zondag 26 april 2015

Mông Cổ: đời du mục và sữa tuần lộc

Mông Cổ: đời du mục và sữa tuần lộc

  • 4 giờ trước
Những chú tuần lộc của người Tsaatan rất thuần, đứng hiền hòa nhìn khách
Chúng tôi đã đi liên tục trong năm giờ đồng hồ, ngựa phi nước kiệu qua các trảng cỏ, chạy xuyên qua khu rừng quanh năm xanh tốt.
Vùng đất càng lúc càng trở nên trơ trọi, núi đồi đan xen trong nền trời xám chì. Trong đoạn thả đèo cuối cùng, chúng tôi xuống ngựa dắt bộ, dễ đi hơn ở triền dốc bùn lầy, khó đi này. Tôi thấy kiệt lực.
Trong thung lũng, chúng tôi thấy vài đôi chục nóc lều ‘tepee’, kiểu lều đặc trưng của vùng thảo nguyên Mông Cổ, được dựng thành hai khu. Những làn khói bốc lên báo hiệu sự hiện diện của con người.
Chúng tôi được đón tiếp bằng tiếng chó sủa ầm ĩ. Không giống như giống chó Mông Cổ điển hình, đây là những chú chó săn dòng Husk dũng mãnh.
Tôi cùng hướng dẫn viên, anh Mishig, được một phụ nữ trong tấm áo choàng truyền thống của người Mông Cổ (áo choàng kaftan) trông rất giống người cổ xưa, dẫn vào một căn lều tepee.
Với người Tsaatan, đàn tuần lộc là món tài sản quý giá
Khuôn mặt bà trông dãi dầu sương gió. Chỉ vài chiếc răng còn sót lại như dấu tích cho thấy bà từng trải qua một cuộc sống khó khăn, vất vả.
Nước reo sôi trong một cái vạc, người con gái của bà cụ pha trà sữa. Tôi chọn cắm trại cạnh lều tepee của bà cụ.
Một bé gái trông lọ lem và hiếu kỳ sà xuống bên tôi, ngước lên nhìn đầy chờ đợi khi tôi chuẩn bị món đậu và khoai tây nghiền cho mình.
Cô bé há miệng như một chú chim non. Tôi lấy thìa bón cho cô bé và thấy lòng tràn ngập tình mẫu tử.
Chúng tôi đang tới thăm Tsaatan, một cộng đồng chỉ có chừng 500 người sống ở vùng núi rừng tai-ga lầy lội, đầy thông lá nhọn ở dọc biên giới với Nga, nằm về phía bắc Hồ Khuvsgul của Mông Cổ.
Trước cửa lều của gia đình Zaya có đặt những tấm pin mặt trời
Những người chăn tuần lộc này là một bộ tộc du mục, lang thang từ đồng cỏ này sang đồng có khác cứ khoảng năm tuần một lần để tìm nguồn thức ăn cho đàn tuần lộc.
Xuất xứ từ vùng Tuva của Nga, dùng cả tiếng Nga lẫn tiếng Tuva, tiến trình tập thể hóa bắt buộc trong hàng chục năm thời Cộng sản đã khiến cho người Tsaatan mất đi hầu hết số tuần lộc của mình. Ngày nay, họ đang phải vật lộn với một cuộc sống vô cùng bấp bênh.
Mỗi gia đình hiện chỉ có khoảng 15 đến 20 con gia súc, và họ sống nhờ vào việc đánh cá, săn nai sừng tấm, đi nhặt quả dâu dại và khoai tây.
Tôi được giới thiệu cho Zaya, một người biết nói tiếng Anh trong cộng đồng. Cô vừa khéo léo nhào bột vừa trò chuyện với tôi.
“Từ tháng Giêng tới tháng Ba là thời gian thiếu đói nhất của chúng tôi. Để làm bánh cho mùa lễ hội Tsaagan Sar (Bạch Nga) trong tháng Hai, chúng tôi phải gom góp hết cả bột lại, còn để làm nhân thì phải chờ cho có ai đó săn được con nai sừng tấm," Zaya nói.
“Ở đây mọi người có ăn thịt tuần lộc không?” tôi hỏi.
Zaya vừa trò chuyện với khách, vừa cho tuần lộc ăn muối
“Rất, rất hiếm, bởi chúng tôi chỉ có ít lắm, chúng tôi cần nuôi giữ chúng để lấy sữa và để giữ cho thành đàn.”
Những ngày này, người Tsaatan không còn mặc đồ làm bằng da tuần lộc nữa, các căn lều tepee được lợp bằng bạt chống thấm nước, thế nhưng đàn tuần lộc vẫn là nguồn cung cấp hầu hết các nhu cầu sinh hoạt cho họ.
Tôi đi theo, Zaya đi trước với chiếc thùng thiếc trong tay. Cô buộc hai chân trước của con tuần lộc lại để nó khỏi chạy đi, rồi ngồi xuống, bắt đầu vắt sữa một cách nhanh nhẹn, khéo léo.
“Tuần lộc mỗi lần chỉ cho được khoảng 300 ml thôi. Chúng tôi vắt sữa nó hai lần một ngày.” Lượng sữa ít ỏi này sẽ được chế biến thành thứ pho-ma khô, lổn nhổn và hơi mặn.
“Việc lấy sữa như thế này đang ngày càng mai một, ngay cả ở trong cộng đồng những người nuôi tuần lộc. Đã có một số người Sami [từ Phần Lan] tới thăm, chụp hình để đem về cho cháu chắt họ xem, bởi họ không còn vắt sữa tuần lộc nữa.”
Tình cảm mà người Tsaatan dành cho các vật nuôi của mình được thể hiện rất rõ ràng; họ sẽ thấy ngay hậu quả mỗi khi có bất kỳ con tuần lộc nào bị giết.
Cứ khoảng năm tuần, người Tsaatan lại nhổ lều di chuyển tới nơi khác
“Hồi tuần trước, chúng tôi bị sói bắt mất hai con tuần lộc non,” Zaya kể.
Trong lúc chúng tôi nói chuyện, một chú tuần lộc dụi dụi đầu vào khung cửa căn lều tepee. “Đó là Britney Spears; nó vào để liếm muối đấy.” Zaya nói rằng các chú tuần lộc cần liếm muối mỏ để có đủ dinh dưỡng, bởi trong cỏ hay đất mà chúng ăn hàng ngày thì không có muối.
Cô đổ một ít muối vào lòng bàn tay tôi để tôi cho các thành viên nhà Led Zeppelin, một đàn năm con tuần lộc khác của gia đình cô. Chúng rất thuần và cứ đi theo tôi vòng quanh, dụi cái mũi ấm ấm vào bàn tay và tò mò nhìn vào phía trong căn lều của tôi.
Tôi hỏi Zaya về những mớ vải lớn treo phía sau căn lều tepee của cô - liệu có phải họ cất gia vị hay thức ăn trong đó không. Cô giải thích rằng đó là mớ đồ thiêng liêng, và là một phần bên trong các nghi thức tôn giáo của các pháp sư, vốn là một phần quan trọng của đời sống người Tsaatan.
“Chúng tôi đem ra ngoài trong những ngày đẹp trời, đốt cây cối [juniper - một loại cây ở địa phương] bên dưới trong buổi lễ các sáng, và không bao giờ hướng chân mình vào vật ấy cả,” cô nói.
Cộng đồng Tsaatan này sống ở vùng rừng tai-ga lá kim, sát với biên giới Nga
Cộng đồng có pháp sư riêng, người thực hiện các nghi lễ tâm linh, đồng thời đóng vai trò thầy lang.
“Thần thánh chọn những ai được làm pháp sư, nếu được chọn mà lại từ chối thì người đó sẽ bị bệnh nặng.”
Có khách tới tham quan là chuyện gây nhức nhối cho cộng đồng ở đây.
Trong nhiều năm, các công ty của Mông Cổ và của người nước ngoài, hầu hết đặt tại Ulaanbaatar, đã đưa khách tới mà không quan tâm tới quyền lợi, cũng không đem lại ích lợi gì, cho người Tsaatan.
Năm 2006, Trung tâm Cộng đồng Tsagaan và Du khách (TCVC) được thành lập tại thị trấn gần nhất, Tsagaanuur, nhằm mục đích để người Tsaatan kiểm soát được các chuyến viếng thăm tới cộng đồng của họ.
Trong các căn lều tepee thường có các dây phơi thịt hun khói
Trong một thời gian ngắn, cách làm này có vẻ hiệu quả, nhưng Zaya nói nay mọi sự lại trở về như trước, với tình trạng hầu hết các công ty tự làm chương trình và phớt lờ người Tsaatan.
“Chúng tôi rất vui được đón khách, nếu như họ thực sự quan tâm tới việc giao tiếp với chúng tôi, muốn tìm hiểu về đời sống của chúng tôi. Chúng tôi đã đón nhiều du khách tới đây mà không đi cùng phiên dịch, họ vứt rác, rửa bát chén vào nơi chúng tôi để nước sinh hoạt và cứ chụp hình chúng tôi, khiến chúng tôi thấy mình như là đang trong vườn thú vậy,” cô nói.
“Người Tsaatan muốn các chuyến tới thăm được thực hiện ra sao?” tôi hỏi.
“Du khách phải báo cho chúng tôi biết trước, giống như bất kỳ một người khách tới chơi bình thường nào khác. Tốt nhất là nên đi cùng phiên dịch để họ có thể trò chuyện với chúng tôi. Hãy đóng góp cho cộng đồng bằng cách nghỉ lại trong các lều tepee dành cho khách, hoặc mua đồ thủ công mà chúng tôi làm ra. Và hãy tới đây bằng những chú ngựa mà chúng tôi cung cấp thông qua TCVC, điều đó rất quan trọng; chúng tôi từng phải đón những chú ngựa chưa từng thấy tuần lộc trong đời; một con ngựa đã sợ quá, đá lung tung vào bọn tuần lộc nên kết cục là nó đã bị giết hạ.”
Tác giả bài viết lên ngựa, chuẩn bị chia tay nhóm người Tsaatan
Bất chấp cuộc sống nhọc nhằn, cách sống của người Tsaatan vẫn thu hút sự chú ý của người ngoài.
Một phụ nữ người Pháp hè nào cũng tới đây để thăm những đứa con trai mà bà đã có với một người đàn ông Tsaatan, và bản thân Zaya là người Mông Cổ, lớn lên tại Colorado và đã ở với người Tsaatan sáu năm nay.
“Tại sao cô ở lại đây?” tôi hỏi.
“Vì tình yêu,” cô trả lời một cách đơn giản rồi nhìn vào căn lều tepee của hai vợ chồng cô.
Tôi hiểu cô muốn nói gì.
Bản gốc tiếng Anh bài viết này đã được đăng trên BBC Travel

Geen opmerkingen:

Een reactie posten