donderdag 10 maart 2022

Người Việt ở Ba Lan đón đồng hương từ Ukraine ‘không ngưng nghỉ’

 Người Việt ở Ba Lan đón đồng hương từ Ukraine ‘không ngưng nghỉ’

Đoan Trang/Người Việt thực hiện

WARSAW, Ba Lan (NV) – Trong những ngày này biên giới Ukraine và Ba Lan “nóng” không kém những gì đang xảy ra ngay trong vùng chiến sự khi Nga xâm lược Ukraine. Tại đây, các thiện nguyện viên người Việt hoạt động không ngưng nghỉ để tiếp đón người chạy loạn từ Ukraine vào lãnh thổ Ba Lan.

Mọi người xúm tay chuẩn bị thực phẩm, vật dụng để đón tiếp người tị nạn từ Ukranine sang. (Hình: Facebook Phan Châu Thành)

Tính đến nay, Ba Lan là quốc gia đón nhận người tị nạn Ukraine đông nhất – hơn 1 triệu người. Nhân dịp này, phóng viên nhật báo Người Việt phỏng vấn anh Phan Châu Thành, một trong những người đang tổ chức việc đón người tị nạn từ Ukraine sang Ba Lan lánh nạn.

Biên giới Ba Lan “mở toang” cửa đón người tị nạn từ Ukraine

*Người Việt: Thưa anh, tình hình người Việt chạy loạn từ Ukraine qua biên giới Ba Lan như thế nào? 

-Anh Phan Châu Thành: Cho đến thời điểm này, trong số hàng ngàn người Việt chạy từ Ukraine qua đường biên giới Ba Lan, tất cả đều trong tình cảnh hết sức thương tâm.

Từ Thứ Sáu, 25 Tháng Hai, ngay sau ngày ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, tấn công Ukraine, chúng tôi đã có mặt tại cửa khẩu Zosin, là một trong những cửa khẩu rất nhỏ, cách nhà 317 km (gần 197 dặm). Từ Ba Lan sang Ukraine có 14 cửa khẩu, gồm 10 cửa khẩu lớn đi lại rất dễ dàng, còn bốn cửa khẩu nhỏ chỉ là những con đường mòn, nơi ít người qua lại. Khi chiến tranh nổ, mọi người chạy bán sống bán chết. Gặp đâu là chạy đấy. Ở Zosin tuy nhỏ, nhưng dòng người đổ về khá đông. Biên phòng và cảnh sát Ba Lan tạo điều kiện tốt nhất, đưa chúng tôi đến ngay sát đường biên giới để cắm lều trại đón người tị nạn.

Anh Phan Châu Thành. (Hình: Facebook Phan Châu Thành)

*Người Việt: Ngoài đường đi khó khăn, thời tiết khí hậu bên đó thế nào, và mọi người có được chỗ an toàn không, thưa anh?

-Anh Phan Châu Thành: Bên này đang mùa Đông, lạnh lắm. Ban đêm có khi nhiệt độ rớt xuống còn âm 6 độ C. Chiến tranh nổ ra, chính phủ Ukraine tổng động viên nam giới từ 18 đến 60 tuổi phải ở lại chiến đấu, nên người di tản chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em. Họ xếp hàng dài chờ làm thủ tục. Không ai dám bỏ đi, vì sợ bỏ hàng thì không quay trở lại được. Có khi họ phải đứng chờ như thế suốt hai ngày mới qua được biên giới. Mọi chuyện đều “giải quyết” trong hàng, kể cả đi vệ sinh.

Đó là bên phía Ukraine, chứ qua được Ba Lan và vào được lều trại của chúng tôi thì yên tâm, nhưng khi ấy, mọi người gần như suy sụp. Chúng tôi chuẩn bị sẵn lò sưởi, chủ yếu sưởi ấm cho trẻ em, và thức ăn nóng cho mọi người.

Tình trạng này kéo dài gần một tuần, các thiện nguyện viên thay nhau mỗi lần đi một đội chừng năm, sáu người đến biên giới. Lúc đầu, họ ở lại hai ngày rồi về, nhưng sau đó không ai chịu nổi, chỉ có thể đi từ sáng sớm hôm nay, rồi sáng sớm hôm sau quay trở về. Có sáu nhóm đi như thế đi để cung cấp lương thực, nước uống, vật dụng, và đón người tị nạn.

Chuyến xe chở người tị nạn từ Ukraine đi Đức, sau khi qua được Ba Lan. (Hình: Facebook Phan Châu Thành)

Chiến tranh xảy ra, chính phủ Ba Lan rất nhân đạo, biên phòng Ba Lan rất tình người, đến mức không ngờ.

Đó là vào ngày Thứ Bảy, chúng tôi đang ở biên giới thì nghe phía bên mình (Ba Lan) báo động. Đó là khi Belarus tràn lên Ukraine, một quả pháo nổ chỉ cách nơi chúng tôi và các thiện nguyện viên đang chờ đón dân tị nạn khoảng 15 km (9.3 dặm). Lúc vừa nghe một tiếng “bùng” rất lớn, bên Ba Lan mở toang cửa biên giới luôn. Họ đẩy tất cả mọi người, trong đó có cả chúng tôi ra xa để tránh bom rơi đạn lạc. Và cứ thế, họ lùa hết dòng người đang xếp hàng qua lãnh địa Ba Lan, không cần xét giấy tờ gì cả. Tôi nghĩ lúc đó cũng có cả chục ngàn người.

Lều đón tiếp người tị nạn ở cửa khẩu Zosin, biên giới Ukraine-Ba Lan vài ngày sau khi Nga tấn công Ukraine. (Hình: Facebook Phan Châu Thành)

Vẫn còn nhiều người tử tế

*Người Việt: Được biết, Ba Lan là quốc gia đón số người từ Ukraine sang tị nạn đông nhất, cho đến thời điểm này. Việc tiếp nhận người sang lánh nạn hiện nay như thế nào, sau hơn 10 ngày qua, thưa anh?

-Anh Phan Châu Thành: Thấy ông Putin “chơi bẩn,” người dân Ba Lan rất căm, nên họ đồng lòng giúp người Ukraine không chỉ bằng thực phẩm, vũ khí, mà còn mở rộng cửa đón người tị nạn vào, ngay ở biên giới cho đến từng gia đình trong thành phố.

Tại thành phố Warsaw, nơi chúng tôi đang sống, có khoảng 1.8 triệu dân (tức là khoảng 450,000 gia đình), mà mỗi ngày chính phủ nhận vào cả trăm ngàn người, ít cũng 80,000 người. Tính ra, cứ năm gia đình ở đây, thì có một gia đình nhận người tị nạn.

Tuy có một số lượng lớn người nhập vào như thế, nhưng tình hình mấy ngày qua cũng không đến nỗi quá sức chứa, trại tị nạn cũng còn chỗ. Lý do, sau khi nhận được lời kêu gọi là ai có điều kiện thì tiếp đón người tị nạn về nhà, nhiều người hưởng ứng. Hiện tại trong nhà tôi cũng có tám người Ukraine đang trú ngụ.

Người Việt từ Ukraine sang được đưa vào trại, hoặc ở trong chùa. Các công ty có mặt bằng cho mượn để làm điểm tiếp nhận. Người Việt ở Ba Lan khoảng 25,000 người, và 25-30% trong số đó tiếp nhận người Việt từ Ukraine vào để tá túc.

Chăn mền được chuẩn bị chu đáo để đón người tị nạn. (Hình: Facebook Phan Châu Thành)

*Người Việt: Những người muốn đi sang nước thứ ba, được các anh giúp đỡ như thế nào?

-Anh Phan Châu Thành: Nhiều người Việt tị nạn muốn sang Đức. Chúng tôi thuê xe buýt đưa họ đi, vì từ chỗ chúng tôi tới biên giới Đức cũng cả ngàn cây số. Chúng tôi tổ chức được chuyến đầu tiên đưa 53 người sang Đức. Bạn bè của chúng tôi bên Đức chờ sẵn và giúp họ làm thủ tục nhập trại tị nạn. Sau này nếu cần, người tị nạn cũng được giúp tìm công ăn việc làm.

Sáng 9 Tháng Ba, có chuyến thứ hai, đưa 57 người sang Đức. Và chuyến thứ ba vào Chủ Nhật, 12 Tháng Ba.

Ngoài ra, chúng tôi vẫn liên tục tiếp tế cho người bên Ukraine, ở Kiev hay Kharkiv. Trong 12 ngày qua, chúng tôi đã chuyển đi được 11 chuyến xe vận tải đầy ắp hàng hóa, đồ hộp, bánh mì, thiết bị vệ sinh, thuốc men, bông băng, và có cả đèn pin, vì bên ấy bị ngắt hết điện, không còn ánh sáng.

Trong tình thế này, lúc hoạn nạn, có thể nói, cộng đồng người Việt ở đây rất tuyệt vời. Mọi người đoàn kết, cùng nhau làm mà không cần ai kêu gọi. Tất cả đều đồng lòng theo tiêu chí “không để ai bị bỏ rơi.”

Hàng hóa đóng sẵn chờ chở đi tiếp tế cho người Ukraine. (Hình: Facebook Phan Châu Thành)

Có các bà mẹ Việt, đem những chiếc xe đẩy của trẻ em ra đường, để người Ukraine nào cần thì cứ lấy dùng. Đêm hôm qua có 1,000 cháu người Ukraine chạy sang Ba Lan. Gấp quá, chính quyền không đủ mền. Tôi thông báo trên group, thì có một bạn người Việt tặng ngay cho 1,000 cái mền. Tôi tiếp nhận và chuyển gấp đến trại tị nạn cho các cháu. Nhìn những đứa trẻ chạy loạn sang đây, mà rơi nước mắt.

Lúc phải đón người tị nạn ở vùng biên giới, nhiều người Việt ở thành phố tôi bất chấp giờ giấc, nửa đêm hay sáng sớm, cứ thấy ai kêu “gia đình em từ Ukraine sang mà không có chỗ ở” là xách xe chạy đi đón. Đường xa, mà chẳng ai quản ngại khó khăn. Chính tôi còn phải nhìn các anh ấy bằng con mắt ngưỡng mộ, mặc dù họ chỉ là những người bình thường, làm công ăn lương, không giàu sang gì cả, nhưng có tấm lòng hết sức cao quý. Ngay lúc này, chỉ có tình người mới xoa dịu được những nỗi đau không gì diễn tả nổi.

Những hy sinh của họ đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Tôi làm thiện nguyện hơn chục năm qua, thấy cuộc đời nhiều thứ khốn nạn lắm. Nhưng giờ tôi suy nghĩ lại rồi, cảm thấy mình sai, và nhận ra rằng: người tử tế vẫn nhiều hơn những tên khốn nạn.

Nước, thực phẩm, hàng hóa chở đi tiếp tế cho người dân Ukraine. (Hình: Facebook Phan Châu Thành)

*Người Việt: Anh nhận định tình hình những ngày tới sẽ như thế nào?

-Anh Phan Châu Thành: Dòng người tị nạn sẽ còn sang rất đông, chuyện chuyên chở vẫn chưa hết khó khăn, vì hiện tại không dễ gì để thuê xe. Những người đã đặt chân đến đất nước Ba Lan, dù tiếp tục đi nơi khác hay ở lại, ai cũng còn trong cơn hoảng loạn vì chưa biết tương lai như thế nào.

Hiện nay, chúng tôi đã làm xong danh sách những nơi có thể tạo công ăn việc làm cho người tị nạn, như quán cần phụ bếp, tiệm cần nhân viên… Rồi xin trường cho trẻ em đi học, tìm nơi ăn chốn ở ổn định cho các gia đình.

Những ai muốn sang nước khác tị nạn, chúng tôi tiếp tục tổ chức các chuyến xe để đưa họ đến được những nơi họ muốn. Mọi chuyện chúng tôi làm đều miễn phí, vì người tị nạn trắng tay, họ không còn gì cả. Trước thảm kịch này, nhiệm vụ của chúng tôi đặt ra là chia sẻ được tí nào hay tí nấy.

Chuyến xe thứ hai từ Warsaw chở người tị nạn Ukraine sang Đức sáng 9 Tháng Ba. (Hình: Facebook Phan Châu Thành)

Hôm nay chúng tôi chứng kiến một đứa bé cỡ 2, 3 tuổi cứ khóc tấm tức dù được mẹ bế trên tay. Cháu đòi bố. Bố cháu chắc đang ở lại để tham gia chiến trường. Mẹ cháu bé thì mệt lử, chắc đã nhiều giờ bế nó trên tay. Những người đàn ông đứng cạnh, xin bế cháu để người mẹ đỡ mệt. Cứ được 2, 3 phút, cháu bé lại giãy nảy lên, khóc. Một ông vội kéo khẩu trang che mặt, giả làm bố cháu. Nó theo được một lúc, sờ râu, phát hiện không phải bố, lại khóc thét lên.

Chiến tranh chỉ có chuyện buồn. Còn lương tri, không thể nào im lặng, ngồi yên trong lúc này. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: doantrang@nguoi-viet.com

Người Việt ở Ba Lan đón đồng hương từ Ukraine ‘không ngưng nghỉ’ (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten