Đế chế kinh doanh của gia tộc Chu Vĩnh Khang
Là người có quyền lực cực kỳ to lớn, ảnh hưởng của cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang giống như cái ô chắc chắn, giúp cho con cái và họ hàng giành các hợp đồng béo bở và xây nên đế chế kinh doanh được cho là trị giá nhiều tỷ USD.
Chu Vĩnh Khang (thứ ba từ phải sang) từng thâu tóm nhiều quyền lực khi còn đương chức, hôm 29/7 chính thức bị điều tra vì bị cáo buộc có liên quan đến hành vi tham nhũng. Ảnh: AFP
|
Cuộc điều tra tham nhũng chưa từng có nhắm vào Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị (PBSC), quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc khiến nhiều người đặt câu hỏi: với quyền lực của mình, ông Chu vơ vét được bao nhiêu và sở hữu khối tài sản lớn đến mức nào?
Nhiều khả năng Chu Vĩnh Khang không liên quan trực tiếp tới số tài sản bị điều tra. Là người đứng đầu gia đình, Chu không trực tiếp tham gia các phi vụ làm ăn. Ông tạo cho mình nhiều lớp ngăn cách với các hoạt động kinh doanh mờ ám, nhằm bảo vệ danh tiếng cũng như địa vị.
Gia đình họ Chu sở hữu hoặc có mối liên kết với ít nhất 37 công ty, tại nhiều nơi ở Trung Quốc và trên thế giới, vươn xa đến cả Bắc Mỹ, theo tài liệu nghiên cứu từ tờSCMP, Trung Quốc. Chuỗi kinh doanh bao gồm nhiều ngành nghề như: sản xuất dầu mỏ, phát triển bất động sản, thủy điện...
Reuters trước đây từng có báo cáo cho rằng tổng tài sản nhà họ Chu nắm giữ có giá trị khoảng 90 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 14,5 tỷ USD. Nhiều người vẫn nghi hoặc con số có thể còn cao hơn thế.
"Nếu đây là sự thật thì nó quá khủng khiếp. Người ta nói lâu nay rằng thu nhập không minh bạch và nguồn tiền từ tham nhũng chiếm hơn 30% tổng thu nhập quốc dân (GDP) của Trung Quốc, nhưng con số kia vẫn là quá nhiều", ông Hu Xingdou, nhà bình luận chính trị từ Viện Công nghệ Bắc Kinh nói.
Cái tên "Chu Vĩnh Khang" không bao giờ xuất hiện trong hàng nghìn tài liệu cơ quan chức năng nghiên cứu và thu thập được. Thay vào đó, Chu Bân, 42 tuổi, con trai của Chu Vĩnh Khang, là đầu mối chủ chốt trong đế chế kinh doanh của gia đình. Mẹ vợ Chu Bân, bà Chiêm Mẫn Lợi cũng đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra còn có những cái tên khác như Chu Phong, cháu trai của Chu Vĩnh Khang cùng chị vợ của anh này, là những thành viên không thể thiếu. Gia đình họ Chu chèo lái đế chế kinh doanh dựa vào mối quan hệ về chính trị cũng như kinh tế của đầu tàu Chu Vĩnh Khang.
Bà Chiêm, 72 tuổi là cổ đông chủ chốt trong ít nhất 9 công ty của dòng họ Chu. Bà kết hôn với Hoàng Vũ Sinh, con trai một nhà địa chất học nổi tiếng, người đóng góp đáng kể trong việc phát hiện mỏ dầu Đại Khánh những năm 1950. Đây được biết đến như mỏ dầu lớn nhất Trung Quốc và biểu tượng của thành tựu vẻ vang.
Chu Bân, nay đã bị bắt, chủ yếu nhờ gia đình thông gia, đối tác, bạn bè...điều hành doanh nghiệp của mình. Anh này cố gắng giấu tung tích sâu nhất có thể trong bóng tối. Những người biết Chu Bân thường không mấy ấn tượng kỹ năng kinh doanh của anh và cho rằng anh này không có phong thái lãnh đạo như cha mình. Nhưng chỉ trong khoảng 10 năm, Chu Bân đã xây dựng doanh nghiệp của mình từ công ty vô danh, đăng ký trụ sở tại một căn hộ dân sinh, thành tập đoàn trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ.
Biệt thự của Chu Vĩnh Khang ở quê. Con kênh quanh nhà trước đây là một mương chết nhưng được cải tạo với lý do phong thủy. Ảnh: Ifeng
|
Chu Bân trở về Trung Quốc vào đầu những năm 2000 với tấm bằng thạc sĩ quản lý quốc tế từ trường Đại học Texas, Dallas, Mỹ. Năm 2003, Chu Bân thành lập Công ty Công nghệ Năng lượng Ánh dương Zhongxu.
Một năm sau, bà Chiêm, mẹ vợ Chu Bân đầu tư 4 triệu nhân dân tệ để thành lập một công ty khác, trong đó Zhongxu chiếm 80% cổ phần. Công ty mới trở thành phương tiện kinh doanh chính của Chu Bân. Một thời gian ngắn sau, công ty bắt tay cộng tác với Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nơi Chu Vĩnh Khang làm lãnh đạo trong một thời gian dài.
Theo các phương tiện truyền thông đại lục, dự án đầu tư với CNPC bao gồm việc nâng cấp hệ thống quản lý bán lẻ của 8000 trạm xăng tại nhiều tỉnh thành trên toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, không hồ sơ đấu thầu nào được tìm thấy.
Nhiều nguồn tin cho biết chiến lược kinh doanh của Chu Bân là kiếm những dự án nhà nước với giá rẻ sau đó bán lại với giá cao gấp nhiều lần. Nước đi này chỉ có thể thành công nhờ vào sức ảnh hưởng của người cha Chu Vĩnh Khang.
Theo báo cáo từ tạp chí Caixin, trong năm 2007 và 2008, Chu Bân thu hơn 500 triệu nhân dân tệ lợi nhuân từ việc bán lại dự án mỏ dầu Changyin và Changqing ở tỉnh Thiểm Tây. "Không ai có thể đánh bại Chu Bân trong việc tận dụng nền tảng gia đình để giành lấy những thương vụ kinh doanh", Caixin trích dẫn một nguồn tin từng cạnh tranh với Chu Bân nói.
Năm 2011, Công ty Công nghệ Năng lượng Ánh dương Zhongxu của Chu Bân có tổng tài sản đạt 139 triệu nhân dân tệ với lợi nhuận hàng năm đạt 32,9 triệu nhân dân tệ, theo báo cáo tài chính của công ty.
Ở Tứ Xuyên, nơi Chu Vĩnh Khang từng làm bí thư từ năm 2000 đến năm 2002, Chu Bân còn tích cực tham gia vào ngành công nghiệp thủy điện cũng như phát triển bất động sản và du lịch.
Chu Bân và mẹ vợ từng đầu tư vào hai nhà máy thủy điện trên sông Đại Đô. Thu nhập hàng năm từ việc kinh doanh điện của một trong hai trạm này đạt tới 900 triệu nhân dân tệ.
Chu Bân cũng có mối quan hệ làm ăn với Lưu Hán, tài phiệt ngành khai mỏ. Lưu Hán sau đó bị kết án tử hình vì tội giết người, tổ chức đánh bạc, điều hành băng đảng mafia và buôn bán vũ khí trái phép.
Vương Uyển Thanh, vợ Chu Bân, cũng giữ một vị thế lớn trong đế chế gia đình. Vương đặc biệt hứng thú trong sản xuất phim và chương trình truyền hình. Vì thế năm 2009, một công ty sản xuất phim được thành lập với số vốn 50 triệu nhân dân tệ dưới tên của bà Chiêm Mẫn Lợi, theo một báo cáo gửi tới chính phủ. Năm 2011, công ty này đổi tên và có tổng tài sản đạt 128 triệu nhân dân tệ.
Với sự giúp đỡ của bạn bè và đối tác, Chu Bân không ngại dấn thân vào các ngành nghề khác như tư vấn, kinh doanh thiết bị, khí thiên nhiên... Nhưng kinh doanh dầu mỏ vẫn luôn là mảng chủ chốt.
Chu Bân không phải thành viên duy nhất trong gia đình lợi dụng quyền lực của Chu Vĩnh Khang để tư lợi. Hai người anh em trai của Chu Vĩnh Khang vơ vét được lượng tài sản không nhỏ nhờ dựa dẫm danh tiếng của ông.
Tại địa phương, anh trai Chu Nguyên Hưng và em trai Chu Nguyên Thanh lợi dụng quyền lực của Chu Vĩnh Khang trong bộ máy nhà nước để tiến hành các phi vụ móc nối, mua bán chức quyền, tạp chí Caixin tiết lộ.
Tuy nhiên, vợ và con trai Chu Nguyên Thanh mới là những người kiếm được món hời. Năm 2007, bà này cùng con trai đầu tư 50 triệu nhân dân tệ thành lập Công ty Đầu tư Honghan Bắc Kinh. Công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, quản lý đầu tư và phát triển công nghệ với quy mô không ngừng mở rộng. Tập đoàn Honghan nắm quyền kiểm soát khoảng 20 công ty. Tổng lượng đầu tư đạt 400 triệu nhân dân tệ.
Vợ Chu Nguyên Thanh còn đầu tư 19 triệu nhân dân tệ xây dựng đại lý xe Audi duy nhất ở Giang Tô. Theo báo cáo tài chính, doanh thu của đại lý đạt 659 triệu nhân dân tệ năm 2012.
"Nếu không có những bằng chứng rõ ràng về mối liên kết của Chu Vĩnh Khang với tiền bạc của gia đình, rất có thể khối tài sản sẽ được liệt vào danh sách 'tài sản không rõ nguồn gốc'", Hu Xingdou, nhà bình luận chính trị, nói. "Nhưng không vấn đề gì cả, công chúng sẽ hỗ trợ trong việc ra quyết định điều tra".
Vũ Hoàng (theo SCMP)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/de-che-kinh-doanh-cua-gia-toc-chu-vinh-khang-3028810.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten