maandag 19 januari 2015

Máy ảnh Leica kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi

Khoa họcNhiếp ảnhCuộc sống muôn màu

Máy ảnh Leica kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi

mediaMáy ảnh Leica đời M7, sản xuất từ năm 2002.Rama/Wikipedia
    Dân ưa thích chụp ảnh, không ai là không biết đến máy ảnh Leica. Năm 2014, nhà sản xuất máy ảnh nổi tiếng thế giới kỷ niệm một thế kỷ ngày ra đời sản phẩm đầu tiên. Một trăm năm sau, Leica vẫn là một huyền thoại, một sản phẩm cao cấp. Tất cả những nhiếp ảnh gia lừng danh thế giới đều có ít nhất một máy ảnh Leica, như Henri Cartier-Bresson, Raymond Depardon, William Klein...
    Ra đời năm 1953, chiếc máy ảnh kỳ diệu này được khắc chữ M, tiếng Đức là Meßsucher (télémètre - đo xa), tức là cách điều chỉnh ống kính sao cho hai hình ảnh nhìn thấy ban đầu trong ống kính chập lại làm một. Đây là nét đặc thù của Leica, nhưng nguồn gốc của Leica thì đã có từ thời xa xưa.
    Năm 1911, công ty chế tạo ống kính Leitz tuyển dụng ông Oskar Barnack, một công nhân cơ khí có năng khiếu và là người thích chụp ảnh, vào làm việc trong bộ phận chiếu phim ảnh. Lúc đó, các máy quay phim, chụp ảnh rất nặng. Ông Barnack không được khỏe lắm, và có lúc phải khuân vác các thiết bị máy ảnh nặng tới 10 kg. Ông mơ tưởng tới một loại máy nhỏ, nhẹ, thay thế cho các máy ảnh nặng nề và cồng kềnh.
    Được thiết kế vào năm 1914, máy Leica Ur chỉ nặng có 377 gam và sử dụng phim điện ảnh cỡ 18 X 24 mm mà ông Barnack có sẵn trong tay. Năm nay, Leica kỷ niệm 100 năm ngày ra đời chiếc máy ảnh mẫu – prototype- đầu tiên này.
    Phải đợi đến 11 năm sau, thì mẫu máy ảnh nói trên mới được sản xuất hàng loạt và cái tên Leica ra đời, viết gọn của hai chữ Leitz và Camera. Những người ưa thích chụp ảnh thời đó đã chế nhạo những chiếc Leica đầu tiên được trưng bày tại Hội chợ Leipzig.
    Bé nhỏ, gọn nhẹ, dễ sử dụng và chụp được nhanh, máy Leica đã tạo ra một cuộc cách mạng trong làng báo : Những bức ảnh chụp tức thời thay thế cho các tranh vẽ minh họa các bài viết. Tạp chí Pháp Vu, vào năm 1928, sau đó tạp chí Life năm 1936, bắt đầu có những phóng sự hiện đại, nhất là trong chiến tranh Tây Ban Nha và những nhiếp ảnh gia đi tiên phong bắt đầu tạo dựng tên tuổi, như André Kertész, Henri Cartier-Bresson, Robert Capa…
    Sau một thời kỳ ngắn lưỡng lực, chuyển đổi chậm chạp, Leica đã bắt kịp thời đại công nghệ tân tiến và tăng doanh thu gần gấp ba lần trong vòng 5 năm, từ 130 triệu euro năm 2009, lên tới hơn 321 triệu trong năm 2013. Ngoại trừ máy ảnh loại nhỏ, compact, tất cả các công đoạn chế tạo máy ảnh Leica đều làm thủ công. Ông Stefan Daniel, say mê Leica từ năm 16 tuổi, hiện là một trong những người phụ trách sản phẩm của hãng cho biết : Kiểu máy M chiếm tới 50% tổng doanh thu, cần từ 9 đến 12 giờ để lắp ráp và mỗi ngày, nhà máy ở Đức có thể lắp ráp được từ 80 đến 100 máy ảnh.
    Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn chuộng dùng Leica, được đánh giá là có đẳng cấp cao nhất trong số tất cả các loại máy, bất chấp một số thương hiệu cố gắng tuyệt vọng tìm cách bắt chước tên gọi na ná như Meica, Seita. Leica là sản phẩm de luxe, theo đúng nghĩa cao quý của từ này.
    Kiểu máy Leica mới nhất là mô-đen T, một khối nhôm gọn nhẹ, được mài bóng một cách thủ công, bắt được cả wifi, có màn hình cảm ứng và có thể thay đổi màu của vỏ máy. Điều hiếm thấy là cho đến nay, các ống kính của Leica vẫn được thiết kế để có thể lắp vào các kiểu máy của những năm 1950.

    http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150118-may-anh-leica-ky-niem-sinh-nhat-100-tuoi/

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten