donderdag 20 januari 2022

Nhờ đâu mà Việt Nam chích ngừa COVID-19 vượt Mỹ?

 

Nhờ đâu mà Việt Nam chích ngừa COVID-19 vượt Mỹ?

Việt Nam đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử để kiểm soát dịch COVID-19

Tâm lý sợ dịch bệnh, thân thiện với vaccine cùng kinh nghiệm tiêm chủng lâu năm là những nguyên nhân khiến Việt Nam bứt phá từ một nước có tỷ lệ chích ngừa COVID-19 thấp nhấp vươn lên nằm trong nhóm nước dẫn đầu thế giới.

‘Đi sau về trước’

Theo trang OurWorldinData, trang theo dõi số liệu toàn cầu của trường Đại học Oxford, Anh, thì Việt Nam hiện đã tiêm ngừa đầy đủ cho gần 70% dân số trưởng thành, còn nếu tính cả số người đã chích một mũi thì tỷ lệ người dân trưởng thành ở Việt Nam đã chích là 79%.

Nếu tính theo tỷ lệ này thì Việt Nam hiện xếp thứ 11 thế giới, sau các nước UAE, Bồ Đào Nha, Cuba, Chile, Singapore, Trung Quốc, Canada, Ý, Nhật và Pháp.

Tuy nhiên, số lượng thống kê chính thức của phía Việt Nam cao hơn nhiều so với con số ghi nhận của quốc tế. Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ thì tính đến ngày 12/1, Việt Nam đã bao phủ gần 93% mũi hai và gần 100% mũi một cho dân số trưởng thành và ‘nằm trong nhóm 6 nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới’.

Cũng theo số liệu của OurWorldinData, Mỹ hiện xếp thứ 14 tiếp sau Việt Nam, Brazil, Anh, với 62,5% dân số đã chích đủ hai mũi và 75% đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, số liệu của Mỹ trên OurWorldinData được tính đến đến ngày 15/1/2022 trong khi số liệu của Việt Nam chỉ tính đến hết năm ngoái.

Còn theo số liệu tuyệt đối, theo thống kê của CNN, tính đến ngày 18/1, Việt Nam đã tiêm được gần 169 triệu liều vaccine COVID-19, xếp thứ 7 thế giới, sau Trung Quốc với gần 2,95 tỷ liều, Ấn Độ với trên 1,57 tỷ liều, Mỹ với gần 527 triệu liều. Tiếp sau Mỹ là Brazil, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu tính theo số mũi đã chích trên 100 dân thì với 172 mũi, Việt Nam hiện xếp thứ 46 còn Mỹ xếp ở hạng 62 với 159 mũi.

Đáng lưu ý là Việt Nam triển khai chương trình chích ngừa COVID-19 muộn hơn hầu hết các nước trên thế giới. Trong khi Mỹ, Anh, Canada nằm trong những nước đầu tiên triển khai chích ngừa COVID-19 kể từ cuối năm 2020 thì Việt Nam mãi đến gần ba tháng sau mới bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, sau hầu hết các nước khác trong khu vực như Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào và Campuchia.

‘Ngoại giao vaccine’

Các nhà lãnh đạo Việt Nam gần đây đều ca ngợi thành tích chích ngừa COVID-19 này trước công chúng và gọi điều này là Việt Nam đã ‘đi sau mà về trước’.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương ngày 5/1, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo chí trong nước dẫn lại ca ngợi Việt Nam ‘đã thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay’.

Theo lời ông Trọng thì đó là nhờ ‘tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc ta được phát huy mạnh mẽ’ với ‘hàng vạn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng được huy động lên tuyến đầu chống dịch’.

Khi đợt dịch thứ 4 hết sức thảm khốc càn quét qua Việt Nam từ đầu tháng 5/2021, nước này chỉ mới có được vài trăm nghìn liều vaccine. Nhưng đến nay Việt Nam đã có trong tay trên 190 triệu liều, theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam.

Việt Nam đã thực thi một chiến lược ngoại giao vaccine mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo cao nhất cho đến thành lập một tổ chuyên trách về vaccine của Bộ Ngoại giao. Trong các chuyến viếng thăm, các cuộc tiếp xúc hay các cuộc điện đàm với nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tập đoàn, các lãnh đạo Việt Nam đều yêu cầu viện trợ, nhượng lại hay chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19.

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, trong tổng số trên 190 triệu liều vaccine các loại mà Việt Nam có được, ngoài 96 triệu liều là nước này đặt mua, trên 95 triệu liều còn lại là được nhiều nước viện trợ, trong đó có các nước viện trợ lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc, Đức, Ý, Pháp, Hàn Quốc... Riêng Mỹ cho đến nay đã viện trợ cho Việt Nam hơn 20 triệu liều và trở thành nước giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất về vaccine.

Hiện giờ, Việt Nam đang thực hiện tiêm tăng cường mũi thứ ba cho người trưởng thành và đồng thời cũng đã triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi, và hiện đạt gần 90% tỷ lệ phủ mũi một và 68% tỷ lệ phủ mũi hai ở nhóm tuổi này, cũng theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

‘Sự đồng lòng của người dân’

Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, chuyên gia tư vấn về điều trị cũng như về vaccine COVID-19, nói rằng khác với Mỹ, ở Việt Nam thành phần bài vaccine ‘chiếm tỷ lệ rất nhỏ’.

Theo lời ông thì ở Việt Nam có tỷ lệ lớn những người ‘lăn tăn’ về vaccine, tức là không biết nên chích hay không chích, nhưng ‘nhờ vào sức hút của những người ủng hộ chích ngừa trên mạng xã hội’ mà ‘người dân có niềm tin vào vaccine’.

“Tiếng nói ủng hộ vaccine mạnh hơn nhiều những tiếng nói bài vaccine,” ông cho biết theo quan sát của ông.

Trong khi ở Mỹ ‘đặt nặng tính dân chủ để người dân lựa chọn được chích hay không’ nên tỷ lệ tiêm không được cao, còn ở Việt Nam, người dân ‘rất sợ dịch bệnh, thành ra tỷ lệ đi tiêm cao như vậy’, bác sỹ Khanh nói thêm.

Do đó, khi chính phủ Việt Nam phát động chương trình quyên góp mua vaccine, họ đã nhận được sự đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau từ người dân cho đến các doanh nghiệp, ông cho biết, cộng với nỗ lực ‘ngoại giao vaccine’, Việt Nam ‘đã huy động đủ mọi cách để làm sao đưa vaccine đến cho người dân’ để có thể khống chế dịch bệnh và mở cửa nền kinh tế’.

Riêng về thách thức hậu cần trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất này, bác sỹ Khanh lưu ý: “Trước đó Việt Nam biết thế nào cũng cần phải chích ngừa nên đã đào tạo đội ngũ chích ngừa rộng rãi, thành ra khi huy động được nguồn vaccine ở nhiều hướng khác nhau thì chỉ cần tung ra đội ngũ chích ngừa thôi.”

“Việt Nam đã tổ chức tiêm chủng đến phường xã mấy chục năm nay rồi, đã đào tạo đội ngũ tiêm chủng là những ai, vận chuyển như thế nào, đội ngũ hậu cần đi theo làm sao đều đã được tổ chức hết rồi,” ông nói thêm.

Về gần một chục sự cố tử vong sau chích ngừa COVID-19 ở Việt Nam trong thời gian gần đây trong khi ở Mỹ không ghi nhận ca tử vong nào dù số lượng được chích ngừa lớn hơn, vị bác sỹ này giải thích là ‘ở Việt Nam, tất cả các sự cố về chích ngừa đều phải công bố, sau đó phải họp hội đồng chuyên môn để phân tích, tìm ra nguyên nhân’.

Mục đích của việc này, theo lời ông, là ‘để tạo niềm tin cho người dân vào việc chích ngừa’.

“Phân tích ra thì các ca tử vong chủ yếu là chích ngừa xong thì tình cờ bị nhiễm trùng máu, tình cờ bị nhồi máu cơ tim hay tử vong vì tai biến mạch máu não chứ không liên quan đến vaccine” ông giải thích. “Trong khi ở các nước khác nếu tử vong vì những nguyên nhân khác như vậy người ta sẽ không thông báo.”

Trở lại bình thường?

Mặc dù Việt Nam đã bao phủ được trên 90% mũi 2, theo số liệu của chính quyền Việt Nam công bố, bác sỹ Khanh cho rằng ‘vẫn chưa đủ để tạo ra miễn dịch cộng đồng an toàn’.

“Có nghĩa là số người mắc bệnh không tăng gánh nặng cho ngành y tế, và tùy theo số người nhiễm bệnh theo tiêu chí miễn dịch cộng đồng an toàn thì chúng ta sẽ mở cửa dần dần,” ông giải thích.

“Cho dù có chích ngừa bao nhiêu đi nữa thì cũng cần có thời gian mới có miễn dịch cộng đồng an toàn,” ông nói thêm, vì có những người đã có miễn dịch từ vaccine ‘nhưng vẫn có thể bệnh nặng và có thể tử vong’.

“Phải làm sao cho những người có nguy cơ đó đều được an toàn nếu chẳng may bị nhiễm bệnh,” ông cho biết.

Với số ca nhiễm mới mỗi ngày vào khoảng trên dưới 200 ca và số ca tử vong dưới 10 ca như hiện nay, bác sỹ Khanh cho rằng ‘thành phố Hồ Chí Minh đã có miễn dịch cộng đồng an toàn rồi’. Còn trên bình diện cả nước, ông dự báo, đến tháng 2 hay tháng 3 ‘sẽ bình thường lại dần dần’.

Khi đã có miễn dịch cộng đồng an toàn, theo lời ông, Việt Nam không cần siết chặt 5K như trước mà ‘chỉ cần đeo khẩu trang, rửa tay kháng khuẩn và không tụ tập nếu không cần thiết’.

Ông cũng dự đoán Việt Nam ‘không cần tiêm tiếp mũi 4 hay mũi 5 mới giải quyết được dịch, mũi 3 là đủ rồi’ vì ‘biến chủng Omicron sẽ trở thành gien đặc chủng như bệnh cảm lạnh mà thôi’.

Nếu trong tương lai phải tiêm lại vaccine hàng năm thì ông cho rằng ‘Việt Nam có thể tự chủ được’ vì ‘lúc đó COVID chỉ là bệnh đặc thù nên sẽ có nhiều nước sản xuất vaccine, nguồn cung dồi dào và Việt Nam cũng đã có nghiên cứu tự sản xuất vaccine.’


Nhờ đâu mà Việt Nam chích ngừa COVID-19 vượt Mỹ? (voatiengviet.com)

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten