maandag 17 januari 2022

Lạng Sơn khởi tố 2 cán bộ nhận hối lộ nhiều tỉ đồng để ‘làm luật’ cho xe tải

 

Lạng Sơn khởi tố 2 cán bộ nhận hối lộ nhiều tỉ đồng để ‘làm luật’ cho xe tải

Công an Lạng Sơn (VN) bắt ba người về tội nhận và đưa hối lộ, 14/1/2022.

Công an tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam mới đây loan báo họ khởi tố, bắt tạm giam 2 cán bộ chính quyền cấp huyện về tội nhận hối lộ, báo chí Việt Nam tường thuật hôm 14/1. Cũng liên quan đến vụ này, có 1 người nữa bị khởi tố và bắt tạm giam về tội đưa hối lộ.

Với vụ bắt giữ kể trên, công an Lạng Sơn nói họ triệt phá đường dây đưa và nhận hối lộ gắn với việc sắp xếp xe tải chở hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị.

Hai cán bộ bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ là Lâm Văn Hưởng, 38 tuổi, và Nông Tuấn Anh, 29 tuổi, đều là người của Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Người bị bắt vì đưa hối lộ là Đinh Văn Thìn, 43 tuổi, sinh sống ở tỉnh Lạng Sơn và làm công việc tự do.

Dẫn lại thông tin từ công an, các báo trong nước cho hay đây là kết quả của cuộc điều tra sau khi công an nhận được thông tin từ quần chúng nhân dân nói rằng một số cán bộ Việt Nam ở cửa khẩu nhận hối lộ từ 100 triệu đến 300 triệu đồng mỗi xe tải khi dàn xếp dành suất ưu tiên cho xe chở hàng sang Trung Quốc.

Như VOA đã đưa tin, trong hơn 1 tháng trở lại đây, các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị tắc nghẽn khi hàng chục nghìn xe tải ở bên phía Việt Nam đổ dồn về nhưng chỉ có thể làm thủ tục hải quan với số lượng nhỏ giọt một vài trăm xe hàng ngày.

Riêng tại Lạng Sơn, báo Nông Nghiệp Việt Nam tường thuật có lúc 5.000 xe tải phải chờ đợi và chỉ có 100 xe được thông quan/ngày.

Để được thông quan nhanh, các chủ hàng hoặc chủ xe phải đưa hối lộ cho các cán bộ, thông qua các tay môi giới, thường được gọi là “làm luật”. Nếu không làm như vậy, thời gian chờ đợi có thể kéo dài từ 10 đến 20 ngày, dẫn đến hàng hóa bị thối, hỏng vì phần lớn các xe tải đó chở hàng nông sản, hoa quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Một số người đưa ra ước tính rằng với 100 xe thông quan/ngày và trung bình mỗi xe phải “làm luật” với số tiền 150 triệu đồng, như vậy tổng số tiền các cán bộ và những tay môi giới thu về và chia chác với nhau lên đến 15 tỉ đồng.

Một bài tường thuật của VOV cho rằng tình trạng tiêu cực kể trên đã gây hoang mang, bức xúc cho nhiều chủ hàng đang có nông sản xếp hàng ở Lạng Sơn khi hoạt động thông quan hàng hóa không có sự bình đẳng, minh bạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín xuất nhập khẩu của địa phương này trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay.

So sánh tình hình hiện nay với trước đây, một phóng sự của báo Giao Thông cho biết chuyện “làm luật” vốn tồn tại ở các cửa khẩu bên phía Việt Nam từ lâu, nhưng mức “làm luật” trước thời đại dịch COVID-19 chỉ khoảng 500 ngàn đến 1 triệu đồng/xe, nay đã tăng lên hàng trăm lần.

Các cán bộ và những tay môi giới lợi dụng tình hình khó khăn để bắt chẹt và đẩy mức “làm luật” lên rất cao song các lái xe, chủ xe không còn cách nào khác là buộc phải chấp nhận, báo Giao Thông viết.

Bản tin của báo Tiền Phong hôm 14/1 cho biết vụ bê bối về “làm luật” tại cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn chưa dừng lại với việc khởi tố, bắt tạm giam 2 cán bộ và 1 người đưa hối lộ vì công an tỉnh nói họ đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tờ báo cũng trích dẫn bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, nói rằng: “Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn là phải làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, không trừ một ai và không có vùng cấm”.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten