Trong suốt 5 thập kỷ qua nước Nga chưa đạt được bất kỳ thành công nào trong các chuyến thám hiểm sao Hỏa. Vụ phóng một phi thuyền về phía hành tinh đỏ hôm qua có thể giúp Moscow khép lại giai đoạn đáng buồn đó.
Hình minh họa Sao Hỏa và hai vệ tinh của nó. Ảnh: al.ru. |
Phi thuyền Phobos Grunt được phóng về phía sao Hỏa tại sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan vào lúc 20h16 theo giờ GMT (3h16 theo giờ Việt Nam). Yinghuo-1, tàu nghiên cứu sao Hỏa của Trung Quốc, cũng được phóng cùng Phobos Grunt, BBC đưa tin.
Hai phi thuyền sẽ tới quỹ đạo sao Hỏa sau 11 tháng. Sau đó chúng tách ra để bay theo hai hướng khác nhau. Tàu của Trung Quốc bay quanh sao Hỏa, còn tàu của Nga lấy mẫu đất, đá trên vệ tinh Phobos của hành tinh đỏ rồi trở về. Các chuyên gia của Nga tính toán rằng mẫu vật sẽ trở về trái đất sau 33 tháng nữa.
Sao Hỏa có hai vệ tinh Phobos và Deimos. Phobos có kích thước lớn hơn và gần sao Hỏa hơn so với Deimos.
Nga đã phóng tổng cộng 16 tàu lên sao Hỏa từ thập niên 60 của thế kỷ trước, song tất cả chúng đều không hoàn thành mục tiêu. Thậm chí vụ phóng tàu gần đây nhất – diễn ra vào năm 1996 – còn thất bại do phi thuyền nổ tung sau khi phóng. Giới truyền thông dùng thuật ngữ "lời nguyền sao Hỏa" để ám chỉ những nỗ lực bất thành của Nga trong quá trình thám hiểm hành tinh đỏ. Vì thế giới chức Nga hy vọng tàu Phobos Grunt sẽ giúp họ hóa giải lời nguyền ấy.
“Chúng tôi không gặt hái thành công trong các chuyến thám hiểm hành tinh suốt 15 năm qua. Lần này con người, công nghệ và mọi thứ đã thay đổi. Chuyến thám hiểm của tàu Phobos Grunt là thứ hoàn toàn mới mẻ với chúng tôi. Xét trên nhiều phương diện thì chúng tôi đang xây dựng từ con số không”, Alexander Zakharov, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Vũ trụ tại Moscow, phát biểu.
Do kích thước của Phobos-Grunt khá lớn nên quá trình lấy mẫu vật chất trên vệ tinh Phobos sẽ tương đối phức tạp. Sau khi tàu hạ cánh xuống bề mặt vệ tinh Phobos, một cánh tay máy sẽ “nhặt” đất. Một số mẫu đất sẽ được phân tích ngay tại đó, song khoảng 200 g sẽ được đưa về địa cầu bằng khoang đổ bộ của tàu. Nếu mọi việc diễn ra đúng theo kế hoạch, khoang đổ bộ sẽ lao xuống một sa mạc tại Kazakhstan vào tháng 8/2014.
Với hình dạng giống củ khoai tây, Phobos là một mục tiêu thú vị đối với giới thiên văn. Mặc dù nhiều vệ tinh nhân tạo đã theo dõi Phobos, song giới khoa học khẳng định nó vẫn còn giữ nhiều bí mật liên quan tới cả nó và sao Hỏa. Mật độ vật chất của Phobos rất thấp, một dấu hiệu cho thấy có thể nhiều khoảng trống đang tồn tại dưới bề mặt của nó. Một số nhà khoa học cho rằng Phobos được tạo nên bởi những viên đá và bụi xung quanh sao Hỏa. Song một giải thuyết khác nói Phobos có thể là một thiên thạch bị sao Hỏa “bắt cóc” bằng lực hấp dẫn.
Minh Long
Geen opmerkingen:
Een reactie posten