maandag 1 december 2014

Trung Quốc sẽ khai thác dầu với quy mô lớn ở biển Đông

Trung Quốc sẽ khai thác dầu với quy mô lớn ở biển Đông
Sunday, November 30, 2014 1:36:32 PM






BẮC KINH 30-11 (NV) - Quốc hội Trung Quốc vừa thông báo kế hoạch khai thác 9 mỏ dầu ở Bột Hải và biển Đông từ 2014 – 2020 để “bảo đảm nguồn năng lượng” cho Trung Quốc cả ở hiện tại lẫn tương lai.
Bột Hải hợp thành bởi ba vịnh nhỏ thuộc Trung Quốc: Vịnh Lai Châu ở phía Nam, vịnh Liêu Đông ở phía Bắc và vịnh Bột Hải ở phía Tây thông với Hoàng Hải.
Tuy nhiên thông báo vừa kể đặc biệt đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố kế hoạch khai thác dầu với quy mô lớn tại biển Đông. Trung Quốc ước tính, trong các năm từ 2014-2020, các mỏ dầu ở biển Đông có khả năng cung cấp 10 triệu tấn dầu mỗi năm.


 
 Bãi đá Chữ Thập nay đã được biến thành đảo nhằm hỗ trợ cho
yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông. (Hình: Jane's Defense)


Theo một nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế thuộc Liên Hiệp Quốc hồi 1966, biển Đông có khoảng 5.22 tỉ tấn dầu khí,  trị giá hơn 325 tỉ Mỹ kim. Nhật báo Thương mại Hong Kong, ước đoán, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể tăng lên từ 1% đến 2% nếu Trung Quốc khai thác một phần ba nguồn tài nguyên này trong hai thập niên tới.
Tờ Want China Daily của Đài Loan nhận định, kế hoạch khai thác các mỏ dầu trong những khu vực có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông chắc chắn sẽ dẫn tới xung đột giữa Trung Quốc với các lân bang.
Chưa thấy Việt Nam phản ứng trước thông báo vừa kể của Quốc hội Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc liên tục vỗ về, trấn an Việt Nam sau hàng loạt các hành động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. 
Hồi trung tuần tháng 11, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc vừa đề nghị Việt Nam hợp tác, xử lý bất đồng một cách ôn hòa và duy trì sự ổn định ở biển Đông. Đề nghị đó được nêu ra với ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nhà nước Việt Nam, khi cả hai gặp nhau bên lề APEC 22 (Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22).
Trong cuộc gặp bên lề APEC 22, ông Bình nói với ông Sang rằng, Trung Quốc luôn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Việt Nam và mong muốn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Bình thừa nhận, đôi khi,  quan hệ Trung - Việt có “sóng gió” nhưng nếu cả hai bên “cùng tập trung vào đại cục, cùng nhìn xa, tôn trọng lẫn nhau, tham khảo ý kiến của nhau” thì vẫn có thể duy trì và phát triển quan hệ song phương.
Trong tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, Trung Quốc luôn luôn khẳng định, chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa là “không thể tranh biện”. Trung Quốc chỉ đàm phán, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền ở quần đảo Trường Sa theo phương thức song phương (đàm phán trực tiếp với quốc gia có liên quan), không chấp nhận đàm phán đa phương (các bên có liên quan cùng thảo luận để giải quyết tranh chấp).
Trước nay, Trung Quốc luôn luôn hứa hẹn, khuyến khích Việt Nam hợp tác, giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa để duy trì, phát triển quan hệ Việt – Trung. Những lời hứa, khuyến khích kiểu như vừa kể vốn đã được lập đi, lập lại hàng trăm lần và sau đó, Trung Quốc lại dấn thêm những bước sâu hơn, mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định yêu sách về chủ quyền trên biển Đông.
Chẳng hạn hoàn thành việc mở rộng phi đạo trên đảo Phú Lâm, một hòn đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974. Trung Quốc cũng đang hoàn tất công việc biến nhiều bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành các hòn đảo nhân tạo để thiết lập những căn cứ quân sự mới ở biển Đông.
Trước nữa, hồi trung tuần tháng 9, Tập đoàn dầu khí CNOCC của Trung Quốc loan báo sẽ phát thông báo mời các tập đoàn ngoại quốc dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở biển Đông.
Vào thượng tuần tháng 8, Trung Quốc đưa tàu vào vùng biển của Việt Nam để khảo sát địa chất – thăm dò trữ lượng dầu khí và tìm địa điểm dựng năm hải đăng ở năm hòn đảo (Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Duy Mộng, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp) trong quần đảo Hoàng Sa.
Chế độ Hà Nội chỉ trích Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nhiều hơn và mạnh mẽ hơn so với trước, song những chỉ trích này thường lắng xuống sau khi chính quyền Trung Quốc vỗ về, trấn an và kèm theo đó, các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc lại trắng trợn hơn.
Hồi trung tuần tháng 10, Trung Quốc hứa hẹn thiết lập liên lạc trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng để ngăn chặn xung đột trên biển, cam kết sẽ cùng Việt Nam “giải quyết và kiểm soát” tranh chấp. Truyền thông Trung Quốc công bố, Trung Quốc đã hoàn tất việc biến Chữ Thập – một bãi san hô chỉ lộ diện khi thủy triều xuống, thành hòn đảo nhân tạo có diện tích một cây số vuông và trở thành hòn đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đã đưa 200 quân nhân đến trấn đóng tại Chữ Thập và dự trù sẽ xây một phi trường ở đó. Các chuyên gia quân sự nhận định, nếu Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng phi trường tại đảo Chữ Thập, Trung Quốc sẽ khống chế toàn bộ vùng trời bên trên Trường Sa. (G.Đ)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198981&zoneid=430#.VHxJyektC70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten