donderdag 20 januari 2022

Trung Quốc đóng cửa, thanh long Bình Thuận “gõ cửa” thị trường Ấn Độ

 

Trung Quốc đóng cửa, thanh long Bình Thuận “gõ cửa” thị trường Ấn Độ

Trung Quốc đóng cửa, thanh long Bình Thuận “gõ cửa” thị trường Ấn Độ - ảnh 1

Các cửa khẩu biên giới đất liền sang Trung Quốc đóng cửa, trái thanh long Bình Thuận bắt đầu tìm đến thị trường Ấn Độ nhiều hơn.

Ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, cho biết ngày 19.1 Bình Thuận sẽ tham dự Hội nghị xúc tiến xuất khẩu thanh long vào thị trường Ấn Độ (trực tuyến) do Đại sứ quán Việt Nam (VN) tại Ấn Độ và Bộ Công thương tổ chức.

Theo công văn của Đại sứ quán VN tại Ấn Độ, sản lượng thanh long VN chiếm tới 80% xuất đi Trung Quốc. Từ khi phía Trung Quốc tạm ngưng thông quan một số cửa khẩu biên giới đất liền khiến tình trạng dư thừa thanh long trong nước không tiêu thụ được.

Để giúp đỡ người nông dân và giải quyết tình trạng khó tiêu thụ thanh long, Đại sứ quán VN tại Ấn Độ phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương, các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và các cơ quan xúc tiến thương mại tại Ấn Độ tổ chức.

Trung Quốc đóng cửa, thanh long Bình Thuận “gõ cửa” thị trường Ấn Độ - ảnh 1

Thu mua thanh long để xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận

QUẾ HÀ

Ấn Độ là thị trường rộng lớn đầy tiềm năng

Theo Đại sứ quán VN tại Ấn Độ, hiện nay nước này nhập khẩu 95% nhu cầu về thanh long, từ các nước như Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka nhưng chủ yếu vẫn nhập từ VN (chiếm 80% sản lượng thanh long nhập khẩu).

Năm 2019-2020, sản lượng thanh long của VN xuất sang thị trường Ấn Độ tăng gần gấp đôi, hơn 11.750 tấn, kim ngạch đạt 9,86 triệu USD. Tuy nhiên, vụ mùa 2020-2021 kim ngạch xuất khẩu thanh long của VN vào Ấn Độ giảm khoảng 25%.

Trung Quốc đóng cửa, thanh long Bình Thuận “gõ cửa” thị trường Ấn Độ - ảnh 2

Thanh long đóng gói xuất khẩu ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận

QUẾ HÀ

Từ tháng 4 đến tháng 10.2021, Ấn Độ nhập khẩu thanh long của VN đạt kim ngạch 5,98 triệu USD (trong tổng số 6,85 triệu USD nhập từ các nước khác, tăng tới 211,31% so cùng kỳ).

Cũng theo Đại sứ quán VN tại Ấn Độ, quốc gia này là thị trường rộng lớn, có nhu cầu rất cao về tiêu thụ trái cây và nhạy cảm với các biến động về giá cả. Vì vậy, việc giá thanh long của VN giảm sâu do phía Trung Quốc không thu mua có thể nghiên cứu đẩy mạnh việc xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.

Tại hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ thanh long do Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 6.1, Tham tán thương mại VN tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng khẳng định: “Ấn Độ là nước với 1,4 tỉ dân, là một thị trường đầy tiềm năng cho trái cây VN nói chung và trái thanh long nói riêng”.

Trung Quốc đóng cửa, thanh long Bình Thuận “gõ cửa” thị trường Ấn Độ - ảnh 3

Xe chở thanh long tại một bãi xe ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

NGUYỄN VĂN HIỀN

Tết Nguyên đán cần tiêu thụ gần 100.000 tấn thanh long

Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNN Bình Thuận, cho biết sản lượng thanh long thu hoạch trong tháng 1.2022 của nông dân trên địa bàn khoảng 80.000 tấn; sang tháng 2.2022 khoảng 35.000 tấn. Đến tháng 3.2022 tổng sản lượng thanh long thu hoạch khoảng 236.700 tấn (bằng 30% sản lượng cả năm).

Trung Quốc đóng cửa, thanh long Bình Thuận “gõ cửa” thị trường Ấn Độ - ảnh 4

Thanh long chín dịp Tết Nguyên đán khó tiêu thụ khiến nông dân thiệt hại nặng

QUẾ HÀ

Như vậy, trong dịp tết Nguyên đán thanh long chín ở Bình Thuận cần tiêu thụ gần 100.000 tấn. Đây là lứa thanh long chạy điện phục vụ bán tết và mùa xuất khẩu sang Trung Quốc hằng năm. Tuy nhiên, giờ hầu hết các cửa khẩu giáp với biên giới Trung Quốc đã đóng cửa, thanh long tiêu thụ nội địa rất khó vì quá nhiều. “Đâu phải chỉ có Bình Thuận bán đâu, còn có tỉnh Long An và Tiền Giang sản lượng trái chín mùa này cũng rất lớn, không biết bán đi đâu. Thiệt hại của bà con trồng thanh long năm nay là điều không tránh khỏi”, ông Tấn cho biết.

Còn ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận thông tin, hiện nay số lượng xe chở trái cây, trong đó có thanh long Bình Thuận đang ùn ứ tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) khoảng 1.000 xe. Trong khi đó lượng xe chở trái cây lên cửa khẩu này vẫn nhiều, khoảng 100 xe/ngày. Do cửa khẩu quá tải nên bắt đầu từ 0 giờ sáng nay (18.1), tỉnh Lào Cai dừng tiếp nhận xe chở trái cây đến Kim Thành cho đến khi có thông báo mới. Ông Tài cho biết: “Chúng tôi đã gửi thông báo khẩn đến các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu ngừng đưa thanh long đến Lào Cai nhằm tránh hư hỏng, thiệt hại khi không thông quan được hàng. Đồng thời, gửi công văn đến các doanh nghiệp có sàn thương mại điện tử, đề nghị thông tin sản phẩm thanh long, dưa hấu để các doanh nghiệp trong và ngoài nước kết nối, tiêu thụ”.

Trung Quốc đóng cửa, thanh long Bình Thuận “gõ cửa” thị trường Ấn Độ - ảnh 5

Bình Thuận là tỉnh có diện tích thanh long lớn nhất cả nước, khoảng 35.000 ha

QUẾ HÀ

Phải mở rộng thị trường xuất khẩu

Chị Ngọc Hà, chủ doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết, trước đây doanh nghiệp chị chỉ thu mua thanh long đi Trung Quốc. Nhưng nay thị trường Trung Quốc rủi ro rất cao nên chuyển hướng sang xuất chính ngạch. “Tôi chuyển sang làm hàng chính ngạch, vẫn xuất đi Trung Quốc và sản lượng ít hơn, nhưng an toàn, bớt rủi ro. Tôi mới tìm được một bạn hàng xuất bằng đường biển và đã xuất được 3 container. Hi vọng năm 2022 việc xuất bằng đường biển sẽ thuận lợi hơn khi nhiều doanh nghiệp xuất trái cây sang châu Âu và các thị trường khác”, chị Hà chia sẻ.

Trung Quốc đóng cửa, thanh long Bình Thuận “gõ cửa” thị trường Ấn Độ - ảnh 6

Đóng gói thanh long xuất khẩu tiểu ngạch

QUẾ HÀ

Còn bà Lê Phương Chi, đại diện HTX thanh long Hàm Minh 30 (H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), cho biết toàn bộ HTX này có khoảng 75 ha, nhưng trồng theo tiêu chuẩn Globaul GAP. Sản phẩm thanh long ở HTX này chỉ phục vụ đi chính ngạch sang các thị trường khó tính ở châu Âu, Đài Loan và mới đây là Nhật. “Chúng tôi bán thanh long cho một nhà máy của Nhật, họ có nhà máy hấp nhiệt và tự xuất đi Nhật. Dù hàng đi Trung Quốc có gặp khó khăn, nhưng nếu thanh long đạt chuẩn, tìm kiếm được đối tác ở thị trường Châu Âu thì giá bán bây giờ vẫn khoảng 22.000 đồng/kg”- bà Chi cho hay. Theo bà Chi, một chuyến hàng đi đường biển sang châu Âu, hay Nhật phải mất từ 30-40 ngày.

“Tuy nhiên, nếu bị tàu delay thì trái sẽ hư hỏng và thiệt hại là vẫn khó tránh khỏi. Vấn đề là các doanh nghiệp xuất họ có container nhận hàng và đảm bảo thời gian”- bà Chi chia sẻ.

Lãnh đạo Sở Công thương và Sở NN-PTNT Bình Thuận đều thừa nhận việc thanh long tỉnh này quá phụ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc và khuyến cáo các doanh nghiệp và người trồng thanh long chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP hay châu Âu để đưa thanh long tới nhiều thị trường khó tính khác.

Dưa hấu tết sẽ giống thanh long ?

Theo Sở Công thương Bình Thuận, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 255 ha dưa hấu, tập trung ở Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và nhiều nhất là Đức Linh (khoảng 135 ha). Toàn bộ diện tích này bà con trồng đều phục tết Nguyên đán, sản lượng khoảng hơn 300 tấn; thu hoạch bắt đầu từ 25.1. Hiện Sở Công thương Bình Thuận đề nghị các sàn thương mại điện tử kết nối với các doanh nghiệp, nhất là các siêu thị trong nước tiêu thụ dưa hấu giúp bà con nông dân, tránh tình trạng dưa đầy ruộng mà không ai mua như những năm trước đây.

Nguồn: thanhnien.vn/trung-quoc-dong-cua-thanh-long-binh-thuan-go-cua-thi-truong-an-do-post1422377.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten