Việt Nam: ‘Luật Đất đai là vấn đề căn cơ của nạn tham nhũng’

TBT Nguyễn Phú Trọng nói trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai.

NGUỒN HÌNH ẢNH,VOV

Chụp lại hình ảnh,

TBT Nguyễn Phú Trọng nói trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc ngày 10/5 sau 6 ngày nhóm họp tại Hà Nội.

Luật Đất đai mà một trong những chủ đề được bàn thảo tại Hội nghị này.

Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong diễn văn khai mạc rằng nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất.

"Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai. Vì vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết."

"Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?... Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013," ông Trọng nói.

Người đứng đầu Trung ương Đảng nhấn mạnh về điều ông gọi là "Nhận thức như thế nào cho thật đầy đủ, đúng đắn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu".

BBC Tiếng Việt đã hỏi ý kiến của một số nhà quan sát từ Việt Nam về chủ đề này.

Đất đai là một trong những chủ đề được bàn luận tại hội nghị.

NGUỒN HÌNH ẢNH,VGP

Chụp lại hình ảnh,

Đất đai là một trong những chủ đề được bàn luận tại hội nghị.

'Món nợ chưa giải quyết'

Từ TPHCM, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, mô tả đất đai là "nguồn béo bở mà chính quyền không chịu buông".

"Ở Việt Nam có những món nợ 70-80 năm vẫn chưa giải quyết được. Chẳng hạn như luật về lập hội, biểu tình, cho phép có báo chí tư nhân thì từ năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu các vấn đề đó. Cơ chế về pháp luật về đất đai của Việt Nam nó không bình thường. Khi gọi là cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng miền Bắc trước rồi thống nhất miền Nam, thì đưa ra khẩu hiệu "Người cày có ruộng". Cải cách ruộng đất thì chia đất. Rồi đùng một cái đến năm 1980 thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng lại do nhà nước quản lý."

"Nhà nước quản lý là rất tù mù ở chỗ nhà nước là ai? Ở trên là mấy ông Chính phủ rồi xuống dưới có phải nhà nước là mấy ông Ủy ban Nhân dân? Rồi xuống nữa là mấy ông phường xã. Tức là có cái gọi là qui hoạch thì những ông có quyền họ biết là đất sẽ được qui hoạch như thế nào. Thì có thể trong qui hoạch là nhà trẻ khu vui chơi này kia nhưng họ lại điều chỉnh qui hoạch lại thành khu dân cư. Và chính những người trong gia đình họ nhảy ra mua những lô đất đó trước. Đất qui hoạch công thì rẻ như bèo còn khi thành khu dân cư thì tăng lên hàng chục, hàng trăm lần. Đây chính là một món béo bở vô cùng mà chính quyền sẽ không bao giờ chịu buông."

Trả lời câu hỏi BBC về thay đổi nếu có trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong những năm gần đây, luật sư Thuận nói:

"Nhìn về hình thức thì có vẻ đưa tin công khai này kia nhưng về thực chất mọi chuyện vẫn do Đảng quyết định hết. Điển hình nhất là khi Quốc hội đang bàn thảo về ba đặc khu kinh tế là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thì Chủ tịch Quốc hội nói một câu là "thôi các đồng chí đừng thảo luận nữa vì việc này Bộ Chính trị đã quyết rồi."

"Thế thì nếu đã quyết trước rồi thì họp làm gì. Bản chất pháp luật Việt Nam là thể chế chủ trương của Đảng. Tức là cách diễn giải chủ trương của Đảng về mặt pháp luật chứ không được xây dựng về mặt luật pháp. Tức là tại Việt Nam không có phản biện mà chỉ là góp ý dự thảo văn bản. Người ta đặt cương lĩnh của Đảng lên trên Hiến pháp, thì khi nào thay đổi, sửa được cái đó thì mới giải quyết được toàn bộ các vấn đề khác trong đó có Luật Đất đai."

Nhiều bức xúc

Luật Đất đai mới nhất hiện tại là Văn bản hợp nhất giữa Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2014.

Luật này đã được sửa đổi và bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội.

Lại có sửa đổi và bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019.

Theo quyết định của Quốc hội, dự án Luật đất đai (sửa đổi) nằm trong chương trình kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) nhưng Chính phủ tiếp tục xin lùi.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từ Hội An nói với BBC rằng cần phải hủy Luật Đất đai hiện nay.

"Luật Đất đai của Việt Nam hiện là vấn đề căn cơ của nạn tham nhũng. Điều cần làm là phải hủy Luật Đất đai hiện nay đi và lập ra Luật Đất đai mới phù hợp với chính thể cộng hòa dân chủ văn minh."

"Luật Đất đai hiện nay của Việt Nam là luật ăn cướp đất của dân," ông Thành bức xúc.

"Luật gì mà nói rằng đất thuộc sở hữu toàn dân mà do nhà nước quản lý. Đó là cách quốc hữu hóa đất của toàn dân từ đời Hùng Vương tới giờ. Người ta giải phóng miền Nam rồi giải phóng cả đất của dân luôn. Cướp đất như vậy là không được."

"Khi nói đất do nhà nước quản lý thì mấy anh quản lý anh ấy có quyền. Cho đất này là thổ cư, đất kia là đất nông nghiệp, chuyển đổi này kia vô số kiểu, cấp đất cho dự án này dự án kia, thành ra mấy anh công chức trở thành chủ sở hữu quyền sử dụng đất. Và từ đó tạo ra thực trạng anh được cấp đất đi hối lộ cho anh cấp đất. Và bỗng nhiên mấy anh công chức trở nên giàu có tới hàng chục tỷ hàng trăm ngàn tỷ vì anh ăn tiền hối lộ của các anh làm dự án."

"Do vậy phải dẹp bỏ cái gọi là sở hữu toàn dân mà nhà nước quản lý và trở lại chế độ đất là của dân và nhà nước chỉ còn quyền nào đó về hành chính. Chứ còn để Luật đất đai như hiện nay thì không thể chống tham nhũng được," ông Bùi Kiến Thành nói.

Lo lắng

Trong khi đó PGS, TS Phạm Quý Thọ từ Hà Nội nói rằng ông khá lo ngại về gói kích thích nền kinh tế mà Chính phủ triển khai để hỗ trợ thời hậu Covid.

"Covid thì chưa hết nhưng có thể nói là tạm lắng và Chính phủ đang trong quá trình lên kế hoạch lớn phục hồi và rõ ràng là không thể hô hào được mà phải có tiền. Và chúng ta đã biết là chương trình này dự kiến là khoảng 350 ngàn tỉ VND, tức là vào khoảng 14 tỉ USD. Như thế là một khoản rất lớn bơm vào nền kinh tế để hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, người lao động..."

"Tuy nhiên kinh nghiệm xảy ra như chúng ta nhớ lại khoảng 10 năm trước đã từng có việc bơm tiền rất nhiều vào nền kinh tế dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi đó bơm 241 ngàn tỉ VND là số ít hơn bây giờ nhiều nhưng đã làm nền kinh tế điêu đứng. Tất nhiên là có đường lối chung của Đảng nhưng các quan chức được "nuông chiều" quá mức. Tại Việt Nam khi nền kinh tế đang chuyển đổi nhưng vẫn giữ cái toàn trị thì muốn làm ăn được thì phải có quan hệ với quan chức."

"Nguyên nhân là do tiền chảy không đúng địa chỉ, nó chảy qua ngân hàng rồi các doanh nghiệp nhà nước rồi các quan chức quản lý cấp thấp hơn. Khi đội ngũ này suy thoái như thế mà được ẩn nấp và che đậy bởi chính đặc quyền đặc lợi của nó thì nó làm cho nền kinh tế điên đảo mà tôi vẫn gọi đó là "thập niên mất mát của nền kinh tế Việt Nam."

"Bởi vậy nên tôi rất lo ngại chúng ta nếu không cẩn thận lại quay lại thập niên mất mát với quan chức tiếp tục tham nhũng khi anh bơm tiền vội vàng ra ra nhưng lại bơm vào những chỗ để quan chức đầu cơ kiếm lời, nhất là trong bối cảnh quốc tế đang có các vấn đề khó về kinh tế trong đó có cuộc chiến tại Ukraine, còn Trung Quốc theo đuổi chính sách zero Covid," ông Phạm Quý Thọ nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA

Chụp lại hình ảnh,

Ông Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương.

Trung ương Đảng bàn bạc về vấn đề đất đai

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã bế mạc chiều 10/5 sau 6 ngày làm việc.

Phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết giới lãnh đạo của Đảng, tại hội nghị, đã bàn về vấn đề đất đai.

Ông Trọng nói: "Trung ương cho rằng, cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 6 theo hướng tiếp tục khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."

"Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch."

"Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững. Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với các địa phương…," ông Nguyễn Phú Trọng nói trong diễn văn bế mạc.

Việt Nam: ‘Luật Đất đai là vấn đề căn cơ của nạn tham nhũng’ - BBC News Tiếng Việt