maandag 19 oktober 2015

Tin tặc Trung Quốc tấn công Mỹ bất chấp thỏa thuận song phương

Tin tặc Trung Quốc tấn công Mỹ bất chấp thỏa thuận song phương

mediaẢnh minh họaREUTERS/Edgar Su/Files
Tin tặc Trung Quốc có liên hệ với chính phủ tiếp tục tấn công nước Mỹ. Ba tuần lễ sau khi Washington và Bắc Kinh thông báo thỏa thuận không dùng phương tiện điện tử đánh cắp bí mật kinh tế của nhau, ít nhất 7 công ty Hoa Kỳ bị tin tặc tìm cách xâm nhập nhưng thất bại.
 
Nhờ vào phần mềm chống tin tặc của CrowdStrike Inc mà năm xí nghiệp thương mại và hai công ty dược phẩm của Mỹ đã phát hiện và đẩy lui các vụ tấn công của tin tặc Trung Quốc. Đợt tấn công bắt đầu vào ngày 26/09/2015 tức là đúng một ngày sau thượng đĩnh Obama-Tập Cận Bình tại Washington.
Vào ngày 25/09, Tổng thống Obama tuyên bố ông và lãnh đạo Trung Quốc đã đồng ý với nhau là chính phủ hai nước sẽ không ủng hộ sử dụng gián điệp mạng để đánh cắp bí mật kinh tế hay thương mại hầu tạo lợi thế cho doanh nhân nước nhà cạnh tranh bất chính với đối thủ nước ngoài. Phạm vi thỏa thuận này cũng liên quan đến bí mật của chính phủ và bí mật doanh nghiệp tư.
Thế nhưng, theo bản tin của Reuters ngày 19/10, công ty điện toán chống gián điệp mạng CrowdStrike Inc cho biết thủ phạm các vụ tấn công vào 7 công ty Mỹ chắc chắn phải có liên hệ với chính quyền Trung Quốc dựa theo gốc máy chủ và phần mềm mà các nhóm tin tặc sử dụng.
Trong số các dấu vết này là chương trình Derusbi trước đây được tin tặc sử dụng để tấn công một công ty về quốc phòng ở Virginia và công ty bảo hiểm y tế Athem Inc cũng như một chương trình gián điệp khác mà CrowdStrike Inc đã phát hiện và đặt tên là Deep Panda.
Chủ tịch sáng lập viên công ty chống gián điệp mạng CrowdStrike Inc, ông Dmitri Alperovitch cho biết thêm các nhóm tin tặc tấn công đồng loạt vào 7 công ty Mỹ là nhằm đánh cắp sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại hơn là thu thập thông tin bí mật an ninh quốc phòng.
CrowdStrike Inc đã báo cáo các vụ việc này cho Nhà Trắng nhưng từ chối cho báo chí biết tên của các công ty bị tấn công.  Fire Eyes Inc,một công ty chống tin tặc khác, cũng của Mỹ, xác nhận là những tin tặc Trung Quốc trong danh sách đen đang bị theo dõi, vẫn tiếp tục hoạt động nhưng còn quá sớm để kết luận là đã thay đổi mục tiêu hay chưa.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phản ứng với lập luận cố hữu : "Trung Quốc chống mọi hình thức gián điệp mạng."

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151019-tin-tac-trung-quoc-tan-cong-my-bat-chap-thoa-thuan-song-phuong

Mỹ - Trung đàm phán thẳng thắn về an ninh mạng

mediaÔng Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu) Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung Quốc (english.gov.cn)
Kết thúc 4 ngày làm việc giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc trước chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình, Washington và Bắc Kinh đã « có những trao đổi cởi mở và thẳng thắn » về vấn đề an ninh mạng. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama, bà Susan Rice thông báo như trên ngày 12/09/2015.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, trong chuyến công tác tại Washington từ ngày 09/09 đến 12/09/2015, phái đoàn Trung Quốc do Bí thư Ủy ban Chính pháp Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu) dẫn đầu đã làm việc với cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ là bà Susan Rice, với giám đốc Cục điều tra Liên bang FBI, James Comey và đại diện của các bộ Tư pháp, Ngoại giao, Tài chính và của cơ quan tình báo Mỹ.
Phía Trung Quốc đã tuyên bố quyết tâm bài trừ nạn tin tặc, các vụ đánh cắp thông tin, vi phạm quyền sở hữu trong lĩnh vực công nghệ. Theo Tân Hoa Xã, ông Mạnh Kiến Trụ đã tìm ra « đồng thuận » với các đối tác Mỹ.
Về phần mình, lãnh đạo ngành tình báo Hoa Kỳ James Clapper cách nay hai ngày lưu ý : các vụ tấn công tin học của Trung Quốc nhắm vào rất nhiều lĩnh vực thuộc quyền lợi của Mỹ, liên quan trực tiếp đến các vấn đề an ninh quốc gia, đến những dữ liệu nhạy cảm trong địa hạt kinh tế.
An ninh mạng luôn là hồ sơ nhạy cảm trong qua hệ Mỹ -Trung. Tháng 6/2015 Washington công nhận hệ thống dữ liệu của Cơ quan Quản lý nhân sự (OPM) của chính phủ Mỹ bị tấn công. Nhiều dữ liệu cá nhân của hàng triệu nhân viên bị đánh cắp.
Hồ sơ của 750.000 nhân viên dân sự làm việc cho bộ Quốc phòng Mỹ bị thâm nhập. Washington nghi ngờ Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tin tặc nói trên. Theo nhiều nguồn tin, Washington đang nghiên cứu khả năng trừng phạt Bắc Kinh truớc các vụ tấn công tin học.
Chuyến công tác của phái đoàn Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị công du Hoa Kỳ trong hai ngày 24/09 và 25/09/2015.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150913-my-trung-dam-phan-thang-than-ve-an-ninh-mang

Geen opmerkingen:

Een reactie posten