zondag 18 januari 2015

Yemen : Chiến tranh địa phương và khủng bố toàn cầu

Khủng bốAl QaidaTrung Cận ĐôngQuốc tếĐiểm báo

Yemen : Chiến tranh địa phương và khủng bố toàn cầu

mediaAnouar al-Awlaki, được coi là một thủ lĩnh tinh thần của AQPA, trong một video do SITE cung cấp. Anouar al-Awlaki bị Hoa Kỳ bắn hạ hồi tháng 9/2011.Ảnh AFP
    AQPA là nhóm thánh chiến vừa tuyên bố đứng đằng sau vụ thảm sát Paris. Bài « Yemen, các chiến tranh địa phương và cuộc thánh chiến toàn cầu » của Le Monde cung cấp một số thông tin để nhận thức về lịch sử phức tạp, nhưng ít được chú ý của quốc gia 26 triệu dân, nằm ở cực nam bán đảo Ả Rập. Xứ sở từng được mệnh danh « vùng đất Ả Rập hạnh phúc » chính là nơi AQPA đã phát triển và trở thành một trong những lực lượng mạnh nhất của tổ chức Al-Qaida trong vài năm gần đây.
    Trước khi thống nhất hai miền Nam Bắc vào năm 1990, Yemen – vùng đất cũ của đế chế Ottoman (giải thể năm 1962) - gồm hai quốc gia. Miền Bắc nằm dưới sự lãnh đạo của lực lượng Cộng hòa, được Ai Cập hỗ trợ. Miền Nam là thuộc địa của Anh Quốc cho đến năm 1967, rồi nằm dưới sự bảo trợ của Liên Xô. Cuộc thống nhất năm 1990 không mang lại được cho đất nước một sự hàn gắn vững chắc. Năm 1994, lực lượng ly khai miền Nam nổi dậy không thành, bị các nhóm quân sự miền Bắc, được các nhóm thánh chiến ủng hộ - trong đó có nhiều chiến binh trở về từ Afghanistan – đàn áp trong máu.
    Chính quyền trung ương – dưới bàn tay sắt của nhà độc tài Saleh, cầm quyền từ 1978 – với sự hậu thuẫn của tinh thần bộ lạc và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, đã biến vùng đất lành này thành một trong những quốc gia nghèo nhất của thế giới Ả Rập, trong những năm 1990-2000.
    Cuộc cách mạng năm 2011 trong phong trào Mùa xuân Ả Rập đã buộc Tổng thống Saleh phải rời khỏi quyền lực. Tuy nhiên, chính quyền của tân Tổng thống Hadi đã không thể tạo được một sự đoàn kết dân tộc. Căng thẳng xã hội tại Yemen một phần bắt rễ trong sự phân hóa sâu sắc giữa hai cộng đồng chính : nhóm cư dân theo hệ phái Hồi giáo Sunni (chiếm 56% dân cư) và những người Zaydis – một nhánh ly khai khỏi hệ phái Shia (với 42%) dân số. Nhánh Zaydis ủng hộ cuộc nổi dậy của sắc tộc Houthi, chống lại chính quyền. Lực lượng này đã xâm chiếm thủ đô Sanaa mùa thu năm 2014. Sự liên kết của người Zaydis với sắc tộc miền cực bắc khiến căng thẳng giữa hai hệ phái Hồi giáo tại Yemen gia tăng trở lại. Đây là bối cảnh của sự nở rộ của chi nhánh AQPA của Al-Qaida, được coi là « một trái bom nổ chậm tại miền nam bán đảo Ả Rập ».
    Yemen : Quá khứ mập mờ giữa chính quyền và phe thánh chiến
    Cũng về chủ đề này, Le Monde còn có cuộc điều tra « Hàng nghìn sự tái sinh của AQPA », cho thấy những nỗ lực âm thầm của lực lượng Hồi giáo thánh chiến, kể từ khi AQPA thành lập năm 2009.
    Vụ khủng bố tại Paris được coi là một hoạt động gây tiếng vang quốc tế lớn nhất của nhánh Al Qaida bán đảo Ả Rập. Sau cái chết của Ben Laden năm 2011, và các cuộc không kích dữ dội của Mỹ, rất nhiều người cho rằng lực lượng AQPA không còn đáng kể. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhà điều tra Le Monde, « với sự kiên nhẫn lớn và hoạt động có phương pháp, AQPA đã tái hồi phục sau mỗi lần bị tấn công, đa dạng hóa các mục tiêu, nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn ».
    Điều tra của Le Monde chỉ ra nguồn gốc phát triển của lực lượng khủng bố tại Yemen trong thái độ của chính quyền nước này. Trong những năm 1980, chính quyền Yemen dựa vào lực lượng thánh chiến để đàn áp các cuộc phản kháng trong nước, đặc biệt trong cuộc nội chiến đẫm máu chống lại phong trào ly khai miền Nam. Sau vụ khủng bố 11/09/2001, chính quyền Yemen lựa chọn cộng tác hoàn toàn với Mỹ để chống khủng bố. Lực lượng thánh chiến tưởng như tuyệt diệt cho đến biến cố ngày 3/2/2006, với việc 26 can phạm lãnh đạo hàng đầu Al-Qaida bất ngờ tẩu thoát khỏi nhà tù Yemen. Kể từ đó, trong bối cảnh chiến tranh tại Irak và Afghanistan, Al-Qaida gia tăng tuyển mộ các thành viên cho cuộc thập tự chinh chống Phương Tây.
    Al-Qaida đã lợi dụng không khí hỗn loạn chính trị trong « cuộc cách mạng 2011 » để mở rộng ảnh hưởng. Hiện tại AQPA, một mặt tuyên bố trung thành với Al Qaida, mặt khác kêu gọi liên minh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Irak. Theo Le Monde, lịch sử phát triển của Al-Qaida tại Yemen cho thấy thất bại không chỉ của chính quyền trung ương nước này, mà còn là thất bại của cả Phương Tây.
    Chống khủng bố trên mạng : vai trò của các tổ chức dân sự
    Chống khủng bố trên mặt trận internet là mối quan tâm chính của Le Figaro. Tờ báo dành toàn bộ ba trang đầu cho chủ đề này. Sau các vụ khủng bố tại Paris, « an ninh mạng » trở chủ đề bàn luận khẩn cấp giữa lãnh đạo các quốc gia Phương Tây hàng đầu.
    « Kiểm soát mạng : Cameron gây áp lực lên Obama ». Le Figaro nhắc đến buổi ăn tối giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh tại Nhà trắng tối qua và cuộc gặp dự kiến hôm nay, trong đó Thủ tướng Anh muốn Washington ủng hộ việc các tập đoàn internet hợp tác với Luân Đôn trong việc cung cấp tin tức. « Truy cập các dữ liệu : Merkel mở lại cuộc tranh luận tại Đức » là một bài khác trong hồ sơ này, thuật lại thái độ kiên quyết của thủ tướng Đức trong bài phát biểu sáng qua tại Quốc hội Đức. Một nghị sĩ của đảng CDU của nữ Thủ tướng nhấn mạnh : « mỗi ngày không có khả năng truy cập vào dữ liệu trên mạng là một ngày an toàn của các công dân bị mất đi ».
    Để giúp công chúng hiểu rõ hơn về vấn đề này, Le Figaro có bài giải thích : « Tại sao Web lại là một vũ khí lý tưởng đối với quân khủng bố ». Ba vấn đề được Le Figaro nêu lên là : internet là nơi lực lượng khủng bố tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng đủ thứ tiếng, đây là nơi tuyển chọn các thành viên đầu quân cho thánh chiến và thứ ba là, một cuộc chiến tranh mạng đang thực sự gia tăng. Chỉ riêng từ ngày 10/01, ít ngày sau hai vụ khủng bố, hơn hai khoảng 19.000 địa chỉ internet của Pháp đã là mục tiêu tấn công của tin tặc.
    Đòi hỏi kiểm soát và theo dõi các hoạt động trên mạng, nhưng tờ báo cũng luôn luôn chú ý đến vấn đề quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do nói chung. « Những người sử dụng internet lo ngại về nguy cơ kiểm duyệt » là tựa đề một bài khác trong hồ sơ của Le Figaro.
    Sau luật chống khủng bố hồi tháng 11/2014, dân mạng lo ngại sư ra đời của một luật an ninh đặc biệt tại Pháp, theo kiểu « Patriot Act » của Hoa Kỳ sau vụ 11/09.
    Vấn đề mà Le Figaro muốn lưu ý là thái độ tích cực của nhiều doanh nghiệp Internet trong hợp tác chống khủng bố. Tờ báo dẫn lời đại diện của Asic (Association des services Internet communautaires) - một hiệp hội internet của Pháp - nêu lên một loạt các ví dụ theo hướng này. Ví dụ đôi khi mang tính nghịch lý như, giữ lại y nguyên những nội dung mà các phần tử cực đoan đưa lên mạng, để phục vụ cho điều tra… Và nếu không có internet, đã không thể có được phong trào « Tôi là Charlie » như trong những ngày vừa qua.
    Cũng liên quan đến vấn đề kiểm soát thông tin, Le Monde có bài phỏng vấn « Không thể tiến hành các vụ cảnh sát nghe lén, mà không có kiểm soát ». Người trả lời là ông Jean-Marie Delarue, lãnh đạo Ủy ban quốc gia kiểm soát các tin liên quan đến an ninh (CNCIS).

    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150116-yemen-chien-tranh-dia-phuong-va-khung-bo-toan-cau/

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten