donderdag 10 september 2015

Mỹ-Nhật hợp tác phát hiện tàu ngầm Trung Quốc + ngăn Trung Quốc mở vùng phòng không trên Biển Đông


Mỹ-Nhật hợp tác phát hiện tàu ngầm Trung Quốc

mediaTàu ngầm Mỹ mang tên lửa đạn đạo chiến lược USS Alaska (SSBN 732) trở về căn cứ King Bay ngày 22/05/2014. (Ảnh do Hải quân Mỹ phát hành)REUTERS/U.S. Navy/
 Hãng thông tấn Nhật Kyodo, ngày hôm nay, 10/09/2015, dựa trên các nguồn tin từ Hải quân Mỹ và Nhật Bản, cho biết, hiện nay, Tokyo và Washington đang hợp tác khai thác một trạm nghe để phát hiện và theo dõi các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Hệ thống này được đặt dưới đáy Thái Bình Dương, trong khu vực chuỗi đảo Nansei, bao gồm cả Okinawa. 
 Hệ thống nghe theo dõi này (Sound Surveillance System-SOSUS) cho phép phát hiện các tàu ngầm Trung Quốc đi qua vùng biển Hoa Đông và Hoàng Hải để tới Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên, thông tin về sự tồn tại một hệ thống chỉ nhằm phát hiện tàu ngầm Trung Quốc được tiết lộ.
Do được coi là « tuyệt mật trong hệ thống an ninh Mỹ-Nhật », Bộ Quốc phòng Nhật Bản chỉ cung cấp một số thông tin chung về hệ thống nghe phát hiện tàu ngầm này cho một nhóm quan chức chủ chốt trong chính phủ Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng. Phát ngôn viên Ban Tham mưu Hải quân Mỹ từ chối bình luận về thông tin của Kyodo.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ và Nhật Bản đã hợp tác với nhau để phát hiện tàu ngầm Liên Xô. Hệ thống này được đặt dưới đáy eo biển Tsugaru ở phía đông bắc và eo biển Tsushima, ở phía tây nam Nhật Bản.
Theo các nguồn tin của Kyodo, hệ thống SOSUS bao gồm hai cáp quang đấu nối với nhiều trạm nghe dưới đáy biển : Một nhánh chạy từ Okinawa đến nam Kyushi và nhánh kia từ Okinawa đến khu vực ngoài khơi Đài Loan. Các trạm nghe được đặt cách nhau khoảng một chục cây số.
Thông tin được chuyển về cơ quan Quan sát Đại dương, thuộc Bộ Quốc phòng Nhật, ở Okinawa. Tại đây, các nhân viên Nhật, Mỹ khai thác và chia sẻ thông tin.
Hiện chưa rõ là hệ thống nghe phát hiện tàu ngầm Trung Quốc này được triển khai từ bao giờ. Theo các nguồn tin quân sự thì Trung Quốc cũng có một hệ thống nghe phát hiện tàu ngầm Mỹ và Nhật Bản khi đi qua biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Hai cơ sở khai thác thông tin chính được đặt ở Thanh Đảo và Thượng Hải.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150910-my-nhat-hop-tac-phat-hien-tau-ngam-trung-quoc

Mỹ-Nhật ngăn Trung Quốc mở vùng phòng không trên Biển Đông

mediaẢnh chỉ mang tính minh họa.REUTERS/Yuya Shino
Khả năng Trung Quốc thiết lập thêm một vùng nhận dạng phòng không mới trên Biển Đông tiếp tục gây lo ngại. Hôm 07/02/2014 vừa qua, hai Ngoại trưởng Mỹ và Nhật đã nhất trí với nhau là sẽ nỗ lực ngăn cản, không cho Trung Quốc mở rộng vùng phòng không mà Bắc Kinh đã thiết lập trên Biển Hoa Đông qua các vùng biển khác, có thể là trên Biển Đông.
Theo báo chí Nhật Bản, nhân cuộc tiếp xúc tại Washington, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và đồng nhiệm Mỹ John Kerry đã chia sẻ quan điểm theo đó Nhật Bản và Hoa Kỳ đều không chấp nhận vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Hoa Đông, bao trùm lên vùng quần đảo Senkaku đang do Nhật Bản quản lý.
Bên cạnh đó, hai Ngoại trưởng đã khẳng định rằng Washington và Tokyo sẽ phối hợp với các quốc gia khác hiện đang quan ngại trước hành động của Bắc Kinh, để đối phó với khả năng Trung Quốc mở rộng vùng phòng không của họ để bao trùm lên những khu vực tại Biển Đông, nơi Trung Quốc cũng đang tranh giành chủ quyền với các láng giềng Đông Nam Á.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Kishida nhấn mạnh rằng mặc dù nước ông không hề thay đổi lập trường xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc theo hướng hai bên cùng có lợi, thế nhưng Nhật Bản không thể chấp nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng xác nhận rằng Hoa Kỳ phản đối vùng phòng không đó của Trung Quốc, và nhắc lại rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi áp dụng của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, trong đó có quy định nghĩa vụ của Hoa Kỳ phải bảo vệ Nhật Bản.
Ngoài hồ sơ Biển Đông và Biển Hoa Đông, hai Ngoại trưởng Mỹ và Nhật đã đồng ý tăng tốc độ đàm phán về Thỏa thuận tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương đang trong vòng đúc kết, với sự tham gia của Mỹ, Nhật cùng nhiều nước khác trong đó có Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20140209-my-nhat-khong-cho-trung-quoc-mo-rong-vung-phong-khong-tren-bien-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten