zaterdag 8 juni 2024

Việt Nam tăng tốc bồi đắp một số đảo, bãi cạn ở Trường Sa

 Việt Nam tăng tốc bồi đắp một số đảo, bãi cạn ở Trường Sa


WASHINGTON, DC (NV) – Việt Nam liên tục và ráo riết bồi đắp một số đảo nhỏ và bãi đá cạn hiện chiếm giữ ở Trường Sa ngày một nhiều hơn, nhanh hơn.

Bản tường trình ngày 7 Tháng Sáu của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington cho hay như vậy.

Không ảnh đảo Nam Yết được mở rộng năm 2024. (Hình: AMTI)

Hai năm qua, khi ông Marcos Jr. lên làm tổng thống ở Philippines, ông đã chú ý nhiều đến quyền lợi và chủ quyền biển đảo của Philippines tại Biển Đông (mà Philippines gọi là biển Tây Phi) theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS). Quyết định này dẫn tới sự căng thẳng rất cao mà một số nhà phân tích cho rằng có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ chiến tranh nếu không được kềm chế.

Những tháng qua, dư luận đặc biệt chú ý đến sự tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc ở khu vực bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) nơi Philippines trấn giữ bằng một chiếc hải vận hạm BRP Sierra Madre ủi bãi. Trong khi đó Việt Nam vẫn lặng lẽ cơi nới, mở rộng diện tích rất đáng kể, ít ra tại 10 đảo và bãi đá ngầm mà họ vẫn đang trấn giữ.

Theo AMTI, chỉ trong sáu tháng đầu của năm 2024, Việt Nam đã bồi đắp thêm, mở rộng một diện tích nhiều tương đương với cả hai năm trước cộng lại. Nói khác, năm nay sẽ là năm Việt Nam bồi đắp bãi đá ngầm và mở rộng thêm một số đảo với diện tích kỷ lục, so với những năm trước. Dù sao, so với những công trình bồi đắp và xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc, thì những gì Việt Nam đã thực hiện được còn rất nhỏ.

Kể từ khi AMTI cập nhật lần sau cùng vào Tháng Mười Một, 2023, Việt Nam đã tạo thêm được diện tích mới với 692 mẫu Anh (acres) tại 10 đảo và bãi cạn, so với 404 mẫu làm được trong 11 tháng của năm 2023 và 342 mẫu làm được cho cả năm 2022. Mỗi mẫu Anh tương đương với diện tích 4,047 mét vuông.

Khi cộng lại diện tích mà Việt Nam đã cơi nới và bồi đắp được gồm cả nạo vét, mở rộng các bến cảng ở đảo cũng như bãi cạn, tổng cộng tất cả thì Việt Nam đã tạo thêm được khoảng 2,360 mẫu đất ở Trường Sa, nhưng chỉ bằng khoảng một nửa diện tích mà Trung Quốc đã bồi đắp được tại bảy bãi cạn thành bảy đảo nhân tạo thuộc Trường Sa với 4,650 mẫu.

Ba năm trước, Việt Nam chỉ bồi đắp được lối 329 mẫu, tức khoảng một phần mười diện tích Trung Quốc đã bồi đắp ở khu vực tranh chấp. Cho đến nay, các đảo nhân tạo Vành Khăn (Mischief Reef), Su-bi (Subi Reef), Chữ Thập (Fiery Cross Reef) mà Trung Quốc đã bồi đắp vẫn là những đảo lớn nhất tại Trường Sa. Nếu xếp theo diện tích lớn nhỏ thì bốn đảo và bãi ngầm Việt Nam mới cơi nới thêm, có diện tích lớn tiếp theo, chỉ thua ba đảo nhân tạo của Trung Quốc vừa kể.

Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef) Việt Nam gọi là đảo Thuyền Chài. Họ đã xây dựng trên đây ba tiền đồn mấy năm trước. Sáu tháng qua, Việt Nam đã bồi đắp Thuyền Chài với diện tích thêm từ 238 mẫu lên thành 412 mẫu. Thực thể này hiện có chiều dài đến 4,318 mét. Nếu Hà Nội có ý định lập một phi đạo dài 3,000 mét tương đương với phi đạo Trung Quốc đã xây dựng ở các đảo nhân tạo đá Chữ Thập, đá Vành Khăn, đá Subi, thì đảo Thuyền Chài cho họ cơ hội.

Tại Trường Sa, ba đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp có diện tích lớn nhất, kế đến là bốn đảo và bãi đá của Việt Nam được bồi đắp rộng lớn tiếp theo. (Hình: AMTI)

Hiện phi đạo duy nhất mà Việt Nam có ở khu vực, nằm tại đảo Trường Sa Lớn, chỉ dài có 1,300 mét. Với những nỗ lực đang còn tiếp diễn, những thực thể khác đang thay đổi diện tích từ Tháng Mười Một, 2023, đến nay là: thêm 102 mẫu đất ở đảo Đá Lớn (Discovery Great Reef), thêm 52 mẫu ở đảo Đá Nam (South Reef), thêm 41 mẫu tại đảo Nam Yết (Namyit), và thêm 37 mẫu tại đảo Phan Vinh (Pearson Reef).

Theo AMTI, hoạt động nạo vét tại đảo Phan Vinh thấy vượt quá tiền đồn nằm ở mặt Đông Bắc trong khi đuôi đảo phía Nam cũng được bồi đắp thêm làm các phần đã được cơi nới trước đó lớn hơn nữa cũng như tạo ra kênh rộng hơn cho tàu đi qua.

Việt Nam tiếp tục sử dụng phương thức hoặc cắt rồi hút (san hô) hoặc nạo vét vỏ sò dưới lòng biển để hoàn thành việc bồi đắp. Phương pháp cắt rồi hút phần nhiều được áp dụng, chẳng hạn tại đảo Thuyền Chài.

Vẫn theo bản tường trình của AMTI, cùng với việc tăng tốc cơi nới, nạo hút để mở rộng các đảo và bãi ngầm, Việt Nam cũng đã bắt đầu xây dựng một số cơ sở mới ở những khu vực đã thiết lập tiền đồn. Đáng kể như bến tàu mới tại đảo Nam Yết và bến cảng mới tại đảo Trường Sa Đông (Central Reef). Đồng thời, một số cơ sở phòng thủ cũng được thấy đang xây dựng thêm ở một số thực thể.

Ngoài ra, người ta còn thấy những bãi đáp trực thăng tạm xuất hiện ở những thực thể được mở rộng như tại đảo Đá Lớn (Discovery Great Reef), đảo Đá Lát (Ladd Reef), đá Tiên Nữ (Tennent Reef) và Đá Nam (South Reef). (NTB) [qd]

Việt Nam tăng tốc bồi đắp một số đảo, bãi cạn ở Trường Sa (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten