khoan rất đắt tiền, với chi phí xây dựng được ước tính là khoảng 6 tỷ nhân dân tệ (hơn 900 triệu đôla). Xét trên phương diện thương mại, Trung Quốc sẽ không thể để công trình này nhàn rỗi".
Vị trí hạ đặt giàn khoan mà Cục Hải sự Trung Quốc thông báo hôm 28/12 nằm phía bắc quần đảo Hoàng Sa và phía đông nam đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí. Nó nằm bên phía Trung Quốc nếu xét theo đường trung tuyến, nơi mà vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc nằm chồng lấn lên nhau.
Trên phương diện này, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc chỉ đơn thuần thực hiện các hoạt động thương mại và không đe dọa tới chủ quyền của Việt Nam như thời điểm giàn khoan này hoạt động ngoài khơi đảo Tri Tôn từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014.
Trả lời câu hỏi về ý đồ của Bắc Kinh khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 trở lại Biển Đông ngay trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng 01/2016, giáo sư Carl Thayer nói:
Với những thông tin hiện có, tôi không nghĩ có mối liên hệ nào giữa việc Hải Dương 981 hoạt động trên Biển Đông với Đại hội Đảng lần thứ 12, sẽ diễn ra từ ngày 20/01 đến 28/01/2016. Hiện giờ Trung Quốc đang nỗ lực giành lại niềm tin từ phía Việt Nam, để ngăn Việt Nam ngả thêm về phía Mỹ. Nếu Hải Dương 981 được đưa tới Biển Đông tới nhằm mục đích khiêu khích, hành động này sẽ phản tác dụng và gây nên tâm lý chống Trung Quốc ở Việt Nam.”
Như vậy, chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Chuyên gia Carl Thayer dự báo : “Bộ Ngoại giao Việt Nam chắc là sẽ đưa ra lời phản đối thông thường, rằng việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, không có gì đáng báo động.”

 http://vi.rfi.fr/viet-nam/20151230-trung-quoc-lai-dieu-gian-khoan-hai-duong-981-den-bien-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten