Đòi hỏi cải cách cấp thiết ở Việt Nam
- 4 tháng 11 2014
Mặc dù gần đây Washington dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội nhằm nâng cao quan hệ giữa hai nước nhưng cho đến nay quan hệ Việt–Mỹ vẫn còn nhiều bế tắc.
Nhà nước pháp quyền, pháp luật chuẩn mực và quyền con người – các giá trị cốt lõi của cả hai nước – vẫn còn là điểm mà hai bên chưa thể đạt được sự đồng thuận.Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Tom Malinowski đã nêu rõ trong chuyến thăm Hà Nội kéo dài 5 ngày mới đây rằng quan hệ Việt–Mỹ có cơ hội tiến xa hơn hiện nay nếu Việt Nam ‘cải cách pháp luật’ và ‘chứng minh đạt được tiến bộ về vấn đề nhân quyền’.
Đảng cầm quyền tại Việt Nam có thể không thấy hoặc phớt lờ các điểm đó nhưng tuyên bố vừa qua của Hoa Kỳ rất rõ ràng: quan hệ Việt–Mỹ sẽ tùy thuộc vào việc liệu Việt Nam sẽ cải cách như thế nào và cải cách sâu rộng đến đâu. Ông Malinowski cũng đặc biệt nêu lên quan ngại về những hạn chế liên quan đến quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã nhiều lần tìm cách tiếp cận với Việt Nam, từ việc trợ giúp Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho đến dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Điều này phần nào cho thấy ý định của Hoa Kỳ muốn củng cố mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam.
Trong khi đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nhưng lần này Washington có một số điểm khác biệt có thể giúp gia tăng sự ảnh hưởng lên chính quyền cộng sản Việt Nam, đặc biệt giữa lúc Hà Nội cần sự hỗ trợ của Washington trong vấn đề an ninh hàng hải tại Biển Đông và gia nhập TPP.
Hoa Kỳ và Việt Nam đang ngày càng có nhiều nhiều điểm tương đồng trong môi trường địa chính trị lẫn kinh tế, nhưng để theo đuổi những mục tiêu này thì cũng cần đặt nặng đến quyền của người dân vốn là lợi ích cốt lõi của cả hai nước.
Đối với Việt Nam, đây có lẽ là lúc để cùng thỏa hiệp nhằm giảm thiểu cũng như giải quyết một số điểm nóng mà đảng cầm quyền đang đối mặt, đặc biệt là sự lấn lướt quá giới hạn của Bắc Kinh ở khu vực Biển Đông lẫn sự phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế Trung Quốc.
Cải cách từ nền tảng
Cải cách là cấp thiết đối với Việt Nam. Tuy nhiên, đối với một số đảng viên bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam thì bất kỳ chủ đề cải cách nào được đưa ra thì họ cũng cho rằng Hoa Kỳ đang cố gắng tìm cách lật đổ chế độ tại Hà Nội. Nhưng điều quan trọng khác mà đảng cầm quyền không nhìn thấy là họ không thể tiếp tục giữ nguyên hiện trạng như hiện nay mãi được. Sự thôi thúc cải cách không chỉ đến từ các nước phương Tây mà đây còn là nhu cầu của chính người dân trong nước.Ngược lại, nếu Việt Nam mong muốn thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ thì Hà Nội cũng nên sẵn sàng thể hiện qua các hành động cụ thể, và việc này không chỉ mang tính biểu tượng như trả tự do cho một vài tù nhân chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam cần thực hiện chương trình cải cách cụ thể và sự cải cách này phải mang lại hiệu quả thực sự.
Mặc dù Hoa Kỳ không trực tiếp kêu gọi Việt Nam cải cách chính trị nhưng để cải thiện tình trạng nhân quyền tồi tệ và pháp luật chồng chéo thì việc này tất yếu phải cần cải tổ chính trị. Điều này có thể chưa phải là điểm cấp thiết đối với Washington nhưng là điều tất yếu đối với tất cả người Việt trong lẫn ngoài nước.
Đối với một số người trong đảng cầm quyền ủng hộ quan điểm xích gần lại phương Tây thì cải cách chưa hẳn là mất khả năng kiểm soát quyền lực mà chính là cơ hội để định hình lại tương lai của Việt Nam.
Cải cách quốc gia lâu dài phải được xây dựng dựa trên nền tảng dân chủ và tuân thủ các nguyên tắc về quyền con người. Cải cách chính trị để có một nhà nước cộng hòa chính danh không đồng nghĩa với việc loại bỏ đảng cầm quyền ra khỏi sinh hoạt chính trị của đất nước, mà để tất cả mọi thành phần trong xã hội có đồng đều cơ hội cùng nhau tham gia vào quá trình phát triển đất nước. Trước khi nói đến vấn đề ai hoặc đảng chính trị nào cầm quyền tại Việt Nam, nếu diễn ra, thì quyền làm chủ của nhân dân phải được tôn trọng trong thực tế để thủ tục bầu cử dân chủ có thể diễn ra một cách công bằng.
Việc khuyến khích các hoạt động dân chủ bằng cách đối thoại ôn hòa với các tổ chức chính trị của người Việt Nam là cần thiết, và cũng là trách nhiệm của đảng cầm quyền.
Ngoài ra, thiết lập nền tảng cơ bản bẳt đầu bằng bản Hiến pháp dân chủ là điều cấp thiết, từ đó tạo cơ sở để xây dựng các tiêu chuẩn cơ bản về luật lao động phù hợp với quốc tế để Việt Nam gia nhập TPP. Quan trọng hơn hết, cải cách từ nền tảng còn giúp Việt Nam tháo gỡ gút mắc về quyền tự do lập hội vốn đang trong vòng lẩn quẩn từ nhiều năm qua và là nguồn gốc của việc Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền không chính danh.
Theo đó, những lời kêu gọi của ông Malinowski không nên bị coi là mối đe dọa hoặc một chướng ngại vật mà cần xem đây là một cơ hội để phát triển mối quan hệ hai nước Việt–Mỹ lẫn đảng cầm quyền và người dân Việt Nam.
Nền móng vững chắc cho mối quan hệ giữa chính quyền và người dân cũng như giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đều cần dựa trên những giá trị cốt lõi cơ bản mà các bên đều đồng ý: nhà nước pháp quyền và pháp luật chuẩn mực.
Trong khi đây là cơ hội để đảng cầm quyền tại Việt Nam nắm bắt thì Hoa Kỳ cũng nên tận dụng ảnh hưởng của mình để giúp Hà Nội đạt được những bước đầu tiên trong quá trình cải cách cũng như xây dựng nền tảng nhà nước pháp quyền.
Trong thời gian tới, bất kỳ sự tiến bộ nào liên quan đến quan hệ kinh tế và an ninh giữa Washington và Hà Nội cũng đều dựa trên quyết định cải cách chính trị của đảng cầm quyền tại Việt Nam. Và cải cách chính trị cơ bản đó cần bắt đầu từ nền tảng Hiến pháp dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong riêng của các đồng tác giả, từ Việt Nam và nước ngoài.
Tin liên quan
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/11/141104_system_reform
Geen opmerkingen:
Een reactie posten