Nhập viện vì COVID tại Mỹ ngày 10/1 lên tới mức cao kỷ lục, theo Reuters, trong lúc lây nhiễm tăng mạnh vì biến thể Omicron làm hệ thống y tế căng thẳng tại một số tiểu bang.
Hiện có 132.646 người nhập viện vì COVID, vượt mức kỷ lục 132.051 hồi tháng Giêng năm ngoái.
Số bệnh nhân COVID nhập viện tăng đều từ tháng 12 năm ngoái, tăng gấp đôi trong 3 tuần qua, trong lúc Omicron nhanh chóng ‘soán ngôi’ Delta trở thành chủng chiếm ngự tại Mỹ.
Các bang Delaware, Wisconsin, Illinois, Maine, Maryland, Missouri, Ohio, Pennsylvania, Vermont, Virginia, và thủ đô Washington cùng lãnh thổ Puerto Rico và Virgin Islands thuộc Mỹ đã báo cáo mức nhập viện kỷ lục gần đây vì COVID, theo Reuters.
Dù Omicron có khả năng gây bệnh nhẹ hơn, nhưng các giới chức y tế cảnh báo số ca nhiễm cao do biến thể Omicron gây ra có thể làm căng thẳng các hệ thống y tế. Một số bệnh viện đã ngưng các cuộc giải phẫu không khẩn cấp trong lúc các bệnh viện chật vật đối phó với bệnh nhân COVID tăng mạnh giữa lúc thiếu hụt nhân viên.
Trung bình bảy ngày, số ca nhiễm đã tăng gấp đôi trong 10 ngày qua đến mức 704.000 ca. Trong 6 ngày liên tiếp vừa qua, Mỹ trung bình mỗi ngày có trên nửa triệu ca nhiễm, theo Reuters.
Từ đầu năm tới nay chỉ 7 tiểu bang chưa đạt kỷ lục về số ca nhiễm COVID là Arizona, Idaho, Maine, Montana, North Dakota, Ohio và Wyoming, theo Reuters.
Khu vực thủ đô Washington, đang dẫn đầu nước Mỹ về số ca nhiễm mới trong tuần qua dựa trên dân số. Tiếp theo là Rhode Island, New York, New Jersey, Massachusetts và Vermont.
Số người chết trung bình là 1.700 người/ngày, tăng từ khoảng 1.400 ca trong những ngày gần đây.
Omicron tăng mạnh, Mỹ phá kỷ lục nhập viện vì COVID (voatiengviet.com)
Các bệnh viện ở Mỹ, nhất là ở các bang Bờ Đông, đang tràn ngập bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron của COVID-19, nhưng tình hình ‘đỡ căng thẳng hơn’ so với đợt bùng phát dịch hồi đầu năm 2020 với ít ca bệnh nặng và ít ca tử vong hơn, theo tìm hiểu của VOA.
Trước đó, khi vừa bước qua năm mới 2022, nước Mỹ ghi nhận hơn 1 triệu ca dương tính mới vào ngày 3/1, theo số liệu từ Đại học Y khoa Johns Hopkins, đánh dấu thêm một kỷ lục buồn nữa trong đại dịch COVID-19 vốn đã kéo dài qua năm thứ ba ở Mỹ.
Cũng theo Đại học Johns Hopkins, cho đến nay nước Mỹ đã có tổng cộng 56 triệu ca nhiễm được xác nhận và 827.748 người chết vì COVID-19. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì nhiều người Mỹ tự xét nghiệm ở nhà mà không báo cáo, theo các nhà phân tích.
Bệnh viện tràn ngập
Làn sóng lây nhiễm Omicron đã khiến cho hệ thống y tế Mỹ rất vất vả. Một bệnh viện ở Fort Lauderdale, bang Florida, đã buộc phải đóng khoa phụ sản do thiếu nhân sự, tờ The Hill cho biết. Còn ở Atlanta, bang Georgia, 6 hệ thống bệnh viện lớn ghi nhận số ca COVID-19 nhập viện tăng từ 100% đến 200%, theo CNN.
Đài này cũng dẫn số liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cho biết tỷ lệ trưng dụng số giường chăm sóc đặc biệt (ICU) ở Mỹ vào cuối tuần trước là 78%.
“Bệnh viện đã đầy, ICU cũng hết giường, và tất nhiên đồng thời chúng tôi cũng mất từ 20 đến 25% số nhân lực trong bệnh viện do họ bị bệnh, phải ở nhà cách ly,” ông Anand Swaminathan, một bác sĩ cấp cứu ở New Jersey, được CNN dẫn lời nói.
Một vấn đề nữa là khi nhiều người đến bệnh viện để xét nghiệm Covid-19, ông cho biết, họ đã chờ đợi hàng giờ để cuối cùng được thông báo là hết bộ xét nghiệm.
“Các phòng cấp cứu, bệnh viện, chúng tôi không được trang bị để thực hiện xét nghiệm mọi người cần,” ông Swaminathan nói thêm. “Nhưng chúng tôi biết chúng tôi là lựa chọn duy nhất mà họ còn có thể tìm đếnn.”
Trung tâm Y khoa Khu vực Thủ đô thuộc Đại học Maryland hôm 31/12 cho biết họ đã kích hoạt quy trình khẩn cấp do sự gia tăng mạnh số ca nhiễm làm quá tải các khoa cấp cứu trong khi nhân lực tại chỗ thiếu thốn, cũng theo CNN. Trong khi ở New York và New Jersey, 31 cơ sở của hệ thống bệnh viện CityMD tạm thời đóng cửa để ‘duy trì năng lực cung cấp nhân sự cho các bệnh viện chúng tôi’, CityMD cho biết trên trang web của mình.
Nhiều người nhập viện chưa được chủng ngừa. Họ thường bị viêm phổi nặng và cần được đặt nội khí quản, Tiến sỹ Catherine O’Neal, giám đốc y khoa thuộc Trung tâm Y tế Our Lady of the Lake ở Baton Rouge, bang Louisiana, nói với CNN, trong khi những người khác chưa được tiêm mũi tăng cường hoặc chỉ mới được một mũi có triệu chứng giống như cúm, nhưng hầu hết đều được xuất viện chỉ sau một vài ngày,
Tại hạt Hennepin, bang Minnesota, Tiến sĩ Andrea Rowland-Fisher, chuyên về cấp cứu, nói tìm giường bệnh là ‘hết sức vất vả’
“Chúng tôi có các bệnh viện ở nông thôn Minnesota không có năng lực chăm sóc những người bệnh nặng mà không thể tìm ra chỗ cho bệnh nhân chuyển viện,” bà nói với CNN.
Tiến sĩ Megan Ranney, bác sĩ cấp cứu và phó trưởng khoa tại Trường Y tế Công cộng Brown, cho biết rất khó để mô tả tình hình trong khoa cấp cứu ở bệnh viện của bà với bác sĩ và y tá đang làm việc hết tốc lực.
“Bệnh viện của chúng tôi đang làm mọi thứ có thể. Chỉ là không có đủ người và không có đủ chỗ,” bà nói thêm.
‘Phần đông bệnh nhẹ’
Còn tại vùng thủ đô Washington D.C., ông Lê Đình Khôi, một bác sỹ gây mê tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện Medstar, nói với VOA bệnh viện ông tiếp nhận số bệnh nhân COVID cao hơn từ 70 đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái, và phần đông trong số này ‘nhiễm biến thể Omicron’.
“Số ca nhiễm đã tăng liên tục trong vòng một tháng qua, và tăng vọt sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới,” bác sỹ Khôi cho biết.
Tuy nhiên, do bệnh viện ông đã quen với quy trình chữa trị bệnh nhân COVID-19 và cũng đã ‘chuẩn bị sẵn sàng’ từ trước nên ‘không gặp khó khăn gì trong đợt bùng phát lần này’.
Vấn đề lớn nhất mà bây giờ bệnh viện ông gặp phải là tình trạng thiếu người. “Do con Omicron này lây lan quá nhanh, nhiều nhân viên bệnh viện bị nhiễm phải về nhà cách ly nên bệnh viện thiếu nhân lực,” ông nói thêm.
Do quy định mới của CDC yêu cầu chỉ cách ly 7 ngày nên cũng đỡ căng thẳng hơn trước, cũng theo lời ông, nhưng số nhân lực còn lại phải làm quàng việc của những người đi cách ly.
Mặc dù số ca nhiễm tìm đến bệnh viện nhiều nhưng ‘phần đông không bị nặng sẽ được cho về nhà tự cách ly’, bác sỹ Khôi nói. Do đó, hiện giờ bệnh viện vẫn còn giường và còn chỗ trong ICU cho các ca nặng, ‘không đến mức độ căng thẳng như hồi năm ngoái’.
“Năm rồi phải trưng dụng giường bệnh các khoa khác, chẳng hạn như giải phẫu hay bệnh nhân đặt dịch vụ (elective), nhưng đến giờ chưa đến mức đó,” ông nói.
“Số ca chết vì COVID bây giờ vẫn nhỏ, vẫn bình thường không tăng như số ca nhiễm Omicron,” ông nói và chỉ ra việc số ca nhập viện và tử vong không tăng tương ứng với số ca nhiễm là chỉ dấu cho thấy ‘biến thể Omicron nhẹ hơn’.
Triệu chứng của những ca nhiễm Omicron, theo bác sỹ Khôi, là ‘giống như cúm’, chẳng hạn như ‘đau cổ, có đờm, ho, không sốt’ và ‘hoàn toàn không có khó thở, mất vị giác, đau nhức’ như ở các ca nhiễm biến thể Delta.
Theo quan sát của vị bác sỹ gây mê này thì trong số những người bệnh nặng phải nhập viện, ‘có đến 75% là không chích ngừa’.
‘Tăng từ từ’
Còn tại Inova, một hệ thống bệnh viện hàng đầu ở phía bắc bang Virginia, một nhân viên ở đây nói với VOA với điều kiện giấu tên do không được phép phát ngôn rằng bệnh viện đã ‘kích hoạt hệ thống khẩn cấp điều trị bệnh nhân COVID-19 kể từ ngày 3/1’.
“Tính đến sáng 6/1, bệnh viện này có khoảng 400 bệnh nhân COVID đang được điều trị,” nhân viên này nói và cho biết hiện giờ bệnh viện ‘vẫn chưa quá tải’ vì ‘những ai bệnh nhẹ đều được cho về hết’.
Tại bang California, vốn từng là tâm điểm dịch ở nước Mỹ hồi năm ngoái, một y tá làm việc cho bệnh viện Kaiser ở San Jose, cho VOA biết hiện giờ tất cả nhân viên bệnh viện ‘đều phải xét nghiệm COVID mỗi ngày, ai bị dương tính bắt buộc phải nghỉ ở nhà’.
Riêng về số ca nhiễm mới, y tá này cho biết ‘đang tăng từ từ’ nhưng ‘vẫn chưa nhiều bằng năm ngoái’. “Có lẽ chưa đến lúc cao điểm,” ông nói với VOA với điều kiện ẩn danh vì bệnh viện ông không cho phép nhân viên cung cấp thông tin cho báo chí.
“Năm nay thì không ai lo lắng gì như năm ngoái vì đã sống chung với dịch từ tháng 3 năm 2020. Năm ngoái ai cũng sợ vì bệnh mới quá, lại chưa có vaccine, chưa hiểu rõ cách lây lan. Giờ thì không ai ngạc nhiên hay sợ hãi nữa, và cũng bớt lúng túng hơn cho nên mọi chuyện xử lý bệnh nhân COVID vẫn diễn ra theo trình tự về các biện pháp an toàn,” ông cho biết.
“Phần lớn bệnh nhân nhiễm COVID sau này là những người không tin vaccine, không chịu chích ngừa,” ông cho biết. “Thậm chí khi mình hỏi là sau khi xuất viện có muốn chích ngừa để tránh tái nhiễm hay không thì họ vẫn nói là không cần vì họ tin rằng sau khi bị COVID thì cơ thể họ đã miễn nhiễm.”
Làn sóng Omicron ở Mỹ: bệnh viện quá tải, nhưng ít ca tử vong (voatiengviet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten