Mỹ ngày 25/5 đẩy Nga đến gần bờ vực vỡ nợ bằng cách không gia hạn giấy phép thanh toán cho những người nắm giữ trái phiếu trong lúc Washington gia tăng áp lực sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Bộ Ngân khố Mỹ cuối ngày 24/5 tuyên bố sẽ để cho hết hạn giấy phép, theo đúng lịch trình là từ ngày 25/5, và cho phép Nga thực hiện các khoản thanh toán lãi và đáo hạn với người Mỹ trong các khoản nợ công.
Việc hết hạn này giờ đây dường như khiến Nga khó tránh chuyện không trả được nợ đối với ít nhất 40 tỷ đô la trái phiếu quốc tế.
Các chế tài của phương Tây áp đặt lên Nga sau cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm nay và các biện pháp đáp trả từ Moscow đã khiến việc di chuyển tiền qua biên giới khó khăn hơn nhưng Nga đã nỗ lực để tiếp tục trả tiền cho các trái chủ.
Nhưng với các khoản thanh toán trị giá gần 2 tỷ đô la sẽ đến hạn trước cuối năm nay, nỗ lực đó có thể sớm bế tắc.
Ông Jay Auslander, một đối tác của công ty luật Wilk Auslander, nhận định nếu các trái chủ không nhận được tiền khi đến hạn thanh toán, Nga sẽ bị vỡ nợ.
Hôm 20/5, Nga đã gấp rút thanh toán hai trái phiếu quốc tế - một bằng euro và một bằng đô la - một tuần trước ngày đến hạn.
Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia của Moscow (NSD), nơi các trái phiếu có lãi suất đến hạn vào ngày 27/5 được giải quyết, nói đã nhận được tiền để thanh toán và sẽ thanh toán vào ngày 27/5 nhưng không cho biết cách thực hiện.
Tuy nhiên có khả năng chuyện Nga vỡ nợ không sớm xảy ra dựa trên các điều khoản khác nhau mà trái phiếu của Nga được phát hành trong những năm gần đây.
Bộ Tài chính Nga ngày 25/5 tuyên bố họ có tiền mặt và khả năng sẵn sàng thanh toán, và rằng Moscow sẽ trả nợ nước ngoài bằng đồng rúp để rồi sau đó có thể chuyển đổi thành tiền tệ gốc của Eurobonds.
Bộ Tài chính Nga nói quyết định của Hoa Kỳ không gia hạn giấy phép cho phép Nga giao dịch trái phiếu bằng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài trước tiên.
‘Ăn miếng trả miếng’ tài chính
Trái phiếu không phải là điểm nóng duy nhất khi cuộc chiến tài chính ‘ăn miếng trả miếng’ leo thang.
Các chế tài áp đặt lên Nga vì phát động cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai còn bao gồm việc phong tỏa khoảng phân nửa số tiền 640 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Moscow.
Theo Đức, Liên hiệp châu Âu dường như trong vài ngày tới sẽ nhất trí một lệnh cấm vận nhập khẩu dầu khí Nga.
Moscow gọi cuộc xâm lược kéo dài gần ba tháng ở Ukraine là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ nhằm phi phát xít hoá Ukraine, điều mà Kyiv và các đồng minh phương Tây cho là viện cớ phi lý cho một cuộc chiến vô cớ.
Các nhà lập pháp Nga đang chuẩn bị một dự luật cho phép tiếp quản các công ty nước ngoài đã rời khỏi thị trường Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
Nga trước đây được các tổ chức xếp hạng tín dụng xếp hạng đầu tư, nhưng kể từ khi bùng nổ chiến tranh Ukraine, các cơ quan xếp hạng lớn đã ngừng đánh giá xếp hạng tín dụng Nga và Moscow thực sự bị cấm cửa khỏi thị trường vốn quốc tế.
Ông Alexey Bulgakov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về thu nhập cố định tại Renaissance Capital, nói: “Nền kinh tế Nga đã bị chế tài nặng nề, vì vậy hậu quả trước mắt của vụ vỡ nợ có thể sẽ không có nghĩa lý gì đối với nền kinh tế.”
Nhưng một vụ vỡ nợ sẽ ngăn không cho Nga được quyền tiếp cận lại cho đến khi nào các chủ nợ được hoàn trả đầy đủ và mọi trường hợp pháp lý bắt nguồn từ việc vỡ nợ được giải quyết.
Các vụ vỡ nợ trước đây, chẳng hạn như của Argentina, đã khiến các chủ nợ săn lùng các tài sản vật chất như tàu hải quân và máy bay chở tổng thống của nước này.
Việc này cũng có thể tạo ra các rào cản đối với thương mại, nếu các quốc gia hoặc công ty thường giao dịch với Nga có các quy tắc không cho họ kinh doanh với một thực thể bị vỡ nợ.