dinsdag 25 januari 2022

Hoa Kỳ, Pháp chia buồn về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

 

Hoa Kỳ, Pháp chia buồn về sự ra đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Lễ nhập Kim Quan Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Tổ đình Từ Hiếu ở Huế hôm 23/1. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23/1 ra thông cáo chia buồn về sự ra đi của nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng của Việt Nam từng phải sống lưu vong hàng chục năm ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ quán Pháp hôm 23/1 chia buồn cùng người dân Việt Nam trước sự ra đi của Thiền sư và nhà lãnh đạo phật giáo nổi tiếng Thích Nhất Hạnh, người vừa viên tịch trước đó một ngày.

Trong một thông cáo báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng: “Thay mặt cho toàn thể người dân Mỹ, chúng tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, một nhà sư Phật giáo, một nhà hoạt động vì hoà bình, và là người sáng lập phong trào Phật giáo dấn thân cũng như Đạo Tràng Mai Thôn, một thiền viện tập trung vào chánh niệm.”

Trên trang nhà của mình, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cũng gửi lời tưởng niệm và 'chân thành chia buồn cùng gia quyến và hàng trăm nghìn người mà Thiền sư đã truyền cảm hứng'.

"Là một nhân vật lỗi lạc trong Phật giáo, một nhà hoạt động vì hòa bình danh tiếng, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có ảnh hưởng tâm linh trên khắp thế giới và đặc biệt là ở Pháp, nơi ông đã sống hơn 40 năm và viết nhiều sách về thiền. Tại đây, ông sáng lập Làng Mai ở miền Tây Nam nước Pháp, nơi đã trở thành trung tâm thiền và tu viện Phật giáo chính ở châu Âu," lời chia buồn của Đại sứ quán Pháp viết.

Đại sứ quán Pháp cho biết bản thân Đại sứ Pháp cũng đã có dịp hân hạnh chiêm nghiệm những tác phẩm thư pháp trên giấy gạo do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng tác trong một triển lãm được tổ chức tại Hà Nội năm ngoái.

Tang lễ của Thiền sư Nhất Hạnh bắt đầu được tổ chức hôm 23/1, diễn ra dưới hình thức ‘tâm tang’ trong 7 ngày – tức không có nghi lễ, không kèn trống, không vòng hoa và không trướng liễn – tại Tổ đình Từ Hiếu ở Huế, nơi ông bắt đầu tu hành từ năm 16 tuổi và trở về lần cuối cùng vào năm 2018 để sống tại đây cho tới khi viên tịch hôm 22/1. Thiền sư Nhất Hạnh, còn được gọi là “Sư ông Làng Mai” và từng bị cả hai chính quyền miền Bắc và miền Nam Việt Nam cấm về nước do các hoạt động phản chiến, thọ 95 tuổi.

This image contains sensitive content which some people may find offensive or disturbing.

Sự ra đi của ông được cộng đồng thế giới nhắc tới nhiều trong những ngày qua, với những lời tiếc thương và chia buồn từ những người có ảnh hưởng trên tiếng thế giới, như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, và các quan chức Mỹ.

Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn Ned Price gọi Thiền sư Nhất Hạnh là “một người thầy và nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng thế giới được yêu mến, người đã tiếp cận mọi người của mọi tín ngưỡng.”

“(Thiền sư) Thích Nhất Hạnh đã dành hơn 60 năm để ủng hộ tự do tôn giáo, nhân quyền, bất bạo động và tình yêu thương cho tất cả mọi người,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết. “Công việc để đời của ông đã mang về cho ông một đề cử Giải Nobel Hoà bình và nhiều giải thưởng khác.”

Thiền sư Nhất Hạnh được nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng Mỹ, Martin Luther King (MLK), đề cử cho giải Nobel Hoà Bình năm 1967 sau khi gặp mặt ông tại Mỹ một năm trước đó, trong thời gian vị thiền sư của Việt Nam đi kêu gọi cho hoà bình và chấm dứt thù hận ở Việt Nam trong lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam diễn ra ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, giải thưởng này không được Uỷ ban Nobel chọn trao vào năm đó.

Trung tâm Martin Luther King Junior hôm 23/1 viết rằng “chúng tôi tôn vinh cuộc đời và ảnh hưởng nhân bản, toàn cầu” của Thiền sư Nhất Hạnh cũng như gọi ông là “một đồng minh của Mục sư King.” Con gái MLK, bà Bernice King, cũng đưa ra lời tôn vinh tương tự khi đăng lại một tấm ảnh của cha bà với Thiền sư Nhất Hạnh tại cuộc họp báo ở Chicago, Mỹ, vào năm 1966

Ngoài việc là một nhà lãnh đạo Phật giáo trên thế giới, được xem là nổi danh chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma, Thiền sư Nhất Hạnh còn được biết đến là một nhà văn hoá, nhà thơ, học giả và thư pháp. Ông được biết đến với những bài diễn thuyết trước công chúng, được hàng chục nghìn người trên thế giới theo dõi. Trong thời gian sống lưu vong ở nước ngoài, ông đã thành lập các thiền viện ở Pháp, Mỹ, Đức, Úc, Hong Kong, và Thái Lan đồng thời là tác giả của hơn 120 cuốn sách bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Theo AFP, chính sự phản chiến mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh phải sống lưu vong ở Pháp gần 40 năm, và sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã giúp đỡ những đồng bào vượt biển tìm đường tị nạn. Hãng tin Pháp cho biết ông đã cứu được trên 800 thuyền nhân.

“Ông là một sự hiện diện nổi bật vượt xa cộng đồng tâm linh, và thế giới sẽ vô cùng nhớ tiếng nói đầy suy tư của (Thiền sư) Thích Nhất Hạnh. Khi suy ngẫm về cuộc đời của ông, chúng ta nhớ đến di sản lâu dài của ông và dấu ấn sâu sắc mà ông để lại cho nhân loại,” người phát ngôn BNG Mỹ nói trong thông cáo. “Chúng tôi hướng về những người dân Việt Nam, nơi ông sinh ra và qua đời, và cả những người trên khắp thế giới được truyền cảm hứng từ tinh thần nhẹ nhàng của ông.”

Anh Nguyễn Huỳnh Thuật, một người tham gia hoạt động bảo vệ môi trường ở Vườn quốc gia Cát Tiên từng gặp Thiền sư Nhất Hạnh ở Thiền viện Bát Nhã vào năm 2007, nói với VOA rằng anh đang tham gia tâm tang 7 ngày để tưởng nhớ đến vị Thiền sư mà anh nói là “đã phụng sự chúng sanh”.

“Trăn trở của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là làm mới đạo Bụt/đạo Phật để làm sao đưa đạo vào đời sống con người,” anh Thuật, người có báo cáo tham luận tại Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc năm 2008 về việc dùng giải pháp của phật giáo trong bảo vệ môi trường, cho biết. Anh Thuật nói rằng anh sẽ ứng dụng những lời dạy của Thầy Nhất Hạnh vào việc bảo vệ thiên nhiên bằng việc “giúp thiên nhiên tự chữa lành” như chính con người tự chữa lành cho bản thân bằng chánh niệm, điều mà Thiền sư Nhất Hạnh đã truyền bá đến cả phương Tây.

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten