zaterdag 28 februari 2015

Báo Trung Quốc kêu gọi dùng kinh tế để giữ Việt Nam không theo Mỹ

Báo Trung Quốc kêu gọi dùng kinh tế để giữ Việt Nam không theo Mỹ

mediaTranh minh họa bài viết trên Hoàn Cầu Thời báo (25/01/2015)
Trong ấn bản trên mạng ngày 25/01/2015, Hoàn Cầu Thời báo, dựa theo bài phỏng vấn ông Chu Phương Ngân (Zhou Fangyin), giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông, đã có bài viết : « Đòn bẩy thương mại có thể ngăn chặn Việt Nam quay sang với Mỹ ».
Vòng đàm phán mới về Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương được nối lại vào vào thứ Hai, 26/01/2015. Khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ngày 07/01, bắt tay ông Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Osius đã nói với ông Dũng rằng Nhà Trắng có thể mềm dẻo hơn để các cuộc thương lượng có thể được hoàn tất vào tháng Ba và Quốc hội thông qua vào tháng Năm.
Các cuộc đàm phán kéo dài, được khởi động cách nay hơn 5 năm, dường như đi vào giai đoạn cuối khi Hoa Kỳ có một vài nhượng bộ. Hà Nội hy vọng hiệp định kinh tế này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đặc biệt là về lâu dài, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Hơn nữa, các căng thẳng gia tăng tại Biển Đông đã thúc đẩy Việt Nam tìm kiếm người đỡ đầu nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Hoa Kỳ là một sự lựa chọn tốt nhất.
Năm nay đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Cho dù còn có đối kháng lâu dài, đây là dịp tạo ra một sự thúc đẩy quan trọng để hai bên xích lại gần nhau. Nhượng bộ của Washington trong đàm phán về TPP là một món quà cho Hà Nội, nhưng món quà này có cái giá phải trả của nó.
Lịch sử đã hàng triệu lần chứng mình rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ nhượng bộ trong đàm phán mà không có lý do, đặc biệt là khi Mỹ đang ở thế thượng phong. Trong trường hợp này, sự nhượng bộ của Washington không chỉ là một trò chiến thuật để hỗ trợ cho các lợi ích nhỏ mọn, mà đó một tính toán chiến lược có thể tác động đến toàn cảnh chính trị khung vực.
2015 cũng sẽ là năm sôi động chính trị đối với Việt Nam, Đại hội lần thứ 12 của đảng Cộng sản sẽ lựa chọn một ban lãnh đạo mới vào tháng Giêng năm 2016. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng mãn nhiệm của Việt Nam, có thể đã nhắm với vị trí cao nhất là Tổng Bí thư đảng cầm quyền. Trên chính trường Việt Nam bị chia rẽ, ông Dũng, người đại diện cho phe thân Mỹ, có nhiều khả năng thay đổi mạnh mẽ chiến lược quốc gia và chính sách đối ngoại để có thêm sự dấn thân của Hoa Kỳ.
Washington đã hiểu được tiềm năng của ông Dũng như một ủy nhiệm viên hiệu quả. Biết được là Đại hội 12 có thể là cơ hội duy nhất đối với ông Dũng để nắm được quyền lực tối cao, Hoa Kỳ muốn tán dương những kết quả đạt được trong đàm phán về TPP như là một trong những thành công quan trọng của ông Dũng. Trong trường hợp này, Washington muốn dùng các trò cũ là các cuộc cách mạng mầu tại Việt Nam nhằm sử dụng Việt Nam cũng như Philippines, như một con tốt để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Vì thế, 2015 là năm quan trọng đối với quan hệ ba bên Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Cho dù Bắc Kinh và Hà Nội đã nhanh chóng phục hồi quan hệ vào cuối năm ngoái sau một năm trời đối mặt với nhau, ý đồ lôi kéo Hà Nội của Washington sẽ phá vỡ một cách dễ dàng khuôn khổ mong manh về an ninh trong khu vực, gây ra những nguy cơ đối với sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Như thế, điều mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nước láng giềng phương nam sẽ là một tình hình còn sôi động hơn những gì mà Trung Quốc đã trải qua trong năm 2014.
Ngược với Hoa Kỳ, nước trơ tráo can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, Trung Quốc có thể sử dụng những phương tiện dễ được chấp nhận hơn để giúp Việt Nam thu được những mối lợi từ quan hệ song phương tích cực. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đứng về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh cũng sẽ có những biện pháp trừng phạt.
Nhằm ngăn ngừa việc Hà Nội tiếp tục nghiêng về phía Washington, Bắc Kinh cần có lập trường mềm mỏng hơn trong một số vấn đề để làm dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Nếu không, khi căng thẳng gia tăng, có nhiều khả năng Việt Nam lúng túng và trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ.
Trung Quốc cần triệt để khai thác các lợi thế truyền thống như là đối tác thương mại chính của Việt Nam và sử dụng các biện pháp kinh tế đa dạng, đặc biệt là đầu tư, nhằn thúc đẩy cơ sở hạ tầng và sức mạnh kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc phải gia tăng nỗ lực phát triển kết nối giữa hai nước, như đẩy mạnh dự án Con đường tơ lụa thế kỷ 21. Các mối lợi thực sự sẽ làm cho Việt Nam trở nên sáng suốt để cân nhắc giữa theo và chống khi đưa ra các quyết định liên quan đến Trung Quốc và Hoa Kỳ.

http://vi.rfi.fr/20150126-tq-vietnam//

Trung Quốc Việt Nam tiếp tục hàn gắn quan hệ

mediaHọc sinh Việt Nam chào mừng lãnh đạo Trung QuốcReuters
Chuyến viếng thăm Việt Nam hiện nay của Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh cho thấy là Trung Quốc vẫn cố hàn gắn quan hệ với Việt Nam sau một năm đầy căng thẳng do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Du Chính Thanh là Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp), một cơ quan hoàn toàn mang tính chất hình thức, nhưng dầu sao ông cũng là nhân vật đứng hàng thứ tư trong ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, và là một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Du Chính Thanh diễn ra sau những tháng căng thẳng cao độ giữa Hà Nội với Bắc Kinh, do việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến khu vực Hoàng Sa, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam, mà một số đã dẫn đến bạo động gây chết người trong tháng 5.
Đến tháng 7, Bắc Kinh đã rút giàn khoan đi, nhờ vậy tình hình đã dịu lạì chút ít. Hai nước có vẻ như đều muốn hàn gắn quan hệ bị sứt mẻ nghiêm trọng. Vào tháng 8, tức là chỉ một tháng sau đó, cựu Bộ trưởng Công an Việt Nam Lê Hồng Anh, với tư cách đặc phái viên của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, đã đi thăm Trung Quốc. Trong chuyến đi đó, ông Lê Hồng Anh đã kêu gọi hai nước « nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc”, kiểm soát tốt tình hình và giải quyết ổn thoả mọi tranh chấp bất đồng trên biển, duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông ».
Đến tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã đi thăm Bắc Kinh và gặp đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan). Kết quả cuộc gặp gỡ này là hai nước đồng ý nối lại quan hệ quân sự và « xử lý tốt hơn các tranh chấp chủ quyền biển đảo ».
Cũng trong tháng 10, ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã trở lại Việt Nam và lần này cuộc gặp giữa ông với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh diễn ra trong một bầu không khí hòa dịu, khác hẳn với không khí nặng nề của cuộc gặp giữa hai ông vào tháng 6, giữa lúc khủng hoảng giàn khoan lên cao độ.
Nhưng trong tháng này, quan hệ Việt-Trung đã lại nóng lên, sau khi Hà Nội chính thức yêu cầu Tòa án Trọng tài Quốc tế chú ý đến « quyền và lợi ích pháp lý » của Việt Nam khi phân xử vụ kiện của Philippines về bản đồ đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra, giành chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp gỡ với ông Lê Hồng Anh hôm qua, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh đã tuyên bố là Bắc Kinh muốn quan hệ với Hà Nội đi theo con đường « đúng đắn ». Ông Du Chính Thanh khẳng định là Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam theo một viễn cảnh lâu dài và với một cái nhìn chiến lược.
Nói chung, Bắc Kinh có vẻ như đang tìm cách ngăn chận những vấn đề mà tranh chấp chủ quyển Biển Đông đang gây ra cho quan hệ Việt – Trung, bởi vì điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến trao đổi thương mại giữa hai nước. Tình hình Biển Đông càng căng thẳng thì tâm lý chống Trung Quốc càng tăng mạnh, phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc cũng tăng theo. Bắc Kinh cũng không muốn thấy Hà Nội ngả theo Mỹ quá nhiều, cho nên lại càng cố gắng kéo Hà Nội quay trở lại vòng ảnh hưởng của họ.
Nhưng một mặt hàn gắn quan hệ với Việt Nam, mặt khác Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông, đặc biệt là qua việc xây một đảo nhân tạo với sân bay trên quần đảo Trường Sa.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141226-trung-quoc-viet-nam-tiep-tuc-han-gan-quan-he/


Geen opmerkingen:

Een reactie posten