zondag 18 januari 2015

Ngoại ô Pháp : giằng xé giữa « Tôi là Charlie » và « Tôi không phải là Charlie »

Ngoại ô Pháp : giằng xé giữa « Tôi là Charlie » và « Tôi không phải là Charlie »
Hồ sơ « phần nước Pháp không phải là Charlie » của Le Monde có nhiều nội dung rất đáng quan tâm, trong đó đặc biệt có phóng sự « Vùng ngoại ô bị giằng xé giữa ‘‘Charlie’’ và ‘‘không Charlie’’ ».
Le Monde ghi nhận, rất ít người từ các vùng ngoại ô đến tham dự cuộc tuần hành lịch sử 11/01, nhiều người nói họ bị các bức biếm họa gây tổn thương.
Le Monde chú ý đến một cuộc tập hợp của nhóm điều hợp « Không thể không có chúng tôi » (Pas sans nous) để bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân hai vụ thảm sát. Nhóm điều hợp « Pas sans nous » - được coi như « một nghiệp đoàn của vùng ngoại ô » - gồm khoảng 150 hiệp hội đại diện cho cư dân ngoại ô thuộc 18 vùng trên khắp nước Pháp, được thành lập hồi tháng 9/2014, đặt mục tiêu mang lại một tiếng nói khác nhằm thay đổi chính sách hiện nay đối với các vùng ngoại vi.
Khoảng 200 người, gồm các dân cử địa phương, phụ trách hiệp hội, công dân bình thường đã tham dự vào cuộc tập hợp riêng lẻ này, trước cửa cơ quan chính quyền thị xã Bobigny, thủ phủ tỉnh Seine-Saint-Denis, bắc Paris, ngày 12/01. Dù rất ít người tham gia, nhất là giới trẻ của vùng ngoại ô, cuộc tập hợp này mang tính biểu tượng quan trọng.
Không hòa chung vào cuộc tuần hành của gần 4 triệu công dân Pháp, cuộc tập hợp mang đến một thông điệp riêng : « Hãy chấm dứt mọi hình thức bạo lực. Hãy chấm dứt mọi sự hàm hồ, mọi sự bêu riếu, phân biệt kỳ thị ».
Le Monde dẫn lời một cựu thành viên Phong trào nhập cư và các vùng ngoại ô (một người tham gia nhiều cuộc tuần hành ủng hộ các nạn nhân khủng bố), ghi nhận hố sâu ngăn cách giữa « các cư dân ngoại ô » và « phần còn lại của xã hội », « sự vắng mặt của một văn hóa, của một truyền thống chính trị cần thiết, đã không cho phép (đa số người dân ngoại ô) hiểu được vấn đề (tội) báng bổ (tôn giáo) không tồn tại ở Pháp. Mọi người (ở ngoại ô) hiện nay vẫn cho rằng tôn giáo là tất cả… ».
Theo đại diện của nhiều hiệp hội, sau cuộc tuần hành lịch sử ngày 11/01, đây là lúc « một lần nữa kéo hồi chuông báo động về tình trạng tại các vùng ngoại ô », về « hoạt động (chính thức) của đạo Hồi tại Pháp ». Cần phải « khẩn cấp » tìm ra các không gian để giới trẻ có thể bày tỏ « những oán giận, cùng những mong đợi của họ ».
Những người không phải là Charlie
Mục « Tranh luận » của Le Monde hôm nay dành chỗ cho « Những người không phải là Charlie » tự giải thích vì sao họ không ủng hộ một quan điểm như vậy. Trong mục này có nhiều tiếng nói đáng chú ý, thể hiện những quan niệm mang tính đại diện cho nhiều nhóm xã hội.
« Phản đối Liên minh thiêng liêng ! » của một nhóm các nhà nghiên cứu, « Tuần báo biếm họa không phải là nước Pháp » của giảng viên triết học một trường phổ thông Công giáo, « Hơn bao giờ hết, phải chống lại thái độ thù ghét đạo Hồi » của nhiều đại diện hiệp hội, trong đó có Hiệp hội Do Thái giáo Pháp vì hòa bình, hay các bài « Quyền được đi quá giới hạn cần phải được dành cho tất cả » của một cựu Chủ tịch Tổ chức Y sĩ không biên giới, « Một số cách sử dụng quyền tự do ngôn luận có thể gây tổn thương » của cựu Chủ tịch các hiệp hội Hồi giáo Pháp và Chủ tịch IESH - Viện các Khoa học Nhân văn Châu Âu Paris.
Cũng về thảo luận nhưng tại trường học và trong giáo giới, báo Libération và Le Monde dành nhiều trang cho chủ đề này. Libération có bài điểm lại « Các giáo viên trước sự nở rộ của các hành động thiếu ý thức (incivique) », cụ thể là các phản ứng mang tính cực đoan, như bày tỏ thái độ ủng hộ khủng bố, hay ngược lại đổ lỗi hết cho người Hồi giáo, và kể cả những biểu hiện liên quan đến quan điểm "Tôi không phải là Charlie"… Sau các vụ khủng bố, Bộ giáo dục Pháp kiểm kê được 200 « sự cố » (tại 64.000 cơ sở giáo dục trên toàn quốc, với 12 triệu học sinh), nơi tình hình tại lớp vượt quá khả năng kiểm soát của giáo viên. Ngày thứ 5 tuần tới, Bộ trưởng Giáo dục hứa hẹn sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể trong vấn đề này, sau cuộc huy động lớn trong trường học « vì các giá trị của nền Cộng hòa »,  mà Bộ Giáo dục khởi động từ ngày 12/01.
Châu Âu nghiêng về phía tái khởi động đối thoại với Nga
Về thời sự quốc tế, báo Les Echos đặc biệt chú ý đến việc Liên Hiệp Châu Âu nghiêng về phía khởi động lại cuộc đối thoại với Nga. Hiện tại, theo một nhà ngoại giao Châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu không thay đổi chính sách trong hồ sơ Ukraina, không bỏ rơi Kiev, để đổi lại sự hợp tác của Nga tại Syria. Việc dỡ bỏ trừng phạt Matxcơva liên quan đến bán đảo Crimée rõ ràng là không thể, vì không khác gì thừa nhận chủ quyền của Nga tại vùng đất Ukraina, nhưng riêng việc trả đũa Nga do các can thiệp tại miền đông Ukraina được coi là chủ đề có thể thương thuyết được.
Trang nhất các báo Pháp
Vấn đề khủng bố tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. Tựa lớn trên trang nhất của L’Humanité là « Cuộc đời của họ mạnh hơn cái chết », thuật lại các nghi thức tang lễ trọng thể đối với những họa sĩ phóng viên bị giết hại, đặc biệt qua hồ sơ « Những chiếc quan tài, những bức họa, những giọt nước mắt, những nụ cười ». Tờ Le Figaro thì quan tâm đến « Chủ nghĩa khủng bố : Các quốc gia muốn kiểm soát Internet ».
Libération dành sự quan tâm chính cho « Một người Pháp theo thánh chiến », nhấn mạnh các hành động khủng bố vừa qua trước hết là của những người đã lớn lên và trở thành cực đoan ngay tại xứ sở hình lục lăng, trái tim của Châu Âu, chứ không phải nơi nào khác.
Le Monde chạy tựa lớn « Nước Pháp không phải là Charlie », để nói về thái độ của bộ phận xã hội không tham gia vào phong trào rộng lớn ủng hộ tuần báo trào phúng trong những ngày vừa qua, sau vụ thảm sát. Hơn một tuần sau vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo, không khí có phần lắng lại, dành thêm chỗ cho nhiều suy nghĩ đa chiều khác.
Les Echos dành hồ sơ chính cho chủ đề « Thụy Sĩ gây đảo lộn trên thị trường », với việc thả nổi đồng tiền quốc gia.
Báo La Croix muốn đưa ra một cái nhìn lạc quan khi hướng độc giả đến với « Ebola, dịch bệnh đang thoái lùi », nhấn mạnh đến các tiến bộ của Tây Phi, khi các vắc xin sắp được thử nghiệm rộng rãi tại các vùng dịch.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150116-yemen-chien-tranh-dia-phuong-va-khung-bo-toan-cau/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten