Hùng Tâm/Người Việt
Không muốn hay không thể can gián một chư hầu ngỗ nghịch?
Hôm 12 vừa qua, chính quyền Cộng sản Bắc Hàn chơi trò ú tim để rồi lại thử nghiệm một vụ nổ hạch tâm. Trò ú tim này đã lạ, nhưng phản ứng của Bắc Kinh lại còn đáng chú ý hơn.
“Hồ Sơ Người Việt” sẽ tìm hiểu những chuyện ấy sau khi đã trình bày cách nay hai tuần đòn khiêu khích điên khùng mà hợp lý của chế độ Bình Nhưỡng (“Bắc Hàn Tháu Cáy - Hãy can em đi - Kẻo em tự sát thì đôi ta cùng chết.”)
Trò ú tim của Bắc Hàn
Sau khi báo trước từ ngày Chủ Nhật 27 Tháng Giêng là sẽ cho thử nghiệm một vụ nổ hạch tâm để “ăn thua đủ với Hoa Kỳ,” chính quyền Cộng sản Bình Nhưỡng đã tăng cường phòng bị quân sự, như để đối phó với chiến tranh. Hai tuần sau, Bắc Hàn lại ỡm ờ cho biết rằng các nước Tây phương hiểu lầm chứ sẽ không có chuyện thử nghiệm ấy. Có hay không là câu hỏi của các quan sát viên, kể cả giới chức quân sự của các nước. Ðấy là một khía cạnh nhỏ của trò ú tim.
Sau đấy, trong những ngày cận Tết Quý Tỵ, Bình Nhưỡng lại thông báo - và hệ thống vệ tinh thám báo của quốc tế cũng xác nhận như vậy - rằng họ sẽ thử nghiệm hỏa tiễn Ngân Hà-3 (Unha-3). Ðây là hỏa tiễn đạn đạo loại Ðại Pháo Ðồng cải tiến với tầm bắn xa hơn. Hỏa tiễn đạn đạo hay “ballistic missile” là loại võ khí bắn thẳng lên trời và vượt qua tầng khí quyển của trái đất rồi rơi xuống theo đường bay hình cầu vồng của một viên đạn. Ngân Hà-3 là loại hiện đại hơn các hỏa tiễn Lao Ðộng (Rodong) hay Ðại Pháo Ðồng (Taepodong) của Bắc Hàn.
Nhưng sang mùng 10, Bình Nhưỡng lại tráo bài lần nữa khi dời hỏa tiễn khỏi giàn phóng và dịu giọng báo động. Hệ thống vệ tinh của các nước đều thấy như vậy và giới quan sát bèn kết luận rằng Bắc Hàn sẽ không thử bắn hỏa tiễn nữa.
Ðấy là lúc Bình Nhưỡng cho nổ hạch tâm.
Bắc Hàn đánh bài ba lá khiến quốc tế cứ phải chạy theo để phỏng đoán là chế độ này tính làm những gì? Có hay không có một vụ thử nghiệm võ khí chiến lược? Khi tường thuật hoặc phiên dịch, người ta cũng bị hoa mắt mà chẳng hiểu là sự thế đang xảy ra như thế nào, hỏa tiễn Unha hay võ khí hạch tâm?
Chỉ có chính quyền và truyền thông Nam Hàn là không chớp mắt. Họ nhìn chằm chằm vào người anh em láng giềng khật khùng hung ác mà khẳng định rằng Bình Nhưỡng sẽ thử nghiệm hạch tâm nội trong tuần. Quả nhiên là như vậy.
Nhưng người ta vẫn chưa biết võ khí vừa được cho nổ là loại gì.
Phong cách Bình Nhưỡng
Sau vụ nổ bất ngờ mà cũng có thể đoán trước được (thì mới là trò ú tim), ước tính ban đầu của quốc tế là võ khí này có công suất chừng sáu bảy kiloton, mạnh hơn mấy lần trước một chút. Giới quan sát quân sự còn ngờ rằng đây là một vụ thử nghiệm ngòi uranium sau hai vụ thử plutonium trước đó. Tức là Bắc Hàn vẫn xúc tiến chương trình chế tạo võ khí hạch tâm và đi từng bước theo một trình tự khá tinh vi.
Tuy nhiên, cái gì đã được thử vào hôm mùng Ba Tết? Ðó là một ngòi nổ hạch tâm như vật kích hoạt hay một trái bom thật mai sau sẽ được gắn lên đầu hỏa tiễn để gieo rắc cái chết đến rất xa, đến tận Hoa Kỳ? Phải vài tuần nữa thì thường dân như chúng ta mới biết được.
Nhưng nếu theo dõi sự thể Bắc Hàn từ nhiều năm, người ta đã có thể thấy ra một “phong cách Bình Nhưỡng” rất độc đáo ác liệt chứ chẳng khôi hài bằng lối nhảy múa của “phong cách Giang Nam” (Gangnam style, phía Nam sông Hàn tại Hán Thành của Nam Hàn).
Qua những vụ thử nghiệm hạch tâm dưới lòng đất, rồi bắn thử hỏa tiễn hoặc phóng vệ tinh, v.v... chế độ Bình Nhưỡng cứ ỡm ờ tung hỏa mù nửa hư nửa thực để chứng minh là họ có một chương trình chế tạo loại võ khí tuyệt đối. Nhưng xuyên qua đó, quốc tế cũng thấy rằng Bắc Hàn chưa chế tạo được bom hạch tâm, chưa thể gắn bom lên hỏa tiễn mà cũng chẳng có hệ thống điều hành hỏa tiễn liên lục địa. Thế giới có thể lên án, như mọi khi, và hăm dọa cấm vận, như thường lệ, mà chỉ thấy rằng đấy là chuyện đáng ngại chứ chưa đáng sợ.
Bắc Hàn hăm dọa tự sát để bắt bí thiên hạ chứ không gây hãi sợ để một siêu cường ở xa như Hoa Kỳ hoặc một nước láng giềng như Nam Hàn hay Nhật Bản phải ra tay can thiệp nhằm lật đổ chế độ. Khi đòi “ăn thua đủ với Hoa Kỳ” bằng vụ thử nghiệm, Bắc Hàn muốn được nói chuyện tay đôi với Mỹ, như một người lớn có mặt trong câu lạc bộ một nhóm quốc gia có võ khí hạch tâm!
Cái kẹt ở đây là Bình Nhưỡng lại cho nổ thử tại một căn cứ quân sự ở miền cực Bắc, trong tỉnh Hàm Kính (Hamgyong) giáp giới với Trung Quốc! Bắc Kinh tính sao về trò ú tim đó?
Bắc Kinh và Bắc Hàn
Ngay sau vụ nổ hôm 12, Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì lạnh lùng triệu tập đại sứ Bắc Hàn để bày tỏ sự bất bình nặng nề và lời phản đối gay gắt của Trung Quốc. Giới quan sát và báo chí nhẹ dạ bèn kết luận rằng Bắc Kinh đã bực mình vì trò khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Thật ra, lời phát biểu này chỉ lập lại những gì Bắc Kinh đã nói ra trong hai lần thử nghiệm hạch tâm trước đây của Bắc Hàn, vào năm 2006 và 2009.
Mỗi lần như vậy Trung Quốc đều đưa ra quan điểm chính thức là 1) phản đối việc thử nghiệm, 2) yêu cầu Bình Nhưỡng tôn trọng lời cam kết trước đó là không chế tạo võ khí hạch tâm, 3) tiến hành đối thoại hơn là sử dụng biện pháp quân sự, và 4) khuyến khích việc đàm phán trong cơ chế lục quốc gồm có Nam và Bắc Hàn, Nhật Bản, Liên Bang Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Người ta đều biết Bắc Hàn chỉ có thể tồn tại qua ngả giao thương kinh tế với Trung Quốc - bán tài nguyên khoáng sản và mua lương thực - và còn được Bắc Kinh viện trợ để khỏi sụp đổ. Nếu chế độ Bình Nhưỡng tiêu vong, làn sóng tỵ nạn cùng với súng đạn sẽ tràn qua biên giới vào Trung Quốc. Thế thì tại sao Bắc Kinh lại dung dưỡng thái độ khiêu khích của Bắc Hàn với lối ăn nói nước đôi và chỉ phản đối làm vì như vậy?
Tìm hiểu cho kỹ hơn - mục tiêu của “Hồ Sơ Người-Việt” - chúng ta có thể thấy ra một sự hợp lý của lập trường hàng hai này.
Từ năm Quý Tỵ 1953 khi có đình chiến Nam Bắc Hàn trên bán đảo Triều Tiên cho đến thời Chiến Tranh Lạnh kết thúc vào năm 1992, Bắc Kinh có chủ trương nhất định là dùng Bắc Hàn làm vùng trái độn quân sự. Ðó là một không gian cách ngỡ giữa biên giới của Trung Quốc với Nam Hàn, nơi có sự hiện diện của quân lực Mỹ do một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Sau Chiến Tranh Lạnh và ngày nay, Bắc Kinh đã thấy như mọi người khác, rằng Hoa Kỳ sẽ không xua quân vào Trung Quốc qua bán đảo Triều Tiên. Trong khi ấy, Trung Quốc ngày nay đã có một lực lượng quân sự - và cả hải quân - hiện đại hơn xưa nên cũng chẳng cần một lá chắn quá tốn kém tại Bắc Hàn.
Chưa kể là lâu lâu lá chắn này lại giở chứng khiêu khích nước Mỹ! Nhiều chiến lược gia hay học giả Trung Quốc có thể nghĩ như vậy làm truyền thông Tây phương cũng kết luận theo hướng đó.
Nhưng Bắc Kinh có lối tính toán còn tinh vi hơn: dùng Bắc Hàn làm vật đổi chác. Chúng ta phải trở lại khuôn khổ đàm phán giữa sáu nước mà Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì vừa nhắc tới, cho Bắc Hàn và thế giới.
Năm nhóm công tác giữa sáu nước
Cách nay đúng sáu năm, vào ngày 13 Tháng Hai năm 2007, sáu quốc gia nói trên đã đạt được một thỏa thuận mới làm khuôn khổ đối thoại và hợp tác để giải trừ nguy cơ võ khí hạch tâm của Bắc Hàn với một số điều kiện đổi chác, như viện trợ kinh tế. Khuôn khổ đối thoại lục quốc này đề ra năm nhóm công tác, mỗi nhóm lại do một nước phụ trách.
Nhóm đầu tiên xúc tiến thảo luận về điều kiện bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn. Nhóm thứ hai cũng thảo luận về việc bình thường hóa giữ Nhật Bản và Bắc Hàn. Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với hai nước này là một đòi hỏi của Bắc Hàn.
Nhóm thứ ba do Liên Bang Nga phụ trách thì nghiên cứu và đề nghị việc phát triển một cơ chế vãn hồi hòa bình và an ninh tại Ðông Bắc Á (Northeastern Asia Peace and Security Mechanism). Nhóm thứ tư do Nam Hàn điều hợp thì thảo luận việc hợp tác kinh tế và năng lượng. Nhóm thứ năm do Trung Quốc đảm nhiệm thì bàn về việc giải trừ võ khí hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên.
Về hình thức, việc lập ra một cơ chế đối thoại như vậy đã bình thường hóa sự tham gia của Bắc Hàn vào một khuôn khổ ngoại giao, với năm nhóm công tác thường xuyên gặp gỡ để làm việc thay vì từng nước lại hốt hoảng phản ứng mỗi khi Bắc Hàn làm ẩu. Giới ngoại giao thường vẫn cả tin rằng khi vào bàn hội nghị thì người ta đã tránh được rủi ro nổ súng!
Nhưng chuyện ấy vẫn không tránh được việc Bắc Hàn tiếp tục bỏ họp, lâu lâu lại thử nghiệm võ khí...
Tinh vi hơn thế chính là cái mưu của Bắc Kinh: nhân chuyện Bắc Hàn mở ra nhiều cơ hội khác. Các nước không chỉ giải quyết thái độ ngỗ nghịch của Bình Nhưỡng mà còn bàn về nhiều kế hoạch phát triển quốc tế, nhất là trong nhóm An Ninh Ðông Bắc Á do Liên Bang Nga phụ trách. Theo kế hoạch đó, người ta sẽ phải bàn về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nam Hàn.
Cho nên dù Bình Nhưỡng cứ khiêu khích và chơi dại như người khùng - mà thật ra chẳng điên - Trung Quốc vẫn ra vẻ mắng mỏ Bắc Hàn rồi đề nghị trở lại khuôn khổ đàm phán lục quốc. Bình Nhưỡng càng điên thì ta càng nên nói chuyện phải quấy. Trong khi ấy, nhóm công tác thứ năm do Bắc Kinh phụ trách - về việc giải trừ võ khí hạch tâm - thì vẫn quay trong chân không.
Ðấy là chuyện phù thủy lâu lâu lại thổi âm binh lên để kiếm chác khi ra vẻ thi thố pháp thuật. Mỗi lần Bình Nhưỡng làm bậy, các nước đều yêu cầu Bắc Kinh lên tiếng khuyên răn can gián. Và cả thế giới đều thấy rằng Trung Quốc là đối tác cần thiết để khai thông nhiều vấn đề quốc tế.
Tất nhiên phù thủy Bắc Kinh không đi làm việc trừ tà miễn phí.
Âm binh và phù thủy
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nếu như có muốn thì Bắc Kinh có thể thực sự sai khiến được Bắc Hàn chăng?
Sau khi Hoa Kỳ ném bom nguyên tử tại Quang Ðảo và Trường Kỳ của Nhật để kết thúc chiến tranh vào năm 1954, nhiều quốc gia khác đều đã có võ khí nguyên tử rồi hạch tâm (atomic rồi nucler), bắt đầu là Liên Xô, rồi Pháp, Anh, Do Thái, v.v... Mới nhất là Ấn Ðộ và Pakistan. Nhưng từ đó đến nay, chiến tranh đã bùng nổ ở nhiều nơi mà không nước nào sử dụng loại võ khí siêu tàn sát này.
Khi tìm cách chế tạo võ khí hạch tâm, các nước đều muốn có lá bài chủ trên chiếu bạc quốc tế, để đòi chuyện khác. Bắc Hàn hay Iran ngày nay có thể cũng tính toán như vậy.
Mà có chắc không?
Bắc Hàn và Trung Quốc vốn dĩ đa nghi và có lối suy nghĩ khá quỷ quái. Có thể nào mà lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng lại tương kế tựu kế mà bắt bí chính Trung Quốc hay chăng?
Sau cùng, như kinh nghiệm Tchernobyl tại Nga đã có thấy, tai nạn vẫn có thể xảy ra khi kẻ gian pha chế của quỷ ở dưới hầm hay trên nóc nhà. Nếu tai nạn xảy ra, biên giới Trung Quốc sẽ lủng một lỗ, ở rất xa Nam Hàn và Nhật Bản mà rất gần Liên Bang Nga!
Kết luận ở đây là gì?
Chuyện âm binh lật phù thủy là điều có thật. Trò lộng giả thành chân cũng vậy!
Dù rằng điều ấy chưa xảy ra, người ta vẫn thấy ra vai trò khá quỷ quyệt của Trung Quốc. Ở dưới thì có mâu thuẫn Hoa-Nhật trên quần đảo Ðiếu Ngư Ðài, ở trên thì có ngòi nổ hạch tâm tại Hàm Kính Ðạo. Hình như nơi nào cũng có bàn tay nhám của Bắc Kinh.
Văn minh Trung Hoa là như vậy hay sao?
http://www.blogger.com/blogger.g?blogID=7311202983334728511#editor/target=post;postID=2948526340304920779
Geen opmerkingen:
Een reactie posten