Tổng quan 65 năm quan hệ Việt - Trung qua những con số
Trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950, hiện hai nước láng giềng là đối tác thương mại, du lịch quan trọng của nhau.
Đồ họa: Việt Chung - Vũ Hoàng - Phương Thảo
http://vnexpress.net/infographic/the-gioi/tong-quan-65-nam-quan-he-viet-trung-qua-nhung-con-so-3135228.html
Thứ bảy, 17/1/2015 | 18:59 GMT+7
65 năm quan hệ Việt - Trung
Ngày 18/1 đánh dấu 65 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, trải qua nhiều thăng trầm, đạt được các kết quả và còn những trở ngại phải vượt qua.
Ngày 18/1/1950, Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong ảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp cùng Phó Chủ tịch Trung Quốc Chu Đức năm 1950. Ảnh: ShowChina
Trong giai đoạn 1950 - 1954, Trung Quốc cử đoàn cố vấn chính trị quân sự sang giúp Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Trong ảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông La Quý Ba, đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại Việt Nam, ở chiến khu Việt Bắc ngày 1/10/1954. Ảnh: ShowChina
Tháng 3/1965, Trung Quốc cử một số đơn vị quân đội hỗ trợ Việt Nam kháng chiến.
Trong ảnh, người dân Trung Quốc năm 1965 biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Ảnh: Marc Riboud
Trong ảnh, người dân Trung Quốc năm 1965 biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Ảnh: Marc Riboud
Tháng 1/1974, Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ điều 4 chiến hạm, trong đó có tuần dương hạm Trần Khánh Dư HQ-16 tham gia chiến đấu bảo vệ quần đảo. Ảnh: Wikipedia
Tháng 2/1979, chiến tranh biên giới Việt - Trung nổ ra. Trong ảnh, pháo binh Việt Nam đáp trả quân đội Trung Quốc ở miền bắc ngày 23/2/1979. Cuộc chiến kéo dài khoảng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai bên. Ảnh: AFP
Từ trái sang, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chúc mừng hai nước ký kết Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao tháng 11/1991. Ảnh: ShowChina
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (người ngồi bên phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký Hiệp định biên giới trên đất liền Việt - Trung ngày 30/12/1999. Ảnh: biengioilanhtho
Ngày 25/12/2000, Việt Nam và Trung Quốc ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. Lễ ký được tổ chức với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Ảnh: ShowChina
Tháng 5/2008, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Bắc Kinh, nâng tầm mức quan hệ hai nước lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Ảnh: TTXVN
Ngày 31/12/2008, hai nước ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Trong ảnh, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (phải) và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc ngày 23/2/2009 có mặt tại lễ chào mừng hoàn thành công tác cắm mốc biên giới ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh: biengioilanhtho
Tháng 10/2011, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) hội đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh. Trong chuyến thăm này, hai bên ra Tuyên bố chung và Thỏa thuận Nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Ảnh: Xinhua
Tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khiến quan hệ hai nước xấu đi nghiêm trọng trước khi được cải thiện dần vào cuối năm. Ảnh: Asia Sentinel
Sau nhiều chuyến thăm lẫn nhau của các lãnh đạo hai nước vào cuối năm 2014, quan hệ song phương dần được cải thiện. Trong ảnh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tối 15/1 phát biểu tại buổi chiêu đãi kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: chinhphu.vn
Phương Thảo - Vũ Hoàng
http://vnexpress.net/photo/tu-lieu/65-nam-quan-he-viet-trung-3134384.html
Thứ sáu, 16/1/2015 | 11:20 GMT+7
Bốn thành tựu và ba trở ngại trong quan hệ Việt - Trung
“Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có những lúc thăng lúc trầm, nhưng hướng giải quyết chủ yếu vẫn là thương lượng hòa bình, bởi đây là mong muốn và lợi ích chung của nhân dân hai nước”, ông Bùi Hồng Phúc, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung, khẳng định.
Ông Bùi Hồng Phúc:"Trong quan hệ với Trung Quốc, vừa đấu tranh vừa hợp tác là tư tưởng chỉ đạo đã có từ lâu". Ảnh: Đức Dương
|
- Theo ông, có những mốc quan trọng nào trong lịch sử 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc?
- Nhìn lại quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện đại, năm 1950 là mốc quan trọng với việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước thời điểm đó, quan hệ hai bên là giữa các nhà lãnh tụ, mà tiêu biểu là mối thân tình giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai. Đây chính là cơ sở của mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sau này.
Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, ngày 15/1/1950, Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đến ngày 18/1/1950, Trung Quốc gửi điện trả lời đồng ý. Trung Quốc là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cũng là nước đầu tiên cử đại sứ sang ta. Ngày 11/9/1954, ông La Quý Ba là đại sứ nước ngoài đầu tiên trình quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam về cả con người và vật chất. Giai đoạn 1950-1954, Trung Quốc cử các tướng lĩnh như Đại tướng Trần Canh, Thượng tướng Vi Quốc Thanh và rất nhiều cố vấn sang giúp Việt Nam đánh Pháp. Giai đoạn 1965-1975, Trung Quốc cử nhiều đơn vị quân đội sang Việt Nam để giúp bảo vệ hệ thống cầu đường, đảm bảo giao thông vận chuyển vũ khí, quân nhu từ miền bắc vào chiến trường miền nam. Rất nhiều bộ đội Trung Quốc đã hy sinh trên đất nước ta.
Tuy nhiên, lịch sử quan hệ hai nước vẫn tồn tại những mảng tối. Năm 1974, lợi dụng thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn quyết liệt, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa. Năm 1979, Trung Quốc gây nên cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Đến năm 1988, Trung Quốc lại đưa quân ra chiếm 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Có thể nói giai đoạn 1979-1990, quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.
Đến năm 1990, trước sự thay đổi của tình hình thế giới, hai nước đều có nhu cầu bình thường hóa quan hệ. Tháng 11/1991, trong chuyến thăm Bắc Kinh của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước.
- Những thành tựu và trở ngại chính của hai nước từ sau bình thường hóa quan hệ đến nay là gì?
- Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước đạt được bốn thành tựu lớn, không thể phủ nhận. Thứ nhất, với các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, hai bên đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ song phương là phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt và quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Thứ hai, hai nước đã giải quyết được hai trong ba vấn đề biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại, gồm ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định Hợp tác nghề cá trên Vịnh Bắc Bộ năm 2000.
Thứ ba, quan hệ kinh tế - thương mại hai nước phát triển nhanh chóng, với kim ngạch thương mại song phương tăng từ mức 37 triệu USD năm 1991 đến mức trên 50 tỷ USD năm 2014.
Thứ tư, quan hệ giao lưu, trao đổi giữa hai đảng, giữa các bộ ngành liên quan và các địa phương vùng biên giới, đã xây dựng được các cơ chế hợp tác rõ ràng, chặt chẽ. Giao lưu nhân dân cũng rất phát triển.
Tuy nhiên, theo tôi quan hệ hai nước vẫn còn tồn tại ba trở ngại chính. Trở ngại thứ nhất là các vấn đề trên Biển Đông (gồm biển và quần đảo). Cái gọi là “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã lấn vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo luật quốc tế. Về vấn đề quần đảo, chúng ta có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây chính là trở ngại lớn nhất hiện nay trong quan hệ hai nước.
Trở ngại thứ hai là sự tin cậy lẫn nhau đang bị xói mòn, dù sau bình thường hóa quan hệ, hai nước đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng lại. Nhưng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong vùng biển của ta, đã làm tổn thương đến nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến sự tin cậy lẫn nhau mà hai bên vừa qua cố gắng lắm mới đạt được.
Trở ngại thứ ba là nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc còn lớn, mà chủ yếu là nguyên vật liệu phụ trợ, linh kiện và máy móc thiết bị. Hướng giải quyết là một mặt phải tự chủ động trong nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, mặt khác phải đa dạng hóa thị trường cung cấp.
- Vậy theo ông, hướng giải quyết trong vấn đề Biển Đông nên như thế nào?
- Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần tuân thủ ba điều sau. Thứ nhất là duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Thứ hai, tuân thủ những thỏa thuận cụ thể giữa hai bên, mà quan trọng nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, cũng như “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông” (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN.
Thứ ba, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Chúng ta có rất nhiều biện pháp, không loại trừ đấu tranh pháp lý, nhưng cần phải cân nhắc các mặt lợi hại và tính hiệu quả để chọn ra phương pháp tốt nhất.
Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn phức tạp. Trong quan hệ với Trung Quốc, vừa đấu tranh vừa hợp tác là tư tưởng chỉ đạo đã có từ lâu. Chúng ta không nên vì đấu tranh mà không hợp tác, và cũng không nên vì hợp tác mà không đấu tranh, mà nên kết hợp hai điều này một cách hợp lý.
- Mọi mối quan hệ tốt đều phải dựa trên niềm tin, vậy niềm tin giữa Việt Nam và Trung Quốc cần được cải thiện như thế nào?
- Tôi cho rằng, trước hết là phải xử lý tốt vấn đề trên Biển Đông. Thứ hai là hai nước cần tăng cường các hợp tác thực chất, với các dự án, công trình cụ thể. Thứ ba là quan hệ hai nước cần phải lời nói đi đôi với việc làm, nhất là ba nhận thức chung mà lãnh đạo hai nước đạt được vừa qua. Và cuối cùng là cần tăng cường giao lưu nhân dân hai nước.
Chỉ khi thực hiện tốt những điều trên, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mới có thể phát triển lành mạnh, ổn định, từ đó tạo nên niềm tin trong nhân dân hai nước.
- Ông dự báo như thế nào về tình hình quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong năm 2015?
- Chúng ta không loại trừ khả năng Trung Quốc có hành động tương tự như vụ giàn khoan Hải Dương 981, nhưng sẽ có những nhân tố tác động như sự kiện 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc và việc hình thành Cộng đồng ASEAN. Một ASEAN gắn kết hơn sẽ có tác động tích cực đến việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, góp phần ngăn chặn Trung Quốc có các hành động đơn phương tại đây.
Tôi không bi quan về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Tuy trải qua những thăng trầm lịch sử, hữu nghị và hợp tác vẫn là dòng chính trong quan hệ Việt - Trung. Đó là tài sản quý giá của cả hai dân tộc, cần được giữ gìn và phát triển. Những vấn đề còn tồn tại giữa hai bên cần được giải quyết thỏa đáng bằng biện pháp hòa bình thông qua thương lượng, vì đây là mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước.
Đức Dương
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/bon-thanh-tuu-va-ba-tro-ngai-trong-quan-he-viet-trung-3132907.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten